Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  17
 Số lượt truy cập :  33248735
Đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp trồng ca cao xen trong vườn điều
Thứ năm, 10-04-2014 | 08:01:37

TS. Nguyễn Công Thành, Phòng NC Cây công nghiệp, Viện KH KT NN miền Nam

 

Việt Nam đứng đầu xuất khẩu hạt điều của thế giới trong 8 năm liên tiếp tính từ năm 2005 đến 2013. Theo số liệu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 257.000 tấn hạt điều, tăng 15,8% so cùng kỳ năm trươc, và giữ vững 8 năm liên tiếp dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều. Xuất khẩu hạt điều thu được 1,63 tỷ USD, tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước 2012. Đó là những con số đáng phấn khởi nhưng ngành điều hiện cũng gặp không ít thách thức do hiệu quả kinh tế thấp, giá cả không ổn định kèm theo những ảnh hưởng xấu của thời tiết làm cho nông dân trồng điều bị tác động lôi cuốn của những cây trồng khác đang có giá cao dẫn đến chặt phá cây điều, làm cho diện tích trồng điều của Việt Nam giảm từ năm 2009 đến nay. Thách thức nữa là phần lớn nguyên liệu dành cho chế biến điều xuất khẩu phải nhập từ nước ngoài, trong năm 2012 theo số liệu của Hải quan, Việt Nam đã nhập khoảng 332 nghìn tấn điều, tương ứng với 334 triệu USD, chiếm khoảng 50% sản lượng điều thô dùng chế biến. Những khó khăn khác là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu gặp nhiều rào cản thương mại tại các nước nhập khẩu như Mỹ do các quy định về an toàn thực phẩm (FSMA), và khó khăn từ các cơ chế kiểm soát nhập khẩu và rào cản kỹ thuật ở các thị trường Châu Âu, Trung Quốc, Úc. (www.covcci.com.vn, 8/3/2014).

 

Ở vùng Đông Nam Bộ, theo kết quả đi thực tế của đoàn công tác gồm Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), Viện KH KT NN miên Nam, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cán bộ địa phương các huyện có trồng điều như Châu Đức, Xuyên Mộc ngày 7/9/2013 cây điều một số xã đang bị đe dọa giảm diện tích do các cây trồng có hiệu quả cao hơn tức thời như khoai mì, tiêu, cà phê, thanh long… Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích trồng điều khá lớn với hơn 13.000 ha. Trong tháng 3 năm 2013, diện tích trồng điều ở Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục giảm mạnh. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết, giá cả thị trường khiến năng suất, chất lượng hạt điều giảm sút, kéo theo đó thu nhập của nông dân trồng điều cũng giảm rõ rệt. Trước tình trạng đó, nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có giá trị cao hơn.

 

Huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất, chiếm 61,5% diện tích toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân ở đây đã chặt đi để trồng thanh long. Nông dân so sánh, 1 sào thanh long một năm cho thu hoạch 3 lứa, với 1 lứa chính 2 lứa trái vụ, sau khi trừ chi phí, thu lời từ 250 đến 300 triệu. Còn cây điều một năm chỉ cho 1 vụ chỉ thu về chưa tới 100 triệu đồng/ha. Tại xã Hòa Hội là địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất huyện Xuyên Mộc, nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng điều bị giảm gần phân nửa, chỉ còn khoảng 600 ha. Nhiều nông dân đã phá bỏ cây điều chạy theo cây tiêu – Họ cho rằng giá bán tiêu hiện tại khoảng 110 ngàn đồng/kg sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha bằng cả gần chục ha điều. Như vậy, thực tế cây điều cho hiệu quả không cao. Còn tại huyện Châu Đức, nơi có diện tích trồng điều lớn thứ 2 của Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều nông dân đang có ý định sau khi thu hoạch xong vụ điều này họ cũng sẽ chặt bỏ để trồng tiêu hoặc cà phê. Vì hiện nay, thu nhập từ điều không còn cao và ổn định nữa.

 

Từ đó, giải pháp chính để ổn định diện tích và sản lượng cây điều là phải nâng cao hiệu quả sản xuất bằng những biện pháp tổng hợp về giống, kỹ thuật canh tác, chế biến, nâng cao chuỗi giá trị có lợi cho người nông dân…Trong đó, một tiềm năng lớn chưa khai thác hết là nhiều vùng trồng điều có khả năng trồng xen ca cao nhưng chưa được thực hiện nhằm đa dạng hóa thu nhập sản phẩm hạt điều và ca cao, tránh rủi ro sản xuất điều và góp phần thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây điều.

 

Những mô hình trồng ca cao xen vườn điều thành công

 

- Ở Bình Phước: Theo báo Công Thương (5/8/2011), Bình Phước hiện có 155.000 ha điều, trong đó có 144.000 ha đang trong chu kỳ khai thác, với sản lượng đạt 140.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích trồng điều đã giảm sút nhanh chóng với những nguyên nhân như đã nêu trên. Để giúp nông dân vừa tăng thu nhập mà vẫn duy trì cây điều, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Roots of peace (Mỹ) triển khai dự án trồng cây ca cao trên địa bàn 3 huyện (Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập), trong thời gian 2 năm (2010-2012) với kinh phí 7,6 tỷ đồng và chú trọng đến diện tích ca cao trồng xen dưới tán điều. Việc trồng xen ca cao vào vườn điều rất có lợi cho người trồng. Theo hướng này, cây ca cao được hưởng bóng mát của cây điều, ngược lại, cây điều sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây ca cao, năng suất cây điều sẽ cao hơn khi trồng cây ca cao. Tổng thu nhập cả điều và ca cao có thể đạt từ 60-75 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi so với chỉ trồng chuyên canh một loại cây.

 

- Ở Bình Thuận, cũng theo nguồn tin từ Báo Công Thương, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận cũng đang đẩy mạnh phát triển mô hình trồng ca cao dưới tán cây điều. Từ khi bắt đầu dự án (tháng 7/2008), đến nay đã có 50 hộ nông dân tham gia và có khoảng gần 1/2 số vườn ca cao cho thu hoạch. Mặc dù tổng sản lượng chưa nhiều (khoảng 3,7-4,5 tấn/ngày) nhưng đã bắt đầu đem lại thu nhập khá cho một số hộ dân. Theo tính toán, với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương thì đầu tư 1 ha ca cao trồng xen trong vườn điều, bắt đầu từ năm thứ 3 có thể cho thu hoạch khoảng 46,2 triệu đồng (gồm 16,2 triệu từ bán trái ca cao và 30 triệu bán hạt điều). Trong khi đó, tổng kinh phí để đầu tư 1 ha ca cao (trồng xen) hết khoảng 47,3 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần sau 1 năm thu hoạch là nông dân có thể lấy lại được vốn. Từ năm thứ 4, khi ca cao cho thu hoạch rộ, số tiền lãi từ việc bán ca cao sẽ đạt khoảng 35-40 triệu đồng/ha, tổng thu từ 1 ha ca cao trồng xen điều có thể đạt 60-75 triệu đồng. Trạm khuyến nông Đức Linh sẽ phổ biến mô hình này tới bà con nông dân trong huyện thời gian tới để giúp họ tăng thêm thu nhập từ vườn điều.

 

- Ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu: Mô hình trồng cây ca cao xen điều cũng đang tích cực triển khai. Công ty ca cao Trọng Đức đã đầu tư cho khoảng 1.000 ha ca cao tại các địa phương thuộc tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Lâm Đồng. Tính đến nay, đã chế biến thành công khoảng 10 loại sản phẩm từ cây ca cao. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào sản xuất một số sản phẩm mới nhằm tận dụng tối đa vùng nguyên liệu. Hiện, giá thu mua ca cao trái tươi của công ty ở mức 4.500 đồng/kg. Mức giá này được tính toán để bà con có thể thu lợi 1 ha ca cao trồng xen từ 18-22 triệu đồng/vụ. (báo Công Thương (5/8/2011).

 

- Ở Tây Nguyên, theo nguồn www.baodaklak.vn, ngày 9/9/2013, năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn phối hợp với xã Ea Huar triển khai thực hiện mô hình trồng cây ca cao xen dưới tán cây điều cho 19 hộ dân trên địa bàn xã. 6.300 cây ca cao đã được trồng xen với diện tích 10 ha; mỗi hộ dân được hỗ trợ 100% giống ca cao và 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, cây ca cao đã được 3 năm tuổi, đang ra trái và phát triển tốt. Có thể nói, đây là bước khởi đầu với nhiều tín hiệu vui cho người nông dân ở xã Ea Huar bởi đất đai nơi đây khô cằn, không thích hợp cho nhiều loại cây phát triển. Hiện tại, các vườn mô hình trồng ca cao xen dưới tán điều của 19 hộ gia đình ở xã Ea Huar đều đang ra hoa và cho bói quả. Ước tính một cây ca cao thu bói cho từ 20-30 quả và thu được khoảng 1,3 kg hạt khô; mỗi kg hạt khô có giá từ 40.000-50.000 đồng. Nhiều nông dân trồng xen ca cao vào vườn điều ở đây có nhận định: “Khi trồng xen ca cao dưới tán điều, vườn điều cho năng suất cao hơn so với trồng thuần, còn ca cao nhờ bóng của cây điều cũng phát triển tốt. Để cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt thì chế độ dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh là rất quan trọng”.

 

Những điểm chú ý trong việc trồng xen ca cao trong vườn điều

 

Về lợi thế, ưu điểm

 

- Cây ca cao có khả năng chịu bóng râm nên có thể trồng xen trong nhiều loại cây trồng như dừa, điều, cây ăn trái, cao su…Có thể trồng trên nhiều địa hình và loại đất khác nhau nếu có bóng che, chăm sóc bón phân và đủ nước tưới. Chú ý ca cao cho năng suất cao hơn khi trồng trong điều kiện bóng râm thưa phù hợp. Các nhà khoa học khuyến cáo bóng râm phù hợp trong khoảng 50-70%.

- Ca cao xen trong vườn điều có thể có ưu điểm hơn so với xen trong vườn dừa do cây dừa và ca cao cùng chung ký chủ của bệnh nấm Phytophthora Palmivora gây thối đọt trên cây dừa và thối trái, loét thân trên cây ca cao.

- Khi trồng xen cây ca cao trong vườn điều, cây điều được hưởng các điều kiện có lợi để tăng năng suất hơn như được chăm sóc tưới nước kết hợp ca cao nên giữ ẩm độ tốt, giữ cho tiểu khí hậu vườn điều tốt hơn không còn khô hạn như trong điều kiện độc canh.

- Việc trồng xen ca cao trong vườn điều còn giúp thâm canh cây điều, tăng thu nhập tổng hợp trên một đơn vị diện tích, tránh rủi ro và giảm thất thu cho cây điều do những điều kiện khách quan làm cho nông dân chặt phá bỏ cây điều chạy theo những cây trồng khác cho thu nhập cao hơn, làm cho sản xuất không ổn định và phát triển không bền vững.

 

Về nhược điểm cần lưu ý khi trồng xen

 

- Người ta ví ca cao là một cây trồng “đỏng đảnh” cần chăm sóc, tưới nước và thâm canh. Khi trồng xen vào những cây trồng dễ tính hoặc những vùng khó khăn, thiếu nước sẽ không có hiệu quả cao. 

- Cây điều là cây chịu hạn khá, bộ rễ ăn sâu, khi trồng xen ca cao, điều sẽ có khả năng cạnh tranh dinh dưỡng rất cao.

- Khi tưới nước ca cao và trồng xen độ ẩm cao dễ tạo môi trường tốt để một số bệnh phát triển, như bệnh nấm hồng trên cây điều và cây ca cao cũng là ký chủ của bệnh này.

- Đối với sâu hại, khi trồng xen ca cao trong vườn điều có thể tạo ra áp lực gây hại của bọ xít muỗi cho cả hai cây ca cao và điều vì đây là sâu hại quan trọng cho cà ca cao và điều, chích hút trên trái, đọt non ... làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Những giải pháp khắc phục trong việc trồng xen ca cao trong vườn điều

 

- Nên trồng xen ca cao trong vườn điều đối với những vườn điều có điều kiện nước tưới và các điều kiện thâm canh cho cả 2 cây như đầu tư phân bón, chăm sóc, thu hoạch …

- Chú ý các yếu tố như cây che bóng, nguồn nước tưới.

- Trồng xen chọn trên đất phù hợp. Phát triển tốt trên đất có nhiều mùn, đất đỏ bazan. Đất xấu, đất xám, đất pha cát thì chú ý bón phân hữu cơ cao và cần nước tưới đầy đủ.

- Cần có những kiến thức về quản lý tổng hợp cây trồng (ICM) cho cả hai cây.

- Đảm bảo mật độ trồng xen, bóng râm hợp lý giữ bóng râm không quá 50%.

- Nắm vững kỹ thuật tạo hình, tạo tán cho cây ca cao và điều.

- Bảo vệ thực vật chú ý phòng trừ tổng hợp, áp dụng kỹ thuật nuôi kiến vàng và kiến đen để kiểm soát bọ xít muỗi không phải dùng thuốc diệt trừ.

- Khi thật cần thiết nên chú ý dùng thuốc có chọn lọc và theo khuyến cáo.

 

Hình 1: Đoàn Bộ NN, TTKN, Viện IAS đang kiểm tra vườn điều bị chặt phá để trồng cây ngắn ngày.

Hình 2: Đoàn Bộ NN, TTKN, Viện IAS kiểm tra vườn điều trồng mới từ một dự án của Trung tâm NC&PT Cây Điều.

Trở lại      In      Số lần xem: 3007

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Bản đồ di truyền và chỉ thị phân tử trong trường hợp gen kháng phổ rộng bệnh đạo ôn của cây lúa, GEN Pi65(t), thông qua kỹ thuật NGS
  • Bản đồ QTL chống chịu mặn của cây lúa thông qua phân tích quần thể phân ly trồng dồn của các dòng con lai tái tổ hợp bằng 50k SNP CHIP
  • Tuần tin khoa học 479 (16-22/05/2016)
  • Áp dụng huỳnh quang để nghiên cứu diễn biến sự chết tế bào cây lúa khi nó bị nhiễm nấm gây bệnh đạo ôn Magnaporthe oryzae
  • Vai trò của phân hữu cơ chế biến trong việc nâng cao năng năng suất và hiệu quả kinh tế cho một số cây ngắn ngày trên đất xám đông Nam Bộ
  • Tuần tin khoa học 475 (18-24/04/2016)
  • Vi nhân giống cây măng tây (Asparagus officinalis L.)
  • Thiết lập cách cải thiện sản lượng sắn
  • Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng
  • Liệu thủ phạm chính gây nóng lên toàn cầu có giúp ích được cho cây trồng?
  • Tuần tin khoa học 478 (09-15/05/2016)
  • Sinh vật đơn bào có khả năng học hỏi
  • Côn trùng có thể tìm ra cây nhiễm virus
  • Bản đồ QTL liên quan đến tính trạng nông học thông qua quần thể magic từ các dòng lúa indica được tuyển chọn
  • Nghiên cứu khẳng định số loài sinh vật trên trái đất nhiều hơn số sao trong giải ngân hà chúng ta
  • Cơ chế di truyền và hóa sinh về tính kháng rầy nâu của cây lúa
  • Vật liệu bọc thực phẩm ăn được, bảo quản trái cây tươi hơn 7 ngày mà không cần tủ lạnh
  • Giống đậu nành chống chịu mặn có GEN gmst1 làm giảm sự sinh ra ROS, tăng cường độ nhạy với ABA, và chống chịu STRESS phi sinh học của cây Arabidopsis thaliana
  • Khám phá hệ giác quan cảm nhận độ ẩm không khí ở côn trùng
  • Phương pháp bền vững để phát triển cây lương thực nhờ các hạt nano
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD