Việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất góp phần tạo ra những
sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng và đồng đều hơn. (Ảnh minh họa: BT)

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các hình thức tổ chức hợp tác liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ được phát triển đa dạng; trong đó, đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực như: Lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chè ở các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, mía đường ở các tỉnh miền Trung, chăn nuôi bò và chế biến sữa ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chăn nuôi lợn và gia cầm...

Về hình thức liên kết, tiêu biểu là liên kết của doanh nghiệp với hộ sản xuất, gồm 3 loại hình chính: Doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản; hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp và hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp.

Trong các loại hình trên, loại hình liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất và phổ biến nhất. Dù vậy, thực tế các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn bán qua hệ thống thương lái, chỉ một phần nhỏ có liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng cung cấp đầu vào.

Với loại hình hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp chủ yếu phổ biến trong chăn nuôi, nhất là trong nuôi lợn, gà. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng kí kết. Đây là hình thức liên kết chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ được thực hiện giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp. Các điển hình áp dụng mô hình này gồm nhiều công ty ở thành phố Hà Nội, các tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai.

Loại hình hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp là hình thức khá tiên tiến và có một số doanh nghiệp đang áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, hình thức liên kết này nhìn chung có nhiều hạn chế liên quan đến việc định giá đất, khả năng đảm bảo sự minh bạch, trình độ và nhận thức của nông dân góp đất. Chính vì vậy, hình thức liên kết này còn mới. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gần đây bắt đầu xây dựng các chuỗi liên kết khép kín theo cách thuê, mua đất của nông dân và sau đó thuê chính người đã bán, cho thuê đất làm công nhân sản xuất theo quy trình và tiêu thụ trực tiếp trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị của các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù có sự phát triển mạnh ở khâu sản xuất và tăng trưởng mạnh về thị trường nhưng khâu tổ chức phân phối còn yếu, liên kết giữa doanh nghiệp với các tác nhân trong chuỗi giá trị còn chưa bền vững và chưa phát triển phổ biến.

Nguyên nhân do quy mô đất đai của hộ nông dân hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Hiện cả nước có hơn 27 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó đã giao cho các hộ gia đình quản lý và sử dụng khoảng 15 triệu ha, chiếm 55% tổng diện tích. Bình quân diện tích đất nông nghiệp chỉ khoảng 0,46 ha/hộ và được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô nhỏ lẻ ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, các tổ chức đại diện của nông dân (như: hợp tác xã, tổ hợp tác…) có đủ năng lực để tổ chức cho người sản xuất liên kết được với doanh nghiệp còn rất thiếu. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 32 Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 11.688 HTX nông nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, có tới hơn 23% số này hoạt động cầm chừng; các hoạt động của HTX cũng đa phần còn hạn hẹp, mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Các mô hình HTX, tổ hợp tác đạt hiệu quả và có khả năng phát triển bền vững chưa phổ biến. Hiện chỉ có khoảng 10 - 15% số lượng nông sản được tiêu thụ thông qua các tổ hợp tác và HTX, kể cả trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa phát triển như: Lúa gạo, bò sữa, mía đường, cà phê, hồ tiêu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp, cần lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị. Bên cạnh vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để kết nối với cả thị trường toàn cầu, thị trường khu vực và thị trường nội địa. Đẩy mạnh áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu thị trường ở tất cả các công đoạn.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp thông qua việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận quyền sử dụng đất lâu dài thông qua việc thuê, mướn đất, nhận việc góp vốn của hộ nông dân bằng quyền sử dụng đất.

Đáng chú ý, phát triển hợp tác xã nông nghiệp thông qua hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã về xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quản lý hợp tác xã và kỹ thuật sản xuất an toàn; liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, cần xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất theo chuỗi đảm bảo sản phẩm đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững về chuỗi giá trị. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển các chuỗi sản phẩm an toàn đang triển khai, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các chuỗi sản phẩm an toàn.

Đặc biệt, cần phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp để có các giải pháp phòng ngừa rủi ro có hiệu quả, dần tiến đến xóa bỏ tâm lí e ngại của các nhà đầu tư đối với mức độ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên triển khai các chương trình bảo hiểm, hỗ trợ phí bảo hiểm cho các hộ nông dân trong vùng chuyên canh, có liên kết với doanh nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp để có thể bù đắp thiệt hại đối với sản xuất do thiên tai, dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện cho tổ chức sản xuất nông nghiệp, nông dân nhanh chóng khôi phục, ổn định sản xuất./.

BT - ĐCSVN.