Di sản của mất mát
Thứ tư, 04-09-2024 | 08:01:10
|
Nếu coi cây cao su là một phần di sản từ quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp thì thứ di sản ấy còn có ý nghĩa gì với chúng ta, ngoài giá trị kinh tế?
Các đồn điền cao su mà người Pháp thiết lập ở Việt Nam chủ yếu nằm ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Hơn trăm năm bén rễ ở Việt Nam, cây cao su giờ đã thông thuộc xứ sở này, khắp nơi cùng chốn, ngoài vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên còn vươn ra tận các vùng núi cao phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… Tháng năm xoay vần, đôi khi người ta chỉ nghĩ đến dòng nhựa trắng âm thầm chảy trong từng mạch gỗ chuyển hóa thành những con số biết nói về giá trị kinh tế mà không nghĩ rằng bản thân loài cây có nguồn gốc từ Nam Mĩ này đã chứng kiến bao nhiêu điều xảy ra ở xứ sở mình. Sau cả thế kỷ, cây cao su đã trở thành một chứng nhân quan trọng, một biên niên sử chất chứa, dồn nén vô vàn câu chuyện của chính mình, của những đời người vun xới, khai thác, hưởng lợi, của cả môi trường tự nhiên nó tồn tại và môi trường chính trị xã hội phức hợp xung quanh nó. Trong những câu chuyện đó, không ít đau thương về phận người, không ít những dịch chuyển tự nhiên và xã hội tái định hình cả một giai đoạn lịch sử. Di sản của cây cao su, vì thế, phần nào cũng là di sản của mất mát 1.
Dẫu không dễ tái hiện cả biên niên sử đó nhưng Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897-1975) của Michitake Aso (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), bản dịch của Hải Thanh, Minh Quân, Khánh Tâm, là một câu chuyện mà bất cứ ai, nhà sử học, nhà thực vật học, nhà sinh học, nhà môi trường học… hay thậm chí cả những người thuần túy yêu xứ sở này, đều cảm thấy cuốn hút. Đó cũng là những cảm xúc ban đầu của Michitake Aso, khi đặt chân tới Biên Hòa, một trung tâm cao su lớn vào thời kỳ người Pháp khai thác thuộc địa “Sau khi tốt nghiệp UC Berkeley vào năm 1998, tôi tới Việt Nam dạy tiếng Anh trong vòng hai năm và dành nhiều thời gian ở Biên Hòa, nơi cách TPHCM 30 km về phía Bắc. Nếu đi theo một con đường nhỏ từ chân các ngọn núi rồi lên Tây Nguyên, chỉ thấy bạt ngàn những lâm trường cao su. Tôi chưa từng thấy một nơi như vậy trước đây, và tôi lập tức bị cuốn hút…” 2.
Cây cao su giữa những dòng chảy lịch sử
Quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không chỉ dẫn đến những biến chuyển xã hội mà còn tái định hình mối quan hệ giữa cây cối, con người và nơi chốn. Trên những đất mình xâm chiếm, họ đã đặt ra những chiến lược khai thác các nguồn lực tự nhiên, áp đặt những chính sách hỗ trợ các chiến lược ấy để rồi cuối cùng nhào nặn ra một cảnh sắc, một thế giới hoàn toàn khác trước. Thế giới ấy rút cục được duy trì và nuôi sống bằng những dòng chảy di cư bất tận của cả con người, thực vật, động vật và vô số mầm bệnh nhiệt đới. Những dòng chảy vật chất đặc biệt này lưu chuyển giữa các làng mạc, các đô thị trung tâm, nơi đặt bộ máy chính quyền thuộc địa, với các đồn điền, những cỗ máy ngốn nhân lực không ngơi nghỉ để sinh lời, và giữa các thuộc địa với nhau. Dấu mốc đầu tiên trong cuốn sách của Michitake Aso là năm 1897, thời điểm cây cao su chính thức được du nhập vào Việt Nam khi dược sĩ hải quân Pháp E. Raoul nhập một số lượng lớn hạt giống cao su từ Indonesia về. Hạt giống được ương tại vườn ương Thảo cầm viên Sài Gòn và mọc được 1.800 cây. Số cây ương được phân phối 1.000 cây cho Trạm thực nghiệm Ông Yệm (Bình Dương); 200 cây cho bác sĩ A. Yersin trồng ở Suối Dầu…3 Có lẽ, quá trình ương trồng và thích nghi của cây cao su trên vùng đất mới để rồi phá rừng, khai thác đất hoang hóa của người Pháp ở Việt Nam cũng chính là thời khắc chuyển đổi con người và lịch sử tự nhiên ở quy mô toàn cầu, điều mà nhà lịch sử Mỹ Donna Haraway và cộng sự gọi là “Kỷ Đồn điền” (Plantationocene) – một khái niệm chỉ các tác động lâu dài của việc lập đồn điền nhằm khai thác những nguồn lực tự nhiên, mở rộng độc canh và lao động cưỡng bức.
Lâu nay, người ta vẫn nghĩ những mỏ than như Vàng Danh, Uông Bí, Hồng Gai… là những nơi người Pháp đầu từ nhiều tiền của và công nghệ để khai thác “vàng đen” mà dễ bỏ qua các đồn điền cao su. Nhưng thật ra, các đồn điền cao su ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà người Pháp lập nên cũng là nơi đầu tư nhiều nguồn lực và phô diễn sức mạnh khoa học và công nghệ Pháp. Với sự hỗ trợ về chính sách lâm nghiệp và chính sách sở hữu đất đai, “những cải cách quan trọng đầu tiên trong những quy định về đất đai ở Nam Kỳ, thiết lập hệ thống chuyển nhượng đất từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân”. Sự hình thành của những đồn điền với sự khuyến khích, ưu đãi của giới cầm quyền đã tạo ra một nguồn lực kinh tế mới, chủ yếu là những ông chủ Pháp và châu Âu khác. Và để thúc đẩy nguồn lực ấy, chính quyền mở rộng mạng lưới đường xá, kết nối các đồn điền với trung tâm đô thị để tạo điều kiện cho vận chuyển, “những nỗ lực của Sở Công chánh sau Thế chiến Thứ nhất đã tạo nên một phần ba tổng số đường và công trình đã được xây dựng trong tỉnh [Thủ Dầu Một]”.
Việc thiết lập các diện tích trồng cao su cũng đi kèm với quá trình phát triển những tri thức và thực hành trên cây cao su. Thực ra, người Hà Lan và người Anh đi trước người Pháp về cây cao su và họ coi những hiểu biết và kinh nghiệm trong việc trồng trọt và khai thác mủ là bí mật của đế chế, tương tự như quan điểm của họ về cây canh-ki-na sau này. Vì vậy, để thành công, người Pháp buộc phải đầu tư vào nghiên cứu về cây cao su và điều đó tạo ra một dòng chảy tri thức mới mẻ. Vào đầu thế kỷ 20, mặc dù công việc nghiên cứu ở Pháp đã tập trung nhiều trong các phòng thí nghiệm nhưng Michitake Aso đã chỉ ra một thực tại thú vị “trong trường hợp khoa học cao su, các phòng thí nghiệm vẫn ‘ở ngoài thực địa’, đặt tại Sài Gòn và Nha Trang, chứ không phải Paris”. Khi trích dẫn một bài viết trên Annales des planteurs de caoutchouc de l’Indochine (Tập san những người trồng cao su ở Đông Dương), xuất bản vào năm 1911, Michitake Aso đã hàm ý về tương lai của khoa học cao su “Việc trồng cây cao su ở Nam Kỳ và An Nam, không nghi ngờ gì nữa, sẽ dẫn đến sự xuất hiện của những lý thuyết mới, những nghiên cứu cụ thể, những phát hiện mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt cho các thuộc địa, hiện tại và tương lai, của vùng đất này”.
Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897-1975) của Michitake Aso (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), bản dịch của Hải Thanh, Minh Quân, Khánh Tâm.
Cuộc khai thác thuộc địa qua các đồn điền trồng cao su của người Pháp ở Đông Dương đem lại cho họ nhiều lợi ích. “Hoạt động kinh tế của người Pháp ngày càng tăng đã dẫn đến sự hiện diện ngày càng nhiều của nhà nước, đồn điền làm nảy sinh những ảnh hưởng chính trị và xã hội tiềm tàng trên các vùng lãnh thổ biên giới”. Thậm chí, trong các đồn điền, các ông chủ cũng bắt đầu dựa vào họ để gìn giữ tài sản “đến lượt các đồn điền chú trọng đến vấn đề an ninh. Năm 1913, chính quyền thuộc địa giao quyền quản lý đồn điền cho những người đứng đầu tổng và những thân hào trong làng”.
Xa hơn nữa, khi các đồn điền bắt đầu khai thác và xuất khẩu được những lượng mủ cao su thì mô hình kinh tế thuộc địa đã hình thành với sự ấn định “việc tạo ra nguyên liệu thô ở Việt Nam và sản xuất thành phẩm ở Pháp”, đi kèm với việc “tạo ra tri thức về sản xuất và xử lý mủ ở Đông Nam Á; còn nghiên cứu về sử dụng cao su trong công nghiệp được thực hiện ở châu Âu và Mỹ”.
Trong những dòng chảy lợi ích ấy, thân phận con người sẽ ra sao?
Mối quan hệ con người – tự nhiên – xã hội
Trong mắt Michitake Aso, đồn điền cao su là một khối mâu thuẫn lớn của một xã hội thuộc địa, nơi hội tụ rất nhiều mối quan hệ chồng chéo giữa kẻ thống trị – người bị trị, chính quyền – chủ đồn điền – giới trí thức bản xứ, chủ đồn điền – công nhân, những người cùng khổ trong xã hội; sự tương tác sinh thái của con người – vi khuẩn – môi trường sống; mối quan hệ nhân quả không tránh khỏi của phát triển kinh tế và tàn phá môi trường, thay đổi mục đích sử dụng đất; sự chồng chéo trong hợp tác và sự thiếu liên kết giữa thuộc địa và chính quốc; sự xung đột về quan điểm y học truyền thống và hiện đại…
Thật khó mà bỏ qua những mối quan hệ phức hợp này trong các đồn điền cao su. Bởi làm nên những dòng mủ trắng xuất khẩu và những dòng tiền đổ về là những dòng người xô dạt bỏ làng quê đi theo tiếng gọi của mưu sinh, những lời quảng cáo mộ phu. “Trong thập niên 1910 và 1920, hàng ngàn công nhân đã di cư từ đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải như Thái Bình hoặc Quy Nhơn đến Đông Nam Kỳ để tìm việc trong các đồn điền cao su Hevea mới được thành lập”. Quanh những gốc cao su, một sân khấu đã được dựng lên “các đồn điền đã cố gắng điều chỉnh dòng chuyển động và bất biến để kiếm lời; các quan chức thuộc địa nỗ lực quản lý dòng người luân chuyển trong phạm vi Đông Dương để cai trị tốt hơn”. Đó là điểm khởi đầu của những ngày kinh hoàng của những người phu làm trong các cỗ máy sinh lời của người Pháp. Michitake Aso đã trích dẫn ghi chép của ông Trần Tử Bình – người lãnh đạo phong trào công nhân cao su Phú Riềng 1930 và một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – khi ông làm việc ở đồn điền của công ty Michelin “Sức khỏe của một người ngày hôm nay không bao giờ bằng ngày trước đó. Mỗi ngày họ kiệt sức thêm một chút, má hõm sâu, răng nhô phía trước, hốc mắt đầy những quầng thâm xung quanh, quần áo rũ xuống từ xương đòn. Mọi người dường như đã chết, và thực sự cuối cùng đã chết”.
Điều gì rút cạn sinh lực của họ? Đó là sự cộng hưởng giữa thời gian làm việc kéo dài, công việc nặng nhọc, sự ngược đãi, điều kiện dinh dưỡng kham khổ, khí hậu khắc nghiệt và thiếu sự chăm sóc về y tế. Thông thường, người ta hay chú ý đến mối quan hệ xã hội bất bình đẳng, phi nhân giữa người làm thuê và các ông chủ, nơi kích hoạt hành vi ngược đãi, trừng phạt mà ít chú ý đến một điều, mối quan hệ giữa những người cu li ở đồn điền với môi trường tự nhiên. Việc phá rừng, mở các con đường từ đô thị đến chốn “thâm sơn cùng cốc”, và lập các đồn điền ở “vùng đất xám”, “vùng đất đỏ” đã tạo ra sự xáo trộn về mặt môi trường sinh thái và những dòng người di chuyển ngược xuôi đã dẫn đến những dòng vận chuyển mầm bệnh, đưa những căn bệnh truyền nhiễm mới đến những vùng đất này. Một trong số đó là bệnh sốt rét, vốn là căn bệnh đặc hữu của các khu vực rừng thiêng nước độc, hiếm khi xuất hiện ở đồng bằng, nay dịch chuyển xuống những vùng đất thấp. Vào những năm 1920, 1930, những cơn bùng phát sốt rét càn quét qua các đồn điền cao su, thậm chí có nơi 100% công nhân mắc sốt rét, và tỉ lệ nhập viện cao. “Những đồn điền như Bù Đốp – nằm sâu trong vùng đất đỏ, đã trải qua những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất, song gần như tất cả các đồn điền đều bị ảnh hưởng… Những ghi chép cho thấy các đợt bùng phát độc hại nhất lại xảy ra ở những khu rừng mới bị phát quang, có mối liên hệ mật thiết với những mạng lưới cầu và đường đang được xây dựng để đưa lao động người Việt tới đây và vận chuyển mủ, cao su ra khỏi Đông Nam Kỳ”.
