Bán tín chỉ carbon, không chỉ có rừng
Thứ năm, 22-08-2024 | 08:09:39
|
|||
Nước ta có khoảng 14,7 triệu hecta rừng, mỗi năm hấp thụ trung bình gần 70 triệu tấn carbon. Bên cạnh rừng, ngành Nông nghiệp có nhiều tiềm năng, có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, đặc biệt là trong canh tác lúa, cây ăn quả, thậm chí từ canh tác rong biển.
Phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam xanh hoá nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi Việt Nam là quốc gia tiên phong cam kết giảm thải carbon bằng 0 (Net Zero) vào 2050.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, xây dựng thị trường tín chỉ các bon cũng không ít rào cản, thách thức.
Thị trường tín chỉ carbon, xu thế của thời đại
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định, trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày càng sôi động. Vì vậy, ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận ngay từ bây giờ. Các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, nuôi trồng biển đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…
Tín chỉ carbon là gì?
Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (CO2e) vào bầu khí quyển.
Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Không chỉ có rừng, lúa mà dừa, rong biển, điều... có thể tạo ra tín chỉ carbon.
Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho đơn vị khác. Thị trường tín chỉ carbon hoạt động như thế nào?
Thị trường tín chỉ carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Thị trường tín chỉ carbon là hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Các công ty hoặc cá nhân có thể sử dụng thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín dụng carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, có hai loại thị trường carbon. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu - bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore thực hiện...
Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hoá sẽ giao dịch. Loại thứ 1 là hạn ngạch phát thải khí nhà kính - Chính phủ sẽ phân bổ và doanh nghiệp có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như Liên minh châu Âu hay Hoa Kỳ rất cao. Giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu ở mức 80-100 EUR/tấn, Hoa Kỳ 40 USD/tấn…
Loại thứ 2 là tín chỉ carbon mang tính chất tự nguyện. Khi doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó - sẽ tạo ra được tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ 1 đến 15 USD/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.
Cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Hiện, trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng như thuế carbon là các biện pháp mới nhất của nhiều nước trong nỗ lực giảm mức phát thải quốc gia.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, mua - bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến, được nhiều quốc gia triển khai, tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thụ. Các bên tham gia mua, bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).
Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ carbon gấp nhiều lần rừng trên đất liền. Trong ảnh: Rừng ngậm mặn Rú Chá (Thừa Thiên - Huế).
Tiềm năng lớn carbon từ rừng
Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Trong đó, thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích lớn, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho hơn 25 triệu người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.
Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu hecta, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình gần 70 triệu tấn carbon (CO2). Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại nguồn thu đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
Tháng 10/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) - bên nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024. FCPF thanh toán cho dịch vụ này 51,5 triệu USD. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ 5 trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với FCPF.
Hiện, Chính phủ Việt Nam đang đàm phán với Liên minh giảm phát thải (LEAF), dự kiến trong tương lai sẽ huy động được nguồn tài chính từ Liên minh này thông qua hoạt động bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Tháng 3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Nước ta cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB. Dự kiến con số này sẽ tăng lên đáng kể ở các năm sau, do diện tích rừng đưa vào khai thác carbon tăng và giá trị mỗi tín chỉ sẽ tăng lên.
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Tập đoàn VinaCapital chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án chứng chỉ carbon, chẳng hạn như nông nghiệp có chuyển sang canh tác nông nghiệp carbon thấp, có rừng nhiều và đường bờ biển lớn. Ngoài ra, các dự án thu hồi, tái chế nylon, chai nhựa cũng có thể tạo ra tín chỉ nhựa. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan trong nước chưa phát hành mà phải theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nay, tín chỉ carbon rừng đang được ngành Lâm nghiệp nước ta quan tâm. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Tín chỉ carbon từ canh tác lúa
Bên cạnh rừng, ngành Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, đặc biệt là trong canh tác lúa. Gần đây, một số địa phương đã tiến tới áp dụng mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Mô hình không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn tạo ra thêm tín chỉ carbon. Điển hình như Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đánh giá ban đầu, mô hình canh tác lúa thuộc Đề án trong vụ hè thu năm 2024 tại TP. Cần Thơ đã mang lại những kết quả tích cực: tổng chi phí đầu vào giảm 10-15%, trong đó lượng giống sử dụng giảm 2-2,5 lần, giảm 30% lượng phân bón, giảm 30-40% lượng nước tưới. Năng suất lúa của mô hình thí điểm đạt 6,13-6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha đối chứng.
Áp dụng quy trình chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng giúp giảm được 13 tấn CO2e/ha so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp vùi rơm rạ; giảm 3 tấn CO2e/ha so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp đốt rơm và giảm 6 tấn CO2e/ha so với áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ, nhưng vùi rơm. Lợi nhuận mô hình trồng lúa thí điểm trong Đề án đạt 21-25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3-6,2 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng. Được biết, WB cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Theo đó, trồng 1 triệu hecta lúa, người nông dân sẽ thu về thêm khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nhiều mục tiêu, ngoài nâng cao chất lượng lúa gạo, sản xuất lúa gạo bền vững, còn hướng đến giảm phát thải trong trồng lúa để bán tín chỉ carbon.
Bên cạnh rừng, ngành Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, đặc biệt là trong canh tác lúa. Trong ảnh: Cánh đồng lúa chín vàng ở Mường Thanh (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như: chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn. Bộ đang phối hợp với các chuyên gia của Quỹ chuyển đổi tài sản carbon xây dựng hệ thống MRV cho Đề án này để làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo và trao đổi trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất lúa gạo đồng thời giảm phát thải.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, lúa đang phát thải 90% qua rễ, 9% qua thân và 1% qua lá. Chính vì vậy, khi áp dụng các phương pháp canh tác mới là canh tác ngập khô, ướt khô sẽ giúp giảm được phát thải metan đối với lúa và có thể tạo ra được tín chỉ carbon. Do vậy, việc áp dụng phương án canh tác carbon thấp hơn như 1M5R (phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 Giảm: giảm tỷ lệ sử dụng giống, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu, giảm nước và giảm thất thoát hậu thu hoạch) ước giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 26,6% vào vụ đông xuân và 29,9% vào vụ hè thu.
Theo tính toán, nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm. Thống kê của Trung tâm con người và Thiên nhiên cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022, đã có gần 29,4 triệu tín chỉ carbon được phát hành, thuộc 276 dự án nằm trong khuôn khổ của cơ chế phát triển sạch thuộc thị trường carbon bắt buộc (CDM), trong đó chủ yếu là các dự án thủy điện (204 dự án). Thị trường carbon tự nguyện cũng được hình thành với 32 dự án và có tổng số 5,75 triệu tín chỉ carbon được phát hành. Các dự án thủy điện vẫn chiếm nhiều nhất (22/32 dự án)…
Theo ông Thọ, thời gian tới, nhiều nước phát triển sẽ hỗ trợ Việt Nam khai thác tín chỉ carbon liên quan đến biển xanh, đất ngập nước, liên quan tới việc cô lập và tách carbon trên biển. Chính vì vậy, các khu vực giàu đa dạng sinh học, có khả năng hấp thụ carbon như Cần Giờ (TP. HCM) sẽ là cơ hội để chúng ta có thể thực hiện bán tín chỉ carbon.
Hoàng Văn - KTNT
|
|||
Trở lại In Số lần xem: 85 | |||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|