Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  24
 Số lượt truy cập :  32992501
Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long
Thứ tư, 03-09-2014 | 08:02:45

 

TS. Nguyễn Quốc Dũng

Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV

 

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là con đường để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cao. Trong quá trình thực hiện, mặc dù nông dân là chủ thể chính nhưng vai trò của các doanh nghiệp ngày càng thể hiện rõ nét trong việc bảo đảm sự thành công của mô hình này. Vì thế, việc giải quyết vướng mắc, trở ngại trong thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện nay gắn liền với việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp.

 

Cánh đồng mẫu lớn - điểm sáng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp

Mô hình cánh đồng mẫu lớn lần đầu tiên xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long và được nhân rộng ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và Tây Ninh từ vụ hè thu 2011 với diện tích 7.803 ha và 6.400 hộ tham gia. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có thực hiện cánh đồng mẫu lớn và diện tích, số nông hộ tham gia mô hình này không ngừng tăng lên. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong vụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên trên 100.000 ha, tăng 34.000 ha so năm 2013, nhiều nhất là tại An Giang, Cần Thơ.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường”(1). Việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn đã góp phần thực hiện hầu hết các nội dung, mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực hiện cánh đồng mẫu lớn góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.

Điểm mấu chốt trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn là người nông dân phải gieo cấy cùng một loại giống, cùng một thời điểm, cùng quy trình sản xuất và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, cánh đồng mẫu lớn khắc phục tình trạng không đồng đều về chất lượng do trình độ, kỹ thuật canh tác của các hộ nông dân khác nhau. Mô hình này cung ứng sản phẩm có chất lượng đồng đều, số lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn còn giúp cho việc sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường cả về số lượng và chất lượng, bởi vì trước khi sản xuất, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với những điều khoản rõ ràng về số lượng cũng như tiêu chuẩn chất lượng; việc sản xuất phải bảo đảm đúng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ngày nay, nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi nông sản phải có chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc sản xuất theo quy trình kỹ thuật của cánh đồng mẫu lớn thực hiện theo phương châm “3 giảm, 3 tăng”, trong đó “3 giảm” là giảm giống, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giúp tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng. Vì vậy, có thể nói, cánh đồng mẫu lớn đã đáp ứng yêu cầu sản xuất nông sản gắn với thị trường, đáp ứng được xu thế của thị trường nông sản hiện đại. Mô hình này còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn với công nghiệp chế biến, bởi lẽ những doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho những cánh đồng mẫu lớn đều là những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa, những doanh nghiệp tiêu thụ hoặc những doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm đó.

Thứ hai, thực hiện cánh đồng mẫu lớn góp phần thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Việc sản xuất nông nghiệp nhỏ trên những cánh đồng manh mún với hệ thống bờ thửa ngăn cách rất khó cho việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. Hơn nữa, sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người có một lịch sản xuất khác nhau, việc xuống giống cũng như thu hoạch không cùng lúc cũng không thuận tiện cho việc áp dụng máy móc. Khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn, việc cơ khí hóa, thủy lợi hóa và điện khí hóa được đẩy mạnh; Nhà nước và nông dân phải thiết kế lại đồng ruộng, bỏ bờ thửa, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện, nâng cấp hệ thống giao thông đến cánh đồng, xây dựng hệ thống điện 3 pha… Sản xuất với quy mô lớn, có cùng một quy trình và lịch trình theo mô hình cánh đồng mẫu lớn rất thuận tiện cho việc cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch.

Thứ ba, Đảng ta xác định mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, “phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao”(2). Quá trình thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua cho thấy, người nông dân giảm được chi phí sản xuất, trong khi năng suất, chất lượng đều tăng. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản trên thị trường và thu nhập của người nông dân cũng được tăng lên.

Thực hiện cánh đồng mẫu lớn đã trở thành yêu cầu tất yếu để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thành công của mô hình này, vai trò của doanh nghiệp là rất lớn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu vai trò của doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn là rất quan trọng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cánh đồng mẫu lớn hiện nay.

Một số vấn đề lý luận về vai trò của doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn

Cánh đồng mẫu lớn là mô hình “liên kết bốn nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong mối liên kết đó, “mỗi nhà” đều có vị trí, vai trò riêng. Có một nhà nghiên cứu ví cánh đồng mẫu lớn giống như con thuyền lớn, trong đó doanh nghiệp giống như người cầm cờ đứng mũi thuyền và hứng chịu sóng gió của nền kinh tế; đằng sau doanh nghiệp là Nhà nước - người cầm lái đưa ra cơ chế, chính sách bảo đảm cho nông dân và doanh nghiệp đi vào sản xuất lớn. Nông dân là động cơ của con thuyền, là nước đỡ để con thuyền đó tiến lên. Nhà khoa học đứng trên con thuyền này có vai trò là cố vấn cho sản xuất…

Vai trò của doanh nghiệp trong mô hình cánh đồng mẫu lớn thể hiện ở những mặt sau:

Doanh nghiệp là người cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân

Một trong những khó khăn của người nông dân Việt Nam là vốn ít. Do đó, họ rất khó khăn trong việc mua các vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ cơ giới hóa… để sản xuất. Hơn nữa, từ nhà sản xuất vật tư nông nghiệp đến tay người nông dân trải qua rất nhiều khâu trung gian nên giá thành đội lên nhiều lần. Vì thế, chi phí đầu vào của nông dân trong sản xuất thường tăng cao, nhất là khi không có vốn, họ phải chịu lãi suất của các đại lý phân phối. Doanh nghiệp khi tham gia ký kết với nông dân cung ứng vật tư là những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất vật tư, không phải trải qua nhiều khâu trung gian nên giá bán giảm. Thêm vào đó, các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng sản phẩm có chất lượng, bảo đảm hàng thật, giúp người nông dân tránh được hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường. Các doanh nghiệp cung ứng vật tư cho nông dân với lãi suất 0% suốt vụ sản xuất, sau khi thu hoạch, nông dân mới phải trả tiền vật tư cho doanh nghiệp cung ứng.

Doanh nghiệp là người chỉ đạo sản xuất, hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất cho nông dân

Người nông dân trong quá trình sản xuất không chỉ gặp khó khăn về vốn mà còn gặp khó khăn trong kỹ thuật sản xuất như trồng giống gì có năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật gieo trồng, cây trồng mắc bệnh gì, phải dùng thuốc gì cho hiệu quả… Các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với nông dân đều có đội ngũ cán bộ kỹ thuật của mình. Đội ngũ này sẽ trực tiếp xuống đồng ruộng để hỗ trợ, hướng dẫn và giúp đỡ nông dân về mặt kỹ thuật một cách kịp thời. Do đó, vừa nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất của người nông dân, vừa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Doanh nghiệp là người tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

Trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường, thậm chí có doanh nghiệp bảo đảm cao hơn giá thị trường. Vì vậy, nông dân yên tâm sản xuất, điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, bị tư thương ép giá… được hạn chế. Một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm còn cung ứng dịch vụ thu hoạch, bảo quản, lưu trữ sản phẩm miễn phí cho nông dân với hệ thống kho bãi, lò sấy…, giúp nông dân giảm thất thoát sau thu hoạch. Khi không đồng ý với giá của doanh nghiệp đưa ra, nông dân có thể bán ra bên ngoài sau khi đã thanh toán các chi phí cho doanh nghiệp.

Với những vai trò này, rõ ràng doanh nghiệp là tác nhân, là động lực không thể thiếu để nông dân đồng tâm thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Quan hệ chính trong cánh đồng mẫu lớn là quan hệ ngang giữa nông dân với nông dân và quan hệ dọc giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong đó, nếu quan hệ dọc không bền vững thì quan hệ ngang sớm muộn cũng bị phá vỡ. Nếu doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm hoặc “bẻ kèo”, ép giá, không bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân; nông dân làm ra nông sản với số lượng lớn, chất lượng cao nhưng không tìm được đầu ra hoặc không bảo đảm lợi nhuận… thì những hoạt động liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp sẽ mất động lực.

Sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mang lại năng suất, hiệu quả cao nhưng nếu nông dân vẫn rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, lợi ích không được bảo đảm thì mô hình này cũng không thể bền vững, thậm chí có thể bị phá vỡ. Điều này cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo đảm sự thành công, sự phát triển bền vững của cánh đồng mẫu lớn là rất quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết đầu ra của nông phẩm, bảo đảm lợi ích của nông dân. Đây cũng là vướng mắc chính trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng hiện nay.

Thực trạng vai trò của doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển của cánh đồng mẫu lớn. Một số doanh nghiệp đã cung ứng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng và lãi suất bằng 0% cho nông dân. Thậm chí, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp người nông dân an tâm sản xuất. Các công ty này còn có đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo đảm an toàn vệ sinh cho những loại nông sản mà nông dân sản xuất. Nhờ vậy, nông dân trong nhiều cánh đồng mẫu lớn giảm được chi phí sản xuất, có thu nhập cao hơn những người nông dân ngoài mô hình.

Tuy nhiên, vai trò của các doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ nét. Thực tế cho thấy, số lượng các doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm không nhiều, một phần do sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, việc ký kết hợp đồng diễn ra trước khi tiến hành sản xuất nhưng định giá cả sau thu hoạch với rất nhiều biến động của thị trường nên nhiều doanh nghiệp không ký kết giá sàn mua. Có những trường hợp doanh nghiệp ký kết cả giá mua nhưng đến khi thu hoạch, giá cả thị trường sụt giảm, doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng, bỏ rơi người nông dân, không mua theo giá đã ký kết mà mua theo giá thị trường khi đó. Thậm chí, có doanh nghiệp còn ép giá, mua thấp hơn giá thị trường; có doanh nghiệp mua cầm chừng, buộc người nông dân phải bán cho thương lái và bị ép giá. Điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn. Trong khi đó, do tính pháp lý của các hợp đồng không cao nên các cấp chính quyền cũng không thể xử lý được các trường hợp này.

Số lượng các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân trong cánh đồng mẫu lớn hiện cũng chưa nhiều do năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp không lớn. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (doanh nghiệp nhỏ chiếm 28,5%, doanh nghiệp siêu nhỏ 68,5%, doanh nghiệp vừa và lớn chỉ chiếm 3%). Khi sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, thu hoạch cùng một thời điểm với số lượng lớn, những doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu không có đủ cơ sở để phơi, sấy, bảo quản, thiếu nhân lực để mua bán, đặc biệt là không đủ tiền để trả cho một khối lượng nông sản lớn trong cùng một lúc. Quan trọng hơn, doanh nghiệp không có nhiều thị phần trong việc tiêu thụ, không có thương hiệu lớn, bản thân họ cũng khó tìm thị trường nên khó có thể bảo đảm bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân.

Khó khăn trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn do giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thống nhất phương thức thu mua và tính giá cả. Tập quán của nông dân là bán lúa tươi cho thương lái ngay tại ruộng. Khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, lúa tươi được vận chuyển về nhà máy và quy đổi về lúa khô để tính theo giá lúa khô. Cách thức quy đổi của nhà máy khiến nông dân chưa thật sự hài lòng. Thực tế thời gian qua cho thấy, một số doanh nghiệp chỉ muốn bán vật tư cho nông dân để kiếm lời chứ không muốn bao tiêu sản phẩm. Thậm chí, có một số doanh nghiệp không muốn ký kết hợp đồng đầu tư cung ứng với người nông dân trong cánh đồng mẫu lớn, nhất là doanh nghiệp tư nhân, vì họ sợ chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân. Khi gặp rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác, nông dân không trả được nợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp kéo dài thời gian nợ ngân hàng, làm tăng lãi suất vốn vay, tăng giá thành chế biến sản phẩm.

Giải pháp phát huy vai trò của doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn

Vướng mắc lớn nhất trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn, đe dọa sự phát triển bền vững của mô hình này chính là mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững, mà cụ thể là doanh nghiệp chưa phát huy hết vai trò của mình, đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề đầu ra cho người nông dân. Để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn, thời gian tới, Nhà nước cần chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính tốt.

Nông nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro. Doanh nghiệp chỉ tích cực tham gia cánh đồng mẫu lớn khi lợi ích của họ được bảo đảm. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đất đai, miễn thuế khi doanh nghiệp xây dựng kho bãi, lò sấy; doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí khi mua máy móc, trang thiết bị, được ưu tiên vay vốn… Đối với những doanh nghiệp tham gia vào cánh đồng mẫu lớn, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, khi phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo hằng năm nên ưu tiên cho những doanh nghiệp làm tốt mô hình cánh đồng mẫu lớn. Doanh nghiệp nào bao tiêu diện tích nhiều thì xem xét giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo nhiều, khi có cơ chế hỗ trợ vốn cũng nên ưu tiên cho các doanh nghiệp này. Những doanh nghiệp ít tham gia hoặc không chịu bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong cánh đồng mẫu lớn thì giao chỉ tiêu ít hoặc không giao… Đặc biệt, Nhà nước nên có chế độ ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất vật tư nông nghiệp, trực tiếp chế biến nông sản sâu, trực tiếp tham gia kênh phân phối tiêu thụ… khi tham gia vào cánh đồng mẫu lớn.

Các doanh nghiệp hiện chưa làm tốt vai trò bao tiêu sản phẩm còn do khả năng tiếp cận thị trường của họ còn thấp. Nhà nước nên có chính sách tuyên truyền, vận động nhân dân về lợi ích của việc tiêu thụ các sản phẩm sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là an toàn, có thể truy nguyên nguồn gốc… để tăng nhu cầu tiêu dùng các loại nông sản sản xuất theo mô hình này, giúp mở rộng thị trường của doanh nghiệp, qua đó phát huy tốt vai trò của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Thứ hai, cần hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho các bản hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân khi tham gia cánh đồng mẫu lớn.

Hiện nay, chưa có chế tài xử lý những doanh nghiệp "xù" hợp đồng hay “bẻ kèo” người nông dân. Vì vậy, cùng với việc phê phán các doanh nghiệp vi phạm, thiếu trách nhiệm với các nội dung đã cam kết cùng nông dân, cần khuyến khích các doanh nghiệp là điển hình, điểm sáng trong việc cùng Nhà nước, nông dân thực hiện sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Thời gian tới, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các bản ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân để có chế tài xử lý cho những trường hợp vi phạm. Trong hợp đồng ký kết, sự minh bạch về lợi nhuận, sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc cùng chia sẻ rủi ro là rất cần thiết nhằm hạn chế sự “bẻ kèo” từ cả hai bên khi có những biến động thị trường.

Thứ ba, xây dựng cơ chế và khuyến khích nông dân đóng cổ phần trong các doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn.

Để nông dân và doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro, việc tạo điều kiện cho nông dân góp cổ phần trong các doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn bằng chính sản phẩm mà họ làm ra là rất cần thiết. Nông dân vừa bán sản phẩm, vừa thu lợi tức từ doanh nghiệp. Khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ phải công khai rõ ràng, không còn tình trạng ép giá, những trường hợp doanh nghiệp bỏ rơi nông dân hoặc nông dân “bẻ kèo” bán cho thương lái sẽ được hạn chế tối đa./.

---------------------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb CTQG, H, 2002, tr 93
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, H, 2006, tr 190 - 191

Theo TCCS.

Trở lại      In      Số lần xem: 4183

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD