Cây chủ lực của Bến Tre
Dừa là cây trồng truyền thống của Bến Tre, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2024 đánh dấu những cột mốc đáng ghi nhận của ngành hàng dừa Bến Tre nói riêng, cả nước nói chung.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là Nghị quyết số 03-NQ/TU và Nghị quyết số 07-NQ/TU. Theo đó, địa phương đã tập trung xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Cụ thể, các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm dừa ngày càng mở rộng, mô hình sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ ngày càng phát triển.
Tính đến năm 2024, diện tích dừa của tỉnh Bến Tre đạt gần 80 nghìn ha, chiếm khoảng 42% diện tích dừa cả nước và khoảng 88% diện tích dừa vùng ĐBSCL, sản lượng khoảng 708 triệu trái. Toàn tỉnh có trên 9,7 nghìn cây dừa mẹ được bình tuyển và công nhận.
Hiện tỉnh có 32 tổ hợp tác và 34 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị với quy mô 13,3ha và 6,6 nghìn thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20,4 nghìn ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13 nghìn ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Dừa Bến Tre ngày càng đa dạng các sản phẩm chế biến trên thị trường. Ảnh: Nguyên Khang.
Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã tiêu thụ khoảng 85,7% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2,4 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm từ dừa. Các sản phẩm dừa của Bến Tre hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị sản xuất, chế biến dừa năm 2023 đạt 3,75 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu dừa năm 2023 đạt 420 triệu USD, chiếm 27,45% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Rộng đường xuất khẩu
Ông Đoàn Văn Đảnh đánh giá năm 2024 thực sự là năm đánh dấu những cột mốc đáng ghi nhận của ngành hàng dừa tỉnh Bến Tre, từ đây mở ra những bước phát triển mới tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngày 26/01/2024, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, trong đó xác định cây dừa là một trong 6 cây công nghiệp chủ lực quốc gia.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bến Tre đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 2710/KH-UBND ngày 06/5/2024 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát huy thế mạnh vốn có từ cây dừa, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của vườn dừa.
Ngành hàng dừa Bến Tre đang ngày càng đi vào hướng chế biến sâu để gia tăng giá trị. Ảnh: NNVN.
Trong tháng 8/2024, UBND tỉnh Bến Tre đã chủ trì, phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ, Bộ KH-CN tổ chức thành công hội thảo khoa học về ngành hàng dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững, hướng tới net zero". Hội thảo đã đưa ra một giá trị mới, quan trọng của cây dừa, đó chính là tiềm năng lưu giữ carbon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng đến nền sản xuất carbon thấp.
Ngày 19/8/2024, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, dừa tươi là một trong 3 sản phẩm chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích gần 8,4 nghìn ha và trên 12,8 nghìn hộ tham gia. Đây là những con số quan trọng, là vùng nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu được nêu trong nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dừa Bến Tre đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: TL.
Ông Đoàn Văn Đảnh nhìn nhận, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ dừa trên thế giới ngày càng tăng, các sản phẩm chế biến từ dừa được xuất khẩu với khối lượng và kim ngạch ngày càng tăng. Các sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, kế đến là châu Âu, châu Mỹ, thị trường Trung Quốc, các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc tăng nhanh.
Gắn cây dừa với du lịch sinh thái
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, các mục tiêu phát triển ngành dừa của tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 đã cơ bản hoàn thành. Trong giai đoạn 2026 - 2030, địa phương sẽ tiếp tục phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80 nghìn ha, trong đó có 25 nghìn ha dừa hữu cơ và 6 nghìn ha dừa được cấp mã số vùng trồng.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung sắp xếp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng chất lượng và chuyên môn hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và tăng cường khả năng cạnh tranh. Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, gắn với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững và xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương.
Diện tích dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày càng tăng. Ảnh: Nguyên Khang.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ tham gia tốt vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa ngành nông nghiệp và du lịch thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch, các không gian phát triển vườn dừa gắn với hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước xứ dừa Bến Tre” không ngừng phát triển.
Tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường. Đặc biệt, với khả năng hấp thu CO2 của cây dừa, tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị tham gia một số chương trình khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero, đóng góp vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững.
Nguyên Khang - NNVN.