Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

 

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  15
 Số lượt truy cập :  36716051
Sáng chế giúp bảo vệ đa dạng sinh học
Chủ nhật, 09-03-2025 | 06:35:59

Giữa nhiều cách tiếp cận để giảm thiểu tình trạng chiếm đoạt sinh học ở Việt Nam, các sáng chế liên quan đến nguồn gene có nguồn gốc minh bạch được coi là một giải pháp khả thi.

 
Tình trạng chiếm đoạt sinh học ngày càng phổ biến ở những quốc gia giàu đa dạng sinh học như Việt Nam.
Tình trạng chiếm đoạt sinh học ngày càng phổ biến ở những quốc gia giàu đa dạng sinh học như Việt Nam.
 
Những tài nguyên bị đánh cắp

Năm 1993, tổ chức phi lợi nhuận SEE (Society for Environmental Exploration) có trụ sở tại Anh đã triển khai một chương trình nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là “đưa những người bình thường vào tuyến đầu trong nghiên cứu bảo tồn, cho phép họ tham gia thực hiện những hoạt động khoa học quan trọng”. Nhưng thực tế có vẻ trái ngược. Trong chuyến khảo sát kéo dài mười tuần, các tình nguyện viên đã thu thập nhiều mẫu thực vật và côn trùng ở Vườn Quốc gia Ba Bể và Khu bảo tồn thiên nhiên Tam Đảo mà không xin phép ban quản lý. Khi chứng kiến các hoạt động này, Chris Lang - nhà môi trường học người Anh có mặt trong chuyến khảo sát, bắt đầu tự hỏi đây là một chương trình bảo tồn hay một sáng kiến về chiếm đoạt sinh học (biopiracy).

Nếu xem lại định nghĩa về hiện tượng chiếm hoạt sinh học, chúng ta sẽ thấy những nghi ngờ của Chris Lang hoàn toàn có căn cứ. Thuật ngữ biopiracy xuất hiện từ đầu những năm 1990, mô tả hiện tượng chiếm đoạt trái phép nguồn gene và tri thức truyền thống về nguồn gene của cộng đồng bản địa nhằm biến đổi thành quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp dưới dạng bằng sáng chế độc quyền.Một trong những trường hợp chiếm đoạt sinh học nổi tiếng nhất là cây dừa cạn ở Madagascar. Từ lâu, người dân ở nơi này đã sử dụng cây dừa cạn hồng làm thuốc để chữa nhiều loại bệnh tật. Do vậy, Công ty dược phẩm Eli Lilly ở Mỹ đã tìm cách chiết xuất các hoạt chất từ cây dừa cạn nơi đây để làm thuốc, thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm, trở thành một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, người dân Madagascar chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản đền bù nào cho việc khai thác tri thức truyền thống của họ.
 
Tình trạng này đã diễn ra từ lâu và ngày càng phổ biến. Theo khảo sát về sở hữu trí tuệ và tri thức truyền thống từ những năm 1998-1999 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), khoảng 50% công ty sản xuất dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên đã sử dụng tri thức truyền thống của cộng đồng bản địa, 100% công ty thực vật có sử dụng tri thức truyền thống thông qua tài liệu lưu giữ. Đặc biệt là trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã mang đến nhiều công cụ mới để khai thác nguồn gene và tạo ra những sản phẩm thương mại hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không giới hạn ở phát triển thuốc. Đơn cử trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm cách khai thác các gene chịu hạn, chịu nhiệt và chịu mặn từ các loài cây bản địa truyền thống để phát triển các giống cây trồng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt trong tương lai.

Việc khai thác nguồn gene hoặc tri thức truyền thống liên quan để tạo ra những sản phẩm hữu ích là điều tốt, tại sao lại coi là chiếm đoạt? Đương nhiên, sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu tất cả các bên đều được hưởng lợi từ quá trình này. Song trên thực tế, lợi ích thường tập trung vào bên khai thác - chủ yếu là những doanh nghiệp lớn giàu nguồn lực, trong khi những cộng đồng bản địa đã phát triển tri thức truyền thống qua nhiều thế hệ lại hiếm khi nhận được sự bù đắp xứng đáng. Ngoài những trường hợp nổi tiếng như cây dừa cạn ở Madagascar, rất nhiều hành vi chiếm đoạt sinh học đang diễn ra âm thầm mà người dân bản địa không hề hay biết, cũng như không được hưởng bất kỳ lợi ích nào.Chẳng hạn như chuyến khảo sát mà Chris Lang đã tham gia ở Việt Nam, ông nhận thấy “tất cả hoạt động diễn ra mà không có sự đồng ý của người dân địa phương, cũng như không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào để đảm bảo rằng các cộng đồng địa phương được đền bù thỏa đáng cho việc khai thác tài nguyên sinh học và tri thức truyền thống của họ”.

Thậm chí, những bằng sáng chế về nguồn gene có thể tước đoạt quyền sử dụng những loại cây trồng truyền thống của người dân bản địa. Một trong những “nạn nhân” nổi tiếng nhất là giống đậu vàng của Mexico. Cách đây hơn 30 năm, Larry Proctor, chủ sở hữu của một công ty hạt giống ở Mỹ đã mua một túi đậu ở Mexico, chọn ra những hạt màu vàng để trồng, tự thụ phấn, tiếp tục chọn ra những hạt màu vàng ổn định qua nhiều thế hệ, đặt tên là giống đậu vàng Enola và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 1996, chỉ hai năm sau khi mua giống đậu ở Mexico. Khi được cấp bằng sáng chế vào năm 1999, Proctor đã kiện các công ty bán đậu Mexico tại Hoa Kỳ, cáo buộc họ xâm phạm quyền, yêu cầu phải trả phí nếu muốn buôn bán và sử dụng giống đậu Mexico. Sự độc quyền của Protor đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành xuất khẩu đậu của Mexico. Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Chính phủ nước này đã tìm cách hủy bỏ bằng sáng chế của Proctor, dù tốn không ít thời gian và chi phí.

“Bằng sáng chế đậu Enola là điều không thể chấp nhận được về mặt kỹ thuật lẫn đạo đức. Bởi lẽ, kết quả phân tích di truyền cho thấy đậu Enola giống hệt giống đậu vàng Azufrado đã phổ biến ở Mexico từ hàng trăm năm nay”, theo đánh giá của Quỹ Tiến bộ nông nghiệp Quốc tế (RAFI), một tổ chức phi chính phủ đã theo dõi sát sao vụ việc này. “Đây là ví dụ tiêu biểu cho thấy sức mạnh của bằng độc quyền sáng chế trong việc chiếm đoạt hợp pháp các loại cây trồng bản địa, cũng như phá hủy thị trường xuất khẩu nông sản của những quốc gia đang phát triển”.

Minh bạch trong khai thác nguồn gene

Thiệt hại do chiếm đoạt sinh học là nguy cơ hiện hữu với những quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng và độc đáo như Việt Nam. “Nhiều nguồn gene quý hiếm, đặc hữu của chúng ta đã bị thất thoát ra nước ngoài thậm chí qua các dự án hợp tác nghiên cứu. Nhiều nguồn gene có giá trị cao về y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, nông nghiệp, thực phẩm… đã bị tiếp cận, khai thác thương mại khá phổ biến mà không có sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng đối với các bên sở hữu nguồn gene”, TS. Trương Tất Đơ, chuyên gia lâm nghiệp, chia sẻ trong một bài viết trên Pan Nature. “Điển hình là một số giống quế Thanh (Cinnamomum obtusifolium) của Thanh Hóa, giống Sở chè (Camellia sasanqua Thunb.), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia tamdaonensis) quý giá, đặc hữu của Việt Nam đã được trồng khá phổ biến ở Trung Quốc. Một số giống lan đặc hữu của Việt Nam được nhân giống tại Thái Lan và bán về Việt Nam để nuôi trồng mà không có bất kỳ hoạt động chia sẻ lợi ích nào từ nguồn gene. Thậm chí nhiều giống cây trồng quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam bị các nước bảo hộ”.

Dù đã có quy định về chia sẻ lợi ích từ việc khai thác nguồn gene (theo Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gene) song thực tế không dễ áp dụng. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là “làm thế nào để xác định được nghiên cứu vì mục đích thương mại và phát triển (R&D) với các mục đích nghiên cứu khác để yêu cầu có phải cấp chứng chỉ tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ nguồn gene theo Nghị định số 59?”, TS. Trương Tất Đơ nêu ra. “Việc phân biệt giữa sử dụng thương mại hoặc phi thương mại và các yếu tố liên quan không phải là điều dễ dàng. Các nghiên cứu ban đầu không vì mục đích thương mại nhưng khi có kết quả khả quan, có thể dẫn đến thương mại sau này”.

Câu hỏi tiếp theo là xác định doanh thu từ khai thác nguồn gene. Theo Nghị định 59, việc chia sẻ lợi ích bằng tiền không được thấp hơn 1% doanh thu. “Thực tế khó có thể xác định được doanh thu của sản phẩm, đặc biệt khi tổ chức đó là tổ chức nước ngoài (không hoạt động tại Việt Nam). Hiện nay, doanh thu của đơn vị kinh doanh được ghi trong báo cáo tài chính hằng năm nhưng báo cáo này chưa chắc đã đưa ra doanh thu của từng sản phẩm được tạo ra từ nguồn gene được cung cấp. Hơn nữa, với những sản phẩm tạo ra từ nhiều nguyên liệu, nhiều loại nguồn gene khác nhau thì cách xác định tỷ lệ chi trả lại càng khó khăn hơn”, luật sư Vũ Tuấn Minh ở Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam (Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á), chia sẻ trên Quân đội nhân dân.

Làm thế nào để cân bằng lợi ích giữa các bên trong quá trình khai thác nguồn gene là bài toán khó mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang đi tìm lời giải. Dù mỗi quốc gia có thể tiếp cận theo những cách khác nhau, điểm mấu chốt để mang lại hiệu quả vẫn nằm ở sự minh bạch. “Tính minh bạch và sự tham gia của những người nắm giữ tài nguyên nguồn gene trong quá trình khai thác là một yêu cầu cơ bản nhằm đảm bảo các lợi ích sẽ được chia sẻ một cách hợp lý và tài nguyên nguồn gene vẫn nằm trong tầm kiểm soát của những người nắm giữ”, TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận xét trong luận án tiến sĩ về chủ đề này. Đây cũng là giải pháp mà WIPO hướng đến trong Hiệp ước về sở hữu trí tuệ, tri thức truyền thống và tài nguyên di truyền” được thông qua vào năm ngoái. Theo đó, những người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến nguồn gene hoặc tri thức truyền thống về nguồn gene phải bộc lộ chính xác về nguồn gốc của các yếu tố này.

Vấn đề tăng cường tính minh bạch về nguồn gốc sáng chế liên quan đến nguồn gene đã được khắc phục trong lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ gần đây nhất của Việt Nam. Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung thêm quy định hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế với những đơn đăng ký được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gene hoặc tri thức truyền thống về nguồn gene, nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc đó trong đơn đăng ký. Quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng đánh cắp nguồn gene và tri thức truyền thống liên quan, nhất là khi ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn thu thập thông tin về nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene và nộp đơn đăng ký sáng chế cho chính các đối tượng này ở Việt Nam.
 
Trở lại      In      Số lần xem: 134

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ hai: Nhiều vấn đề về nông nghiệp được bàn thảo
  • Việt Nam đang đi đầu trong chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái
  • Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển hiện nay có khả năng đạt mức cảnh báo, cao hơn 1.5 độ trên đất liền
  • Lợi nhuận ngành cao su chủ yếu đến từ… gỗ
  • Giống lúa lai Trung Quốc chính thức phá kỷ lục năng suất thực tế
  • FAO: Chỉ số giá thực phẩm tháng 7/2016 giảm nhẹ
  • Phát hiện ánh sáng có thể tồn tại dưới dạng mà trước đây chưa từng biết
  • Quy định xuất khẩu chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc
  • Ngành chăn nuôi hành động để giữ tăng trưởng bền vững
  • Ưu tiên hỗ trợ DN phát triển nông nghiệp
  • Sử dụng kỹ thuật hạt nhân để bảo vệ đất
  • Loại thực phẩm mới trồng ngay trong bếp của bạn
  • Ứng dụng sinh học tổng hợp để hạn chế sự sinh trưởng của vi khuẩn và điều phối giải phóng dược chất
  • ĐBSH: Con người ảnh hưởng đến tải lượng ni tơ trong 20 năm như thế nào?
  • Thái Lan thiết lập những cánh đồng lúa siêu lớn
  • Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp Mỹ
  • Phí bản quyền và Phí trả trước trong chuyển giao công nghệ patent
  • Hội thảo mô hình sản xuất thử giống lúa ĐTM 126 tại xã Long Thuận – huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh
  • Mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại và hàm ý về chính sách
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD