Nông nghiệp xanh: Hành trình tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển và bền vững
Chủ nhật, 23-03-2025 | 06:36:17
|
Bước vào kỷ nguyên mới, nông nghiệp không chỉ là ngành sản xuất mà còn là nền tảng để xây dựng một xã hội bền vững. Những đổi mới về công nghệ, kết hợp với ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, sẽ là "chìa khóa" để ngành nông nghiệp tiếp bứt phá và phát triển mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ từ cách tiếp cận “nông nghiệp nâu” sang “nông nghiệp xanh”.
Những bước chuyển mạnh mẽ
Phát biểu tại Triển lãm quốc tế về máy nông nghiệp (Triển lãm Agritechnica Asia Việt Nam 2025) mới đây, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tăng trưởng GRDP toàn ngành nông nghiệp năm 2024 đạt 3,3%, điều này cho thấy nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế và là trụ đỡ cho nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiếp thụ nông sản tiếp tục mở rộng với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 62 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và từng bước thay đổi từ cách tiếp cận “nông nghiệp nâu” sang “nông nghiệp xanh”.
Trong tương lai, nông nghiệp có thể trở thành một ngành công nghệ cao, nơi các cánh đồng được quản lý bởi máy móc tự động, nhà kính được điều khiển hoàn toàn bằng AI và sản xuất thực phẩm không còn phụ thuộc vào đất đai hay thời tiết. Đồng thời, nông nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của con người lên hành tinh, từ việc hấp thụ carbon đến tái tạo hệ sinh thái.
Nông nghiệp trong kỷ nguyên mới không chỉ là câu chuyện về sản lượng và lợi nhuận mà còn là hành trình tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển và bền vững. Với sự hỗ trợ của công nghệ, chính sách phù hợp, và ý thức cộng đồng, ngành nông nghiệp có thể vươn mình mạnh mẽ, trở thành động lực cho sự phát triển toàn cầu. Thế kỷ 21 chính là thời điểm mà nông nghiệp khẳng định vai trò chiến lược và giá trị cốt lõi của mình trong một thế giới đầy biến động và cơ hội. Đồng thời, góp phần vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Năm 2025, ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu quan trọng là tăng trưởng sản lượng và chất lượng nông sản thông qua áp dụng các công nghệ hiện đại như: tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tăng hiệu quả trong sản xuất, nâng cao giá trị trong toàn ngành và bảo vệ môi trường.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ chú trọng vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng. Các sản phẩm nông sản an toàn, không hóa chất sẽ được ưu tiên sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đặc biệt chúng ta đang hướng sản xuất theo tiêu chuẩn để đạt các chứng chỉ quốc tế trong chế biến như: BRC, FDA, Halah, trách nhiệm xã hội… để hướng đến những thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện chuỗi cung ứng, giảm thiểu tình trạng lãng phí và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Các mô hình hợp tác xã, chuỗi giá trị nông sản sẽ được phát triển mạnh mẽ, kết nối nông dân, doanh nghiệp và thị trường.
Tập trung hướng tới những giá trị xanh
Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao phân theo 5 vùng trọng điểm sản xuất tập trung gồm: lúa, rau xanh, chè, cây ăn trái và hoa, cây cảnh. Mặt khác, đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chuyển đổi số trong nông nghiệp; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, kinh tế xanh...
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Sóc Sơn.
Nông nghiệp Hà Nội cũng tích cực đẩy mạnh các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, như: GAP, HACCP, ISO…, cũng như quy trình quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, ứng dụng nông nghiệp thông minh, bảo đảm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trên địa bàn Thành phố đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nói “không” với thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Việc này không chỉ thay đổi phương thức canh tác, nuôi trồng, bảo vệ môi trường mà còn hướng đến một nền nông nghiệp an toàn với nhiều sản phẩm chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.
Từ đó, trên địa bàn Thủ đô đã hình thành các mô hình kinh doanh mới trong nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái và ứng dụng công nghệ cao. Có thể kể đến các mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ của Hà Nội được tập trung tại các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ... Khi thực hiện sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh đã bảo đảm yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hay các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thiết bị thông minh đã được áp dụng ở hầu hết các quận, huyện, như: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Oai, Đan Phượng.... Ngoài ra, một số mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái và công viên nông nghiệp hoạt động theo kiểu giáo dục, du lịch, trải nghiệm đã dần hình thành và góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô tại các huyện vùng ven ở Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh...
Nhìn chung, các vùng sản xuất nông nghiệp xanh trên địa bàn Thành phố đã góp phần bảo vệ hệ sinh thái của môi trường, các công nghệ mới (hệ thống tưới tiêu tự động, phần mềm dự báo sức khoẻ cây trồng, vật nuôi...) hay quy trình kỹ thuật hữu cơ (xử lý chất thải chăn nuôi theo phương pháp CDM – Clean Development Mechanism, Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học...) được áp dụng và bảo đảm duy trì được mức độ phát thải các-bon luôn duy trì ở mức thấp cho phép, hình thành phương pháp chăn nuôi, trồng trọt xanh… Qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời xuất đi sang các thị trường ngoài Hà Nội, mang lại giá trị kinh tế cao cho Thủ đô.
Bên cạnh đó, các huyện khu vực ven đô còn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đa giá trị, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đến hết năm 2024, Hà Nội có 2.711 sản phẩm OCOP; trong đó, có 06 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành địa phương có số lượng sản phẩm lớn nhất và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP (Thanh Hiền, 2024). Hà Nội cũng đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, gồm: điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) (Phương Sơn, 2023).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ở TP. Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún, nên việc chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp mới còn gặp nhiều vướng mắc trong việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại với quy mô lớn, đồng bộ. Tư duy sản xuất nông nghiệp của chủ thể sản xuất, đặc biệt là người nông dân còn chậm thay đổi, chưa xóa được thói quen canh tác theo mùa vụ, thâm dụng tài nguyên và còn tồn tại dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chưa bảo đảm được các tiêu chuẩn xanh, bảo vệ an toàn môi trường sinh thái; việc xử lý chất thải nông nghiệp trước khi đổ ra môi trường còn chưa hợp lý, đúng quy trình.
Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế vừa nêu có thể bắt nguồn từ các khía cạnh về: áp lực đô thị hóa khiến đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng; mật độ dân số cao ở Hà Nội là cao thứ hai cả nước gây áp lực lớn lên tài nguyên môi trường và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; cơ cấu kinh tế nông nghiệp có xu hướng giảm tương đối. Vì vậy, nông nghiệp không còn là ngành kinh tế chính, nên việc thu hút vốn đầu tư cho ngành là thấp, ít được quan tâm; các cơ quan chức năng hiện nay chưa có cơ chế đặc thù để phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp xanh, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc rà soát nghiêm ngặt cách thức sử dụng và thu hồi vốn sao cho hiệu quả, đúng mục đích cũng như kiểm tra chất lượng an toàn của nông sản, sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn xanh nhằm thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển.
Thúc đẩy phát triển bền vững
Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, mang lại chất lượng tốt hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu... Với những ưu điểm đó, tỉnh Thái Bình đã chú trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh nhằm đảm sự bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội, môi trường.
Canh tác nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng là định hướng mà tỉnh Thái Bình hướng tới. (Ảnh: BTB).
Nhận thức được vai trò quan trọng của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp vẫn xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Mục tiêu, Thái Bình hướng tới là trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng.
Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp, gắn với nền văn minh lúa nước từ lâu đời. Với 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, hệ thống sông ngòi đan xen nên đất đai phù sa màu mỡ, phì nhiêu và bằng phẳng rất thuận lợi cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Những năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; … nhưng nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu. Những năm qua, Thái Bình đã từng bước chuyển đổi, hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh. Tư duy làm nông nghiệp xanh đang tạo ra nhiều điều mới trong khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số và hoàn thành ở mức tốt nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Bình, để phát triển nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững, thời gian qua tỉnh đã tập trung thực hiện quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa.
Đồng thời, thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, từ đó nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và nhiều sản phẩm nông sản chủ lực; chú trọng tích tụ, tập trung đất đai và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được hơn 5.676ha đất nông nghiệp với sự tham gia của 1.700 hộ nông dân, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp quy mô lớn, chuyên canh theo hướng hàng hóa. Năm 2024, tổng diện tích liên kết sản xuất nông nghiệp đạt gần 10.370ha, tăng 362ha so với năm 2023.
Các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp giúp bảo đảm đầu ra ổn định, giảm rủi ro thị trường. Các đơn vị sản xuất đã đưa vào sử dụng thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ tưới, tiêu tự động và hệ thống quản lý sản xuất thông minh, nâng cao năng suất và giảm chi phí canh tác.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát lúa gạo, trong đó 20 công ty và 4 hợp tác xã có quy mô lớn, áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với việc chú trọng nghiên cứu, sản xuất ra các giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Thái Bình cũng đang phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp hữu cơ theo hướng tuần hoàn, khép kín.
Đơn cử tại một số nông trại hữu cơ trên địa bàn xã Minh Hòa (huyện Hưng Hà) các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, kết hợp với trồng trọt hữu cơ được người dân và các Hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh áp dụng, sản phẩm tạo ra được thị trường ưa chuộng. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn tạo cơ hội cho người dân địa phương tham quan, học hỏi và nhân rộng mô hình sản xuất bền vững.
Phát triển nền nông nghiệp xanh không chỉ giúp bảo đảm hệ sinh thái bền vững mà còn tạo ra thực phẩm an toàn, giúp tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh Thái Bình luôn xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin, để hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, ngành nông nghiệp Thái Bình tiếp tục phát triển nông nghiệp xanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường.
Triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về tích tụ, tập trung đất đai; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đang là hướng đi và là cơ hội để tỉnh Thái Bình phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp như hiện nay. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu, định hướng mà tỉnh đã xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đó là: Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao./.
Thanh Tâm - KTNT.
|
![]() ![]() ![]() |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|