Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  9
 Số lượt truy cập :  33221480
MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐẤT, PHÂN BÓN CỦA VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP MIỀN NAM

Lịch sử phát triển nông nghiệp ở mọi quốc gia đều gắn liền với lịch sử nghiên cứu đất và sử dụng phân bón. Sử sách đã ghi nhận, từ 3000 năm trước công nguyên Trung Quốc đã sử dụng chất hữu cơ bón ruộng. Ở Việt Nam, từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên đã bắt đầu phân hạng ruộng đất để đánh thuế và ứng dụng chất hữu cơ trong canh tác (Lê Quý Đôn, 1773).

Đỗ Trung Bình và cộng sự

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Lịch sử phát triển nông nghiệp ở mọi quốc gia đều gắn liền với lịch sử nghiên cứu đất và sử dụng phân bón. Sử sách đã ghi nhận, từ 3000 năm trước công nguyên Trung Quốc đã sử dụng chất hữu cơ bón ruộng. Ở Việt Nam, từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên đã bắt đầu phân hạng ruộng đất để đánh thuế và ứng dụng chất hữu cơ trong canh tác (Lê Quý Đôn, 1773). Những nghiên cứu có quy mô về nông hóa chỉ được tiến hành sau khi Viện Khảo cứu nông lâm nghiệp được thành lập cùng với Sở lúa gạo Đông Dương (thời Pháp thuộc) tuy mới quan tâm đến một số chỉ tiêu hóa học đất và thực hiện những thí nghiệm đơn giản về phân bón trên các cây cao su, chè và cà phê.

 

Công tác nghiên cứu, điều tra phân loại và lập bản đồ đất có hệ thống được bắt đầu từ cuối thập kỷ 60 và phát triển mạnh sau 1975 khi đất nước thống nhất, với sự chung tay của các nhà khoa học đất miền Bắc và miền Nam. Nhờ đó đã có cơ sở để mở rộng diện tích đất nông nghiệp từ khoảng 5 triệu ha (1975) lên 6,913 triệu ha (năm1980) và gần 8,2 triệu ha (1999)2. Thống kê 2012, diện tích đất nông nghiệp toàn quốc là 10,126 triệu ha, bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp/đầu người chỉ là 0,104 ha (bằng 8,7% trung bình thế giới) 1. Con đường duy nhất để tăng sản lượng nông nghiệp trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp như Việt Nam là thâm canh nhờ vào nước, phân bón và giống mới. Những kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp nói chung và ngành khoa học đất nói riêng trong hơn ba thập kỷ qua có ý nghĩa then chốt đưa Việt Nam trở thành cường quốc lúa gạo và nhiều ngành hàng nông sản đứng nhất nhì thế giới như cà phê, hồ tiêu…Đóng góp cho những thành tựu kể trên là những công trình nghiên cứu đất, phân bón của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS), một phần sẽ được trích lược dưới đây.

 

II. NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ ĐẤT

 

1. Xây dựng bản đồ đất xám vùng Đông Nam Bộ

 

Ngay những năm đầu sau giải phóng miền Nam, Viện Kỹ thuật Nông nghiệp miền Đông Nam Bộ (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) đã triển khai chương trình nghiên cứu đánh giá, khảo sát thành phần, nguồn gốc và đặc điểm của các loại đất xám miền Đông Nam Bộ với quy mô 1.700.000 ha. Có thể nói đây là công trình có quy mô lớn nhất (so với trước 1975), nghiên cứu sâu về phát sinh, phân loại, phân hạng và lập bản đồ đất đất xám với các tỉ lệ khác nhau (Trương Công Tín, Lê Khánh Hoàng, Phạm Phát Khoa, 1985). Năm 1980 xây dựng xong bản đồ đất xám tỷ lệ 1/250.000. Phân loại và phân hạng kỹ hơn trên các loại bản đồ tỷ lệ 1/50.000 phục vụ xây dựng cấp huyện, các tiểu vùng sinh thái, vùng chuyên canh (vùng lúa cao sản, vùng chuyên canh rau, vùng cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, cây công nghiệp ngắn ngày như đậu phộng, mía, thuốc lá …). Những năm 1983-1984 xây dựng bản đồ đất xám của TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ 1/10.000 đạt chuẩn quốc tế phục vụ tới các cơ sở sản xuất nông nghiệp (tập đoàn, hợp tác xã, nông trường, trạm trại). Tham gia công tác quy hoạch vùng chuyên canh, các khu thuỷ lợi nội đồng từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng, thiết kế đồng ruộng và thực nghiệm các quy trình thâm canh của hệ thống luân canh cây trồng trên đất xám. Công trình đã đóng góp kịp thời và rất thiết thực cho thực tiễn sản xuất, tạo ra những cánh đồng trù phú, sản xuất hiệu quả, duy trì và cải thiện được độ phì nhiêu đất xám Đông Nam Bộ.  

 

2. Nghiên cứu của một số biện pháp quản lý đất dốc Tây Nguyên

 

Đất đồi núi (đất dốc) của miền Nam chiếm hơn 60% đất tự nhiên. Do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn nên đất đai bị xói mòn rửa trôi nghiêm trọng, mất sức sản xuất và diện tích đất trống đồi trọc ngày càng tăng. Việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cho vùng đất này là rất cần thiết. Trong chương trỉnh hợp tác quốc tế của Viện (IAS) với Vương Quốc Bỉ, dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững trên đất dốc ở miền Nam Việt Nam” được triển khai. Dự án đã tiến hành một số đề tài: Nghiên cứu một số biện pháp quản lý đất dốc ở Lâm Đồng như trồng cây phủ đất, trồng hàng rào cỏ vetiver chống xói mòn… (Nguyễn Quang Chơn, 1997); Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại hình độc canh khác nhau đối với chất hữu cơ và độ bền cấu trúc đất đỏ Lâm Đồng (Phùng Quang Minh, 1997); và Nâng cao sự bền vững của đất dốc bằng bón thay thế một phần phân khoáng bằng chất hữu cơ (Phan Thị Công, 2004). Những kết quả của Dự án cũng được kế thừa trong triển khai đề tài “Áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật để xây dựng các mô hình sử dụng đất huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai” (Công Doãn Sắt, Đỗ Trung Bình, 2000). Đề tài đã được Hội Đồng Khoa học đánh giá cao bởi tính thực tiễn và khả thi.

 

3. Nghiên cứu thành phần khoáng sét miền Nam và các yếu tố dinh dưỡng hạn chế chính đối với cây trồng của đất Đông Nam Bộ

 

Thành phần khoáng sét trong đất là một trong những chỉ tiêu quan trọng bậc nhất trong chẩn đoán quy luật phát sinh phát triển của đất cũng như độ phì nhiêu tiềm tàng của đất đó làm cơ sở cho việc cải tạo đất nâng cao độ phì nhiêu và sử dụng hợp lý phân bón.  Một đề tài nghiên cứu sâu về thành phần và số lượng khoáng sét trong 14 loại đất loại đất thuộc 6 nhóm đất (đất xám, đất đỏ vàng, đất phù sa, đất phèn, đất đen và đất cát) ở miền Nam (Công Doãn Sắt, Đỗ Trung Bình, 1995). Kết quả đã xác định kaonilite là thành phần khoáng sét chủ yếu trong hầu hết các loại đất miền Nam, số lượng và thành phần các khoáng sét trong từng loại đất cũng rất khác nhau. Thành phần khoáng sét ảnh hưởng sâu sắc đến dung tích hấp thu và nhất là tình trạng kali của đất. Từ cơ sở đó đã nghiên cứu “Khả năng cung cấp kali cho cây trồng trên 4 loại đất chính ở miền Nam”, xác định được mức độ cung cấp kali từ đất cho cây trồng tuần tự là: đất phù sa và đất phèn >đất đỏ bazan > đất xám, giúp cho các địa phương sử dụng hợp lý loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn (Công Doãn Sắt, Đỗ Trung Bình, 1995).

 

Một nghiên cứu mang tính cơ bản về yếu tố dinh dưỡng hạn chế trên hai nhóm đất chính vùng Đông Nam Bộ là đất đỏ vàng (Ferrasols) và đất xám (Haplic Acrisols). Kết quả nghiên cứu đã xác định: yếu tố dinh dưỡng hạn chế chính đối với năng suất các cây hàng năm trên đất xám theo thứ tự P > K > Mg > S và trên đất đỏ vàng là P > Mg > K > Zn (Lê Hoàng Kiệt, Công Doãn Sắt, 1998).

 

Từ hàng ngàn mẫu phân tích đất của Viện và những kết luận từ thí nghiệm đồng ruộng đã khẳng định độ chua là yếu tố hạn chế dinh dưỡng tiềm tàng trong đất đỏ bazan vốn được coi là đất có độ phì nhiêu cao. Do pH của đất chi phối trực tiếp tới dạng tồn tại và độ hữu hiệu của các nguyên tố dinh dưỡng có trong đất. Đề tài “Nghiên cứu vai trò của Canxi và Magie đối với một số cây trồng trên đất đỏ” (Chương trình Hợp tác giữa IAS  với PPI/PPIC) nhắm đến mục tiêu dùng biện pháp nông hóa để cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu đồng thời cung cấp hai nguyên tố dinh dưỡng trung lượng quan trọng sau NPK. Kết quả đề tài đã xác định Canxi và Magie là các yếu tố dinh dưỡng hạn chế tới sinh trưởng và năng suất cây trồng trên đất đỏ. Dolomite là loại nguyên liệu tốt để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng lân trên đất đỏ. Ở các liều lượng bón từ 0,5 tấn – 2 tấn dolomite ha/ha làm tăng năng suất cà phê, ngô, đậu tương tuần tự là: 12; 16; 18 (%) so với chỉ bón NPK. Bón dolomite làm tăng pH đất, làm giảm hàm lượng nhôm di động trong dung dịch đất, cải thiện độ phì nhiêu, phục hồi sức sản xuất của những đất đỏ thoái hóa (Đỗ Trung Bình, Hoàng Văn Tám, 2002).

 

Hàng loạt những nghiên cứu khác về quản lý, sử dụng bền vững đất đai: Ảnh hưởng của các loại hình canh tác đến sự thay đổi của chất hữu cơ và độ bền cấu trúc trên đất haplic ferralsols tỉnh Lâm Đồng (Phùng Quang Minh IAS/KUL, 1998); Nghiên cứu sử dụng một số cây phủ đất chống xói mòn cho đất trồng lúa cạn và ngô ở vùng miền Đông Nam Bộ (Nguyễn Gia Quốc và ctv, 1998); Nghiên cứu một số biện pháp quản lý đất trồng sắn ở miền Đông Nam Bộ (Hoàng Văn Tám, Phan Thị Công, và cộng sự - Chương trình hợp tác IAS/K.U.L, 1998); Tăng cường năng lực đánh giá đất thông qua sử dụng hệ thống các quyết định hỗ trợ Scamp (TS. Phan Thị Công, TS. Philip Moody, Dự án: CARD 009/06 VIE, 1998)…là những nghiên cứu thiết thực giúp cho sản xuất nông nghiệp bền vững trên đất cao miền Nam.

 

4. Nghiên cứu về độ phì nhiêu đất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

 

Trước những năm 2000, sản xuất lúa trên vùng đất phèn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vụ hè thu. Đề tài nghiên cứu “Độ phì thực tế và sự thay đổi hóa tính của đất và nước theo mùa của đất phèn trồng lúa vùng Đồng Tháp Mười” được thực hiện trên vùng. Kết quả đã đánh giá được độ phì nhiêu thực tế của đất phèn theo mùa vụ làm cơ sở để thiết kế các biện pháp kỹ thuật quản lý đất phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phân bón để phát triển bền vững cho đất phèn trồng lúa vùng Đồng Tháp Mười (Phan Thị Công, Trần Duy Việt Cường và ctv).

 

III. NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ PHÂN BÓN

 

Việt Nam là nước ứng dụng phân vô cơ muộn so với các nước trên thế giới nhưng mức tiêu thụ phân bón tăng khá nhanh, đặc biệt từ sau năm 1990 đến nay. Theo thống kê của IFA, lượng phân vô cơ đa lượng (tính theo N+P2O5+K2O), năm 1961 Việt Nam chỉ sử dụng 89 ngàn tấn, năm 1975 là 330 ngàn tấn thì đến 1995 sau chương trình cải tạo đất phèn trồng lúa, mở rộng diện tích cây công nghiệp và ứng dụng các giống mới cao sản thì Việt Nam đã sử dụng 129.681 tấn phân bón NPK nguyên chất/ năm và hiện nay là 2.774 tấn (tương đương với 10,3 triệu tấn phân thương phẩm). Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, phân bón đóng góp 40% vào tăng năng suất cây trồng, trong khi giống đóng góp 30%, BVTV 20% và cơ giới hóa 10%. Ở Việt Nam, ít nhất mức đóng góp của phân bón vào năng suất cũng tương đương ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiệu suất sử dụng phân bón chưa cao, chỉ 45-50% với phân đạm, 25-35% với lân và khoảng 60% với kali (trích từ Nguyễn Văn Bộ, 2014).

 

Từ trước năm 1975, những nghiên cứu về phân bón ở miền Nam còn ít và phiến diện. Sau những năm 1980 đến nay, trước yêu cầu của sản xuất, nhiều nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về phân bón do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã được tiến hành, đóng góp thiết thực cho sử dụng hiệu quả hợp lý các loại phân bón từ đa lượng, trung lượng, vi lượng đến phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh vật theo loại đất, loại cây trồng cụ thể.

 

  1. Nghiên cứu bón phân hiệu lực phân N-P-K

 

Các nghiên cứu trong các năm trước đây tập trung chủ yếu vào cây lúa (lúa cao sản, lúa thơm cao sản và lúa cạn) của nhiều tác giả (Lê Văn Căn, 1985; Nguyễn Đăng Nghĩa, 1988; Mai Văn Quyền, 1990; Mai Thành Phụng, 1993; Công Doãn Sắt, Cồ Khắc Sơn, 2000; Trương Công Tín, Nguyễn Gia Quốc, 1994; Đỗ Khắc Thịnh, 1995). Nghiên cứu được thực hiện trên nhiều địa phương, đã đóng góp kịp thời cho sản xuất vào giai đoạn đó.

 

Trong các năm 1991-1992, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng tương hỗ giữa N – K trên một số loại đất trồng trọt ở miền Nam” do Công Doãn Sắt và Phạm Văn Biên thực hiện đã cho thấy hai nguyên tố dinh dượng đa lượng (N, K) mối quan hệ tương hỗ giữa kali với đạm khác nhau ở các nhóm đất. Trên đất xám quan hệ này rất chặt chẽ, khi tăng đồng thời liều lượng đạm và kali thì năng suất tăng đối với tất cả các cây trồng thí nghiệm. Tuy nhiên tỷ lệ phối hợp có hiệu quả nhất với lúa: 150 N – 60 K­2O/ha; Với lạc: 50 N – 60 K2O/ha; Với ngô: 120 N – 120 K2O/ha; Với mía: 180 N – 120 K2O/ha. Trên đất phù sa và đất đỏ vàng, ảnh hưởng của các tỷ lệ N – K đến năng suất không rõ ràng, hiệu lực của kali thấp. Vì vậy chỉ nên bón 30 – 60 kg K2O/ha đối với lúa trên đất phù sa ở mức độ thâm canh như hiện nay, đối với ngô trên đất đỏ tỷ lệ bón hợp lý là 180 – 120 K2O/ha, đậu tương và đậu đen tỷ lệ  N – K hợp lý là 50 N – 30 K2O/ha.

 

Một đề tài nghiên cứu có quy mô lớn “Sơ đồ hiệu lực phân bón vùng sinh thái Đông Nam Bộ” thực hiện từ 2000-2001 đã khuyến cáo lượng bón NPK (tính theo N- P2O5 - K2O, kg/ha/vụ) đối với một số cây trồng chính để đạt năng suất cao trên hai nhóm chính ở Đông Nam Bộ. Trên đất xám, Lúa: (90-100) - 60 - 60; Lạc: 40 - 60 - 60; Mía: (150-200) - 100 - 100; Nhãn: 400 - 300 - 300; Xoài: (150-200) -200 - 200; Hồ tiêu: 250 - 100 - (300-400). Trên nhóm đất đỏ: Ngô: 120 - 90 - 60; Cà phê 250 - 200 - 300; Chôm chôm: 200 - 200 - 200. Xây dựng một bản đồ hiện trạng sử dụng phân bón và một số sơ đồ phân vùng sinh thái hiệu lực phân bón vùng ĐNB tỷ lệ 1/250.000, tạo cơ sở để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. (Nguyễn Đăng Nghĩa, Nguyễn Quang Chơn, 2001).

 

Chương trình hợp tác giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam với  PPI (Potash and Phophate Institute) về “Nghiên cứu ứng dụng bón phân cân đối cho cây trồng ở Đông Nam Bộ” thực hiện trong 3 năm (2002-2005) trên quy mô rộng tại các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh với các loại cây: lúa, lạc, rau (dưa chuột) và mía. Kết quả nghiên cứu tiếp tục khẳng định: (i) Trên tất cả các mô hình đều thấy rõ vai trò của P và K đối với năng suất cây trồng; (ii) Thiếu P làm giảm năng suất các cây trồng rõ rệt: lúa giảm 17,4%; rau giảm 9,29%; lạc giảm 22,33% và mía giảm 16,16% so với công thức bón đầy đủ; (iii) Thiếu K năng suất lúa giảm 13,78%; rau giảm 13,33%; lạc giảm 17,21% và mía giảm 11,78% so với công thúc bón đầy đủ NPK (Công Doãn Sắt, Hoàng Văn Tám, 2005), Chương trình BalCrop và BalCof cũng đã khẳng định điều này (Nguyen Van Bo, Ernst Mutert , Cong Doan Sat, 2003). Đề tài “Nghiên cứu chế độ phân bón cân đối cho 2 cơ cấu cây trồng chính “lúa-lúa-lạc và lúa-lúa-ngô” trên đất xám vùng đông nam bộ (Đỗ Trung Bình, Cồ Khắc Sơn, Đỗ Đình Đan, 2005) đã chứng minh bón phân cân đối, hợp lý và cày vùi rơm rạ trên hai cơ cấu cây hàng năm ở Đông Nam Bộ vừa làm tăng hiệu quả, vừa cải thiện được độ phì nhiêu đất.

 

2. Nghiên cứu về phân lân

 

Trong các nguyên tố dinh dưỡng chính NPK thì nguyên tố lân – P có sự biến động rất mạnh về số lượng, về sự hấp thu của cây trồng cũng như động thái của nó ở trong đất phức tạp, đặc biệt là trên đất phèn mới khai hoang và đất đỏ bazan nên rất được “quan tâm” của nhiều nhà nghiên cứu. Nghiên cứu về các biện pháp nâng cao hiệu quả phân lân trên đất phèn, đất đỏ là các loại đất có khả năng cố định P cao (Mai Thành Phụng, Nguyễn Đăng Nghĩa, 1993). Nghiên cứu về phân lân bón cho lúa trên hai nền đất phèn có địa hình khác nhau của vùng Đồng Tháp Mười (Phan Thị Công, Công Doãn Sắt, Hoàng Văn Tám và Trung Tâm nghiên cứu Nông nghiệp Đồng tháp Mười, 1993); Nghiên cứu: phương pháp phân tích xác định P ở nồng độ thấp (Phan Thị Công, Phùng Quang Minh, 1995); Nghiên cứu về chế độ bón phân lân cho lúa trên đất phèn (Nguyễn Đức Thuận, 1998); Ảnh hưởng của phân lân và thời vụ đến cây lúa trên đất phèn (Phan Thị Công, Công Doãn Sắt, Hoàng Văn Tám, 1995); Nghiên cứu cơ chế tăng hữu hiệu của P trong đất trồng cạn bằng cây phân xanh (Phan Thị Công, 2002).

 

Một trong những biện pháp kỹ thuật cơ bản về nghiên cứu lân là ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cũng lần đầu tiên được triển khai tại miền Nam gồm hai đề tài: “Áp dụng kỹ thuật 32P trong nghiên cứu quá trình hấp thu lân của lúa trên đất phèn và đất phù sa” (Công Doãn Sắt, Nguyễn Đăng Nghĩa, Lê Xuân Thám, 1989); và “Sử dụng chất đồng vị phóng xạ 32P trong nghiên cứu khả năng cung cấp lân của 04 loại đất chính miền Nam Việt Nam (Công Doãn Sắt, Nguyễn Đăng Nghĩa, Hoàng Văn Tám, Phạm Thị Thanh, Phùng Quang Minh, Lương Thu Trà, 1995). Nhờ những nghiên cứu đó, mức độ cung cấp lân từ đất được đánh giá với độ chính xác rất cao.

 

3. Nghiên cứu về phân kali

 

Kali là nguyên tố cây hút nhiều tương đương N và nhiều hơn P, song nghiên cứu về kali chỉ mới được tiến hành một cách bài bản khoảng hơn 10 năm trở lại đây khi mà kali trở thành yếu tố hạn chế dinh dưỡng hàng đầu. Nhiều nghiên cứu cả cơ bản, cả ứng dụng về kali và phân kali trên các loại đất và cây trồng khác nhau; Về động thái K trong đất, trong cây; Về liều lượng, dạng loại K; Về vai trò K đối với năng suất và đặc biệt với chất lượng nông sản, với sự làm giảm sâu bệnh hại… (Công Doãn Sắt, Đỗ Trung Bình và ctv. 1994, 1996, 1997, 2000, 2002). Nghiên cứu hiệu lực của phân phun lá K2SO4 tới năng suất lúa ở miền Nam Việt Nam (Đỗ Trung Bình, Hoàng Văn Tám, Nguyễn Lương Thiện, Michel Marchand, hợp tác IAS với IPI, 2012).

 

Những kết quả nghiên cứu một mặt góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân kali trên các loại đất với những cây trồng khác nhau, mặt khác làm tăng năng suất và chất lượng nông sản, giảm chi phí nhập khẩu phân kali.

 

4. Nghiên cứu phân hữu cơ

 

Trong kỹ thuật bón phân cân đối ở Việt Nam thì cân đối giữa phân vô cơ với phân hữu cơ là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với cây trồng trên vùng đất cao. Tỉ lệ dinh dưỡng tốt nhất từ hai nguồn này là 70-30%. Xuất phát từ quan điểm khoa học đó, nhiều đề tài đã được triển khai nghiên cứu. Các đề tài “Ảnh hưởng của phân bón hữu cơ sinh học đối với năng suất và chất lượng một số loại rau trên địa bàn TP. HCM (Nguyễn Đăng Nghĩa, Nguyễn Thanh Thủy, Trương Vĩnh Hải, 2002); Đánh giá ảnh hưởng của một số loại phân hữu cơ đến năng suất và hàm lượng nitrat trong rau trên đất xám (Nguyễn Đăng Nghĩa,Vũ Văn Quý, 2003); Nâng cao sự bền vững của đất đỏ Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bằng  biện pháp thay thế một phần phân khoáng bằng chất hữu cơ (Phan Thị Công, 2004); Ảnh hưởng của phân hữu cơ chế biến tới một số đặc tính đất và năng suất cây ngắn ngày trên đất xám miền đông nam bộ (Hoàng Văn Tám, đề tài luận án tiến sỹ nông nghiệp, 2014) là những nghiên cứu có giá trị quan trọng trong khoa học và thực tiễn.

 

  1. Những nghiên cứu về vi sinh vật

 

Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của vi sinh vật trong mối quan hệ giữa độ phì nhiêu đất, phân bón và môi trường, hàng loạt các đề tài được thực hiện liên tục từ 1988 đến nay. Có thể nêu tên một số đề tài trọng điểm sau: “Hiệu lực của chế phầm rhizobium bón cho đậu phộng trên một số loại đất ở miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Thanh Phụng, Trần Minh Hiền và ctv 1988); Cải thiện và làm tăng sinh khối các tập đoàn vi sinh có ích trong đất trồng trọt vùng  Đông Nam Bộ (Nguyễn Đăng Nghĩa, Trần Minh Hiền,Trần Đăng Dũng, 2003); Nghiên cứu sử dụng mụn xơ dừa làm giá thể và phân bón cho cấy trồng (Nguyễn Đăng Nghĩa, Phạm Thị Ánh Hồng, 2003); Nghiên cứu cơ chế tác động của vi khuẩn Klebsiella pneumoniae và hiệu lực của phân vi sinh BioGro trên cây lúa (Phan Thị Công, Trần Minh Hiền và cộng sự, Dự án ACIAR SMCN/2002/073, 2006); Nghiên cứu phương pháp sử dụng phụ phế phẩm trong nông nghiệp làm phân bón (Trần Minh Hiền, Đỗ Trung Bình, Trần Thi Kim Cúc, Mai Thanh Trúc, Trần Đăng Dũng, 2005); Thay thế phân đạm hóa học bằng chế phẩm vi sinh cố định đạm cho cây họ đậu (Trần Yên Thảo, Phạm Văn Biên, David Herridge, Rosalind Deaker, Dự án: CARD 013/06 VIE, 2010); Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm  vi sinh và phân hữu cơ vi sinh (Trần Minh Hiền, Trần Thị Kim Cúc, Mai Thanh Trúc, Ngô Thị Bích Ngọc, Đỗ Trung Bình, 2012)…Kết quả của những đề tài nêu trên đã lập tức phát huy hiệu quả trong sản xuất, nhiều chủng vi sinh vật được thương mại hóa phục vụ sản xuất phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh và chế phẩm vi sinh vật.

 

6. Nghiên cứu bón phân cân đối và quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cây lâu năm

 

Nhiều loại cây công nghiệp lâu năm (cà phê, hồ tiêu, điều) và cây ăn quả quả đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh phía Nam. Vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó do thiếu kiến thức trong thâm canh, việc lạm dụng phân hóa học đã gây những hậu quả nghiêm trọng cho nông dân, ít bón phân hữu cơ, chưa quan tâm đến dinh dưỡng trung, vi lượng đã gây thiệt hại trầm trọng ở nhiều vùng sản xuất. Đã thấy phổ biến môi trường đất bị ô nhiễm, dịch bệnh tăng, nhiều vườn cây bị chết do bệnh hại, hiệu lực phân bón thấp làm giảm hiệu quả sản xuất.

 

Liên tục từ năm 2005 đến nay, Bộ Nông nghiệp đã giao cho Viện thực hiện các đề tài nghiên cứu sản xuất bền vững cây hồ tiêu, cây điều, thanh long và một số cây lâu năm khác. Mục tiêu chính của các đề tài này là chọn được giống tốt, xác định được liều lượng phân bón hợp lý, hiệu quả trong mối quan hệ quản lý dinh dưỡng tổng hợp. Các đề tài “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ và thị trường để phát triển vùng hồ tiêu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu” đã bước đầu nghiên cứu xây dựng qui trình bón phân hợp lý cho cây hồ tiêu (Nguyễn Tăng Tôn, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Trung Bình và ctv, 2005); Đề tài “Nghiên cứu dịch hại phát sinh từ đất và biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp cho cây hồ tiêu” tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa phân bón với bệnh hại và biện pháp phòng trừ (Nguyễn Tăng Tôn, Lã Phạm Lân, Đỗ Trung Bình, Tôn Nữ Tuấn Nam và ctv, 2010); Đề tài Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất cây hồ tiêu theo hướng bền vững” đã nghiên cứu và xây dựng ba quy trình bón phân hợp lý cho cây hồ tiêu ở ba vùng sản xuất trọng điểm phía Nam (Đỗ Trung Bình, Nguyễn Tăng Tôn, Tôn Nữ Tuấn Nam và ctv, 2012).

 

Các nghiên cứu bón phân cho cây điều (Nguyễn Đăng Nghĩa, Nguyễn Lương Thiện, 2002); Nghiên cứu chọn tạo giống điều và xây dựng các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến thích hợp cho các vùng trồng điều chính đã xây dựng được các quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cây điều ghép ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (Đỗ Trung Bình, Đặng Đức Hiền, Đặng Văn Tự, Nguyễn Tăng Tôn, 2012.

 

Ngoài ra, những nghiên cứu bón phân cho cây thanh long (Nguyễn Đăng Nghĩa, Cồ Khắc Sơn, Thái Văn Trương, 1999); cà phê, cây ăn quả dài ngày chôm chôm, xoài, nhãn…) ở miền Đông Nam Bộ (Đỗ Trung Bình, Đào Huy Đức…, 1997, 1998, 2000) đã đóng góp kịp thời những kết quả cho sản xuất.

 

IV. THAY LỜI KẾT

 

Bốn mươi năm đã qua, kể từ ngày miền Nam được giải phóng, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, những cán bộ Thổ nhưỡng – Nông hóa thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cả những người đã nghỉ hưu và những người còn đang làm việc đều có thể tự hào vì đã cống hiến không mệt mỏi với niềm đam mê và trách nhiệm cao cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà. Trước mắt, vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đất đai và sử dụng phân bón cần phải tiếp tục nghiên cứu như phát triển thế hệ phân bón mới, sản xuất và ứng dụng phân bón chuyên dùng, phân bón chức năng, nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón để tăng năng suất, cải thiện chất lượng nông sản, duy trì và cải thiện độ phì nhiêu đất, bảo vệ môi trường đất, nước trước xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Nguyễn Văn Bộ, 2013. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng phân bón ở Việt Nam. NXB NN, TP. HCM.
  2. Đất Việt Nam, 2000. NXB NN, Hà Nội.
  3. Niên giám thống kê, 2012. NXB NN Hà Nội.
  4. Kỷ yếu hội nghị khoa học các năm 1988, 1989, 1993, 2010, 2015 của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
  5. Kết quả nghiên cứu về trồng trọt, năm 1994-1995” của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam các năm 1995, 1998.

         6. Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, năm 2000-2001 của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam.

Trở lại      In      Số lần xem: 12643

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD