(Ảnh minh họa: Minh Anh) 

 

Khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 5 năm qua, toàn ngành đã tập trung thực hiện theo phương châm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Trong đó gồm: tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực; tập trung phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực, hiệu quả phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế tác động do thiên tai gây ra; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 

Nhờ vậy, ngành NN&PTNT tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016 - 2020, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm ước đạt 2,62%/năm, vượt mục tiêu; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 năm đạt trên 190 tỷ USD; hết năm 2020, ước có trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới,…

 

Trong 5 năm qua, thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả”, ngành NN&PTNT đã tập trung phát huy các lợi thế nông nghiệp của từng vùng, miền; sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Đồng thời, vận hành theo cơ chế thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng mạnh tới xuất khẩu.

 

Trong đó, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn khi 464 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đi cùng với đó, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo cơ cấu giống, góp phần tăng thu nhập trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 101,5 triệu đồng/ha, tăng trên 20% so với năm 2015.

 

Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT đã triển khai cơ cấu lại đối tượng vật nuôi, xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính. Trong ngành chăn nuôi, đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi, an toàn sinh học. Tính đến năm 2020, tổng sản lượng thịt hơi đạt 5,4 triệu tấn, tăng 17% và khối lượng thức ăn chăn nuôi đạt 20,5 triệu tấn, tăng 29% so với năm 2015.

 

Song song với đó, hầu hết các chỉ số cơ bản về bảo vệ và phát triển rừng đều tăng cao, như: tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận năm 2020 đạt 90%, tăng 12,2%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất đạt 20,5 triệu m3, tăng 1,6 lần so với năm 2015.

 

Đáng chú ý, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm 2016 - 2020, có 67 nhà máy, cơ sở chế biến lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động.

 

Cũng trong 5 năm qua, ghi nhận thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế như: thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản. Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Sáu giải pháp chủ lực cho 5 năm tới

 

Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có; cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, sử dụng hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên.

 

Trong đó, đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 48 - 50 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.

 

Hướng tới các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung triển khai 6 giải pháp chủ lực để đạt được những kết quả cao hơn.

 

Một là, triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, phát triển ngành.

 

Hai là, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Ba là, phát triển khoa học công nghệ, trong đó, ngành NN&PTNT sẽ tập trung tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao.

 

Bốn là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đi cùng với đó, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

 

Năm là, triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế của ngành.Trong đó, thực thi đầy đủ các cam kết, trách nhiệm với tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nắm bắt, dự báo tình hình quốc tế để có chính sách phù hợp.

 

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỳ luật, kỷ cương hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.

 
BT - ĐCSVN.