Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  25
 Số lượt truy cập :  33263164
Khôi phục và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện nay
Thứ năm, 15-03-2018 | 09:41:32

Vũ Trọng Khải,

Chuyên gia độc lập về Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Nền nông nghiệp truyền thống vốn dĩ là nền nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản). Trải qua chiều dài lịch sử phát triển, dân số ngày một gia tăng, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người của nước ta lại vào loại thấp nhất thế giới, cộng với kỹ thuật sản xuất lạc hậu, nên nền nông nghiệp hữu cơ cho năng xuất thấp, tính trên 1 ha đất nông nghiệp và trên 1 người lao động nông nghiệp, đã không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người. Thừa hưởng những thành tựa khoa học của thế giới và trong nước về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất sử dụng hóa chất trong cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng, vật nuôi sử dụng máy móc và tưới tiêu nước bằng các công trình bằng thủy nông, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản đã trở thành một nền nông nghiệp hóa học hóa và cơ giới hóa một số khâu sản xuất, đã thay thế nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống.

 

Đặc biệt, việc sử dụng rộng rãi các giống cây trồng và vật nuôi mới, cho năng xuất cao, đòi hỏi trình độ thâm canh ngày càng cao, sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và kích thích tăng trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Mặt tích cực là nền nông nghiệp nước ta, về cơ bản đã đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Mặt tiêu cực là nền nông nghiệp nước ta hiện nay đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; Bởi vì khi chính quyền thừa nhận một số địa chỉ cung cấp nông sản an toàn, thì đồng thời, mặc nhiên thừa nhận những địa chỉ còn lại, chiếm tỉ trọng cao tuyệt đối, đang cung cấp nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho con người. Hơn nữa, nền nông nghiệp hóa học hóa đã đóng vai trò lớn trong việc làm biến đổi khí hậu toàn cầu theo hướng tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường sinh thái đến mức rất nghiêm trọng. Cả người sản xuất và tiêu dùng nông sản đang phải gánh chịu những tác hại nghiêm trọng do nền nông nghiệp hóa học hóa gây ra với những bệnh tật nguy hiểm, đặc biệt là bệnh ung thư. Mặt khác, do bình quân ruộng đất theo đầu người quá thấp (0,8 ha/nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long, 0,35 ha/nông hộ ở đồng bằng Bắc Bộ..), nên dù sản lượng nông nghiệp đã gia tăng, đủ đáp ứng về số lượng cho con người, nhưng doanh số và giá trị thu nhập tính trên 1 ha đất nông nghiệp và 1 người lao động quá thấp, không đủ nuôi sống người làm nông nghiệp.

 

Vì thế, trong những năm qua, nền nông nghiệp nước ta đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và quản lý để vừa đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhưng về cơ bản, hiện nay nền nông nghiệp nước ta vẫn lạc hậu, nông thôn vẫn nghèo, nông dân vẫn khổ so với thành thị và thị dân; Nông sản không đảm bảo an toàn tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chiếm tỉ trọng cao tuyệt đối trên thị trường và bữa ăn hàng ngày của người dân.

 

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

 

Để giải quyết vế đề nêu trên, hiện nay chúng ta đang tổ chức thực hành nông nghiệp tốt (GAP) theo tiêu chuẩn ViệtGAP hay GlobalGAP và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, dựa trên sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Nhưng dù có thực hiện phổ biến GlobalGAP, nền nông nghiệp vẫn đựơc phép sử dụng hóa chất theo những tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Việc ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp, chứ không chỉ ở những khu nông nghiệp công nghệ cao, từ cung ứng nguồn lực đầu vào đến canh tác, nuôi trồng, khai thác, mua, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản đến tay người dùng, đang là giải pháp hữu hiệu để phát triển nền nông nghiệp vừa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa cung cấp đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập của người lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với một số nước có mức bình quân đất nông nghiệp trên đầu người quá thấp như nước ta, việc gia tăng doanh số và thu nhập tính trên 1 ha đất nông nghiệp và 1 người lao động nông nghiệp phải là mục tiêu hiệu quả kinh tế quan trọng nhất, chứ không phải là hiệu quả kinh tế tính theo đồng vốn đầu tư như ở các nước có nhiều đất nông nghiệp. Một trong những giải pháp khả thi để có thể thực hiện mục tiêu này là khôi phục và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ đối với một số loại nông sản, ở một số vùng nông nghiệp sinh thái có lợi thế so sánh cao.

 

Hiện nay, nền nông nghiệp hữu cơ (hoàn toàn không sử dụng hóa chất) chỉ còn tồn tại ở các khu rừng nguyên sinh, trên trên các mãnh đất nông nghiệp sản xuất tự cấp, tự túc ở các vùng của cư dân thuộc các sắc tộc ít người, với kỹ thuật canh tác thô sơ.

 

Nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại phải được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn hẳn nền nông nghiệp GlobalGAP.

 

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG SẢN HỮU CƠ THEO VÙNG NÔNG NGHIỆP SINH THÁI

 

1.Trước hết phải kế đến loại nông sản làm thuốc. Đó có thể là lâm sản ở những khu rừng nguyên sinh, rừng thuộc khu bảo tồn đa dạng sinh học, vườn quốc gia Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Người ta có thể khoanh nuôi, bảo vệ để các loại lâm sản này có điều kiện phát triển tự nhiên như sâm Ngọc Linh (Kon Tum và Quảng Nam). Đó có thể là việc trồng hay nuôi các cây con làm thuốc, ở những vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, Trung bộ, như hươu lấy lộc nhung ở Hương Khê (Hà Tỉnh), cây Nghệ Vàng, Trinh Nữ Hoàng Cung ở Hưng yên và Bình Thuận …Cần lưu ý rằng, cây, con làm thuốc chỉ có giá trị dược tính khi được nuôi trồng hoàn toàn bằng kỹ thuật hữu cơ. Bất kỳ một loại hoá chất nào được sử dụng để nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi làm thuốc đều làm giảm, thậm chí làm mất hẳn dược tính của chúng.

 

Người ta có thể chế biến các loại cây, con làm thuốc theo các bài thuốc của y học cổ truyền, theo kinh nghiệm dân gian, nhất là ở các vùng cao, nơi cư ngụ của nhiều sắc tộc thiểu số, theo công nghệ hiện đại, để tạo ra các laọi thuốc trị bệnh và thực phẩm chức năng đạt hiệu quả cao về kinh tế và chữa bệnh, góp phần nâng cao rõ rệt mức sống của dân cư bản địa.

 

2.Thứ 2 là nuôi trồng các loại cây, con làm thực phẩm có gen bản địa, mang đậm giá trị đặc sản vùng miền như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà H’Mông, lợn Mường, heo rừng, Khoai sọ Lệ Phố (Lạng Sơn), Na Chi Lăng (Lạng Sơn), cải H’Mông, nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà (Hải Dương), gạo tám Xoan, Dự Hương, Di Hưởng, nếp cải Hoa Vàng (Nam Định), nếp Tú Lệ (Yên Bái)…và các loại rau, củ, quả khác, rau sắng (Chùa Hương), mướp hương…

 

3.Thứ  3 là các loại rau ăn lá, củ quả có nguồn gốc nhập nội, như rau cải, xu hào, bắp cải, su su, khoai tây, cà rốt, cà chua…Các loại rau này có thể trồng phổ biến ở vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên (chủ yếu là ở tỉnh Lâm Đồng). Loại rau, củ, quả này trồng theo kỹ thuật hữu cơ không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà chủ yếu hướng ra thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) và miền viễn đông của liên bang Nga, nơi có mùa đông băng tuyết kéo dài, rất không thuận lợi cho việc canh tác. Hơn nữa các vùng này lại có bình quân ruộng đất thấp nhất và đông dân nhất so với các vùng khác của cả nước, nên nhu cầu gia tăng doanh số và thu nhập trên 1 ha đất nông nghiệp và trên 1 người lao động nông nghiệp là hết sức cấp bách.

 

4.Thứ 4 là các loại cây, con khác có thể áp dụng kỹ thuật nuôi trồng hữu cơ khi có thị trường, nhất là thị trường xuất cảng sang các nước phát triển cao, như lúa Japonica trồng ở đồng bằng sông Cửu Long để xuất sang Nhật…

III. GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Về lộ trình, để nông dân thích ứng dần với kỹ thuật sản xuất hữu cơ, họ cần được trải qua quá trình sản xuất theo ViệtGAP, rồi tiến tới GlobalGAP và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản, trừ những vùng khoanh nuôi, bảo vệ để cây, con phát triển tự nhiên trong các rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, rừng phòng hộ, vốn đã là nền sản xuất hữu cơ tự nhiên và nuôi, trồng các cây, con làm thuốc nhất thiết không được sử dụng hóa chất, chỉ có thể áp dụng kỹ thuật sản xuất hữu cơ.

2. Chính sách vĩ mô của Chính Phủ

2.1 Phát triển sản phẩm nông nghiệp chiến lược theo vùng nông nghiệp sinh thái. Dựa vào kết quả nghiên cứu lợi thế so sánh, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sản xuất và nhu cầu thị trường, Chính phủ xác định sản phẩm nông sản chiến lược nói chung và nông sản được sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ nói riêng cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, trên phạm vi quốc gia. Đó chính là cơ sở để quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện liên kết vùng giữa các tỉnh trong mỗi vùng nông nghiệp sinh thái (các tỉnh tự nguyện liên kết vùng là việc làm ngược quy trình và không thể diễn ra trên thực tế).

