Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  15
 Số lượt truy cập :  33377647
Cơ giới hóa nông nghiệp thúc đẩy phát triển hiệu quả và bền vững nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thứ năm, 26-06-2014 | 08:06:34
PGS, TS. Phước Minh Hiệp
Cơ quan Thường trực miền Nam, Tạp chí Cộng sản
 

Nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là vào sản xuất, chế biến lúa gạo; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng xuất khẩu gạo, thủy sản chủ lực của cả nước (cung cấp khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu và khoảng 60% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước)...

 

Điều này khẳng định cơ giới hóa nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tạo được bước đột phá trong sản xuất hàng hóa nông sản, thúc đẩy phát triển hiệu quả và bền vững nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những kết quả bước đầu

Thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, với những loại máy móc, thiết bị như: Máy sấy nông sản; máy tách hạt bắp; máy gặt lúa rải hàng; máy gặt đập liên hợp; máy xay xát lúa gạo; máy kéo 2 bánh; máy kéo 4 bánh; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ có tải trọng dưới 500 kg; máy cày; bơm nước; thiết bị nuôi trồng hải sản; Thiết bị làm lạnh, cấp đông (IQF), tái đông (RF); kho lạnh bảo quản thủy sản, nông sản...

Cho tới nay, cơ giới hóa nông nghiệp đang từng bước thúc đẩy tăng năng suất lao động, giải phóng được lực lượng lao động nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở vùng nông thôn, cụ thể cơ giới hóa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đã đạt những kết quả như sau:

Một là, đã thực hiện được hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản suất lúa, gạo: đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về sản xuất lúa gạo nên việc đầu tư cho cơ giới hóa sản xuất lúa là phù hợp. Vì vậy, đến năm 2012, đã đạt mức độ cơ giới hóa bình quân các khâu: làm đất trồng lúa đạt 80%; thu hoạch đạt 30%; sấy lúa chủ động 42%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo 95%.

Hai là, đã giải phóng một lượng lớn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động: như TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ cho biết, cơ giới hóa nông nghiệp được tiến hành sâu rộng sẽ giải phóng một lượng lớn lao động trong nông nghiệp, tăng thêm nguồn cung cho khu vực công nghiệp vốn đang rất thiếu. Nó cũng làm tăng đáng kể năng suất lao động nông nghiệp thông qua chuyển dịch cơ cấu và nâng cao trình độ kỹ thuật của lao động trong nông nghiệp.

Ba là, đã nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế; giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân. Từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn; tiết kiệm được giống, phân bón, nước, năng lượng... cải thiện được chất lượng nông sản, sản phẩm; bảo vệ môi trường; đáp ứng kịp thời mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu...

Bốn là, đã tạo sự đột phá trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch, giảm thất thoát: Cơ giới hóa trong sản xuất lúa góp phần đáng kể trong việc giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo, trong đó, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch làm “Tỷ lệ thất thoát được kéo giảm từ 5% - 6% xuống còn 2% - 3%, chi phí thu hoạch lúa giảm từ 0,5 - 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công...”(1)

Năm là, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp: "Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến ngày 31-01-2013 đã cho vay 6.933 hộ gia đình, cá nhân; 03 hợp tác xã và 32 doanh nghiệp, dư nợ cho vay là 1.230,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ vay lãi suất 622,4 tỷ đồng; tín dụng đầu tư phát triển 607,8 tỷ đồng"(2). Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, như các cơ sở chế tạo máy gặt đập liên hợp Phan Tấn (Đồng Tháp); Tư Sang 2 (Tiền Giang); Hoàng Thắng (Cần Thơ)...

Sáu là, cải tạo đồng ruộng để đầu tư cơ giới hiệu quả: Một số địa phương như An Giang, Bạc Liêu, Long An bắt đầu áp dụng việc đưa thiết bị định vị bằng tia la-de để cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Việc áp dụng thiết bị kỹ thuật cao để cải tạo đồng ruộng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Khi mặt ruộng được bằng phẳng, nông dân sẽ giảm nhiều chi phí ở các khâu như giảm lượng lúa giống nhờ sử dụng dụng cụ gieo sạ theo hàng, giảm chi phí bơm tưới, giảm thời gian và nhân công do thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, kịp thời xuống giống tăng vụ...

Cấy lúa bằng máy còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng bước đầu đã xuất hiện ở An Giang và Long An. Khi áp dụng cấy lúa bằng máy sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa ngoài đồng khoảng 15 ngày (thời gian gieo mạ trong khay), giảm sâu bệnh và không bị lúa lẫn. Do đó, việc cấy lúa bằng máy rất phù hợp cho các khu vực ven biển khi phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa.

Những khó khăn thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua cơ giới hóa nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức:

Cơ giới hóa nông nghiệp còn yếu, chưa phù hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long: TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: "Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam mà cụ thể là ở đồng bằng sông Cửu Long còn yếu, còn tùy thuộc rất lớn vào trình độ và nguồn vốn của nông hộ. Cơ sở sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp còn rất yếu, trong khi máy móc nhập từ nước ngoài thường không phù hợp trong sản xuất hoặc quá cồng kềnh, quá đắt tiền so với quy mô sản xuất, khả năng của người nông dân. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, năng suất lao động thấp, chi phí đầu tư cao, các dịch vụ cơ khí đi theo dịch vụ này kém phát triển, đời sống bà con nông dân ở nông thôn còn nhiều khó khăn".

Quá trình cơ giới hóa nông nghiệp đã xuất hiện tình trạng “Thắt cổ chai” từ hai khâu then chốt của quá trình sản xuất; đồng thời cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng đều giữa các địa phương: So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,3 CV/ha canh tác (Thái Lan đạt 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc 6,06 CV/ha). Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long không đồng đều giữa các khâu, như: Làm đất đạt khoảng 90% so với nhu cầu, bơm nước đạt khoảng 95-100%, gieo sạ bán cơ giới 70-75%; thu hoạch 60-65%. Trong khi đó, mức sử dụng máy gặt đập liên hợp là 45-50%, sấy chỉ đạt 38,7%, bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật chỉ đạt 15%; xay xát lúa gạo đạt xấp xỉ 95%. Còn các khâu như gieo sạ, cấy, làm cỏ và phun thuốc có mức độ cơ giới hóa rất thấp, chủ yếu vẫn là lao động thủ công. Điều này cũng được Ông Đỗ Văn Nam, Cục Chế biến, Thương mại, Nông - Lâm - Thủy sản và nghề muối khẳng định: "Cơ giới hóa nông nghiệp chủ yếu ở khâu làm đất cấy hằng năm, tập trung cây lúa, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu...". Việc “Thắt cổ chai” tại hai khâu then chốt là sấy và bảo quản đang gây ra những tổn thất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long. Qua số liệu tính toán, hiện nay cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa cao nhất tỉnh Long An đạt 95%, thấp nhất là Bến Tre đạt 10%; khâu sấy lúa cao nhất là tỉnh An Giang đạt 80%, thấp nhất là Bạc Liêu chỉ đạt 5%...

Một bất cập nữa trong cơ giới hóa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long là giá thành máy nông nghiệp quá cao so với khả năng của nông dân. Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp, chủ yếu là các xưởng chế tạo cơ khí địa phương nhỏ lẻ, kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo phân phối máy móc nông nghiệp chưa chuyên nghiệp, công tác dịch vụ hậu mãi chưa phát triển, làm cho giá máy nông nghiệp còn quá cao so với thu nhập của nông dân. Điều này làm hạn chế việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc để cơ giới hóa sản xuất lúa.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có địa bàn phức tạp, kết cấu hạ tầng yếu kém khó thực hiện cơ giới hóa. Nền đất thường yếu, hệ thống giao thông nông thôn và giao thông nội đồng chưa được cải thiện nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng các loại thiết bị máy móc trong nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng về trình độ dân trí, thiếu lao động có tay nghề. Hầu hết lao động ở nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được đào tạo chuyên môn nên cũng gặp không ít khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa, làm giảm hiệu suất sử dụng, tăng chi phí sửa chữa thiết bị và chi phí sản xuất nông nghiệp.

Tuy các địa phương đã quan tâm nhiều đến vấn đề áp dụng công nghệ sau thu hoạch, nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất lớn, từ 12% - 14%. TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết “Các nước sản xuất lúa gạo mạnh trên thế giới tổn thất khoảng 3,9% - 6%. Cơ giới hóa là điều kiện bắt buộc phải đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đang đặt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn 6% - 8%, nếu thực hiện được sẽ là thành công rất lớn. Phấn đấu đến năm 2015, có 80% diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch bằng máy, đòi hỏi thời điểm đó phải có 12.500 máy gặt đập liên hợp”.

Bên cạnh những thành công và hạn chế khi thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta cũng rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau: 1) Cơ sở hạ tầng đồng ruộng phải đáp ứng yêu cầu cho máy hoạt động như: độ bằng phẳng của đồng ruộng, kích thước lô thửa phải đủ lớn vì vậy, cần phải có sự liên kết giữa các hộ nông dân có ruộng liền kề để phá bỏ bờ vùng bờ thửa, tạo thuận lợi đưa máy móc vào đồng ruộng. 2) Có đường giao thông nội đồng để vận chuyển, hệ thống tưới, tiêu chủ động phục vụ cho gieo cấy và thu hoạch. 3) Thực hiện các qui trình kỹ thuật canh tác khoa học, như: sử dụng cùng một loại giống, thời điểm gieo trồng, thời điểm gặt... 4) Thực hiện cơ giới hóa từng khâu tiến tới thực hiện cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ: Làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch. 5) Có khả năng đầu tư máy móc, thiết bị phù hợp với yêu cầu sản xuất. 6) Phải có đội ngũ lao động có tay nghề trong nông thôn.

Cần có giải pháp đồng bộ và phù hợp

Để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo được vùng sản suất nông sản hàng hóa hiệu quả và bền vững, trong thời gian tới chúng ta cần phải khẩn trương tiến hành thực hiện nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ như sau:

Thứ nhất, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các loại hình dịch vụ hiệu quả ở nông thôn. Kết hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tích tụ tập trung, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.

Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, kết hợp nhập khẩu máy móc thiết bị tiên tiến, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức chế tạo hoặc lắp ráp các loại máy nông nghiệp có tính chuyên dụng cao (như: máy thu hoạch lúa, máy cấy, máy kéo, động cơ diezen công suất lớn).

Thứ ba, phải đầu tư tốt cho cơ sở hạ tầng đồng ruộng phải đáp ứng yêu cầu cho máy hoạt động như: độ bằng phẳng của đồng ruộng, kích thước lô thửa phải đủ lớn, có sự liên kết giữa các hộ nông dân có ruộng liền kề để phá bỏ bờ vùng bờ thửa, tạo thuận lợi đưa máy móc vào đồng ruộng. Có đường giao thông nội đồng để vận chuyển, hệ thống tưới, tiêu chủ động phục vụ cho gieo cấy và thu hoạch. Thực hiện các quy trình kỹ thuật canh tác khoa học…

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực: Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác nghiên cứu, đào tạo huấn luyện cán bộ kỹ thuật cũng như công nhân ngành cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp, thông qua chương trình đào tạo nghề thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và các hoạt động khuyến nông. Có như vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nước ta mới có cơ hội phát triển.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu, để ứng dụng vào sản xuất.

Thứ sáu, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là sản xuất lúa, đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết 4 nhà, đặc biệt là vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống sấy lúa, kho lúa,… để thu mua tồn trữ lúa, nhất là mùa thu hoạch./.

--------------------------------------

(1) http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2013/8/326426
(2) http://www.agroviet.gov.vn/Pages/news_detail.aspx?NewsId=29106#

 

Theo TCCS.

Trở lại      In      Số lần xem: 2872

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD