Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  31
 Số lượt truy cập :  33261564
Kỹ thuật nhân nuôi kiến vàng phòng trừ bọ xít muỗi helopeltis theivora gây hại trên cây ca cao (theobroma cacao)
  • Không phun thuốc trừ sâu trong vườn thả kiến nhất là các loại thuốc chứa hoạt chất Dimethoate, Lepidex, Carbaryl v.v.
  • Không chọc phá tổ kiến để lấy trứng kiến
  • Không cắt tỉa cành nơi kiến làm tổ

KS. Lã Phạm Lân, ThS. Chu Trung Kiên, ThS. Nguyễn Hiếu Hạnh, ThS. Nguyễn Đỗ Hoàng Việt, ThS. Đặng Thị Thúy Hà, ThS. Lê Thị Thanh, ThS. Đinh Thị Lam, ThS. Nguyễn Phú Quân, KS. Vũ Thị Thanh Hoàn, KS. Hoàng Thị Kim Hà, KS. Nguyễn Uông Kim Bình

 

I.  YÊU CẦU ĐỐI VỚI VƯỜN CA CAO THẢ KIẾN VÀNG

  • Không phun thuốc trừ sâu trong vườn thả kiến nhất là các loại thuốc chứa hoạt chất Dimethoate, Lepidex, Carbaryl v.v.
  • Không chọc phá tổ kiến để lấy trứng kiến
  • Không cắt tỉa cành nơi kiến làm tổ
  • Nhẹ nhàng thực hiện việc tỉa cành, tạo tán vào thời điểm kiến ít hoạt động (tốt nhất là sáng sớm khi kiến tập trung nhiều trong tổ)
  • Nên trồng xen cây ăn quả như mít, bơ, mãng cầu trong vườn ca cao để kiến làm tổ ổn định trên các cây này và bổ sung nguồn thức ăn cho kiến (một đàn kiến cư ngụ trong phạm vi 30 – 50 cây ca cao nên có 1 - 2 cây trồng xen)
  • Bổ sung thêm thức ăn (cá, thị mỡ xay, tinh bột,...) khi kiến thiếu thức ăn (khi thấy kiến thường xuyên di chuyển xuống đất)
  • Thực hiện triệt để việc cách ly giữa các đàn kiến  

II. SỬ DỤNG KIẾN VÀNG TRONG VƯỜN CA CAO

Để quần thể kiến vàng cao và ổn định trong vườn ca cao thả mới hoặc vườn đã có sẵn kiến nhất thiết cần thực hiện các bước sau: (1) Xác định các chủng loại kiến trong vườn; (2) Xác định các đàn kiến vàng, và bẫy diệt các loài kiến khác; (3) Tách và quản lý riêng các đàn kiến; (4) Thả đàn kiến mới, nếu cần; (5) Quản lý các đàn kiến lâu dài.

  1. Vườn ca cao đã có sẵn kiến vàng

Vườn ca cao có kiến vàng phát sinh tự nhiên sẽ rất thuận lợi cho việc nhân nuôi, tuy nhiên kiến vàng thường phân bố không đều ở các cây trong vườn và bị cạnh tranh mạnh bởi các loài kiến khác hay giữa các đàn kiến vàng trong vườn. Mặt khác, sự phát triển tự nhiên của kiến không theo chủ ý cũng gây ra những trở ngại nhất định cho việc chăm sóc vườn ca cao. Do đó, người trồng ca cao cần có những biện pháp can thiệp theo các trình tự sau để quần thể kiến vàng phát triển ổn định trong vườn như mong muốn.

  1. Xác định loài kiến trên mỗi cây trong vườn ca cao theo các bước sau

Bước 1: Thiết lập một sơ đồ của vườn và đánh số vị trí các cây có kiến cư ngụ. Bước 2: Dùng một cây gậy nhỏ gõ nhẹ vào thân và gốc cây tạo chấn động, kiến sẽ nhóng cao lên, di chuyển quanh các cành nhánh và quan sát các loài kiến đang di chuyển trên thân cây và các cành chính. Bước 3: Quan sát kỹ từng cây trong vườn, và ghi nhận loài kiến chiếm ưu thế.

  1. Bẫy diệt các loài kiến khác và xác định phạm vi các đàn kiến vàng

Trong tự nhiên, quần thể kiến vàng không phân bố đều trên các cây trong vườn và biến động quanh năm trong vườn ca cao, do: (1) Một số loài kiến khác cạnh tranh với kiến vàng, (2) Kiến vàng là loài có tính lãnh thổ rất cao, các cuộc chiến thường xảy ra ngay khi hai đàn kiến gặp nhau. Với tính cạnh tranh giữa loài, có thể dùng bẫy độc để loại trừ các loài kiến cạnh tranh với kiến vàng; đối với tính lãnh thổ, cần xác định phạm vi các đàn kiến để thực hiện việc cách ly.

2.1 Bẫy loại bỏ các loài kiến khác

Ở vùng nhiệt đới có 3 loài kiến thường cạnh tranh với kiến vàng là kiến đen (hôi) Dolichoderus thoracicus, kiến Crematogaster (nhỏng đuôi) và kiến điên Anoplolepis gracilipes, trong đó kiến đen là loài cạnh tranh chính với kiến vàng trong vườn ca cao. Quần thể của các loài kiến này có thể được kiểm soát bằng bẫy độc.

Cách dùng bẫy độc: trộn thuốc Regent 800WG với cá tươi xay nhuyễn (tỉ lệ 1 gói thuốc 1,6g trộn với 1 kg cá), trải một lớp mỏng mồi đã trộn thuốc trên lá ca cao tươi và đặt trên đường đi của kiến vào lúc chiều tối (khoảng 3 – 4 lá một cây), sáng hôm sau gom lại và chôn các bẫy độc này.

Ở những vườn ca cao thả mới hoặc khu vực không có kiến vàng trong vườn ca cao có kiến đã được cách ly cần phải thả mới, có thể trải mồi bẫy trực tiếp ở vị trí tiếp nối giữa các cành lớn của cây (chạc ba) để diệt các loài kiến cạnh tranh. Đối với vườn ca cao trồng xen cần diệt các loài kiến cạnh tranh trên cả cây trồng xen.

2.2 Xác định đàn kiến vàng

Các đàn kiến vàng đánh nhau rất dữ dội, nhưng trong một đàn chúng rất thân thiện, cùng nhau tìm kiếm thức ăn, thông tin giữa các tổ và chống cự lại các đàn khác. Có hai phương pháp để xác định kiến vàng sống trên các cây khác nhau thuộc cùng một đàn hay không.

  • Phương pháp 1. Trắc nghiệm quần thể kiến cư ngụ giữa các cây khác nhau bằng cách cắt một tổ kiến nhỏ và đặt lên cây có kiến kế cận. Nếu kiến trên cây này tấn công kiến của tổ vừa đặt lên, thì chúng thuộc hai đàn khác nhau. Nếu kiến mới thả vào thân thiện với kiến trên cây thì chúng thuộc cùng một đàn.
  • Phương pháp 2. Theo dõi đường đi của kiến vàng giữa các cây, trên các cành chính, hoặc trên mặt đất cho đến khi không còn thấy kiến vàng bò nữa, là hết phạm vi phát triển của đàn kiến.

Sau khi đã xác định các tổ kiến hiện hữu, đánh dấu ranh giới các đàn bằng sơn màu hoặc dây băng màu. Ranh giới của đàn cũng cần được vẽ sơ đồ theo vị trí của cây.

3. Quản lý các đàn kiến trong vườn

3.1 Thiết lập ranh giới giữa các đàn kiến vàng

Nếu hai đàn kiến khác nhau bị nối liền với nhau bởi cành nhánh của các cây kế cận giao tán với nhau, cần phải xén tỉa các cành giao nhau này. Khoảng cách được khuyến cáo tối thiểu là 1m giữa các cây thuộc các đàn khác nhau.

3.2 Nối liền các cây có kiến cùng một đàn

Trong cùng một đàn, nếu cành nhánh của các cây này không giao nhau, kiến vàng bắt buộc phải sử dụng con đường di chuyển trên mặt đất để đến cây khác thực hiện chức năng thông tin liên lạc với nhau. Do đó, chúng ta có thể dùng một sợi dây dài có đường kính khoảng 3 mm hoặc cành cây nhỏ để nối liền các cây với nhau, tạo cầu nối nhân tạo cho kiến di chuyển thuận lợi, và tránh được những tổn hại cho đàn kiến di chuyển trên mặt đất do việc chăm sóc, tưới nước, làm cỏ, bón phân. Đàn kiến sống thường trực trên cây sẽ kiểm soát sâu hại tốt hơn so với khi di chuyển trên mặt đất. Những cây ca cao không có kiến vàng cư ngụ có thể được nối liền với cây kế cận có đàn kiến phát triển mạnh.

3.3 Tạo nhóm các cây không có kiến

Những cây không có kiến vàng cư ngụ sẵn cần được nối liền với nhau thành từng nhóm 30 – 50 cây, nếu các cây này không có cành nhánh giao tán nhau, chúng được nối liền với nhau bằng dây như đã nói ở phần trên. Sau khi được tạo nhóm, các cây này sẵn sàng để thả đàn kiến mới. Nên chừa một số cây không thả kiến để cho đàn kiến phát triển tự nhiên lan ra sau này. Việc thu thập, thả kiến thực hiện như phần thả kiến vàng vào vườn không có kiến.

B. Thả kiến vàng vào vườn ca cao không có kiến

Trước khi thả các đàn kiến vàng mới vào vườn ca cao cần thực hiện việc loại bỏ các loài kiến cạnh tranh, thiết lập ranh giới giữa các đàn kiến, tạo cầu nối trong cùng một đàn như đã mô tả ở trên. Việc thả đàn kiến mới lên cây được tiến hành tuần tự với 7 bước như sau:

  1. Tìm đàn kiến

Vườn ca cao có sẵn kiến là điều kiện lý tưởng nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp vườn không có kiến, cần phải tìm các đàn kiến ở các khu rừng tự nhiên, cây ăn quả hay ở vườn kế cận để thu thập.

  1. Xác định đàn kiến

Phương pháp xác định các đàn kiến như đã được đề cập ở trên.

  1. Thời gian thích hợp để di chuyển đàn kiến

Thời gian trong ngày thích hợp nhất để bắt kiến là sáng sớm (8 – 10 giờ), thời gian này kiến ít hoạt động và thường ở trong tổ. Thời gian tốt nhất trong năm để di chuyển đàn kiến là đầu mùa nắng (tháng 11 – 12 hàng năm).

  1. Chuẩn bị dụng cụ thu thập kiến

Để thu thập các đàn kiến vàng, cần có áo bảo hộ chuyên dùng, kéo cắt cành có cán dài, thang xếp có chân dài, bao nilon lớn đựng tổ kiến, dây thun. Các tổ kiến được bỏ vào bao nilon và vận chuyển về vườn ca cao để thả. Nếu vận chuyển trong phạm vi gần thì có thể vận chuyển bằng xe gắn máy. Tuy nhiên, trường hợp phải vận chuyển kiến với khoảng cách xa khoảng 50km, cần phải vận chuyển bằng xe hơi có máy lạnh để tránh trường hợp kiến bị chết do nóng.

  1. Xác định cây có tổ kiến chúa

Mỗi đàn kiến đã hình thành hoàn chỉnh thường có khoảng vài chục tổ cho đến trên 100 tổ. Tổ kiến là các lá cây được kiến vàng kết nối lại. Các tổ kiến được thành lập rải rác trên một số cây hoặc nhiều cây. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong số các tổ kiến đó chỉ có một tổ mang một kiến chúa hoặc nhiều kiến chúa. Kiến chúa giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì đàn, đàn kiến không có kiến chúa sẽ bị tiêu vong trong vòng 6 tháng. Vì vậy, việc xác định cây có mang tổ kiến chúa rất cần thiết. Thông thường trên cây có mang tổ kiến chúa có rất nhiều đường di chuyển của kiến từ cây này sang các cây kế cận và có số tổ kiến nhiều hơn các cây khác trong đàn. Tổ mang kiến chúa thường được làm kiên cố hơn.

  1. Thu thập tổ kiến

Công việc thu thập các tổ kiến rất quan trọng đối với cây có tổ kiến chúa, phải thu thập từng tổ. Mỗi bao nilong có thể chứa từ 1 – 2 tổ kiến tùy theo kích thước của bao và kích thước của tổ kiến. Khi di chuyển các tổ kiến về nơi thả, các bao nilon chứa tổ kiến thuộc cùng một đàn phải được đánh dấu rõ ràng, tránh sự nhầm lẫn. Các bao nilon chứa kiến thuộc cùng một đàn nên cùng màu hoặc được đánh dấu với dây buộc cùng màu và để nơi mát trước khi vận chuyển. (Lưu ý: nhiệt độ trong bao không được vượt quá 350C).

Việc thu thập kiến nên được thực hiện với 2 lần thu thập:

  • Lần thu thập thứ nhất: Thu thập tất cả các tổ có trên cây có tổ kiến chúa, và trên những cây khác của cùng một đàn. Chừa lại một vài tổ trên một cây để cho kiến thợ của đàn đi ra ngoài kiếm ăn còn sót quy tụ lại làm thêm vài tổ mới.
  • Lần thu thập thứ hai được thực hiện sau đó khoảng một tuần, và thu thập hết những tổ còn sót lại trên cây.
  1. Phóng thích đàn kiến (thả kiến)

Mỗi nhóm cây đã được kết nối được thả một đàn kiến. Mỗi cây trong nhóm được thả từ 1 - 2 tổ kiến tùy theo kích thước của tán cây và độ lớn của tổ. Treo bao nilon có chứa tổ kiến trên cành chính và mở miệng bao cho kiến thoát ra ngoài. Giữ nguyên tổ kiến trong bao để kiến tự bò ra leo lên cây. Bao nilon có chứa tổ kiến được treo phía có bóng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào, và để tại đây ít nhất 3 ngày. Ngay sau đó, thức ăn gồm thịt, cá xay cần được cung cấp để cho kiến tái lập quần thể và định cư. Trong khi đàn kiến tái lập quần thể đàn ở môi trường mới, tránh không thực hiện những công việc làm vườn có thể quấy rối làm tổn hại đàn kiến như xén tỉa, làm cỏ gần đó. Vào giai đoạn này, mỗi cây trong vườn đều có kiến vàng cư ngụ

III. QUẢN LÝ ĐÀN KIẾN LÂU DÀI

  1. Định kỳ kiểm tra và phương pháp kiểm tra

Kế hoạch kiểm tra được xây dựng để theo dõi sự thay đổi trong quần thể kiến của đàn. Định kỳ theo dõi thích hợp là một tháng một lần trong mùa mưa, và 2 – 3 tuần một lần trong thời kỳ cây ra hoa và đậu trái. Trong thời gian theo dõi, từng cây của đàn trong vườn phải được giám sát kỹ lưỡng. Cần thường xuyên kiểm tra và xén tỉa các cành nhánh tái sinh dọc theo đường ranh giới các đàn kiến, tránh tán cây giao nhau.

Kiểm tra cầu nối giữa các cây của mỗi đàn cho kiến di chuyển, nếu các sợi dây làm cầu nối nhân tạo giữa các cây trong đàn bị đứt thì phải được nối lại ngay. Sự phát triển lớn mạnh của đàn kiến có thể được đánh giá với chỉ tiêu số tổ kiến trên cây hoặc đếm số đường đi của kiến trên các cành chính của cây. Phương pháp đếm số lượng đường đi là phương pháp nhanh và tin cậy hơn phương pháp đếm số lượng tổ kiến. Công việc thực hiện bằng cách gõ nhẹ vào gốc cây với cây gậy nhỏ, và đếm số đường đi của kiến trên cành chính. Không kiểm tra trong khi có mưa hoặc gió mạnh.

  1. Đánh giá đàn kiến mạnh hoặc yếu

Để đánh giá đàn kiến mạnh hay yếu ta dùng chỉ tiêu độ phong phú (độ mạnh yếu) của đàn kiến

AI (%) = (số đường đi của kiến/tổng số cành chính) x 100

Nếu độ phong phú > 50% trên mỗi cây của một đàn: đàn kiến đủ mạnh để kiểm soát sâu hại.

Nếu độ phong phú < 40% trên mỗi cây của đàn, hoặc nếu kiến không hiện diện trên một số cây của đàn: đàn kiến quá yếu, không thể kiểm soát sâu hại.

Việc kiểm tra theo dõi chặt chẽ sự phát triển quần thể của đàn kiến có thể xác định được nguyên nhân ảnh hưởng đến sự thay đổi về sự phát triển của đàn.

  1. Nguyên nhân làm suy giảm quần thể đàn kiến và biện pháp khắc phục

Có 5 nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển quần thể của đàn kiến: (1) Chết tự nhiên, (2) Mưa lớn, (3) Sự phát tán đi nơi khác, (4) Sự cạnh tranh với các loài kiến khác, (5) Sự quản lý không thích hợp.

3.1 Chết tự nhiên  

Tuổi trung bình của một đàn kiến vào khoảng 7 năm. Tuy nhiên, việc xác định tuổi của một đàn kiến rất khó khăn vào thời điểm tách đàn hay thả lên cây, cho nên trong thực tế một số đàn sẽ chết sớm hơn các đàn khác. Vì vậy, việc thay thế đàn kiến yếu bằng một đàn mới là một điều cần thiết.

3.2 Mưa lớn 

Trong mùa mưa, ngoài những cơn gió lốc xoáy mạnh gây tác động bất lợi cho đàn kiến, những cơn mưa lớn có lượng mưa > 60 mm có thể gây giảm quần thể đàn kiến, vì tác động của mưa sẽ xé rách các lá bao bọc tổ kiến thường được xây ở phía đầu cành cây, dễ bị tác động bởi mưa. Một số lượng lớn trứng kiến sẽ bị mưa lớn rửa trôi.

Nếu quần thể kiến hồi phục dần trong vòng 3 tuần, không cần can thiệp. Nếu quần thể kiến tiếp tục giảm cho đến tuần thứ 5, có nghĩa là kiến chúa đã chết, cần thiết phải thay đàn mới.

3.3  Sự phát tán 

Khi cây ca cao không thể cung cấp đủ thức ăn cho kiến, kiến thường di chuyển xuống đất để tìm thức ăn. Khi thức ăn càng trở nên khan hiếm, kiến bắt đầu di chuyển xa hơn đến những cây ca cao khác, mà có thể đã bị chiếm cứ bởi một đàn kiến khác dẫn đến một trận chiến xảy ra tại ranh giới giữa các đàn. Trong trường hợp này, cần phải can thiệp ngay:

Cắt đứt đường di chuyển trên đất của kiến bằng cách dùng vòi nước phun mạnh vào đường di chuyển trên đất của kiến.

Ngăn chặn kiến xuống đất bằng cách dùng nilon cắt thành băng, hoặc dùng băng keo dính bao quanh gốc cây rộng khoảng 15-20cm, và quét lên trên lớp băng nilon này bằng một lớp mỡ bò ngăn không cho kiến di chuyển từ cây xuống.

Đồng thời, thiết lập các trạm cung cấp thức ăn đặt trên cây cho kiến để thu hút kiến quay trở về tổ. Thức ăn là dung dịch đường 5%, hoặc cá, thị mỡ xay nhuyễn. Mỗi đàn kiến chỉ cần khoảng 3 – 4 trạm cung cấp thức ăn là đủ. Thời gian cung cấp thức ăn nhân tạo khoảng 2 – 3 tuần. Sau đó, các trạm cung cấp thức ăn được cất đi, và sử dụng cho các lần kế tiếp. Nếu thức ăn được cung cấp thêm nữa, kiến sẽ trở nên lười biếng.

Việc xen canh cây ca cao với một số cây trồng khác rất cần thiết để duy trì quần thể kiến được cao và ổn định, bởi vì kiến có thể chuyển từ cây ca cao ít nguồn thức ăn sang các cây trồng khác. Vì vậy, những loại cây trồng này cần có đặc tính sinh trưởng khác với cây ca cao về khía cạnh cung cấp thức ăn cho kiến vàng, có thể trồng một số cây thuốc họ cam quýt hoặc mãng cầu xen trong vườn ca cao.

3.4  Sự cạnh tranh với các loài kiến khác

Sự cạnh tranh giữa kiến vàng với các loài kiến khác như kiến đầu to, kiến lửa, kiến đen nhỏ, kiến hôi xảy ra thường xuyên trong vườn ca cao. Nếu điều này xảy ra, chúng ta cần có biện pháp làm giảm đi sự cạnh tranh này, các biện pháp đã trình bày ở phần trên.

3.5  Sự quản lý không thích hợp

Không nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại trong vườn, và xén tỉa quá mạnh. Sự suy giảm quần thể của kiến trong vườn ca cao là điều có thể xảy ra do việc sử dụng thuốc trừ sâu có tính độc cao, và việc xén tỉa quá mạnh. Kiến vàng rất dễ mẫn cảm với thuốc trừ sâu thí dụ như Dimethoate, Lepidex, Carbaryl v.v.

Lưu ý rằng, một khi chúng ta đã sử dụng kiến vàng để kiểm soát sâu hại thì không cần thiết phải sử dụng những loại thuốc trừ sâu có độc tính cao. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú ý đến ảnh hưởng gián tiếp của việc sử dụng thuốc trừ sâu của vườn kế cận đến đàn kiến.

Kiến vàng sống trong các tổ kết lại bởi lá cây, vì vậy chúng cũng cần có một tán cây thích hợp để cư ngụ lâu dài. Những tác động từ việc xén tỉa bình thường như tỉa bỏ các cành nhánh không có lợi, tán cây bớt rậm rạp sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn kiến. Tuy nhiên, việc xén tỉa mạnh đối với các cành chính sẽ gây tác động xấu đến vị trí các tổ kiến, và từ từ các tổ sẽ bị phá hủy. Đây là nguyên nhân chính của sự suy giảm quần thể đàn kiến, và gia tăng nguy cơ chiến tranh giữa các đàn.

IV. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN NẾU KHÔNG ĐỦ SỐ ĐÀN KIẾN VÀNG CẦN THẢ HOẶC CHƯA CÓ KINH NGHIỆM QUẢN LÝ ĐÀN KIẾN

Vì ca cao là cây trồng mới nên người trồng ca cao ít có kinh nghiệm với việc sử dụng kiến vàng trong vườn. Những đàn kiến đã phát triển mạnh thường rất khó tìm được ở những vườn kế cận do việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu. Trong trường hợp này, chi tiết từng bước thực hiện được khuyến cáo như sau:

Vào đầu mùa khô thả một đàn kiến lớn, mạnh lên một số cây ở góc vườn sau khi bẫy diệt các loài kiến cạnh tranh trên những cây này. Thực hiện bước này có thể tránh được những trở ngại liên quan đến sự tranh chấp giữa các đàn kiến vàng.

Trong mùa mưa, cần theo dõi sự phát tán của đàn kiến đã thả (một đàn kiến lớn mạnh có thể phát tán đến 30 - 50 cây khác), và quản lý kiến theo hướng dẫn ở trên.

Vào đầu mùa khô có thể thả một đàn kiến mới vào phía góc vườn đối diện.

Trở lại      In      Số lần xem: 6395

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD