Dầu cọ

 

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Bursa Malaysia đóng cửa tăng 87 ringgit, tương đương 2,29% lên 3.892 ringgit (944,89 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 08/4/2021. Đầu phiên giao dịch, giá có mức tăng cao nhất trong ngày là 3,8%.

 

Theo ước tính của Hiệp hội các nhà xay xát dầu cọ phía Nam Malaysia, sản lượng dầu cọ của nước này trong 20 ngày đầu tháng 4/2021 không đổi so với cùng kỳ tháng trước, dập tắt kỳ vọng của thị trường về việc gia tăng sản lượng.
 
Cũng trong thời gian này, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia tăng từ 10 – 12,7% so với tháng trước. Tuy vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường, theo dữ liệu của cơ quan khảo sát hàng hóa.
 
Giá dầu cọ sẽ vẫn ổn định và có khả năng thị trường giao dịch sẽ cao hơn vào cuối tháng 4 đến 2 tuần đầu tháng 5/2021, theo Paramalingam Supramaniam - Giám đốc Công ty môi giới Pelindung Bestari có trụ sở tại Selangor.
 
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 2,9% trong khi giá dầu cọ tăng 4,4%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 1,4%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá của các loại dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
 
Ngân hàng thế giới cho biết, giá hàng hóa toàn cầu sẽ ổn định quanh mức hiện tại trong năm 2021, sau khi phục hồi trong quý đầu tiên nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
 
Đường
 
Kết thúc phiên vừa qua, giá đường thô tăng lên mức cao nhất 7 tuần, do nguồn cung thắt chặt khi triển vọng cây trồng tại Brazil và châu Âu suy giảm.
 
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,17 US cent, tương đương 1% lên 16,94 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 16,99 US cent/lb – cao nhất kể từ ngày 26/2/2021. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 1,2 USD, tương đương 0,3% lên 463,3 USD/tấn.
 
Trong năm marketing 2021/22, sản lượng đường của Brazil ước đạt 635 triệu tấn, giảm 3% so với ước tính cuối cùng cho năm 2020/21.
 
Tiêu thụ đường của Ấn Độ trong mùa cao điểm được dự kiến giảm trong năm thứ hai liên tiếp sau khi các bang áp đặt lệnh hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự gia tăng của Covid-19.
 
Nhu cầu thấp hơn có thể làm tăng lượng đường tồn kho tại Ấn Độ - nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới – có thể gây áp lực giảm giá nội địa. Doanh thu nội địa giảm có thể buộc các nhà máy phải xuất khẩu nhiều đường hơn trong những năm tiếp theo, gây áp lực lên giá toàn cầu.
 
Một số nhà máy ở Maharashtra, nhà sản xuất chính, đang bán đường dưới giá bán tối thiểu cố định của chính phủ là 31.000 rupee (414,04 USD)/tấn vì họ đang sản xuất nhiều hơn nhu cầu.

 

Phạm Hòa - VINANET, theo VITIC/Reuters.