Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

 

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  24
 Số lượt truy cập :  36716006
Mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: Góc nhìn từ Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Thứ năm, 27-02-2025 | 08:06:30

LTS: Tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp: “Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới”.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo các chuyên gia, việc xây dựng các vùng trồng và vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, và tổ chức sản xuất khoa học là những yếu tố quyết định, giúp nông sản Việt có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường toàn cầu. Đồng thời, tăng cường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sẽ đảm bảo tính ổn định và bền vững cho ngành xuất khẩu.

 

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được cho là chiến lược nền tảng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Trên cơ sở đó, Kinh tế nông thôn xây dựng loạt 3 bài “Mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: Góc nhìn từ Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo” nhằm làm rõ hơn vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

 

Bài 1: Kết quả ấn tượng và những mô hình “Ruộng, vườn không dấu chân”

 

Thời gian qua, nhờ áp dụng mô hình “Ruộng, vườn không dấu chân”, nhiều nông dân trên cả nước đã làm chủ công nghệ và nắm bắt các xu thế mới để sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 

Kết quả ấn tượng

 

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết, 10 năm qua, KHCN đã góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, với hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất và 38% trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi.

 

Nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất, Việt Nam đã chủ động được nhiều giống lúa có năng suất cao nhất trong các nước ASEAN, cao gấp 1,5 lần Thái Lan; năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới...

 

Năng suất cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Cá tra đạt 500 tấn/ha,cao nhất thế giới;  công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng giúp nâng cao sản lượng lên hơn 40 tấn/ha, đồng thời giảm 30-35% chi phí sản xuất so với phương pháp cũ.

 

Trong hơn 10 năm qua, cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi). Các giống lúa Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu hecta, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước.

 

Trong lĩnh vực thủy sản, hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu (có nơi gọi là chạch lấu), hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh đã được sinh sản nhân tạo thành công và làm chủ công nghệ nuôi. Giai đoạn 2016 - 2023, ngành thủy sản có 22 giống mới, 28 tiến bộ kỹ thuật, 13 sáng chế và 14 quy trình, giải pháp hữu ích đã được công nhận. 

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, KHCN và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Các nghiên cứu và kết quả tính toán theo các cách khác nhau đều cho thấy đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo cho ngành nông, lâm, thủy sản là rất lớn, đạt mục tiêu trên 50%. Điều này phản ánh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình theo bề rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo.

 

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng KHCN rất cao, được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra… Nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa, chăn nuôi), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm)...

 

Giảm sức người

 

Mô hình “Ruộng, vườn không dấu chân” là đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, giảm tối đa sức lao động của con người, thay vào đó là sử dụng máy móc, AI...

 

Đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao, toàn bộ các công đoạn sản xuất từ làm đất, gieo mạ, cấy, phun thuốc trừ sâu đến thu hoạch đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại, hạn chế tối đa sự tham gia trực tiếp của con người trên ruộng, vườn.

 

Máy gặt đập liên hợp đã góp phần giúp cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 95%.

 

Bằng cách áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và tiến bộ kỹ thuật, mô hình này đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất, đồng thời thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

 

Cùng với đó, cơ giới hóa cũng giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

 

Nói về mô hình này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - bà Vũ Thị Hương cho biết, với sự hỗ trợ của thành phố, thời gian qua, các hộ nông dân, HTX đã đẩy mạnh áp dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

 

Không những vậy, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giảm hao tổn trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa, rau màu hàng hóa tập trung, cánh đồng mẫu lớn, khắc phục tình trạng bỏ ruộng của nông dân và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

 

Hà Nội hiện có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), 877 máy gặt đập liên hợp... Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất của thành phố đạt 100%. Diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%.

 

Những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố đã khuyến khích nông dân, HTX cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Thực tế đã chứng minh, cơ giới hóa đạt đa lợi ích, giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc BVTV, giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm tính thời vụ…

 

Nhờ mạnh dạn đầu tư máy móc và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, gia đình ông Phạm Ngọc Hữu ở thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) đã tích tụ ruộng đất để sản xuất 2ha lúa mỗi vụ. Ông chia sẻ: “Nếu như trước đây, cấy 4-5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng phải huy động cả gia đình, thì nay mọi công việc đã có máy móc làm thay, giúp giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, mà năng suất và chất lượng nông sản lại tăng cao”.

 

Vụ đông xuân 2023-2024, Tổng Công ty Sông Gianh đã liên kết với ông Trần Duy Khánh ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) cùng Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng cơ giới hóa gắn với bao tiêu sản phẩm trên diện tích 22ha.

 

Với ruộng lúa trên, ông Khánh chỉ thuê 3 nông dân trên địa bàn phụ giúp gieo trồng với thù lao 300.000 đồng/ngày; mọi việc còn lại đều do máy móc làm. Sau khi máy cày – bừa làm xong, máy bay không người lái (drone) của Tổng Công ty Sông Gianh cất cánh trên cánh đồng để bón phân, gieo sạ.

 

Máy bay không người lái cho phép người nông dân giám sát cây trồng chính xác theo thời gian thực cũng như bón phân, phun thuốc, gieo sạ..., giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm chi phí và cải thiện năng suất.

 

“Chỉ riêng ứng dụng máy bay không người lái đã giúp tôi tiết kiệm 20% chi phí, thay thế cho 50 nhân công lao động. Với diện tích 22 ha, máy bay chỉ thực hiện trong 1 ngày đã hoàn tất các công đoạn bón phân và gieo giống”, ông Khánh chia sẻ.

 

Không chỉ trên cây lúa, tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), nắm bắt xu hướng sản xuất mới, Trạm Khuyến nông huyện đã có nhiều hoạt động thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo trồng, chăm sóc rau màu, cây ăn quả. Ông Phan Viết Vinh (xã Sài Sơn) chia sẻ, với 3 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) trồng bưởi và ổi, nếu làm đất bằng tay để tạo luống sẽ phải mất 30 - 35 công lao động, nhưng từ khi có máy làm đất, chỉ mất 3-4 ngày, tiết kiệm 3-4 triệu đồng chi phí...

 

Thay đổi tư duy sản xuất

 

Theo Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Chuyên, xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên – Hà Nội) Nguyễn Văn Thông, vụ mùa năm 2024, HTX gieo cấy 245ha lúa. HTX đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, với 100% diện tích sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV; tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; tỷ lệ diện tích lúa cấy bằng máy đạt từ 70-80%.

 

“Lúa cấy bằng máy có mật độ đồng đều, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh, nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và năng suất lúa cũng cao hơn 10 - 15% so với cấy bằng tay. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các xã quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà vụ, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ”, ông Thông cho hay.

 

Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tiến (Ứng Hòa - Hà Nội) Nguyễn Văn Đại cho biết, vụ mùa năm 2024, toàn xã cấy hơn 200ha. Đến nay, tỷ lệ khâu làm đất, gặt lúa trên địa bàn đạt 100%; tỷ lệ gieo cấy khoảng 20%. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giúp giảm bớt sức lao động cho nông dân, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch.

 

Gia tăng lợi nhuận 

 

Trên thực tế, mô hình “Ruộng, vườn không dấu chân” không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

 

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận xây dựng mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương –  Cánh đồng không dấu chân” tại các xã Sùng Nhơn (huyện Đức Linh) và xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh) với tổng diện tích 45ha. Trong đó, xã Hùng Nhơn 20ha với 53 hộ tham gia, xã Bắc Ruộng 25ha với 29 hộ tham gia.

 

Các hộ dân tham gia được hướng dẫn sản xuất lúa áp dụng cơ giới đồng bộ bằng máy sạ cụm, phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, tưới nước ngập - khô xen kẽ. Đồng thời, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.

 

Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, cho biết, thực hiện mô hình này, bà con được hỗ trợ lượng giống 12kg/1.000m2. Áp dụng sạ cụm trong sản xuất, bà con chỉ sạ với lượng giống 10kg/1.000m2, giảm 50 – 60% lượng giống sạ so với sản xuất thông thường. Đồng thời, áp dụng quy trình tưới tiết kiệm ướt - khô xen kẽ “5 khô – 5 ướt”.

 

Qua tổng kết mô hình thấy nông dân giảm được lượng giống từ 50 - 60%, năng suất tăng hơn 3 tạ/ha so với ruộng ngoài mô hình. Hơn nữa, các mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của nông dân. Từ đó giúp họ hiểu rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển.

 

Một số nông dân cho biết, tham gia mô hình đã giúp sản xuất lúa giảm được lượng phân bón hóa học và số lần phun thuốc BVTV đáng kể.

 

Theo ông Phan Văn Năm ở thôn 2, xã Hùng Nhơn, với diện tích 6.500m2, ngoài bón lót bằng phân hữu cơ được Nhà nước hỗ trợ, ông đã bón thúc 3 lần phân với chi phí hơn 2,8 triệu đồng và chỉ phun thuốc BVTV 1 lần/ vụ với chi phí 580 ngàn đồng. Tổng đầu tư hơn 18,5 triệu đồng. Với năng suất lúa tươi đạt gần 62 tạ/ha, tăng hơn 3 tạ/ha so với ngoài mô hình, trừ chi phí, ông thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha.

 

Đặc biệt, lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương được thương lái thu mua với giá cao hơn 200 - 400 đồng/kg, thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại nhiều lợi ích và thu nhập cao hơn cho nông dân, từng bước xây dựng thương hiệu, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

 

Tương tự, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng mô hình Cánh đồng thông minh ở huyện Châu Thành. Dự án được triển khai với sự phối hợp của nhiều bên, trong đó Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị chuyển giao công nghệ.

 

Trong giai đoạn 1, mô hình được triển khai trên diện tích 523ha, đơn vị trực tiếp canh tác là HTX Phước An với 295 xã viên. Các giống lúa được chọn canh tác đều là lúa thơm đặc sản, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Mô hình áp dụng cơ giới hóa và công nghệ 100% trong mọi khâu canh tác, mọi thửa ruộng đều có mã QR quản lý riêng.

 

Trước nguy cơ xâm nhập mặn, cánh đồng của HTX đã lắp những thiết bị quan trắc ở các cửa cống, máy tính sẽ tự động đóng mở nước để tưới tiêu cho ruộng lúa dựa trên các chỉ số môi trường. Với việc áp dụng công nghệ vào quá trình canh tác, gia đình xã viên Lâm Phương Tùng đã giảm được hơn 50kg giống/ha, giảm khoảng một nửa chi phí bơm nước, tiết kiệm được tiền phân thuốc.

 

Chuẩn hóa nông sản từ khâu sản xuất

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh có khoảng 270.000ha sản xuất nông nghiệp. Đến nay, ngành trồng trọt đã hình thành 300 vùng sản xuất tập trung với một số cây lâu năm có diện tích lớn như: Cao su 44.000ha, điều 30.000ha, hồ tiêu 12.000ha, cà phê 7.000ha, chuối 13.000ha, xoài 12.000ha, bưởi 10.300ha, chôm chôm 9.100ha, sầu riêng 11.000ha, mít 9.000ha... Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

 

Được thành lập vào tháng 5 năm 2022, Tổ hợp tác (THT) sầu riêng ấp 7 (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) gồm 23 hộ nông dân chuyên sản xuất sầu riêng với quy mô gần 34ha, trong đó hơn 15ha đã được cấp mã số vùng trồng. Sản phẩm chính của THT là sầu riêng Dona, sầu riêng Ri6, sản lượng khoảng 600 tấn/năm.

 

Khi mới thành lập, Ban điều hành THT đã nhận thức được việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến năng suất cây trồng, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nhà vườn.

 

Với quyết tâm đó, trong 2 năm qua, sản xuất sầu riêng ở THT sầu riêng ấp 7 đã đạt được mức độ cơ giới hóa cao. Đến nay, khâu làm đất đã được cơ giới hoá 90 - 95% trong việc đào bồn, dọn cỏ, thiết kế vườn. Ở khâu tưới tiêu, 80% diện tích sản xuất được tưới bằng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trong khâu chăm sóc, 100% diện tích của THT đã được phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái.

 

Qua đánh giá, máy bay không người lái giúp THT tiết kiệm được công lao động, an toàn cho người sản xuất vì không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, tiết kiệm thuốc BVTV, hiệu quả phun thuốc đáp ứng yêu cầu của các nhà vườn mà chi phí không tăng so với sử dụng công lao động để phun thuốc theo kiểu truyền thống trước đây.

 

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai cho biết, cơ giới hóa đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

 

Có thể nói rằng, mô hình này mang lại hiệu quả vượt trội nhờ vào ba yếu tố chính: giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng nông sản, đồng thời thúc đẩy sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

 

Từ đó, mô hình đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc hướng đến sản xuất hàng hóa, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững,  tạo tiền đề chế biến sâu trong sản xuất và là nền tảng để xây dựng các sản phẩm OCOP, tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm hàng hóa hướng tới xuất khẩu.

 

Thanh Xuân - KTNT

 

Trở lại      In      Số lần xem: 163

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ hai: Nhiều vấn đề về nông nghiệp được bàn thảo
  • Việt Nam đang đi đầu trong chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái
  • Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển hiện nay có khả năng đạt mức cảnh báo, cao hơn 1.5 độ trên đất liền
  • Lợi nhuận ngành cao su chủ yếu đến từ… gỗ
  • Giống lúa lai Trung Quốc chính thức phá kỷ lục năng suất thực tế
  • FAO: Chỉ số giá thực phẩm tháng 7/2016 giảm nhẹ
  • Phát hiện ánh sáng có thể tồn tại dưới dạng mà trước đây chưa từng biết
  • Quy định xuất khẩu chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc
  • Ngành chăn nuôi hành động để giữ tăng trưởng bền vững
  • Ưu tiên hỗ trợ DN phát triển nông nghiệp
  • Sử dụng kỹ thuật hạt nhân để bảo vệ đất
  • Loại thực phẩm mới trồng ngay trong bếp của bạn
  • Ứng dụng sinh học tổng hợp để hạn chế sự sinh trưởng của vi khuẩn và điều phối giải phóng dược chất
  • ĐBSH: Con người ảnh hưởng đến tải lượng ni tơ trong 20 năm như thế nào?
  • Thái Lan thiết lập những cánh đồng lúa siêu lớn
  • Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp Mỹ
  • Phí bản quyền và Phí trả trước trong chuyển giao công nghệ patent
  • Hội thảo mô hình sản xuất thử giống lúa ĐTM 126 tại xã Long Thuận – huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh
  • Mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại và hàm ý về chính sách
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD