Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  47
 Số lượt truy cập :  35146427
Tính chuyện hồi sức cho đất miền Tây sau một giai đoạn thâm canh
Thứ sáu, 11-10-2024 | 06:31:27

Cây trồng muốn phát triển “khoẻ mạnh” phải được sản xuất ở vùng đất giàu dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, sau nhiều năm thâm canh sản xuất, “sức khoẻ” đất trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang suy kiệt dần. Vậy, phải làm gì để khôi phục “sức khoẻ” đất hay nói cách khác làm gì để tạo nền tảng cho cây trồng khoẻ mạnh?

 

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/10/20240910_172405.jpg

Thâm canh tăng vụ cũng là lý do khiến "sức khoẻ" đất xuống cấp. Trong ảnh là nông dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bên ruộng lúa vụ 3 năm 2024. Ảnh: Trung Chánh.

 

Với khoảng 10 triệu héc ta đất nông nghiệp, Việt Nam phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng có giá trị xuất khẩu lớn trên thế giới, bao gồm sầu riêng, thanh long, cà phê, cao su, tiêu, điều và lúa gạo. Tuy nhiên để tạo ra hàng chục tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm (9 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả nước đạt 46,28 tỉ đô la Mỹ) cũng khiến đất trồng bị "tổn thương" nghiêm trọng.

 

Đất thoái hóa ngày một nhiều

 

GS. Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, một chuyên gia ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay, có khoảng 44% diện tích đất nông nghiệp ở trạng thái thoái hoá, tức bị thay đổi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu (theo hướng xấu đi). Trong đó, ĐBSCL có khoảng 392.000 héc ta.

 

Phân tích chi tiết hơn có thể thấy, các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng có trong đất đã suy giảm đáng kể ở thời điểm hiện nay so với năm 1975. Trong đó, tổng lượng canxi, magie trong đất đã giảm khoảng 3-4 lần.

 

Tại hội thảo quốc gia về đất và phân bón diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, PGS-TS Châu Minh Khôi, Phó hiệu trưởng Trường nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) qua đề tài nghiên cứu về “Giải pháp quản lý đất cải tiến giúp cải thiện độ phì nhiêu đất và năng suất lúa” cũng đánh giá, chất lượng đất ở ĐBSCL đang suy thoái thấy rõ.

 

Cụ thể, độ pH của đất hiện chỉ còn dao động quanh mức 4.5-5.0 so với mức khoảng 6.1 của năm 1975. Còn với hàm lượng chất hữu cơ có trong đất lúa, dù suy giảm ít, nhưng chất lượng chất hữu cơ lại suy giảm, từ khoảng 22-23 miligam/100 gam đất xuống còn khoảng 18 miligam/100 gam đất.

 

Trao đổi với KTSG Online, ông Khôi cho rằng, pH trong đất có ảnh hưởng khá lớn đến độ hữu dụng, tức khả năng cung cấp dinh dưỡng dễ tiêu trong đất (đạm, lân dễ tiêu) để cây trồng hấp thu, phát triển. Nếu chỉ số pH trong khoảng 5 cho thấy khả năng cung cấp dưỡng chất rất kém.

 

Từ vấn đề nêu ra ở trên đồng nghĩa khả năng cung cấp dưỡng chất cho cây trồng đối với đất trồng ở một số nơi khu vực ĐBSCL đang rất kém vì chỉ số pH trong đất đã giảm xuống mức chỉ 4.5-5.0

 

Còn với phù sa- một thành phần dinh dưỡng được bổ sung vào đất trong mùa lũ- để cung cấp cho cây trồng, ông Bửu dẫn số liệu nghiên cứu của ông Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hoá cho thấy, lượng phù sa về vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước là ĐBSCL hiện đã giảm khoảng 40% so với mức hơn 40 triệu tấn/năm của những năm 1998-1999.

 

Trong bối cảnh đất bị thoái hoá, tình trạng lạm dụng phân bón diễn ra phổ biến hơn để giúp cây trồng duy trì năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, điều này khiến sâu, bệnh hại trên cây trồng phát triển rất nhiều như thực tế diễn ra.

 

Ông Bửu cho biết, với 10 triệu héc ta đất nông nghiệp cả nước, mỗi năm sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón, tức bình quân 1,1 tấn/héc ta/năm. Trong đó, riêng ĐBSCL, sử dụng 0,4 tấn/héc ta/vụ, tức 1,2 tấn/héc ta/năm (3 vụ mỗi năm), cao hơn bình quân cả nước. Con số này là rất lớn vì ở một số nước như Hà Lan, Nhật Bản chỉ sử dụng 0,4-0,6 tấn/héc ta/năm.

Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ông Bửu không nêu con số cụ thể vì “rất nhạy cảm”, nhưng cho rằng tiền đã chi ra để nhập khẩu là rất lớn, dù có giảm trong những năm gần đây.

 

Dù phải đánh đổi sức khoẻ của đất là không hề nhỏ, nhưng lợi nhuận mang lại cho nông dân sản xuất lúa (3 vụ/năm) ở ĐBSCL vẫn khá thấp, chỉ khoảng 40-60 triệu đồng/héc ta. Nếu gia đình có 4 người (2 vợ chồng và 2 con), tính ra thu nhập là quá thấp, nhất là nông dân trồng lúa, dù xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới.

 

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/10/20240910_102645.jpg

Luân canh lúa với cây trồng cạn cũng là một trong những giải pháp cải thiện chất lượng đất. Ảnh: Trung Chánh.

 

“Cấp cứu” đất bằng cách nào?

 

Trước thực trạng tài nguyên đất nông nghiệp, nhất là ở vùng ĐBSCL đang có vấn đề về “sức khoẻ” như nêu ở trên, rõ ràng việc “cấp cứu” để khôi phục chất lượng đất, tạo nền tảng cho cây trồng phát triển là điều cần thiết.

 

Trao đổi với KTSG Online, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, đây là vùng đất ngập nước nên liên quan đến nước và phù sa. Do đó, vấn đề của ĐBSCL là quản lý phù sa, dù đã giảm 40%. “Chúng ta phải dùng phù sa vì đây là giải pháp rẻ tiền nhất để cải tạo đất”, ông Bửu gợi ý.

 

Đối với vấn đề quản lý nước, theo ông, đất bị ngập nước liên tục khiến chất hữu cơ ở trạng thái “kìm giữ” dinh dưỡng NPK (đạm, lân, kali), không nhả ra cho cây trồng dùng. Theo ông Bửu, phải làm sao không cho ngập nước, tức có một vụ để đất khô như sản xuất hai vụ lúa, 1 vụ màu hoặc giữa hai vụ phải có thời gian phơi đất ít nhất 3 tuần mới có hiệu quả cải tạo đất. Với những ruộng lên liếp trồng màu, khi quay trở lại sản xuất lúa, cây rất xanh tốt.

 

Đồng quan điểm, trao đổi với KTSG Online, ông Khôi cho rằng, ở khía cạnh quản lý đất, việc tạo thời gian nghỉ là rất quan trọng vì đây là điều kiện để đất phục hồi. “Chẳng hạn, canh tác 3 vụ trong 3 năm, thì nên có một vụ để đất trống hoặc tạo điều kiện cho lũ vào cũng tạo cơ hội cho đất phục hồi”, ông cho biết.

 

Còn với những vùng thuận lợi, có thể luân canh lúa- cây màu, nhất là những loại cây họ đậu để có thể tận dụng thân cây làm phân hữu cơ. “Đây là giải pháp cải thiện chất lượng đất, tăng hoạt động cho đất cũng như tăng cường khoáng hoá dinh dưỡng trong đất”, ông nói.

 

Việc bón phân hữu cơ hay luân canh lúa- màu cũng là giải pháp để nâng độ pH trong đất hay nói cách khác là tạo điều kiện cho cây trồng dễ dàng hấp thu nguồn dinh dưỡng dễ tiêu trong đất. Bởi lẽ, chỉ số pH thấp như đang diễn ra ở ĐBSCL chính là nguyên nhân làm hạn chế khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng.

 

Đứng ở góc độc doanh nghiệp, ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền nhấn mạnh, việc thâm canh quá mức, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng cùng với xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa…, khiến sản xuất lúa tăng cao về phí đầu tư, nhưng hiệu quả chưa tương xứng (lúa 3 vụ lợi nhuận chỉ 40-60 triệu đồng/héc ta như nêu ở trên).

 

Chính vì vậy, qua chương trình canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tức cung cấp dưỡng chất cho cây trồng hài hoà, cân đối là điều kiện mang hiệu quả cao hơn, nhất là giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư. “Khi hiểu được bản chất độ phì của đất, phát hiện đúng yếu tố hạn chế để sử dụng phân bón đúng, sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Đông nhấn mạnh.

 

Trung Chánh - KTSG.

 

Trở lại      In      Số lần xem: 118

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD