Ngày 6/4, Bộ trưởng môi trường Pháp Ségolène Royal cho biết hơn 120 nước thông báo sẽ tham gia lễ ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu diễn ra ngày 22/4 tới.
Hiệp ước này - thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu có tham vọng mạnh mẽ nhất từng được đàm phán - đã được nhất trí thông qua trong Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) do Pháp chủ trì.
Bộ trưởng môi trường Pháp Ségolène Royal, chủ tịch COP21, thông báo với báo giới mục tiêu thu thập một trăm chữ ký ủng hộ hiệp ước trên đã thành công, với việc hơn 120 nước cam kết ký.
Bà bày tỏ sự vui mừng vì đã thu thập được số lượng lớn chữ ký trong thời hạn ngắn, hứa hẹn hiệp ước sớm được thông qua.
Lễ ký kết dự kiến diễn ra nhân Ngày Trái Đất 22/4 tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, với sự hiện diện của khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Trong số các bên thông báo ký kết có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu...
Trong Hội nghị COP21, diễn ra hồi tháng 12 vừa qua, 195 nước tham dự đã cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để có hiệu lực, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu phải được thông qua bởi ít nhất 55 bên tham gia COP21, chịu trách nhiệm gây ra ít nhất 55% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới.
Hiệp ước Paris về biến đổi khí được coi là bước đột phá trong nỗ lực của Liên hợp quốc trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái Đất tăng lên.
Hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa gia tăng đều có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu đang được coi là nguy cơ nghiêm trọng hàng đầu mà thế giới đang phải đối mặt./.