Tiềm năng lớn chưa được tận dụng
Việt Nam sở hữu nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như chè Thái Nguyên, chè Mộc Châu, chè Shan tuyết Hà Giang, hay chè Oolong Lâm Đồng. Những sản phẩm này không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một nghịch lý đáng buồn là khi xuất khẩu, chè Việt Nam thường không mang thương hiệu quốc gia mà bị bán dưới dạng nguyên liệu thô hoặc gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Điều này khiến giá trị gia tăng của sản phẩm chè Việt bị giảm đáng kể.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chè Việt Nam, năm 2024, tổng diện tích chè cả nước đạt 128.000 ha, trong đó 118.000 ha là chè kinh doanh và 10.000 ha trồng mới. Sản lượng búp tươi đạt gần 1 triệu tấn, sản lượng chè khô đạt 230.000 tấn, và sản lượng chè thành phẩm đạt 185.000 tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 250 triệu USD, với giá bình quân 1,75 USD/kg, thấp hơn nhiều so với giá bình quân của các nước xuất khẩu chè hàng đầu như Ấn Độ và Sri Lanka.
Việt Nam sở hữu nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Hoàng Vĩnh Long Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết: "Nguyên nhân chính của tình trạng này là do khâu quảng bá và xây dựng thương hiệu còn yếu kém. Trong khi các nước như Ấn Độ, Sri Lanka, hay Trung Quốc đã xây dựng được thương hiệu chè mạnh trên thị trường quốc tế, thì chè Việt Nam vẫn chưa có sự hiện diện rõ ràng. Thêm vào đó, việc thiếu liên kết giữa sản xuất và chế biến, cũng như sự manh mún trong sản xuất của các hộ nông dân nhỏ lẻ, đã khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều và khó kiểm soát".
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành chè Việt Nam là sự thiếu liên kết trong chuỗi sản xuất. Hiện nay, hơn 80% diện tích chè được trồng bởi các hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến còn hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm, khiến chè Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch ổn định về diện tích trồng chè và đầu tư không đồng bộ cũng là những rào cản lớn. Nhiều địa phương chưa có chiến lược phát triển dài hạn, dẫn đến tình trạng sản xuất theo phong trào, không bền vững. Hơn nữa, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và chứng nhận quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, hay hữu cơ vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, làm giảm khả năng tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ, hay Nhật Bản.
Giải pháp để khai thác tiềm năng và nâng cao giá trị Trà Việt
Bàn về giải pháp để khai thác tiềm năng và nâng cao giá trị của cây chè, rất nhiều các cơ quan ban ngành đã đưa ra nhiều ý tưởng khác nhau. Tuy nhiên theo ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, chúng ta cần đến một nhóm giải pháp, thì trà việt mới có thể cất cánh. Ông nói: "Cần nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: Việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ sở chế biến là chìa khóa để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Mô hình liên kết nông - công nghiệp sẽ giúp kiểm soát tốt hơn từ khâu trồng trọt đến chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm"
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, doanh nhân, nhà văn hóa trà Phạm Công Tuấn Hạ đã chia sẻ một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành trà Việt Nam. Ông Hạ nhấn mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất trà, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và sản xuất bền vững. Điều này bao gồm việc sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật, và đạt được các chứng nhận quốc tế để giúp trà Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường cao cấp trên toàn cầu.