 

2.2 Chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái phải biến nông dân thành thị dân một cách bền vững. Trên cơ sở đó, người nông dân, sau khi trở thành thị dân, mới có thể bán hay cho thuê lâu dài đất nông nghiệp của mình, tạo nguồn “cung” cho thị trường đất nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất, tạo lập các trang trại, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

 

Rất tiếc là, trên thực tế việc phát triển công nghiệp và đô thị trong thời gian qua chẳng những không biến nông dân thành thị dân, mà còn tạo ra áp lực cho người công nhân trong tư thế sẵn sàng trở về quê hương làm nông nghiệp khi có biến động, hay bị sa thải vì không còn đủ sức khỏe ở tuổi 35-40, chia lại phần công việc và ruộng đất vốn quá nhỏ bé. Bởi vì, hầu hết các ngành công nghiệp đều là ngành lắp ráp, gia công, hàm lượng  công nghệ và giá trị gia tăng thấp, dựa vào sức lao động cơ bắp, thời gia đào tạo nghề ngắn, giá nhân công rẻ. Do đó, thu nhập của người lao động thấp. Họ phải làm tăng ca để có đủ thu nhập trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu. Đến khi ở độ tuổi 35-40, sức khỏe không đủ đáp ứng nhu cầu công việc, nên họ bị sa thải. Tuy chưa già, nhưng họ không còn trẻ để chuyển đổi nghề nghiệp, đành trở về quê làm nông nghiệp. Các khu công nghiệp mới chỉ tạo được việc làm. Khu dân sinh với các tiện ích công cộng của đô thị văn minh không được đầu tư xây dựng cùng với khu công nghiệp. Nên người công nhân phải sống trong các khu nàh ổ chuột, không có nhà xã hội, không được cung cấp điện sinh hoạt, nước sạch, không có nhà trẻ, trường học, bệnh viện…như dân cư thành thị. Họ phải gửi con về quê cho ông bà nuôi dạy và để đi học “đúng tuyến”. Do vậy phát triển công nghiệp và đô thị trong thời gian qua đã không biến nông dân thành thị dân văn minh.

 

2.3 Chính sách đầu tư một đội ngũ “thanh nông tri điền”, nông dân chuyên nghiệp thay thế lớp nông dân “cha truyền con nối”, “lão nông” rồi mới “tri điền”. Chỉ có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản mới có đủ năng lực và kỹ năng ứng dụng công nghệ cao, thực hiện GAP, tạo dựng nền nông nghệip hữu cơ theo quy hoạch của Chính phủ. Chính họ sẽ là những người có nhu cầu tích tụ và tập trung ruộng đất theo cơ chế thị trường và có đủ năng lực quản lý các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo GlobalGAP và kỹ thuật sản xuất hữu cơ, thành lập và quản lý các hợp tác xã đích thực, có nhu cầu và năng lực liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

 

2.4 Chính sách đầu tư đào tạo đội ngũ chuyên gia kinh tế và kỹ thuật cho các hợp tác xã và doanh nghiệp với tư cách là “nhạc rưởng” của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

 

2.5 Chính sách tài chính – tín dụng khuyến khích trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học nghiên cứu và ứng dụng (RD) công nghệ cao trong sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ, ở mỗi chuỗi giá trị nông sản, từ cung ứng nguồn lực đầu vào đến canh tác, nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Ví dụ như: Chính sách tài trợ lãi xuất tín dụng, kinh phí khuyến nông, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đóng vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản hữu cơ; Tài trợ kinh phí chứng nhận nông sản hữu cơ trong 2-3 năm đầu cho các trang trại, hợp tác xã hay doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ…

 

2.6 Chính sách khuyến khích tích tụ và tập trung ruộng đất. Cần bỏ ngay chính sách nhà nước có quyến thu hồi và đền bù giá trị quyền sử dụng đất theo khung giá do chính quyền địa phương quy định. Thay vào đó là chính sách mua – bán quyền sử dụng đất với tư cách là quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường “thuận mua vừa bán”.

3. Quản lý vi mô

3.1 Trang trại: Khi đã có chính sách tạo nguồn cung và cầu như nêu ở phần trên, các nông dân chuyên nghiệp mới tạo dựng được các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đủ khả năng ứng dụng công nghệ cao, thực hiện Global GAP, kỹ thuật sản xuất hữu cơ. Cần lưu ý là, dù khả năng tích tụ ruộng đất có cao đến mức nào, các trang trại gia đình chủ yếu sử dụng sức lao động của mỗi nông hộ, vẫn là lực lượng sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu. Bởi vì, đối tượng sản xuất nông nghiệp là sinh vật, cây và con, cần thực hiện nghiêm ngặt phương châm “nhất thì, nhì thục”. Điều đó chỉ có trang trại gia đình, mà thường gọi là kinh tế nông hộ (Farm household) mới có thể thực hiện được.

 

3.2 Doanh nghiệp: Mặt khác, khi đã có thị trường đất đai, các doanh nghiệp có thể mua hay thuê lâu dài ruộng đất của những nông dân đã trở thành thị dân để xây dựng lại đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật sản xuất hữu cơ, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Nhưng đối với khâu sản xuất mang tính sinh học, các doanh nghiệp “khoán hộ” là tái lập trang trại gia đình trong chuỗi giá trị ngành hàng do doanh nghiệp quản lý, theo hình thức trang trại gia đình dự phần (affliated farmhousehold).

 

Với tư cách “nhạc trưởng” của chuỗi liên kết theo giá trị ngành hàng, doanh nghiệp phải và có thể giải quyết 3 vấn đề mà nhà nông không giải quyết được là: (i) Thị trường và thương hiệu, (ii) Ứng dụng công nghệ cao, (iii) Vốn sản xuất – kinh doanh. Doanh nghiệp chế biến có thể trực tiếp hay liên kết với các doanh nghiệp khác và ngân hàng thương mại trong việc cung ứng đầu vào cho các trang trại, trước hết là giống tốt theo yêu cầu của thị trường, các loại vật tư, máy móc nông nghiệp bảo đảm chất lượng, dịch vụ khuyến nông để thực hiện kỹ thuật sản xuất hữu cơ, vốn tín dụng; đồng thơi doanh nghiệp thực hiện chế biến, bảo quản phân phối, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước bằng công nghệ cao, có khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu; chủ động cùng với nhà nông xây dựng cơ chế phân chia lợi ích giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị. Giá bán nông sản của nhà nông cho doanh nghiệp phản ánh sự phân chia hợp lý lợi ích và rủi ro giữa nhà nông và doanh nghiệp theo nguyên tắc ”các bên cùng thắng”.

 

3.3 Hợp tác xã đích thực trước hết phải do những chủ trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn thành lập và quản lý để giúp các trang trại có được dịch vụ tốt ở cả đầu vào – đầu ra, làm cầu nối liên kết giữa các nhà nông và nhà doanh nghiệp, đảm bảo rằng tất cả chủ trang trại thành viên của hợp tác xã chấp hành kỹ thuật sản xuất hữu cơ và thực thi hợp đồng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp một cách đầy đủ, nghiêm túc.

 

Như vậy, để có một nền nông nghiệp công nghệ cao, thực hành GlobalGAP hay kỹ thuật sản xuất hữu cơ, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, kiên trì làm thay đổi tư duy và hành vi của công chức hoạch định chính sách phát triển, của nhà nông, nhà doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

 


Kỷ yếu Diễn đàn Quốc gia "Phát triển nông nghiệp hữu cơ" lần thứ I - 2017.

Trở lại      In      Số lần xem: 2097

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • TCVN Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ( Thứ năm, 15/03/2018 )
  • TCVN Trồng trọt hữu cơ ( Thứ năm, 15/03/2018 )
  • TCVN Chăn nuôi hữu cơ ( Thứ năm, 15/03/2018 )
  • Cây cam quýt được sản xuất hữu cơ như thế nào? ( Thứ năm, 15/03/2018 )
  • Măng tây hữu cơ được sản xuất như thế nào? ( Thứ năm, 15/03/2018 )
  • Thực trạng và giáp pháp phát triển phân bón hữu cơ ( Thứ tư, 04/04/2018 )
  • Quá trình phát triển của nông nghiệp hữu cơ ( Thứ sáu, 22/06/2018 )
  • Xoài hữu cơ được sản xuất như thế nào? ( Thứ năm, 03/01/2019 )
  • Cây tiêu (Piper nigrum L.) hữu cơ được sản xuất như thế nào? ( Thứ hai, 11/02/2019 )
  • Sản xuất thịt hữu cơ ( Thứ sáu, 22/02/2019 )
  • Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ( Thứ ba, 13/08/2019 )
  • Nông nghiệp hữu cơ: hiện trạng và giải pháp nghiên cứu-phát triển ( Thứ ba, 22/02/2022 )
  • Nông nghiệp hữu cơ hay hữu cơ hóa nông nghiệp ( Thứ ba, 22/02/2022 )
  • Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới – chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam ( Thứ ba, 22/02/2022 )
  • XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ SẢN XUẤT NÔNG SẢN SẠCH TẠI VIỆT NAM ( Thứ ba, 22/02/2022 )
  • Hiện trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Châu Á ( Thứ năm, 05/05/2022 )
  • Tiềm Năng Hữu Cơ Trong Nông Nghiệp và Thực Phẩm ( Thứ năm, 05/05/2022 )
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD