Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  18
 Số lượt truy cập :  34457002
Tình hình sản xuất, tiêu thụ đậu nành tại Việt Nam
Thứ tư, 24-10-2018 | 10:59:24

Sản xuất

 

Ở Việt Nam, cây đậu nành là cây thực phẩm có truyền thống lâu đời, quan trọng, cung cấp protein chủ yếu cho con người, là thành phần không thể thiếu của bữa ăn truyền thống và hiện đại. Trước những năm 80 của thế kỷ trước, năng suất đậu nành của Việt Nam còn thấp do bộ giống cũ và kỹ thuật sản xuất canh tác lạc hậu.

 

Nhìn chung, diện tích đậu nành Việt Nam không ổn định, sản xuất đậu nành nội địa mới chỉ đủ cung cấp cho khoảng 8–10 % nhu cầu, đến năm 2017, diện tích trồng đậu nành trên cả nước đạt khoảng 100 ngàn ha, năng suất khoảng 1,57 tấn/ha, sản lượng đạt 157 ngàn tấn. Dự kiến năm 2018 diện tích đậu tương cả nước đạt 105 ngàn ha, năng suất trung bình 1,6 tấn/ha, sản lượng đạt 168 ngàn tấn (Bảng 1).

 

Bảng 1. Diện tích, năng suất và sản lượng đậu nành Việt Nam từ 2008–2018

Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Theo Cục Chăn nuôi (2007), lượng đậu nành nhập khẩu hàng năm đã vào khoảng 2,8 triệu tấn quy hạt (0,2 triệu tấn hạt, 2,2 triệu tấn khô dầu với giá 400–500 USD/tấn với kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 60–70% so với năm trước), dự kiến tới năm 2015-2020, Việt Nam thiếu hụt tới 3,5–4,0 triệu tấn/năm trở thành một nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2,0–2,5 USD/năm, hơn cả kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay.

 

Với lợi thế thị trường tại chỗ giảm được cước phí vận chuyển, lưu thông, chất lượng hạt tươi mới, thích hợp chế biến thức ăn cho người, đậu nành Việt Nam sẽ cạnh tranh được với đậu nành ngoại nhập, cạnh tranh với các cây trồng khác về mặt thu nhập như lúa, ngô.

 

Để phát triển cây đậu nành, vấn đề chủ yếu là phải phấn đấu giảm giá thành trên cơ sở tăng năng suất từ 15 tạ/ha hiện nay lên ít nhất trên 18 tạ/ha, trên cơ sở giảm được giá thành, tăng diện tích để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đậu nành của Việt Nam, tiến tới giảm nhập khẩu, cơ cấu chủ yếu là đậu nành trồng trên đất màu luân canh với 1 triệu ha ngô, đậu nành đất ướt luân canh với lúa trên 3,7 triệu ha đất lúa của các vùng sinh thái hiện nay. Việt Nam có điều kiện diện tích để phát triển cây đậu nành, song cần có giống chịu hạn, năng suất cao, ổn định, chống chịu các điều kiện bất lợi khác tốt.

 

Mặc dù sản xuất đậu nành ở trong nước không bị cạnh tranh, kế hoạch của chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển sản xuất cây có dầu với mục tiêu đưa diện tích lên 350.000 ha và sản lượng đạt 700.000 tấn vào năm 2020. Kế hoạch này tập trung phát triển ở đồng bằng sông Hồng, vùng đồi núi ở phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên kế hoạch này đang gặp khó khăn do chi phí đầu tư cao, năng suất thấp và tốc độ mở rộng diện tích chậm. Theo các nhà máy chế biến đậu nành, giá đậu nành trong nước 16.000-17.000 đồng/kg (0,77-0,82 USD/kg), cao hơn so với đậu nành nhập khẩu, chỉ từ 14,600- 15,000 đồng/kg ($0.70-$0.71). Đây là trở ngại chính của phát triển sản xuất đậu nành trong tương lai.

 

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang ban hành qui định khung (regulatory framework) đánh giá và xét duyệt các giống cây trồng chuyển gene và sử dụng chúng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Bộ cũng đang xây dựng qui trình (Circular on the Procedure) chứng nhận an toàn sinh học cho các sản phẩm chuyển gene. Qui trình này sẽ là khung pháp lý cơ bản để hợp thức hóa các giống cây trồng chuyển gene đã qua khảo nghiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT như bông vải, bắp, đậu nành. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng xây dựng các thông tư hướng dẫn xét duyệt các sản phẩm chuyển gene (Circulars on the approval of GMO) được phép sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

 

Sản xuất đậu nành Việt Nam tiếp tục không đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (TACN) và thức ăn thủy sản, công nghiệp ép dầu. Mặc dù không bị cạnh tranh bởi điều kiện tự nhiên, kế hoạch của chính phủ Việt Nam dành ưu tiên phát triển trồng đậu nành lên đến 350.000 ha với sản lượng 700.000 tấn vào năm 2020. Nhưng kế hoạch này đang gặp khó khăn do chi phí sản xuất cao, năng suất thấp và quỹ đất nông nghiệp không còn.

Bất cập giữa nhu cầu và sản xuất đậu nành

Đậu nành là cây công nghiệp ngắn ngày có thị trường lớn, công suất chế biến cao, chất lượng giống trong nước được nhìn nhận hơn hẳn các nước. Vậy nhưng diện tích lại bị sụt giảm, phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế  biến.

Nhu cầu tăng 53%

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc, Thái Lan về lượng tiêu thụ sữa đậu nành với khoảng 613 triệu lít/năm và thứ 7 thế giới tính theo bình quân đầu người với 6,8 lít/người/năm (nguồn AC Nielsen Việt Nam). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đậu nành là một trong 4 loại cây trồng chủ lực, nhưng điều bất cập là diện tích gieo trồng ngày càng giảm.

 

Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên” tổ chức tại tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy (sản phẩm chiếm 83% thị phần), cho biết hầu hết đậu nành trồng trong nước được chế biến thành nhiều loại thực phẩm đa dạng, từ truyền thống đến hiện đại. Đó là nhờ giống trong nước có độ “tươi” hơn sản phẩm nhập khẩu, do không mất nhiều thời gian vận chuyển đến nhà máy. Trong chế biến, hạt đậu còn tươi sẽ cho sản phẩm thơm ngon, chất lượng cao nhất. Nhưng điều quan trọng hơn, do đặc tính nổi trội của giống đậu nành Việt Nam nên khi làm ra sản phẩm vẫn giữ được mùi thơm, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nội địa. Vì vậy, bên cạnh thương hiệu Vinasoy đã khẳng định thì Vinamilk và mới đây là Nutifood cùng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng bắt đầu chế biến loại nước uống mà các nhà khoa học thế giới gọi là thực phẩm vàng thế kỷ 21. Mười ba nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Anh, Úc… đã khuyến nghị sử dụng đậu nành vào chương trình lương thực quốc gia.

 

Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sữa đậu nành dẫn đến nhu cầu về nguyên liệu đậu nành tăng lên rất nhanh; chỉ riêng sữa đậu nành, từ 400 triệu lít/năm 2010 lên 613 triệu lít/năm 2014, tăng 53%. Nhưng theo Cục Trồng trọt, giống lại là khâu yếu nhất, năng suất cây đậu nành chỉ khoảng 1,4 tấn/ha/vụ, trong khi thế giới ở ngưỡng 3 tấn/ha/vụ. Mặc dù các cơ quan nghiên cứu đã chọn lọc và lai tạo được một số giống có năng suất trên 2 tấn/ha, thậm chí đạt 3 tấn/ha nhưng khi trồng trên diện rộng lại không cho kết quả như mong muốn.

Nhập khẩu 93% lượng đậu nành

Sản xuất đậu nành trong nước mới đáp ứng khoảng 7% nhu cầu nội địa, chủ yếu để chế biến làm sữa đậu nành và các loại thực phẩm khác, còn lại 93% là nhập khẩu, đa phần để chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong 9 tháng đầu năm 2015, cả nước  nhập 1,2 triệu tấn đậu nành, bằng cả năm 2014. Trên thực tế, cây đậu nành không còn được bà con nông dân mặn mà vì năng suất ngày càng sụt giảm, đầu ra không ổn định, giá bán lại không cao so với các cây công nghiệp khác nên hiệu quả kinh tế thấp. Diện tích trồng đậu nành cả nước liên tục giảm mạnh, theo số liệu thống kê, năm 2014 là 111.200 ha (giảm 6.000 ha so với năm trước), năng suất 1,43 tấn/ha (giảm 0,1 tấn/ha), sản lượng 160.000 tấn, giảm 4,6%. Là người có kinh nghiệm trồng đậu nành nhiều năm ở vùng đất Tây Nguyên, bà Vũ Thị Hồng Hạnh (ở xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, không chỉ riêng bà mà nhiều hộ dân ở đây đều muốn bỏ trồng cây đậu nành, chuyển sang các loại cây trồng khác kinh tế hơn. So với các loại cây trồng công nghiệp có giá trị khác như cà phê, hồ tiêu, hay cây sắn, bắp lai …, cây đậu nành ít có khả năng cạnh tranh. Tây Nguyên là khu vực có thổ nhưỡng thích hợp trồng đậu nành và chất lượng hợp với khẩu vị người tiêu dùng, năng suất vào loại cao so với cả nước với 1,8 tấn/ha, vậy nhưng tại khu vực này, chủ yếu là 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, diện tích trồng và sản lượng giảm rất mạnh. Cái khó của đậu nành trong nước là giá bán cao hơn giá nhập khẩu (khoảng 18.000–20.000 đồng/kg so với 15.000 đồng/kg), mặt khác, so sánh với nhiều loại cây trồng khác thì đậu nành lại không cạnh tranh được vì giá thành quá cao, trên 16.600 đồng/kg.

 

Với đậu nành, nhiều nhà khoa học và quản lý cho rằng Việt Nam không có lợi thế, nhưng trong thế dựa “chân tường”, buộc phải có nguyên liệu trong nước để đáp ứng khẩu vị người tiêu dùng, đậu nành vẫn có tiềm năng phát triển.

 

Sản lượng đậu nành của Việt Nam trong 6 tháng đầu vụ Mùa 2016-2017 ước tính đạt 69,6 nghìn tấn trên diện tích canh tác khoảng 44.900ha. Sản lượng này tăng 18% so với cùng kỳ năm trước do năng suất tăng, mặc dù diện tích canh tác giảm 5,3%. Do đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn duy trì dự báo trước đây về sản lượng đậu nành của Việt Nam vụ mùa 2016-2017 đạt 157 nghìn tấn trên diện tích canh tác 100.000ha và vụ mùa 2017-2018 đạt 168 nghìn tấn trên diện tích dự kiến ​​105.000 ha.

 

Nhìn chung, quy mô sản xuất đậu nành vẫn còn rất nhỏ so với các loại cây trồng khác và thấp hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, cũng như so với mục tiêu đến năm 2020 của Chính phủ Việt Nam được trình bày trong "Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2016–2020" là 265 nghìn tấn đậu nành trên diện tích canh tác 166 nghìn ha. Báo cáo ước tính sự thiếu tăng trưởng này do năng suất thấp, các vùng trồng không mở rộng và khả năng cạnh tranh kém với các loại cây trồng khác khiến người nông dân không mặn mà.

 

Theo Tổng cục Hải quan (GCO), trong 8 tháng đầu vụ Mùa 2016-2017, Việt Nam đã nhập khẩu 919 nghìn tấn đậu nành trị giá 392 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (Bảng 2).

 

Bảng 2. Nhập khẩu Đậu nành theo tháng giai đoạn 2014-2017

Nguồn: Số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan (GCO).

 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay đổi dự báo về nhập khẩu đậu nành của Việt Nam trong vụ mùa 2015-2016 từ 1,6 triệu tấn xuống còn 1,584 triệu tấn do số liệu nhập khẩu thay đổi (từ GTA), với 53,4% nhập khẩu từ Mỹ (so với 39% của năm trước), 20,8% từ Braxin và số còn lại từ Canađa, Achentina, Paraguay, Uzbekistan, Campuchia, Philíppin và các nước khác (Bảng 3).

 

Bảng 3. Nhập khẩu đậu nành theo nước

Nguồn: GSO, GCO, số liệu của BICO, Global Trade Atlas (GTA); các nhà nhập khẩu trong nước

 

USDA cũng điều chỉnh dự báo trước đây đối với nhập khẩu đậu nành trong vụ mùa 2016-2017 xuống còn 1,65 triệu tấn do một số yếu tố, bao gồm: (1) Các nhà máy chế biến chính ở miền Bắc giảm nhu cầu; (2) Sản xuất và tiêu dùng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam suy giảm do giá thịt lợn giảm và xuất khẩu lợn sống sang Trung Quốc sụt giảm; và (3) Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giảm số lượng đàn lợn trong năm 2017.

 

Tuy nhiên, USDA cũng dự báo nhu cầu của ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản đối với đồ ăn có đậu nành tươi giàu chất béo (FFSBM) ngày càng gia tăng, hoạt động của các nhà máy chế biến tại Việt Nam sẽ tăng nhẹ và nhu cầu của ngành chế biến thực phẩm sẽ tăng trong những năm tới. USDA giữ nguyên ước tính nhập khẩu vụ mùa 2017-2018 sẽ đạt 1,75 triệu tấn do một nhà máy chế biến mới ở miền Bắc dự kiến sẽ đi vào hoạt động. Bất kỳ sự gia tăng nào về công suất chế biến hoặc việc mở rộng các nhà máy hiện có hoặc xây dựng mới đều làm gia tăng mạnh nhập khẩu đậu nành.

Tiêu thụ

Đậu nành sản xuất trong nước và nhập khẩu sử dụng cho người và chăn nuôi. Đậu nành sản xuất trong nước dùng để chế biến nhiều loại thực phẩm như tàu hũ, sữa đậu nành, sữa bột đậu nành, một ít dùng để sản xuất nước tương, tương, chao ... Đậu nành trong nước hiếm khi sử dụng để làm TACN. Đậu nành nhập khẩu sử dụng cho 2 nhà máy ép dầu đậu nành đưa vào hoạt động năm 2011. Trong tổng số đậu nành hạt nhập khẩu, 80% sử dụng cho ép dầu, 5% để sản xuất thức ăn chăn nuôi, và 15% làm thực phẩm cho người.

 

Nhu cầu về lượng protein (bao gồm đậu nành hạt và bã đậu nành) cho ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi và thủy sản tăng mạnh trong thời gian gần đây. Sản xuất TACN tăng 10,2% năm 2012 so với năm trước đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT ước tính sản lượng TACN đạt 14 triệu tấn để sản xuất 4,7 triệu tấn thịt năm 2013. Nguồn protein từ đậu nành chiếm tỷ lệ lớn trong thành phần TACN. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng dầu thực vật, trong đó có dầu đậu nành ngày càng tăng. Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu dầu đậu nành, nhưng nhu cầu dầu đậu nành trong thời gian tới không tăng mạnh bằng bã đậu nành.

 

Hiện nay, Việt Nam hiện có 2 nhà máy ép dầu đậu nành Bunge và Quang Minh. Quang Minh có khả năng ép 4.000 tấn/ngày. Năm 2012, Công ty Bunge Việt Nam ép 900.000 tấn đậu nành nhập từ Mỹ, Argentina và Brazil, sản xuất 650.000 tấn bã đậu nành và 180.000 tấn dầu đậu nành đưa ra thị trường. Công ty Bunge đang có kế hoạch nâng công suất lên 1 triệu tấn đậu nành vào năm 2013.  Năm 2012, Công ty Qung Minh sử dụng khoảng 140.000 tấn đậu nành chủ yếu nhập từ Mỹ, Canada, Argentina và Paraguay. Quang Minh đang có kế hoạch nhập 250.000 tấn đậu nành ép dầu năm 2013. Dựa trên các số liệu nêu trên, niên vụ 2011-2012 lượng đậu nành ép dầu đạt 1,04 triệu tấn và niên vụ 2012-2013 đạt 1,23 triệu tấn. Dự báo niên vụ 2013-2014 ép đậu nành đạt 1,3 triệu tấn dựa vào năng lực của các nhà máy.

 

Tiêu thụ thực phẩm đậu nành tiếp tục tăng trưởng mỗi năm 6%, niên vụ 2012-2013 và 2013-2014 đạt lần lượt 340.000 tấn và 360.000 tấn.

Nhập khẩu

Năm 2012, Việt Nam nhập 1,29 triệu tấn đậu nành tăng 26% so với năm 2011 do nhu cầu về thực phẩm và TACN tăng. Trong năm 2012, ước lượng 45% đậu nành nhập từ Brazil; 36% từ Mỹ, 9,5% từ Canada, còn lại từ Argentina, Uruguay, Trung Quốc và các nước khác (bảng 4). Đậu nành Việt Nam nhập từ Mỹ đã đạt mức kỷ lục 46.000 tấn, gấp đôi so với năm 2011. Số ngoại tệ chi cho nhập khẩu đậu nành năm 2012 lên đến 776 triệu USD, tăng 41 % so với 2011 do giá đậu nành trên thế giới tăng. Hiện đậu nành hưởng thuế suất bằng không, do đó dự báo niên vụ 2012-2013 nhập khẩu đậu nành có thể lên đến 1,45 triệu tấn, dựa trên nhu cầu của 2 nhà máy ép dầu đậu nành và chế biến thực phẩm. Niên vụ 2013-2014 nhập đậu nành ước đạt 1,55 triệu tấn.

 

Bảng 4. Nhập khẩu đậu nành của Việt Nam từ các nước từ 2010–2012

Source: GSO, Global Trade Atlas (GTA), BICO data, Post adjusted statistics

Giá cả

Việt Nam nhập đậu nành năm 2012 với giá bình quân là 606 USD/tấn, tăng 13% so với năm 2011 (537 USD/ tấn). Các doanh nghiệp Việt Nam dự báo giá đậu nành nhập khẩu vẫn còn tiếp tục tăng mạnh năm 2013 do nhu cầu đậu nành thế giới tăng, giá dầu cao ảnh hưởng đến cước vận chuyển, sản lượng đậu nành thế giới niên vụ 2012-2013 giảm, đặc biệt ở Argentina. Giá đậu nành nhập tại cảng Hải Phòng tháng 3 và tháng 4/2013 lần lượt là 650 và 630 USD/tấn.

Đồ thị giá khô đậu tương bán tại cảng miền Bắc và miền Nam (đồng/kg)

Nguồn: AgroMonitor

KHÔ ĐẬU TƯƠNG

Diễn biến giá cả

Mặc dù giá thế giới tiếp tục xu hướng tăng nhưng do nhu cầu tiêu thụ yếu nên giá khô đậu tương nội địa lại điều chỉnh giảm trong tháng 4. Trung bình tháng 4, giá khô đậu tương giao dịch tại cảng Vũng Tàu giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước, xuống mức 10.571 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá khô đậu tương thậm chí còn giảm mạnh hơn, khi giảm tới hơn 1,7% so với tháng trước, xuống mức 10.400 đồng/kg.

 

Miền Bắc, sản lượng thức ăn thành phẩm của các nhà máy giảm mạnh, nhiều nhà máy giảm tới hơn 50%, một số nhà máy còn phải đóng cửa tại một số khu vực. Nhiều nhà máy tồn kho khô đậu tương từ 2-3 tháng, thậm chí hơn do đó nhu cầu khô đậu tương của nhà máy gần như không có.

 

Hình 6. Đồ thị giá khô đậu tương chào bán tại cảng miền Bắc và miền Nam 2016-4/2018 (đồng/kg)

Nguồn: AgroMonitor

 

Cũng giống như bắp, giá của các lô hàng khô đậu nành nhập khẩu về Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng khiến cho chênh lệch giữa giá nhập khẩu thực tế và giá bán tại cảng bị thu hẹp dần. Tháng 4, mức chênh lệch tại cảng Cái Lân là 913 đồng/kg còn tại cảng Vũng Tàu là 1.084 đồng/kg, giảm hơn 500 đồng/kg so với tháng trước. 

 

Hình 7. So sánh giá khô đậu tương nhập khẩu thực tế của DNTM và giá giao dịch tại cảng miền Bắc, 2016-4/2018 (đồng/kg).

Nguồn: AgroMonitor tổng hợp

 

Hình 8. So sánh giá khô đậu tương nhập khẩu thực tế của DNTM và giá giao dịch tại cảng miền Nam, 2016-4/2018 (đồng/kg).

Nguồn: AgroMonitor tổng hợp

Triển vọng

Hiện tồn kho khô đậu tương của các nhà máy rất nhiều, tập trung vào các nhà máy lớn, nhập khẩu trực tiếp, nhiều nhà máy tồn kho tới hơn 3 tháng, do đó nhu cầu mua khô đậu tương của các nhà máy sẽ vẫn yếu ít nhất cho hết quý 2.

 

Giá heo đã tăng tương đối trong hơn một tháng qua, tính đến đầu tháng 5 giá heo hơi tại cả miền Nam và miền Bắc lên cao nhất 43.000 đồng/kg do nguồn cung heo to không có nhiều. Tâm lý của người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn bởi lo sợ giá heo sẽ giảm trở lại. Vì vậy mà nhu cầu tiêu thụ cám công nghiệp vẫn chưa tăng được nhiều. Các nhà máy và thương mại đều rất e ngại nên không dám ký mua hàng nhập khẩu.

 

Tháng 5, dự kiến nhập khẩu khô đậu tương của Việt Nam đạt 350 nghìn tấn, lượng hàng về vẫn khá nhiều, tuy nhiên do năm nay tồn kho khô đậu tương của các DNTM không nhiều nên giá dễ biến động theo biến động của giá thế giới.

 

Bảng 5. Thông tin hàng tàu khô đậu tương dự kiến cập cảng Việt Nam trong tháng 5/2018

Nguồn: AgroMonitor

Thương mại

Bảng 6. Lượng nhập khẩu khô đậu tương từ 01/2017 đến 4/2018 (tấn).

Nguồn: AgroMonitor

 

Bảng 7. Tỷ trọng nhập khẩu khô đậu tương theo doanh nghiệp về cảng miền Bắc trong tháng 4/2018

Nguồn: AgroMonitor tổng hợp

 

Hình 9. Nhập khẩu khô đậu tương theo doanh nghiệp về cảng miền Bắc trong tháng 4/2018, so sánh với tháng trước và cùng kỳ năm trước (tấn).

Nguồn: AgroMonitor tổng hợp

 

Bảng 8. Tỷ trọng nhập khẩu khô đậu tương theo doanh nghiệp về cảng miền Nam trong tháng 4/2018

Nguồn: AgroMonitor tổng hợp

 

Hình 10. Nhập khẩu khô đậu tương theo doanh nghiệp về cảng miền Nam trong tháng 4/2018, so sánh với tháng trước và cùng kỳ năm trước (tấn)

Đạm đậu nành và xu hướng tăng trưởng giai đoạn 2016-2020

Dự đoán sản lượng tiêu thụ đạm đậu nành sẽ đạt mốc 10,12 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,3% (Theo số liệu của công ty Research và Markets).

 

Đạm đậu nành là đạm có chất lượng cao nhất. Theo hướng dẫn về phương pháp đánh giá chất lượng đạm bởi tổ chức Y tế thế giới - WHO trên người lớn và trẻ em, đạm đậu nành đạt chất lượng là 1,0 điểm PDCAAS (PDCAAS là tiêu chuẩn đo lường chất lượng đạm) -  mức cao nhất có thể của chỉ số này, ngang bằng với đạm từ trứng và sữa, và thậm chí còn cao hơn đạm từ thịt bò (có điểm PDCAAS là 0,92).

 

Không chỉ được khẳng định ở chất lượng sánh ngang với đạm động vật, sử dụng 25g đạm đậu nành trong 1 chế độ ăn lành mạnh ít chất béo bão hòa còn được tổ chức FDA (tổ chức quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ) khuyến khích để phòng ngừa tốt các bệnh tim mạch. Đây là một khuyến cáo chỉ với riêng loại đạm đậu nành mà không hề có với các nguồn đạm khác.

 

Ngoài nguồn đạm dồi dào và chất lượng cao, đậu nành hay thực phẩm từ đậu nành còn chứa các chứa béo có lợi như omega 3, omega 6, giàu chất xơ, hoạt chất isoflavones, canxi, kẽm, magie, vitamin E, các loại vitamin B…

 

Mới đây, ngày 18/02/2016, một thông cáo báo chí của công ty SBWire về xu hướng tiêu thụ đạm đậu nành trong tương lai vừa được công bố tại thành phố Albany, New York. Báo cáo đề cập đến những tiêu chí được xác định để phân khúc thị trường, cùng con số ước tính về mức độ tiêu thụ và doanh thu dự đoán của thị trường đạm đậu nành trong tương lai, ở quy mô toàn cầu.

 

Báo cáo nêu ra chủng loại và công dụng là hai tiêu chí được dùng lựa chọn để chia nhỏ thị trường cũng như xác định xu hướng sử dụng đạm đậu nành trong tương lai.

 

Theo đó, doanh thu được dự đoán cho việc tiêu thụ đạm đậu nành sẽ đạt mốc 10,12 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,3% (Theo số liệu của công ty Research và Markets). Ở mức độ tiêu thụ này, chuyên gia nhận định mức độ tăng trưởng của thị trường đạm đậu nành là rất đáng kể.

 

Từ những thay đổi trong cách chăm sóc sức khỏe, cùng những phân tích được nêu trên, dễ dàng nhìn ra rằng những sản phẩm có chứa hoặc được chế biến từ đạm đậu nành sẽ được sử dụng phổ biến và trở thành như một phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Đậu nành không chỉ là nguồn cung cấp đạm thực vật chất lượng cao để cơ thể hình thành cơ bắp chắc khỏe, tạo ra các kháng thể chống lại bệnh tật, phòng ngừa bệnh tim mạch, mà còn bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất thiết yếu cho nhiều hoạt động khác.

 

*Lượng đạm chất lượng cao cần thiết mỗi ngày để đảm bảo cơ thể hoạt động tốt:

 

- Phụ nữ 19-70+ tuổi: 46 gram

 

- Nam giới 19-70+ tuổi: 56 gram

 

Tuy nhiên với người lớn tuổi, cần nạp vào cơ thể lượng protein nhiều hơn so với những người trẻ. Chuyên gia khuyên họ dùng từ 25-30 gram đạm có chất lượng cao trong mỗi bữa ăn để duy trì được khối lượng cơ bắp.

Trở lại      In      Số lần xem: 30455

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Gen sinh tổng hợp Aflatoxin trong hạt điều ( Thứ hai, 09/05/2016 )
  • Đa dạng di truyền xét trên trình tự gen của loài sắn hoang dại và giống sắn trồng. ( Thứ hai, 30/05/2016 )
  • Kết quả nghiên cứu về cây trụ tiêu ( Thứ năm, 05/05/2016 )
  • Bệnh hại phụ ( Thứ tư, 20/04/2016 )
  • Nguồn gốc và lịch sử phát triển ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Sản xuất Sắn trên thế giới & Việt Nam ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Sinh trưởng và phát triển ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Đặt tính thực vật học của Sắn ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Đặc điểm rễ và củ sắn ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Đặc điểm thân ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Đặc điểm Lá ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Đặc điểm Hoa và quả sắn ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Vai trò của Sắn ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Sắn phục vụ sinh hoạt ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Giải trình tự bộ Gen của Sắn ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Đất và thời vụ trồng sắn ở Việt Nam ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Điều kiện sinh thái ( Thứ hai, 03/03/2014 )
  • Tình hình sản xuất và tiêu thụ Điều trên thế giới ( Thứ ba, 19/04/2016 )
  • Tình hình sản xuất và tiêu thụ điều ở Việt Nam ( Thứ ba, 19/04/2016 )
  • Thành tựu nghiên cứu và tiềm năng phát triển cây điều ở việt nam ( Thứ ba, 19/04/2016 )
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD