Sản xuất nhiên liệu từ vi khuẩn
Thứ bảy, 16-03-2013 | 09:50:37
|
Trong công cuộc tìm kiếm nhiên liệu của tương lai, các nghiên cứu gia Thụy Điển sẽ lấy cảm hứng từ biển. Không phải ở các giếng dầu ngoài khơi mà là ở trong nước, nơi tảo lục-lam sinh sôi phát triển. ![]() Các khối xây dựng của tảo lục-lam – bao gồm ánh nắng mặt trời, CO2 và vi khuẩn – sẽ được các nghiên cứu gia đến từ Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Stockholm sử dụng để sản xuất butanol – đây là 1 nhiên liệu giống hydrocacbon cho các loại xe có động cơ. Điểm thuận lợi của butanol đó là các nguyên liệu thô rất phong phú và có thể tái tạo, và việc sản xuất có khả năng hiệu quả hơn gấp 20 lần so với việc tạo ra ethanol từ bắp và mía. Bằng cách sử dụng vi khuẩn biến đổi gene cyanobacteria, nhóm nghiên cứu đã liên kết việc sản xuất butanol với quá trình chuyển hóa tự nhiên của tảo, nghiên cứu gia Paul Hudson cho biết. “Với những gene liên quan được tích hợp đúng nơi trong bộ gene của cyanobacteria, chúng tôi đã đánh lừa các tế bào này tạo ra butanol thay vì thực hiện chức năng thông thường của chúng”, ông cho biết. Nhóm nghiên cứu cho thấy rằng có thể điều khiển việc tạo ra butanol bằng cách thay đổi những điều kiện trong môi trường xung quanh. Điều này mở ra nhiều cơ hội khác, như sản xuất butanol vào những thời điểm cụ thể trong ngày chẳng hạn, Hudson cho biết. Hudson cho biết rằng, có thể phải mất cả chục năm mới sản xuất thương mại nhiên liệu sinh học từ cyanobacteria. “Chúng tôi rất hứng thú khi có thể sản xuất nhiên liệu sinh học từ cyanobacteria. Đồng thời, chúng tôi phải ghi nhớ rằng quá trình sản xuất này rất khác biệt so với các nhiên liệu sinh học hiện nay. Chúng tôi cần cải thiện khả năng sản xuất gấp trăm lần trước khi nó tồn tại trên thương trường”, ông cho biết. Hudson cho rằng: “Một trong những vấn đề của nhiên liệu sinh học hiện nay đó là giá bắp tăng giảm mọi lúc nên khó có thể dự đoán trước. Ngoài ra, đất trồng trọt hạn hẹp và việc sản xuất ethanol từ bắp cũng bị tác động bởi giá dầu vì phải vận chuyển bắp”, ông cho biết. “Nhiên liệu dựa vào cyanobacteria không cần phải chuẩn bị nhiều đất. Và nguyên liệu thô của nó thì vô tận, đó chính là ánh nắng mặt trời, CO2 và nước biển”. Ông cho biết thêm rằng một số cyanobacteria còn có thể chiết xuất nitơ từ không khí và chính vì thế không cần thêm bất kỳ phân bón nào. Bước tiếp theo trong nghiên cứu này đó là đảm bảo rằng cyanobacteria tạo ra butanol với số lượng lớn hơn. Sau đó, sẽ phải biến đổi nhiều gene hơn để sản phẩm cuối cùng trở thành những hydrocacbon lâu bền hơn, có thể thực hiện đầy đủ chức năng của 1 sản phẩm thay thế xăng dầu. Và cuối cùng, quá trình này phải được thực hiện ngoài phòng thí nghiệm và mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp. Dostdongnai theo Science Daily. |
![]() ![]() ![]() |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|