Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  10
 Số lượt truy cập :  33212815
Cần cơ chế riêng để Tây Nguyên trở thành trung tâm nông sản của châu Á
Thứ ba, 24-05-2022 | 08:16:27

Những năm qua, nông nghiệp Gia Lai đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó tạo nên chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn nhiều. Khó khăn cần được tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. 

 

Nhân sự kiện “Diễn đàn kết nối nông sản Tây Nguyên tại Gia Lai” và 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/5, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai xung quanh câu chuyện thu hút đầu tư vào nông nghiệp và những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khi đến đầu tư tại Gia Lai.

Với vị thế là cửa ngõ của khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam bộ.

 

Những năm vừa qua, hạ tầng giao thông của Gia Lai được đầu tư đồng bộ với các tuyến quốc lộ 19 (từ TP. Pleiku đến cảng Quy Nhơn dài 160km), Quốc lộ 25 (từ TP. Pleiku đến TP. Tuy Hoà dài 220km), đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai dài 115,18 km). Cảng hàng không Pleiku cũng được nâng cấp mở rộng đủ khả năng tiếp đón với tần suất từ 14 đến 20 chuyến đi, đến trong ngày, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh Gia Lai với nhiều địa phương trong cả nước cũng như quốc tế.

 

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000 ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: chanh dây, bơ, mít, sầu riêng...

 

Gia Lai cũng là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 21 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được thành lập và quy hoạch chi tiết. Nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, mía, sắn, chè,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai.

 

Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” mới để chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh, bao gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.

 

Ông có thể chia sẻ về kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp Gia Lai, đặc biệt là thu hút thành công các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp Gia Lai như Doveco, Hùng Nhơn - De Heus, Trường Hải… từ đó tạo ra luồng gió mới, làm thay đổi diện mạo của nông nghiệp Gia Lai?

Ông Võ Ngọc Thành: Phải nói rằng với tiềm năng thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là đất đai ở Tây Nguyên rộng lớn rất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Với rất nhiều chính sách lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, cùng với du lịch và năng lượng tái tạo, Gia Lai trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, qua đó thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư.

 

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Gia Lai đã thu hút được những tập đoàn lớn như Doveco, Trường Hải, Hoàng Anh Gia Lai tập trung đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn, Doveco xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất rau quả trên 50 nghìn tấn/năm, qua đó đã hình thành các vùng chuyên canh đối với một số loại cây trồng mới như chanh dây, dứa… Trong khi đó, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã liên kết với các địa phương, HTX để hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu.

 

Gần đây nhất, một số tập đoàn lớn cũng đã đến Gia Lai tìm hiểu và đầu tư, nổi bật có Tập đoàn De Heus liên kết với Tập đoàn Hùng Nhơn vừa làm lễ khởi công nhà máy hơn nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có Tập đoàn Trường Hải tiến hành triển khai trang trại chăn nuôi hơn nghìn tỷ đồng và đang dự kiến mở rộng với quy mô lớn hơn khoảng 5 lần.

 

Bên cạnh đó là một dự án của doanh nghiệp đến từ Indonesia mà chúng tôi cho rằng cũng rất tiềm năng với quy mô đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tương đối lớn. Hiện tại, doanh nghiệp này đang xúc tiến các công đoạn cuối cùng để hoàn thành các hạng mục đầu tư một dự án chăn nuôi trên 50 triệu USD.

 

Phải nói rằng, lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra sức hút mạnh mẽ cho các nhà đầu tư đến Gia Lai tìm hiểu và đầu tư. Đồng thời, chính sự thu hút đầu tư đã tạo ra sự chuyển biến rất căn bản trong việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn để hình thành nên những vùng nguyên liệu tập trung, chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Gia Lai trong thời gian qua.

Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, với các điều kiện thuận lợi về sản xuất nông nghiệp cũng như những chính sách ưu đãi của địa phương, Gia Lai tiếp tục trở thành tâm điểm thu hút đầu tư của các nguồn lực mới ở trong và ngoài nước.

 

Chúng tôi mong muốn Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ có sự đột phá trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp trong tương lai gần.

 

Trong những năm qua, cùng với sự thông thoáng của Luật Đầu tư, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, số lượng các dự án được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện không ngừng được tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô.

 

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã để lại dấu ấn quan trọng, rõ nét, góp phần đưa Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với con số ấn tượng. Theo đó, Gia Lai đã thu hút, kêu gọi đầu tư 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011-2015.

 

Trong năm 2021, có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng.

 

Trước đây, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy điện, cao su, khai thác và chế biến khoáng sản. Đến nay đã tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Gia Lai.

Gia Lai được coi là còn rất nhiều tiềm năng để nông nghiệp phát triển. Vậy tỉnh Gia Lai đã và sẽ có những cơ chế chính sách như thế nào để hỗ trợ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư?

 

Ông Võ Ngọc Thành: Trước làn sóng của các nhà đầu tư và những mong muốn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, Gia Lai đưa ra 5 nghị quyết hành động, đây là định hướng rất cơ bản để thúc đẩy cho các lĩnh vực phát triển. Đây cũng là cẩm nang để UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch cũng như chương trình hành động nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

 

Cụ thể, Gia Lai cần phải xây dựng nguồn nhân lực đối với hệ thống chính trị ở các cấp để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ mới.

 

Đồng thời, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để phục vụ cho phát triển sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ còn mang tính chất kết nối liên vùng và tạo ra các cơ hội để có thể khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài ra, Gia Lai cũng sẽ tập trung thu hút các nguồn lực cho lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Đây cũng là nền tảng để tỉnh tích hợp rất nhiều nguồn lực, trong đó có cả ngân sách nhà nước và địa phương. Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, nguồn tài trợ… sẽ tạo ra những điểm tựa để cho Gia Lai bứt phá trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực mà tỉnh đang có rất nhiều thế mạnh.

 

Gia Lai cũng chú trọng đến phát triển xanh thông qua việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng. Với nghị quyết này, không chỉ mục đích quản lý, bảo vệ rừng bền vững mà còn giúp tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về rừng. Trong đó có cả trồng dược liệu dưới tán rừng, tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng cũng như gắn với phát triển du lịch.

 

Cuối cùng là nghị quyết về chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực mà Tỉnh ủy Gia Lai vừa mới ban hành. Trong đó, chú trọng vào 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đối với lĩnh vực kinh tế số, chúng tôi cũng đang cập nhật để phát huy những lợi thế của mình, trong đó có kinh tế số về nông nghiệp.

 

Từ 5 nghị quyết này, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số chương trình hành động để xây dựng một số chính sách kêu gọi nguồn lực đầu tư vào tỉnh.

 

Ngoài ra, một vấn đế cũng hết sức quan trọng là tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu nghiên cứu và khảo sát. Đồng thời, tăng cường quảng bá Danh mục, tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện nay, tại Tây Nguyên đã và đang phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su, chè..., qua đó hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa, rau, cây ăn quả.

 

Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò theo hình thức trang trại quy mô lớn, chuỗi giá trị khép kín, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ. Phát triển trồng rừng thâm canh, lâm sản ngoài gỗ (sâm Ngọc Linh, mắc ca...). Phát triển nuôi thủy sản trên các hồ chứa, lưu vực sông, suối.

 

Tuy nhiên, việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang là điểm hạn chế; công nghiệp chế biến nông sản còn khó khăn khi chưa gắn với các khu, cụm công nghiệp; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa khai thác hết lợi thế vùng nguyên liệu; công nghệ, dây chuyền sản xuất còn hạn chế nên sản phẩm chế biến có tính cạnh tranh chưa cao.

 

Một trong những điểm nghẽn, khó khăn của nông nghiệp Tây Nguyên là liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Theo ông, đâu là nút thắt cần tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững?

Ông Võ Ngọc Thành: Dù có rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nhưng Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên vẫn gặp phải các điểm nghẽn liên quan đến hạ tầng giao thông. Chính hạ tầng giao thông chưa phát triển dẫn đến lĩnh vực logistics còn yếu kém. Nếu khơi thông được điểm nghẽn này, tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc đầu tư vào Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.

 

Điểm nghẽn nữa cũng cần được khai thông là làm sao xóa cho được việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Muốn vậy phải đẩy mạnh việc liên kết giữa các HTX, tổ sản xuất và người dân với các doanh nghiệp. Để từ đó chúng ta tạo ra các chuỗi giá trị gắn với việc sắp xếp lại sản xuất nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Điểm nghẽn thứ 3 liên quan đến lực lượng lao động. Hiện nay, lực lượng lao động ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung vẫn còn thiếu và yếu. Đặc biệt, lao động có trình độ hiểu biết về công nghệ vẫn còn yếu kém. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đang xây dựng nguồn nhân lực cố gắng để đáp ứng được nguồn lao động đủ trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Ngoài ra, một vấn đề khác mà chúng tôi cho rằng cần có chính sách thông thoáng hơn đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hợp tác liên kết sản xuất một cách hiệu quả nhất. Để từ đó, doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư lâu dài vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Như ông vừa trao đổi, một trong những khó khăn của nền nông nghiệp Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung chính là liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Theo ông, Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên cần làm gì để Tây Nguyên trở thành trung tâm nông sản mới của châu Á cũng như thế giới?

 

Ông Võ Ngọc Thành: Để Tây Nguyên trở thành trung tâm nông sản mới của cả nước, châu Á và thế giới, giải pháp đã được xác định trong liên kết vùng Tây Nguyên tại Quyết định số 255/QĐ/TTg 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Cụ thể:

 

Nâng cao trình độ chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác trong việc sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường.

 

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

 

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành, ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại.

 

Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

 

Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ tổng kết Nghị quyết 10 và 12, đồng thời xây dựng cơ chế phát triển dành cho khu vực Tây Nguyên. Các nghị quyết này sẽ tạo ra đột phá mới và chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu để tham gia một cách đầy đủ nhất với mong muốn làm thế nào để Tây Nguyên có một sự đột phá phát triển bền vững.

 

Việc dịch chuyển sản xuất các loại cây trồng từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên cũng sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai.

 

Làm thế nào để chúng ta đi tắt đón đầu trên cơ sở liên kết vùng thì cần có một cơ chế riêng cho khu vực Tây Nguyên. Tôi hy vọng rằng, với nghị quyết Bộ Chính trị sắp tới sẽ giúp cho Tây Nguyên được tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển mạnh mẽ.

Nội dung: Tuấn Anh - Đăng Lâm

Thiết kế: Trọng Toàn

Ảnh: Tuấn Anh - TL

Theo NNVN.

Trở lại      In      Số lần xem: 229

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD