Đẩy mạnh mở rộng thị trường tiềm năng là hướng đi của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay (Ảnh minh họa: BT)

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, những tháng cuối năm, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đó là bất ổn liên quan đến dịch COVID-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực, đi cùng với đó là xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước. Nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại; yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu; đẩy mạnh chính ngạch, thanh tra, kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, ở trong nước, ngành nông nghiệp có lợi thế khi tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.

 

Dù vậy, đại dịch COVID-19 tái phát trở lại trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Diễn biến thời tiết khó lường, đặc biệt sắp tới bước vào tâm điểm mùa mưa bão khả năng lớn tiếp tục đe dọa đến sản xuất, kinh tế, đời sống. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dẫn đến thiếu nguồn cung phải tăng nhập khẩu thịt các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thị trường tiêu thụ nông sản trước tác động mới của đại dịch COVID-19 sẽ khó khăn hơn nhiều, bao gồm cả khu vực xuất khẩu.

 

Trước tình hình dự báo khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành đã đề ra trong năm 2020 (tăng trưởng phấn đấu đạt 2,6 - 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 41 tỷ USD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phấn đấu, nỗ lực để đạt được các kết quả cao nhất.

 

Trên lĩnh vực trồng trọt, bám sát tình hình thời tiết, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, các loại sinh vật gây hại để hướng dẫn các địa phương kịp thời điều chỉnh về thời vụ, cơ cấu giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất. Tập trung chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch lúa Hè Thu, gieo cấy lúa Mùa tại các tỉnh phía Bắc. Chỉ đạo thu hoạch vụ Hè Thu, gieo trồng và chăm sóc vụ Mùa, mở rộng diện tích lúa vụ Thu Đông năm 2020 tại các tỉnh phía Nam.

 

Khu vực chăn nuôi trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt để không tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá thịt lợn trong nước.

 

Riêng với tái đàn lợn, cần chú ý hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai giải pháp phát triển thị trường, tăng nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu sản xuất.

 

Đặc biệt là lĩnh vực lâm nghiệp -  khu vực có mức đóng góp lớn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/FLEGT, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU. Đi cùng với đó, triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng, tập trung trồng và chăm sóc rừng. Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị từng loại rừng, hiệu quả kinh tế rừng trồng.

 

Vấn đề về thị trường càng cần được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Ngành nông nghiệp cho biết, sẽ tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản bằng các giải pháp cụ thể. Tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu kể cả những “lối mở” nhỏ nhất của các thị trường. Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19.

 

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung - cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, cần giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng nhằm hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức bán hàng online.

 

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến giữa tháng 7/2020, cả nước gieo cấy được 6,4 triệu ha. Diện tích đã thu hoạch đạt 3,6 triệu ha, sản lượng khoảng 23,15 triệu tấn thóc.

Về thực phẩm, tất cả các nhóm ghi nhận đều tăng: Thịt gia cầm tăng 12%, thịt bò tăng 6,5%, thủy sản tăng 1,6%,… Như vậy, kế hoạch cả năm gần 5,8 triệu tấn thịt (lợn, bò, gà,…) sẽ đạt kế hoạch cùng với chỉ tiêu 14 tỷ quả trứng và 1,1 triệu tấn sữa về cơ bản sẽ được đảm bảo.

Đồng thời, 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 22,3 tỷ USD. Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu cố gắng cao và không có biến động lớn của tình hình thế giới, khả năng sẽ đạt được kế hoạch trên 40 tỷ USD./.

 
BT - ĐCSVN.