Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  15
 Số lượt truy cập :  33219609
Giải pháp tạo đột phá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX tham gia chuỗi giá trị nông sản
Thứ tư, 05-05-2021 | 08:36:33

TS. Nguyễn Tiến Định – Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNT

 

Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực nhất là thu hút đào tạo cán bộ, nhân lực trẻ đã qua đào tạo, có kiến thức về làm việc cho Hợp tác xã (HTX), tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng kinh doanh của HTX, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý… Đó là những giải pháp trọng tâm để giúp các HTX nông nghiệp tham gia hiệu quả chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Trồng, chăm sóc rau an toàn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều, Quản Ninh ). Ảnh: T.Linh

 

Vai trò của HTX trong việc thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM

 

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền địa phương nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, giá trị kinh tế cao, bền vững. Để làm được điều đó, mới đây, ngày 25/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg về kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó đã đề ra 9 nhóm giải pháp với 3 “trụ cột chính” bao gồm: (i) Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hợp tác xã (HTX) và đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị nông sản hàng hóa; (ii) Đẩy mạnh ứng dựng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; (iii) Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tạo nên những trụ cột quan trọng cho phát triển.

 

Về tổ chức lại sản xuất, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa việc quan trọng là phải xây dựng được các HTX hoat động hiệu quả tham gia chuỗi giá trị đảm nhận 7 chức năng, nhiệm vụ (tối thiểu) là: (i) Xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường; (ii) Xây dựng và chuẩn hóa quy trình sản xuất và hệ thống giám sát nội bộ; (iii) Tổ chức đào tạo kỹ thuật cho người sản xuất trong và ngoài HTX; (iv) Huy động vốn trong và ngoài HTX; (v) Cung cấp vật tư, phân bón đảm bảo chất lượng, giá thành hạ; (vi) Ứng dụng và chuyển giao KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp;; (vii) Thu mua, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Ngoài ra, với mục tiêu là tối đa hóa lợi cho thành viên và trong điều kiện pháp luật cho phép tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, HTX nông nghiệp còn cung cấp nhiều dịch vụ khác ở nông thôn như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, các dịch vụ du lịch cộng đồng… Như vậy, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã không phải là mục tiêu mà là công cụ để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phát triển HTX, là giải pháp nhằm nhằm đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Cao Lập Đức.

 

Kết quả phát triển HTX trong lĩnh vực NN và những đóng góp của khu vực HTX cho sự phát triển NNNT

 

Trong 5 năm (2016-2020), tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8-3%. Đến nay sản xuất nông nghiệp đã phát triển lên một tầm cao mới, quy mô và sức sản xuất tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho tiêu dùng trong nước và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản giai đoạn 2016- 2020 đạt khoảng 190 tỷ USD, trung bình đạt 38 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy các ngành nghề truyền thống, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và công nhận năm 2020 khoảng 2.400 sản phẩm.

 

Năm 2020, mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19…), nhưng nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, dự kiến diện tích, sản lượng các loại nông sản hàng hóa vẫn ổn định và tăng so với năm 2019, bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không những vậy, chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, xuất khẩu gạo đã bước sang giai đoạn chuyển đổi, giảm về số lượng nhưng lại tăng về giá trị kim ngạch; khoảng 80% sản lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo chất lượng cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng từng bước hướng tới sản xuất hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng, gắn với truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu nông sản.

 

Những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp. Theo số liệu của Cục KTHT và PTNT, tính đến hết tháng 12/2020, cả nước có 17.462 HTX nông nghiệp và 68 Liên hiệp HTX nông nghiệp. So với năm 2013 (khi Luật HTX 2012 có hiệu lực), số lượng HTX nông nghiệp tăng gần 1,7 lần. Trong giai đoạn 2013-2020, số HTX nông nghiệp tăng trung bình 1.007 HTX/năm, trong đó số HTX thành lập mới khoảng 1.500 HTX/năm, và số HTX giải thể bình quân khoảng 493 HTX/năm. Số lượng thành viên HTX nông nghiệp hiện nay là 3,78 triệu người.

 

Không chỉ tăng nhanh về số lượng HTX, mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh thu bình quân 1 HTX hiện đạt 2,44 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân/HTX đạt 382,6 triệu đồng (tăng trung bình từ 1,6 đến 2 lần so với giai đoạn trước 2016). Thu nhập bình quân của 1 lao động là 3,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với thời điểm năm 2017 là 2 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, HTX nông nghiệp đã khẳng định được vai trò trong chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và ngoài ra còn hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên nông dân.

 

Có thể thấy, những tác động của khu vực kinh tế tập thể, HTX đến quá trình cơ cấu lại và phát triển ngành nông nghiệp thời gian qua được thể hiện:

 

Một là, sự đa dạng trong mô hình tổ chức quản trị hoạt động của các HTX, tùy theo ngành nghề, điều kiện sản xuất nông nghiệp ở mỗi địa phương. Nhờ tổ chức lại hoạt động, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp với cách thức tổ chức sản xuất mới sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Các mô hình HTX nông nghiệp đa dạng và hiệu quả hiện nay tập trung theo các nhóm sau:

 

Mô hình HTX nông nghiệp liên kết đầu tư, thành lập pháp nhân trong HTX: Số HTX nông nghiệp có thành viên là pháp nhân (doanh nghiệp) đã tăng từ chưa đầy 300 HTX trước 2015 (chiếm chưa đầy 3% tổng số HTX) lên 2.217 HTX năm 2020 (bằng 13% tổng số HTX nông nghiệp cả nước). Các doanh nghiệp trong HTX thực hiện một số dịch vụ đầu vào, đầu ra cần huy động vốn lớn; đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thương mại; ứng dụng KHCN nhất là công nghệ cao. Đặc biết gần đây xuất hiện mô hình mới, sáng tạo “Hợp tác xã trong hợp tác xã”. Thành viên pháp nhân của HTX không chỉ là doanh nghiệp mà cả có cả các HTX khác tham gia. Qua đây các HTX mở rộng đáng kể quy mô thành viên và quy mô kịnh doanh, bước đầu khắc phục một phần hạn chế nhỏ lẻ, manh mún của các HTX hiện hành.

 

Mô hình HTX chuyên ngành (cây, con) dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất, tham gia chuỗi giá trị cung ứng đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường. Mô hình này rất phổ biến hiện nay;

 

Mô hình HTX đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị: Các mô hình HTX này thường có đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn khá chuyên nghiệp. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, máy móc phục vụ sản xuất;

 

Mô hình doanh nghiệp trong cùng chuỗi là thành viên HTX: Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là sự ổn định trong sản xuất và kinh doanh đối với cả hộ sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nhờ giảm đáng kể giá thành sản phẩm của hợp tác xã. Ngoài ra một số các HTX thành lập doanh nghiệp trong HTX. Số HTX thành lập được doanh nghiệp trong HTX hiện là 2.217 HTX, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp cả nước;

 

Mô hình liên kết giữa các HTX tham gia cùng chuỗi giá trị nông sản (HTX thủy sản Xuyên Việt ở tỉnh Hải Dương; các HTX rau ở Hà Nội trong đợt dịch bệnh Covid-19 đầu năm 2020 đã liên kết lại với nhau để cùng nhau tiêu thụ sản phẩm). Gần đây ở một số nơi còn xuất hiện mô hình HTX là thành viên pháp nhân của HTX khác (thường là lớn và kinh doanh hiệu quả hơn), điển hình như HTX Rau an toàn Văn Đức ở TP. Hà Nội;

 

Mô hình HTX ứng dụng CNC và ứng phó với BĐKH. Ưu điểm của mô hình HTX này là nghiên cứu bố trí lại mùa vụ; xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với ứng phó BĐKH nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường nông nghiệp; xúc tiến thương mại các sản phẩm an toàn, hữu cơ, sinh thái của HTX.

 

Mô hình HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp bản địa, sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là mô hình HTX phát triển ở các địa phương có nhiều ưu thế về nông nghiệp bản địa ở vùng núi, vùng có lợi thế đặc thù về sản xuất nông nghiệp.

 

Hai là, sự chuyển biến tích cực về trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp. Đến nay, tổng số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp là 50.691 người; trong đó: cán bộ có trình độ đại học, trên đại học là 4.440 người (chiếm 8,76%), trung cấp, cao đẳng có 14.248 người (chiếm 28,1%), sơ cấp nghề có 7.986 người (chiếm 15,8%); chưa qua đào tạo có 24.017 người (chiếm 47,4%). Như vậy tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học đã chiếm 36,8%; tỷ lệ cán bộ qua đào tạo là 52,6% (trước năm 2015 tỷ lệ tương ứng là 22,6% và 38,4%).

 

Ba là, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và CNC vào sản xuất, phù hợp với từng vùng miền, ngành hàng nông sản chủ lực, có lợi thế. Đến nay, cả nước có 1.718 HTX ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp (chiếm hơn 10% tổng số HTX); trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (78,4% HTX); áp dụng công nghệ tự động hóa (12,5% HTX); áp dụng công nghệ sinh học (7,1% HTX); ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (1% HTX); ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh ở HTX (1%). Cả nước hiện có 437 HTX tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP với 823 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Nhiều HTX nông nghiệp là chủ thể quản lý và phát triển thương hiệu nông sản (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; chỉ dẫn địa lý).

 

Bốn là, phát huy hiệu quả khả năng thực hiện vai trò liên kết chuỗi giá trị của các HTX nông nghiệp. Tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp ước tính đến hết tháng 12/2020 là 3.913 HTX, chiếm 22,8% tổng số HTX nông lâm thủy sản cả nước, tăng nhanh so với năm 2017 chỉ đạt khoảng 10%. HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong kết nối giữa hộ nông dân quy mô nhỏ với doanh nghiệp thông qua liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hiện nay, đã xuất hiện những mô hình HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp rất thành công. Các HTX này có thể tham gia vào một hoặc nhiều khâu của chuỗi giá trị liên kết, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của thành viên.

 

Tham gia hợp tác xã Cây ăn quả, chăn nuôi Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La), người dân được bao tiêu sản phẩm. Ảnh: K. Vân

 

Giải pháp đột phá giúp các HTX nông nghiệp tham gia hiệu quả chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM

 

Ngày 9/3/2020, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 70-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, trong đó đã nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp “Nâng cao năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, quy mô lớn theo chuỗi giá trị”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 và mới đây nhất là Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 phê duyệt Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025. Có thể thấy, đây là những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025.

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh diễn ra thường xuyên, đòi hỏi các HTX nông nghiệp phải đổi mới tổ chức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, tham gia mạnh hơn nữa vào liên kết chuỗi giá trị để tăng sức cạnh tranh. Vì vậy, trong giai đoạn tới, các Bộ, ngành và các địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp ưu tiên sau:

 

Trước tiên cần hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất, quản trị sản xuất kinh doanh đa dạng, sáng tạo và hiệu quả trong các HTX nông nghiệp. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, HTX nông nghiệp có rất nhiều các mô hình tổ chức, quản trị sản xuất rất hiệu quả như:

 

Mô hình tham gia chuỗi giá trị trong đó HTX là đầu mối đại diện cho thành viên, hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất cung ứng đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường. Mô hình này rất phổ biến hiện nay, ở địa phương nào cũng có;

 

Mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất cây con giống đến tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm: Các mô hình HTX này thường có phương thức quản lý chuyên nghiệp, sản xuất chuyên môn hóa cao đi đôi với đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn giàu năng lực và nhiệt tình cống hiến. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, máy móc phục vụ sản xuất;

 

Mô hình các HTX nông nghiệp thiết lập và sở hữu sàn giao dịch, đấu giá nông sản, ở đó HTX tổ chức sản xuất nông lâm thủy sản theo quy trình kỹ thuật nông sản với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Hàng vụ, chủ động mời các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản này đến đấu giá. Doanh nghiệp nào trả giá cao hơn được ưu tiên ký hợp đồng mua sản phẩm của HTX.

 

Mô hình HTX nông nghiệp liên kết đầu tư, thành lập pháp nhân trong HTX: Hiện nay số lượng HTX nông nghiệp có thành viên là các doanh nghiệp đã tăng từ khoảng 300 HTX trước 2015 (chiếm 2% tổng số HTX nông nghiệp cả nước) lên 2.217 HTX năm 2020 (bằng 13% tổng số HTX nông nghiệp cả nước). Các doanh nghiệp trong HTX thực hiện một số dịch vụ đầu vào, đầu ra cần huy động vốn lớn; đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thương mại; ứng dụng KHCN nhất là công nghệ cao. Đặc biết gần đây xuất hiện mô hình mới, sáng tạo “Hợp tác xã trong Hợp tác xã”. Thành viên pháp nhân của HTX không chỉ là doanh nghiệp mà có cả các HTX này là thành viên của HTX khác. Qua đây các HTX giúp mở rộng đáng kể quy mô thành viên và kịnh doanh, bước đầu khắc phục một phần hạn chế nhỏ lẻ, manh mún của các HTX hiện hành.

 

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang (xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) tích cực quảng bá thương hiệu các sản phẩm nấm đạt chứng nhận OCOP.

 

Mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao (CNC) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu điểm của mô hình HTX này là nghiên cứu bố trí lại mùa vụ; xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với ứng phó BĐKH nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường nông nghiệp; xúc tiến thương mại các sản phẩm an toàn, hữu cơ, sinh thái của HTX.

 

Mô hình HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp bản địa, OCOP kết hợp với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là mô hình HTX phát triển ở các địa phương có nhiều ưu thế về nông nghiệp bản địa ở vùng núi, vùng có lợi thế đặc thù về sản xuất nông nghiệp như các HTX Năm Đăm, Phìn Hồ (Hà Giang). Cả nước hiện có 437 hợp tác xã nông nghiệp sở hữu trêm 823 các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

 

Mô hình HTX đứng ra tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất tập trung, đưa khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất làm tăng suất cây trồng vật nuôi gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường. Qua đó góp phần hạn thế tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, tình trạng dân “bỏ ruộng” đi làm trong khu công nghiệp, trong thành phố vốn khá phổ biến hiện nay. Có thể nói còn rất nhiều mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất và quản trị hoat động đa dạng hiệu quả mà trong khuôn khổ bài phát biểu này không nêu hết được.

 

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực nhất là thu hút đào tạo cán bộ, nhân lực trẻ đã qua đào tạo, có kiến thức về làm việc cho HTX: Năm 2019 và 2020 bên cạnh việc đẩy mạnh các đào tạo tuyền thống cho các HTX, Bộ NN&PTNT còn thử nghiệm 3 Chương trình đào tạo nhân lực cho HTX đó là: Chương trình đào tạo khởi nghiệp trong HTX; Chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX theo khung chương trình sơ cấp nghề có chứng chỉ và Chương trình đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trẻ (tuổi đời dưới 35). Nội dung đào tạo, tập huấn tập trung vào việc xây dựng phương án, kế hoạch SXKD; Quản lý tài chính minh bạch và hiệu quả; Kỹ năng đàm phán, thương thảo hợp đồng; kỹ năng phân tích thị trường, tìm hiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm của HTX. Các chương trình đào tạo này đã đào tạo ra được hàng trăm giám đốc HTX có kiến thức và kỹ năng quản lý, quản trị HTX vững vàng không thua kém giám đốc doanh nghiệp. Giai đoạn tới Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức rút kinh nghiệp, phổ biến nhân rộng phương thức đào tạo này ra các địa phương.

 

Thứ ba, tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng kinh doanh của HTX đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 như: nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm; xưởng sơ chế, chế biến sản phẩm; trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX; xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp; xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản.

 

Thứ tư là cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách để các HTX nông nghiệp thích ứng được với sự đa dạng của các kiểu mô hình tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phù hợp với từng vùng miền, ngành hàng sản phẩm. Hiện nay Luật HTX và nhiều chính sách như đất đai, tín dụng cũng còn nhiều hạn chế chưa khuyến khích các HTX nông nghiệp đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, quản trị hoạt động hiệu quả, chẳng hạn như: Những quy định về việc liên kết đầu tư, thành lập pháp nhân, doanh nghiệp trong HTX còn chưa rõ ràng; Chưa có giải pháp chính sách khuyến khích HTX tham gia cung cấp dịch vụ công ích ở nông thôn; Chính sách đất đai, đặc biệt là các thủ tục xác nhận, chứng nhận, xác nhận đất đai, tài sản cho HTX còn nhiều bất cập; Chính sách thuế, bao gồm của thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT, hiện được cho là “bằng đẳng” với các loại hình kinh doanh là chưa phù hợp. Khung pháp lý cho việc thực hiện huy động vốn tại chỗ, tín dụng nội bộ bị bỏ trống khiến cho khoảng trên dưới 1.200 HTX nông nghiệp đang có hoat động tín dụng nội bộ rơi vào tình trạng rủi ro. Thiếu các cơ chế giải quyết nợ và tài sản khiến việc giải thể các HTX đã ngừng hoạt động ở một số địa phương còn khó khăn. Trong những năm tiếp theo đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho nghiên cứu sửa đổi Luật HTX, nghiên cứu để ban hành Nghị định riêng về HTX nông nghiệp.

 

Cuối cùng là cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp với việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM cho cả cán bộ, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân cả nước. Cần xây dựng Chương trình truyền thông riêng với nhiều phương thức, loại hình truyền thông khác nhau và thực hiện một cách liên tục.

 

Theo Langmoi

Trở lại      In      Số lần xem: 396

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD