Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tối ưu phương pháp tạo chồi và nhân nhanh chồi trực tiếp từ mắt ngủ của chồi nách giống dứa MD2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mẫu chồi nách đạt hiệu quả khử trùng tốt nhất khi xử lý với chất diệt nấm HgCl2 0,1% trong thời gian 15 phút và cấy trên môi trường có bổ sung kháng sinh Cefotaxime 500 mg/L. Khả năng bật chồi tốt nhất trên môi trường nuôi cấy MS có bổ sung 3 mg/L BAP.
Nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng và năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch của trái quýt Hồng. Thí nghiệm được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật, trường Đại học Cần Thơ và huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 3 năm 2019 đến tháng 02 năm 2020. Kết quả cho thấy, xử lý calci cloride, boric acid và brassinolide trước khi thu hoạch đã làm gia tăng chất lượng và năng suất quýt Hồng. Các giá trị cảm quan trái, độ Brix, pH dịch trái đều cải thiện đáng kể, màu sắc vỏ trái thể hiện đồng đều và rất đẹp.
Nghiên cứu lai tạo, chọn lọc một số dòng dâu tây có triển vọng được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa, từ tháng 01 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021. Nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu là các giống dâu tây được nhập từ nhiều nguồn khác, sử dụng phương pháp lai hữu tính và chọn lọc phả hệ thế hệ 1, 2. Kết quả từ 30 tổ hợp lai (THL) với số lượng 6.712 hạt, nghiên cứu đã chọn được 8 dòng dâu tây thế hệ C2 có triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng.
Kết quả khảo sát các nông hộ trồng sầu riêng tại Tây Nguyên cho thấy, giống sầu riêng Dona được trồng chủ yếu (chiếm 97,7%); năng suất trung bình trên 15 tấn/ha đối với cây trồng sau 10 năm tuổi. Trồng xen cà phê, điều, hồ tiêu là hình thức trồng chính, với mật độ trung bình 100 - 150 cây/ha, tương đương khoảng cách trồng xen 9 ˟ 9 m. Phân bón N - P2O5 - K2O được sử dụng có lượng bón lần lượt 1,4 - 1,3 - 1,4 kg/cây/năm.
Nghiên cứu được thực hiện với 6 thí nghiệm về giống, dung dịch dinh dưỡng, EC, pH của dung dịch, khoảng cách trồng và thời gian thu hoạch sau khi ngừng cung cấp dinh dưỡng trên cây cải bó xôi trồng trong hệ thống thủy canh hồi lưu. Kết quả cho thấy, cải bó xôi chịu nhiệt PD512 - Phú Điền thích hợp nhất trong 3 giống cải bó xôi thí nghiệm. Trồng giống cải bó xôi PD512 với khoảng cách 15 cm ˟ 12 cm (190 cây/m2) và sử dụng thành phần dung dịch dinh dưỡng SH3 với mức EC = 1.200 µS/cm, pH từ 6 - 6,5 là phù hợp trong suốt thời gian sinh trưởng của cây cho suất thực thu 2,4 kg/m2 đến 2,9 kg/m2.
Nghiên cứu được thực hiện trên 3 giống sầu riêng: Ri-6, Monthong và Chuồng bò. Kết quả ghi nhận trên giống Ri-6, thời điểm thu hoạch càng muộn và nồng độ xử lý ethephon tăng thì hàm lượng tổng chất rắn hoà tan (TCRHT) của thịt quả đều cao: thu hoạch ở 95 ngày sau đậu quả (NSĐQ) là 33,590Brix và xử lý ethephon 270 ppm là 32,390Brix. Đối với giống Chuồng bò thu hoạch ở 105 NSĐQ có hàm lượng TCRHT cao nhất (32,070Brix), các nồng độ ethephon không ảnh hưởng đến hàm lượng TCRHT.
Thanh long (Hylocerus undatus) là một trong những chủng loại cây ăn quả nhiệt đới quan trọng ở các tỉnh phía Nam. Kiểu trồng trụ theo sản xuất truyền thống bộc lộ nhiều điểm hạn chế như: tán cây mang nhiều cành già, cành vô hiệu, khó chăm sóc, là nơi trú ẩn của nguồn bệnh và chất lượng quả kém,… Bản thân kiểu trồng trụ tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc vệ sinh vườn và quản lý tán kém dẫn đến sự phát sinh và lây lan dịch hại, đặc biệt là bệnh đốm nâu (Neoscytalidium dimidiatum).
Điều tra xác định thành phần loài tuyến trùng nốt sần rễ trên 85 mẫu đất và rễ cà tím tại Lâm Đồng dựa vào phương pháp mô tả hình thái. Mẫu đất và mẫu rễ được lấy theo phương pháp đánh dấu bản đồ hình zich zắc. Các chỉ số hình thái được ghi nhận và vẽ trên kính hiển vi Bel kết nối với ống vẽ Bel-BIO2T-AC. Các đặc điểm hình thái được mô tả và so sánh theo khóa định loại của Jebson (1987) và Whitehead (1968).
Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu điều tra, giám định sâu bệnh hại chính trên cây chanh leo và một số thiên địch của sâu hại tại các vùng trồng chanh leo tập trung đại diện cho 7 vùng sinh thái của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2016. Đã giám định được tên khoa học của 12 loài sâu hại, 9 loài thiên địch và 11 loài vi sinh vật gây bệnh trên cây chanh leo trong điều kiện đồng ruộng và quả chanh leo sau thu hoạch. Danh lục và bộ mẫu chuẩn về thành phần sâu hại, kẻ thù tự nhiên của chúng và các loại bệnh hại của chanh leo trên đồng ruộng và trong bảo quản sau thu hoạch đã được xây dựng và bảo quản tại Viện Bảo vệ thực vật.
Nghiên cứu nhằm xác định thời gian chiếu bổ sung đèn LED (Light-emitting diode) phù hợp cho sinh trưởng và năng suất xà lách trồng thủy canh nhiều tầng trong nhà lưới. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên một nhân tố với 6 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức 9 lần lặp lại (mỗi lặp lại là 8 rọ thủy canh chuyên dụng trồng 1 cây/rọ). Sáu nghiệm thức là 6 mức thời gian chiếu bổ sung đèn LED gồm: 10; 12; 14; 16; 18 và 20 giờ/ngày đêm.