Niên vụ 2022/23, ngành mía đường Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép
Chủ nhật, 24-09-2023 | 06:51:46
|
||
Niên vụ 2022/23, ngành mía đường xuất sắc thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía tương đương với các nước trong khu vực và giữ giá đường ở mức thấp nhất. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2022/23, kết hợp hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam diễn ra ngày 22/9/2023.
Niên vụ 2022/23, giá đường thế giới đã tăng 160%
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn trong nhiều năm liền, theo đó từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường đã giảm hơn 60% khiến cho ngành mía đường đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Diện tích vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp, sản lượng đường sản xuất trong nước suy giảm liên tục không những dưới tác động chung của giá đường thế giới thông qua các chính sách trợ cấp, trợ giá từ những quốc gia xuất khẩu mà còn chịu tác động trực tiếp từ đường giá rẻ nhập lậu qua biên giới có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan.
Tuy nhiên, bước sang niên vụ 2022/23 đã ghi nhận một số diễn biến tích cực cho ngành mía đường. Theo đó, kể từ mức giá thấp nhất được thiết lập vào vụ 2019/20 thì đến vụ 2022/23 mức giá đường thế giới đã tăng 160% làm giảm số lượng đường giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ đó cải thiện giá đường trong nước.
Bên cạnh đó, trước tác động tiêu cực của đường nhập khẩu bán phá giá và trợ cấp từ Thái Lan, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng vệ thương mại trong đó bao gồm “áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp” đối với một số sản phẩm đường mía có nguồn gốc từ Thái Lan” theo quyết định số 1578 của Bộ Công Thương năm 2021, áp dụng biện pháp “chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại” đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar) theo quyết định số 1514 của Bộ Công Thương năm 2022.
Ngoài ra còn kể đến tác động từ Hiệu ứng Elnino làm suy giảm nguồn cung đường trên thế giới, đặc biệt là hạn hán tại những nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ từ đó giúp giữ ổn định đà hồi phục giá đường trên thế giới.
Trong tháng 6/2023, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022/23. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,714,224 tấn mía sản xuất được 941,373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021/22 sản lượng mía ép đạt 129% và sản lượng đường đạt 126%. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020/21 sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%.
Sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp cho thấy ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.
Không những vậy, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất.
Như vậy, trong vụ ép 2022/23, ngành đường Việt Nam đã xuất sắc thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.
Về vụ chế biến mía đường niên vụ 2023/24, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2022/23, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023/24 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2022/23 như sau: Diện tích mía thu hoạch (ha) 159,159 ha tăng 112%; Sản lượng mía chế biến 10,560,399 tấn tăng 109%; Sản lượng đường 1,026,719 tấn tăng 110%.
Vẫn tiếp tục phải đối phó với vấn nạn đường nhập lậu
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam – cho hay, niên vụ 2022/23 ngành mía đường Việt Nam cũng phải tiếp tục đối phó với vấn nạn đường nhập lậu.
Số liệu xuất khẩu đường của Thái Lan do Văn phòng Hội đồng Mía Đường Thái Lan (Office of the Cane and Sugar Board – OCSB Thái Lan) công bố cho thấy đường xuất khẩu từ Thái Lan đến Campuchia và Lào trong năm 2021 và 2022 đều tăng so với cùng kỳ.
Trong khi đó, số liệu xuất khẩu chính ngạch (có khai báo hải quan) từ hai quốc gia này vào Việt Nam không có biến động lớn. Như vậy, phần lớn lượng đường nhập khẩu thặng dư từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động nhập đường lậu đang diễn biến rất nghiêm trọng tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào, và bản chất đường nhập lậu vào Việt Nam chính là đường phá giá và trợ cấp xuất xứ từ Thái Lan.
Dựa trên các Dữ liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Ủy ban mía đường Thái Lan (OCSB), Hiệp hội ước tính lượng đường nhập lậu trong hai năm 2021 và 2022 lần lượt là 501,039 tấn và 816,544 tấn.
Các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại và rất nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được phát hiện tại hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Tuy nhiên tổng lượng đường của các vụ việc phát hiện chỉ chiếm chưa đến 5% lượng đường nhập lậu ước tính, và hầu hết các vụ việc phát hiện cho đến nay chỉ được xử lý hành chính và hầu như không có tác dụng răn đe khiến hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát cuối từ tháng 12/2021 cho đến nay vẫn chưa giảm nhiệt.
Ước tính khoản thuế chống phá giá chống trợ cấp bị thất thu trong năm 2022 khoảng trên 4.000 tỷ đồng, và hoạt động phi pháp này đang đem lại lợi nhuận lớn cho một thiểu số các đối tượng đầu nậu và cá nhân liên quan và khiến cả một ngành công nông nghiệp chế biến lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận, trước đó, trong công văn số 52/CV-HHMĐ ngày 22/6/2023 gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị một số biện pháp nâng cao hiệu quả chống buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường.
Theo đó, đề nghị tiêu hủy tất cả đường nhập lậu - đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ - bị tịch thu.
Chấm dứt việc đấu giá để tiếp tục lưu thông đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ.
Với dấu hiệu là đường nhập lậu có nguồn gốc Thái Lan, sau khi xử lý hành chính, tạm thu thuế nhập khẩu đối với đường có xuất xứ Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% và thuế trị giá gia tăng 5% cho sản phẩm đường có dấu hiệu đường nhập lậu và không rõ nguồn gốc trong thời gian chờ điều tra với giá trị tính thuế đề xuất 500 USD/tấn, sau đó phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân liên quan về tội buôn lậu.
Với phương tiện vận chuyển đường lậu, tạm giữ phương tiện vận chuyển đường lậu và cho đến khi có kết quả điều tra. Đối với những đối tượng đã từng vi phạm kinh doanh đường nhập lậu trước đây và đã từng bị xử lý vi phạm hành chính, tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi có kết quả điều tra.
Định kỳ tổ chức đột xuất giám sát, kiểm tra chéo việc chấp hành quy định pháp luật đối với những đối tượng đã từng vi phạm kinh doanh đường nhập lậu trước đây và đã từng bị xử lý vi phạm hành chính, đề phòng trường hợp đối tượng tiếp tục vi phạm pháp luật. Cơ quan cấp trên tổ chức việc kiểm tra chéo không sử dụng lực lượng địa phương nhưng sử dụng lực lượng đặc nhiệm hoặc từ các địa phương khác để bảo đảm hiệu quả kiểm tra.
Nguyễn Hạnh - Congthuong. |
||
Trở lại In Số lần xem: 359 | ||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|