Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc: nhiều sản phẩm nghiên cứu hàm lượng công nghệ cao
Thứ hai, 02-12-2013 | 08:27:24
|
Tại Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc khu vực phía Nam lần III – năm 2013 “Công nghệ sinh học vì cuộc sống”, do Sở khoa học và công nghệ TP.HCM, Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, Viện Pasteur phối hợp tổ chức, GS.TS. Trần Linh Thước, hiệu trưởng Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, chủ nhiệm chương trình công nghệ sinh học cho biết: “Trong giai đoạn 2011-2013, TP.HCM tiếp tục xác định ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho ngành công nghệ sinh học. Thành phố đã đầu tư kinh phí khoảng 17 tỷ đồng cho 20 đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm, bước đầu đã tạo ra một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao”.
Góp phần điều trị bệnh hiểm nghèo
Một trong những nghiên cứu có thể kể đến là việc ức chế sự phân bào trên dòng tế bào ung thư vú do TS.Đinh Minh Hiệp và các đồng nghiệp thực hiện. Nấm Cordyceps là nấm ký sinh côn trùng, được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền. Nó chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học như adenosin, cordycepin, polysaccharid, ergosterol,... Trong đó, ergosterol có khả năng kháng phân bào mạnh, giảm nhịp tim, kháng virus, tăng cường miễn dịch. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành hành sắc ký cột thông thường với hệ dung môi petrolium ether (PE) - ethyl acetat (EtOAc) để phân tách ergosterol trong cao phân đoạn PE từ sinh khối nấm Cordyceps phân lập tại Việt Nam. Kết quả, họ đã tách chiết ergosterol ở dạng tinh thể và cao PE có khả năng ức chế sụ phân bào trên dòng tế bào ung thư vú MCF-7.
Hiện nay, trong nhân dân có nhiều tranh luận về một loại danh trà, có thể chữa nhiều bệnh, được cho là có nguồn gốc từ cây Hoàn Ngọc, nhưng theo một số nhà chuyên môn thì loại trà đó không có nguồn gốc từ cây Hoàn Ngọc (có betuline), mà từ Bán Tự Mốc, loài thực vật chưa có bất kỳ công bố nghiên cứu khoa học nào về thành phần hóa học cũng như dược tính. Nghiên cứu của TS.Quách Ngô Diễm Phương và các đồng nghiệp tại Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM đã chứng minh: so với Hoàn Ngọc, Bán Tự Mốc cũng có sự hiện diện của cùng dược chất betuline, bên cạnh đó, nguồn vật liệu mang hàm lượng betuline cao nhất trong Bán Tự Mốc (rễ) đã được nghiên cứu nuôi cấy thành công bằng một số điều kiện nuôi thích hợp, đặc biệt đã khai thác được vai trò cảm ứng tăng khả năng tạo rễ ở mẫu cấy lớp mỏng Bán Tự Mốc của Agrobacterium rhizogenes ATCC 15834.
Bệnh u nguyên bào tuỷ (Medulloblastoma) là ung thư phổ biến ở trẻ em, chiếm 10-20% tổng số u não và 40% ở u phần tiểu não. Những kết quả công bố gần đây cho thấy vai trò quan trọng của c-Kit trong sự tiến triển của u nguyên bào tuỷ. Trong đó, hoá trị liệu lmatinib có thể ngăn chặn hoạt động của phosphoryl hoá trên bề mặt thụ thể tyrosine kinase của c-Kit kiểm soát được sự tiến triển của khối u. Tuy nhiên sự kháng imatinib đã được ghi nhận ở bệnh nhân liệu trị trung bình từ 15 đến 20 tháng. Nghiên cứu của TS.Bùi Chí Bảo và các đồng nghiệp tại Trường đại học y dược TP.HCM và Trường đại học y Sungkyunkwan đã tìm ra hai peptide quan trọng cho sự liên kết miền ngoài đột biến kháng imatinib của c-Kit.
Hiện nay có rất nhiều hóa chất được dùng trong mỹ phẩm, tuy nhiên, nhiều chất có những nhược điểm riêng như kém bền, gây tác dụng phụ bất lợi hoặc không an toàn cho sức khỏe người dùng. Nhằm mục đích tìm kiếm các hợp chất mới, nguồn gốc tự nhiên, có thể ứng dụng trong mỹ phẩm, nhóm nghiên cứu của TS.Nguyễn Hoàng Dũng, Viện sinh học nhiệt đới đã khảo sát hoạt tính làm trắng da cũng như độc tính của vỏ cây quế. Kết quả cho thấy vỏ cây quế không gây bất kỳ độc tính nào ngay cả ở nồng độ cao. Tiến hành khảo sát hoạt tính cao dịch chiết methanol của vỏ cây quế cho thấy nó ức chế 30,5 % quá trình tổng hợp sắc tố đen (melanin). Khi tiến hành khảo sát hoạt tính chống oxy hóa, vỏ cây quế cho thấy có hoạt tính chống oxy hóa cao.
Nâng cao chất lượng cây trồng
Nhằm xác định hiệu quả của vi khuẩn cố định đạm và hòa tan lân lên sinh trưởng và năng suất lúa cao sản trồng ở đất phù sa acid, một thí nghiệm đồng ruộng được PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiệp và đồng nghiệp tại Trường đại học Cần Thơ thực hiện. Kết quả cho thấy, trồng lúa có chủng vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân giúp tiết kiệm được 25%N và 25% lân vô cơ.
Ở một hướng nghiên cứu khác, GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long và các đồng nghiệp ở Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, JIRCAS (Nhật Bản) đã nghiên cứu du nhập gen kháng đạo ôn từ loài lúa hoang sang lúa trồng.
Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) là một loài dược liệu quí vào bậc nhất ở Việt Nam bởi hàm lượng saponin trong thân rễ vượt trội so với những loài sâm cùng chi Panax. Biến nạp gen nhằm thay đổi thông tin di truyền là công cụ có tiềm năng cải thiện sản xuất những hoạt chất sinh học có giá trị, đặc biệt là dùng vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes chứa gen rol cảm ứng tạo rễ tóc. ThS. Hà Thị Loan và các đồng nghiệp ở Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, Trường đại học Université Picardie Jules Verne (Pháp) đã nghiên cứu tạo rễ tóc sâm Ngọc Linh, kết quả là rễ tóc sinh trưởng tốt trong môi trường nuôi lỏng lắc và loại bỏ các chất điều hòa sinh trưởng trong nhân sinh khối rễ sâm, giúp giảm được những ảnh hưởng không mong muốn đến sức khỏe người sử dụng và tính an toàn của sản phẩm. Nuôi cấy rễ tóc sâm Ngọc Linh là giải pháp khả thi để sản suất saponin ở quy mô công nghiệp.
Quỳnh Hoa - Khoahocphothong.
|
![]() ![]() ![]() |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|