Michitake Aso.
Câu chuyện về sự thay đổi môi trường sinh thái dẫn đến sự lan truyền bệnh sốt rét ở các đồn điền cao su mặt khác lại cho chúng ta thấy rõ hơn một mắt xích quan trọng của chính sách ứng phó bệnh dịch từ chính quyền Pháp thuộc cũng như nỗ lực của các ông chủ đồn điền trong việc bảo toàn tài sản: Viện Pasteur Đông Dương. Các nhà nghiên cứu của Viện Pasteur Đông Dương đã tham gia vào sứ mệnh kiểm soát bệnh sốt rét ở các đồn điền, yêu cầu cải thiện điều kiện vệ sinh, tìm hiểu các biện pháp giảm thiểu thông qua nghiên cứu về đặc điểm sinh thái của loài muỗi và mối quan hệ với môi trường. Trong quá trình nghiên cứu này, không ít những quan điểm sai lầm do giới hạn hiểu biết như tư duy chủng tộc “các nhân viên y tế Pháp bắt đầu coi người S’tiêng và người M’nông là ổ chứa ký sinh trùng gây bệnh sốt rét… các bác sĩ dán nhãn cho người Thượng là những người khỏe mang mầm bệnh và nhấn mạnh mối đe dọa mà họ tạo ra đối với các dự án kinh tế của Pháp”.
Tuy nhiên, sự gia nhập của khoa học vào các đồn điền để kiểm soát dịch bệnh cũng đã dẫn đến sự phát triển một nền y học nhiệt đới từ đồn điền, song song với việc kiểm soát bệnh tả, dịch hạch, lao… ở các khu vực đô thị và nông thôn khác. Rõ ràng, việc kiểm soát này không chỉ giúp người Pháp giảm thiểu những thiệt hại kinh tế ở các đồn điền cao su thông qua việc đảm bảo nguồn lực lao động, bớt chi phí y tế mà còn giúp họ có được những phát hiện mới trong lĩnh vực sức khỏe. Rút cục, những nhà nghiên cứu ở Viện Pasteur Đông Dương có được những xuất bản khoa học cũng như những báo cáo tại nhiều hội thảo quốc tế, ví dụ như “Hội thảo quốc tế về vệ sinh nông thôn ở các quốc gia Viễn Đông tại Java, một số học giả xem đây là hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng mạnh tới tư duy y tế toàn cầu trong thế kỷ 20”.
Nếu soi chiếu sâu hơn vào căn bệnh sốt rét, có thể thấy một mặt khiến người Pháp có những bước tiến bộ mới trong việc tích lũy hiểu biết để không bị tụt hậu so với những kẻ cạnh tranh như Anh, Hà Lan, mặt khác lại khiến họ phải chia sẻ vị trí với đội ngũ bác sĩ bản xứ đang ngày một lớn mạnh, qua đó khoét sâu thêm khoảng cách với chính những người này. Theo thời gian, những người bác sĩ bản xứ đã trở thành những người vệ quốc, đi theo tiếng gọi của kháng chiến và trở thành những người đi đầu trong cuộc chiến sốt rét nói riêng và bệnh tật trên quê hương tự do của mình. “Rừng rậm vẫn tiếp tục bao quanh nhiều đồn điền sau khi chủ nghĩa thực dân Pháp sụp đổ vào năm 1954, và những tiền đồn của sự hiện đại về mặt sinh thái này đóng vai trò lớn trong sự thay đổi môi trường của bệnh sốt rét trong khu vực rộng hơn”. *** Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Asian Labour Review, Michitake Aso từng kể về việc anh đã chuyển hướng từ ngành kỹ thuật môi trường ở UC Berkeley sang lịch sử khoa học ở ĐH Wisconsin khi nhận thấy thiếu vắng những yếu tố mà anh cho là quan trọng với ngành kỹ thuật như xã hội, lịch sử, chính trị. “Tôi đã xem xét việc tích hợp các phương pháp lịch sử khi nghĩ về Việt Nam như một nơi chốn quan trọng. Cây cao su dường như là một cách tốt để kết hợp kỹ thuật môi trường ở Việt Nam trong thế kỷ 20 với lịch sử của kinh tế hàng hóa toàn cầu”, Michitake Aso cho biết 2.
Đó cũng là cách Michitake Aso bắt đầu nghiên cứu về lịch sử tồn tại của cây cao su ở Việt Nam, đặt nó trong bối cảnh rộng lớn hơn của môi trường, xã hội, con người và các hệ sinh thái, kể từ cuối những năm 2000. Có thể dễ dàng nhận thấy cuốn sách Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897-1975) được hình thành trên cơ sở chỉnh sửa, tập hợp và bổ sung các bài báo đã được Michitake Aso xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành trong khoảng 15 năm nghiên cứu về chủ đề này “The scientist, the governor, and the planter: the political economy of agricultural knowledge in Indochina during the creation of a ‘science of rubber’, 1900–1940” (Các nhà khoa học, chính quyền và chủ đồn điền: nền kinh tế chính trị của hiểu biết nông nghiệp ở Đông Dương trong sự sáng tạo ‘khoa học cao su’, 1900-1940)”, “Forests without birds: science, environment, and health in French Colonial Vietnam” (Những khu rừng không chim chóc: khoa học, môi trường và sức khỏe ở Việt Nam thuộc Pháp), “Profits or People? Rubber plantations and everyday technology in rural Indochina” (Lợi ích hay con người? Các đồn điền cao su và công nghệ thường ngày ở vùng nông thôn Đông Dương), “Patriotic hygiene: Tracing new places of knowledge production about malaria in Vietnam, 1919–75” (Vệ sinh vệ quốc: Truy dấu các nơi chốn mới của việc tạo ra hiểu biết về bệnh sốt rét ở Việt Nam, 1919-1975) …
Cây cao su ở Việt Nam, do đó, đã được đặt vào vị trí trung tâm để soi chiếu các mối quan hệ, các tác động đa chiều của việc hình thành các đồn điền ở những nơi từng là rừng rậm, chiêu mộ các nguồn lao động di cư, các hình thức sử dụng, tổ chức lao động, các dạng bệnh tật phổ biến… trong cả một thời kỳ dài của lịch sử.
Để tái hiện và gói ghém được tất cả những mối quan hệ này, Michitake Aso đã sử dụng cách tiếp cận liên ngành của sinh thái học lịch sử, nơi quy tụ và kết hợp nhiều chuyên ngành khác nhau như lịch sử, sinh thái, địa lý và nhân học 4. Ở đó, các đồn điền cao su là không gian tương tác của con người với môi trường và là nơi để hiểu cái kết nối giữa sự phá hủy sinh thái và bất bình đẳng xã hội 5. Di sản của các thế giới thu nhỏ này vẫn tồn tại và theo một cách nào đó, góp phần định hình cuộc sống của chúng ta và trở thành một phần môi trường chúng ta cư ngụ.
Giờ đây, mỗi khi muốn tìm hiểu về sự bám rễ của cây cao su ở Việt Nam, người ta sẽ không chỉ đọc 100 năm cao su ở Việt Nam của tác giả Đặng Văn Vinh mà sẽ cần cả đến Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897-1975) của Michitake Aso như một cái nhìn toàn cảnh hơn trước khối di sản của mất mát này.□
Tô Vân - Tiasang ———————– Chú thích 1. Ở đây mượn tên tiểu thuyết “Di sản của mất mát” (The inheritance of loss) của nhà văn Ấn Độ Kiran Desai do Nham Hoa dịch. 2. “Five Books on Labour and Ecology”. https://labourreview.org/labour-and-ecology/ “How Rubber Plantations Reshaped Vietnam: A Conversation with Michitake Aso” https://edgeeffects.net/michitake-aso-rubber-plantations/ 3. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/yersin-o-viet-nam-cuoc-phieu-luu-trong-the-gioi-thuc-vat-ky-4/ 4. Péter Szabó. “Historical ecology: past, present and future”. Biol Rev Camb Philos Soc 5. Sophie Sapp Moore, Monique Allewaert, Pablo F. Gómez and Gregg Mitman. “Plantation Legacies”. https://edgeeffects.net/plantation-legacies-plantationocen
|
Trở lại In Số lần xem: 51 |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|