Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  21
 Số lượt truy cập :  33274167
GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây

Năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, bà con nông dân cả nước đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; đồng thời, kịp thời nhận định, linh hoạt thích ứng với diễn biến thị trường nông sản; tăng cường và chủ động xử lý sớm dịch bệnh cây trồng vật nuôi, kiểm soát sản xuất an toàn;

I. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2018

 

Năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, bà con nông dân cả nước đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; đồng thời, kịp thời nhận định, linh hoạt thích ứng với diễn biến thị trường nông sản; tăng cường và chủ động xử lý sớm dịch bệnh cây trồng vật nuôi, kiểm soát sản xuất an toàn; từng bước khắc phục những yếu kém nội tại của sản xuất nhỏ trước đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nên ngành nông nghiệp và PTNT cả nước đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

 

Các chỉ tiêu tổng hợp chủ yếu đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%,đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây[1]; Giá trị sản xuất tăng 3,86%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD. Kết quả trên những công việc, lĩnh vực cụ thể như sau:

 

1. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường

 

Mùa vụ, cơ cấu giốngchất lượng cao, cơ cấu sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương, vùng miền chuyển dịch theo nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ kết hợp với ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường kiểm soát và phòng chống dịchbệnh, thiên tai được rà soát, triển khai trong từng địa phương, đơn vị. Vì vậy, sản lượng nhiều loại nông sản chủ lực giá trị gia tăng cao tăng mạnh,đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

 

- Lĩnh vực trồng trọt:Các địa phương đã chuyển 105 ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó, ứng dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, nên tuy diện tích lúa giảm, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng 1,24 triệu tấn (+2,9%); sản lượng và chất lượng nhiều loại rau màu tăng, trái cây tăng 26,1 ngàn ha về diện tích và 300 ngàn tấn về sản lượng so với năm 2017. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp trên 5 lần so với sản xuất lúa.Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,5%). Điểm nhấn trong năm 2018 là các địa phương đã tổ chức các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời thông quacác hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản, đã giảm thiểu tình hình ứ đọng sản phẩm, giảm thiệt hại cho người sản xuất.

 

- Lĩnh vực chăn nuôi: Về tổng quát, đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Cơ cấu lại,xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính gia súc, gia cầm; giải quyết căn bản tình trạng cân đối cung - cầu thịt lợn; giá các sản phẩm thịt lợn, thịt bò, gia cầm có lợi cho người chăn nuôi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh chính ngạchsang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).

 

Để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, bảo vệ sản xuất trong nước và ổn định thị trường trước đà tăng mạnh của giá thịt lợn hơi và người chăn nuôi đẩy mạnh tăng đàn, Bộ đã kịp thời tổ chức họp khẩn với các cơ quan liên quan và 12 doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi để thống nhất triển khai các biện pháp kìm hãm đà tăng giá xuống mức phù hợp.

 

- Ngành thủy sản:Năm 2018, tiếp tục thành công, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,6 triệu tấn, tăng 5,3%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%. Tỷ trọng các sản phẩm có giá trị cao tăng mạnh (tôm các loại đạt khoảng 804 nghìn tấn, tăng 8,0%, cá tra đạt khoảng 1,418 triệu tấn, tăng 10,3%). Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).

 

Trong năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về IUU, bổ sung kịp thời các quy định về khai thác thủy sản bền vững có nguồn gốc hợp pháp vào pháp luật về thủy sản.

 

- Ngành lâm nghiệp:Đã tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, kiểm soát chặt chẽ quản lý rừng tự nhiên; chú trọng trồng rừng ven biển; đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; khai thông thị trường quốc tế cho xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết VPA/FLEGT[2]. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSClà 245.061 ha, tăng 110.081 ha so vớinăm 2015. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.860 tỷ đồng, tăng 56%so với năm 2017; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt 12,8 triệu m3[3], là những chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%.

 

- Công nghiệp chế biếnNLTStiếp tục được nâng cao năng lực,chế biến sâu (năm 2018 có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành)sản xuất cung ứng nông sản vớichất lượng cao, mức tổn thất nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo đã giảm xuống còn dưới 10%...).

 

2. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng,xuất khẩu đạt kỷ lục mới,thúc đẩy tiêu dùng trong nước

 

Trong năm đã tổ chức 15hội chợ triển lãmvề nông nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường, nhất là những thị trường lớn và các mặt hàngthịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc;thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar; vú sữa vào Hoa Kỳ; chôm chôm vào New Zealand; chanh leo vào EU...

 

Hầu hết nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân.Tổng kim ngạch xuất khẩuước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017; thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51tỷ USD, tăng 1,4%; thuỷ sản ước đạt 9,01tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD; tôm: 3,59 tỷ USD; rau quả: 3,81 tỷ USD; cà phê: 3,46 tỷ USD; hạt điều: 3,43 tỷ USD).

 

3. Các hình thức tổ chức sản xuất liên kết chuỗi được tăng cường

 

Các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả; doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh, yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017, tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước[4]9.235 doanh nghiệp. Cả nước có 13.400HTX nông nghiệp, trong đó 55% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; số HTX thành lập mới năm 2018 là 1.935 HTX, tăng 63% so với năm 2017; 35.500 trang trại, tăng 1.500 trang trại.Kinh tế hộ gia đìnhở nông thôntiếp tục phát triển theo cơ chế thị trườngvà đang có sự chuyển dịchhiệu quả hơn.

 

4. Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất, chế biến NLTS ngày càng nhiều

 

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đạt được những thành công rõ rệt. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành được hoàn thiện, bổ sung mới; đếnhết năm 2018, toàn ngành có 842 TC và 213 QC, tăng 53 TC và 05 QC so với năm 2017. Chương trình cho vay theo Nghị quyết 30/NQ-CP (Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng) tiếp tục được triển khai, đến nay dư nợ tín dụng ngân hàng đạt khoảng 39.000 tỷ đồng; hàm lượng giá trị khoa học công nghệ đã chiếm khoảng 30% giá trị gia tăng nông nghiệp.

 

5. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm hàng nông sản được tăng cường

 

Năm 2018, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến chất lượng và ATTP NLTS theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và hài hòa với quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới”, “Nói không với thực phẩm bẩn”;xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với1.096chuỗi, tăng 350 mô hình so với năm 2017.

 

Công tác thanh, kiểm tra đã tập trung kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất, chế biến nông sản.

 

6. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tu bổ, nâng cấp; phòng chống thiên tai được quan tâm

 

Trong năm, đã hoàn thành 51 dự án đầu tư từ nguồn vốn do Bộ quản lý, nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai; củng cố nâng cấp 1.581 km đê sông, 1.331 km đê biển. Cả năm giải ngân đạt 15.000 tỷ đồng, bằng 95,1%, cao hơn 8.285 tỷ đồng và 13,2% so với năm 2017[5].

 

Hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư theo hướng đa mục tiêu; đã làm tốt công tác dự báo quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, đảm bảo phòng tránh úng ngập. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, khai tháchệ thống công trình thủy lợi. Năng lực tưới của hệ thống thủy lợi đã tăng thêm khoảng 10 nghìn ha, năng lực tiêu đã tăng thêm khoảng 10 nghìn ha.

 

Công tác phòng chống thiên tai được đặc biệt quan tâm; đã chủ động trong tham mưu chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống bão,, tìm kiếm cứu nạn;đảm bảo an toàn hồ và vùng hạ du. Thủ tướng Chính phủ đã quyết địnhkịp thời cho sử dụng kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các dự án sạt lở, cấp bách, xây dựng lại nhà dân, các công trình đê điều do ảnh hưởng của lũ, bão. Nhờ vậy, mặc dù thiên tai trong những năm gần đây diễn ra phức tạp và bất thường hơn nhưng thiệt hại về người và tài sản đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Năm 2018, thiên tai đã làm 218 người chết và mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng.

 

7. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

 

 Triển khai quyết liệt các biện pháp để giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bảntrong xây dựng nông thônmới. Đến nay, cả nước có 3.787xã(42,4%) và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 718 xã (8,05%) và 18 huyện so với năm 2017; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; chỉ còn 21xã dưới 05 tiêu chí; 92% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 2%). Các nhiệm vụ giảm nghèo, bố trí sắp xếp dân cư, phát triển làng nghềvà an sinh xã hội được quan tâm thực hiệnhiệu quả hơn.

 

8. Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật

 

Năm 2018, Quốc hội thông qua 2Luật: Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi; Chính phủ ban hành 21Nghị định,Thủ tướng Chính phủ ban hành 4Quyết định;Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành 44 Thông tưhướng dẫn thực hiện các Luật.Số văn bản quy phạm pháp luật ban hành tăng cao 36,73% so với năm 2017; 17/17 đề án được trình Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì18 hội nghị, hội thảo chuyên đề về NN và PTNTc[6].

 

Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, năm 2018 toàn ngành nông nghiệp đã rà soát, sắp xếp giảm khoảng 2,5% biên chế công chức, viên chức so với năm 2017; hệ thống quản lý nhà nước ngành ở các cấp cũng được rà soát, giảm đầu mối trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. 

 

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 35/NQ-CP, số 19-2018/NQ-CP,năm 2018, Bộ đã đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4;thực hiện mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính[7]; rà soát, đơn giản hóa 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 50,15%), đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành (đạt 50,8%),cắt bỏ 5.930/7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành có gắn mã HS (đạt 77,03%).

 

Đánh giá tổng thể, ngành Nông nghiệp và PTNTnăm 2018 tiếp tục khẳng định xu thế, chuyển đổi cơ cấu ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả, thị trường xuất khẩu mở rộng, giá cả ổn định, cùng với ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo sự đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành và vượt 05/05 chỉ tiêu, đó là:Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây; Giá trị sản xuất toàn ngànhtăng 3,86%; Kim ngạch xuất khẩu NLTSước đạt 40,02 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,65%; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 42,4%, có 61 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó là thành quả của đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường, nên đã tạo môi trường thuận lợi, tăng niềm tin, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù sáng tạo của bà con nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… và nỗ lực, hành động quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, bứt phá, sát thực tiễn trong thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới của Bộ và toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm.

 

Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là:

 

Thứ nhất,cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu;tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưatrở thànhphổ biến, chủ đạo;kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn.Công nghiệp chế biếnsâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp,tổn thất sau thu hoạch còn cao.

 

Thứ hai, thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị công tác dự báo cung, cầu còn bất cập; việc “giải cứu” thịt lợn, giá thịt lợn có thời điểm tăng rất cao là bài học sâu sắc trong công tác chỉ đạo; chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản;sản phẩm cây công nghiệp giá cả bất lợi; thiên tai, bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục được dự báo diễn ra nghiêm trọng hơn, trong khi nguồn lực còn rất hạn chế sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, duy trì tăng trưởng ngành và nâng cao giá trị xuất khẩu.

 

Thứ ba,dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp.

 

Thứ tư,khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, thì một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp; các vấn đề phát triển sản xuất, thu nhập, hạ tầng cơ sở, nhất là tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét.

 

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2019

 

Năm 2019là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thànhKế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, kế hoạch phát triển ngành, tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành nông nghiệp xác định và hướng tới “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.

 

Toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD; có 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.

 

Các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm chủ yếu:

 

1. Tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững

 

Rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để có giải pháp chỉ đạo phù hợp; đồng thời, chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả.

 

Đối với các lĩnh vực cụ thể:

 

- Lĩnh vực trồng trọt: Rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm; tiếp tục chuyển đất lúa, các cây trồng hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn hoặc nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau, hoa, cây dược liệu theo hướng công nghệ cao, có triển vọng thị trường tiêu thụ; sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Kiểm soát tốtphòng,trừsâu bệnh.Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 1,78%.

 

- Lĩnh vực chăn nuôi:Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phát triển chăn nuôi và điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển giống vật nuôi chất lượng cao,giống phù hợp với vùng sinh thái, cung ứng đủ giống cho sản xuất; mở rộng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và môi trường (VietGAPvà các quy trình tương đương khác), tập trung chỉ đạo các biện pháp giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnhvà vệ sinh ATTP. Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuấttrên 4,15%.

 

- Ngành thủy sản: Nâng cao chất lượng khai thácxa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phát triển nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển. Chỉ đạo mùa vụ, quy trình nuôi trồng phù hợp với thời tiết, thị trường; phổ biến các mô hình nuôi thâm canh, công nghệ cao; triển khai tích cực Kế hoạch phát triển ngành tôm, cá tra và phát triển các đối tượng nuôi khác theo lợi thế; tăng cường phòng chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “Thẻ vàng”của EC; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thủy sản theo công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69%.

 

- Ngành lâmnghiệp:Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có;khôi phục hệ thống rừng ven biển; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng;kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, khai thông thị trường, triển khai thực hiện VPA/FLEGT; đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng,phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng… Độ che phủ rừng trên 41,85%; tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 6%.

 

- Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm chủ lực như trái cây, cây công nghiệp, gỗ và lâm sản, tôm, cá tra, thịt lợn... và sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có GTGT cao hơn. Phấn đấu tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây hàng năm đạt 95%, khâu gieo trồng lúa đạt 45% và cơ giới hóa thu hoạch lúa đạt 60%.

 

- Phát triểnmạnhthị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu: Tích cực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu; triển khai hiệu quả cơ hội của các FTAs đem lại, nâng cao chất lượng phân tích dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm; tập trung đàm phán tháo gỡ các rào cản thúc đẩy xuất khẩu nông sản.Đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, dự báo và xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt trên 43 tỷ USD, trong đó sản phẩm trồng trọt 21 tỷ USD, thủy sản 10,5 tỷ USD, lâm nghiệp 10,5 tỷ USD, nông sản khác 1 tỷ USD.

 

2. Phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới  

 

Phấn đấu có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí và có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch 5 năm trong năm 2019. Đẩy mạnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; chú trọng phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự.

 

3. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn;tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CPvà Chương trình hành động của Bộ về phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đầu tư nâng cấp các đoạn đê, kè sạt lở, các hồ chứa xuống cấp, nguy hiểm và các công trình thủy lợi,hạ tầng thủy sản, hạ tầng nông nghiệp, nông thônphục vụ sản xuất và dânsinh, nhất là ở các vùng mới bị thiệt hại nặng do thiên tai; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng đã được đầu tư; tham gia quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo vệ chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, biển;tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Thực thi hiệu quả pháp luật về Thủy lợi, Phòng, chống thiên tai, Đê điều;Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 về công tác phòng chống thiên tai, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch của Bộ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH.

 

Tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư công được giao, theo đó năm 2019, Bộ được giao 14.938 tỷ đồng, gồm: vốn trong nước 1.501 tỷ đồng, vốn ODA 2.437 tỷ đồng, vốn TPCP 11.000 tỷ đồng; phân bổ cho 129 dự án, trong đó có 58 dự án thủy lợi, 04 dự án phòng chống thiên tai, 11 dự án hạ tầng thủy sản và 38 dự án hạ tầng nông lâm nghiệp; trong năm dự kiến hoàn thành 22 công trình, dự án.

 

4. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm

 

Tiếp tục chỉ đạo giải quyết tốt hơn một số vấn đề còn tồn tại về ATTP, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật quản lý chất lượng, ATTPnông lâm thủy sản’

 

Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến NLTS; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về ATTP; tham gia tích cực hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP.Phấn đấu năm 2019, tỷ lệ cơ sở SXKD thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đạt 98,5%; tỷ lệ cơ sở SXKD thủy sản và nông sản xếp loại C được nâng hạng A/B đạt 65%.Tỷ lệ mẫu thủy sản được giám sát đạt yêu cầu về tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất cấm đạt 98%; tỷ lệ mẫu sản phẩm động vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về hóa chất, kháng sinhđạt 90% và tỷ lệ mẫu sản phẩm thực vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về thuốc BVTVđạt 10%.

 

5. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh

 

Sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp, các công ty nông, lâm nghiệp; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”, phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật HTX góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, theo đó phấn đấu số HTX thành lập mới năm 2019 là 2100 HTX, nâng tổng số HTX lên 15.500 HTX, có 11.250 HTX NN hoạt động hiệu quả..Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, phấn đấu số doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới năm 2019 là 2300 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 11.535 doanh nghiệp;nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị có hiệu quả; nâng cao hiệu quả kinh tế hộ.

 

6. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

 

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành; thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất trong nông nghiệp.

 

Thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương với EU, các nước châu Á, châu Mỹ, châu Phi, Mỹ La tinh; Tập trung đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu hàng NLTS; tiếp tục tập trung tháo gỡ thẻ vàng đối với hàng thủy sản nhập khẩu vào EC. Tổ chức thực hiện hiệu quả Hiệp địnhVPA/FLEGTnhằm tăng cường quản trị rừng, chống khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp xuất khẩu sang EU.

 

7. Tích cực xây dựng thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính

 

Xây dựng và trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định hướng dẫn thực hiện  LuậtTrồng trọt, Luật Chăn nuôi và các Luật khác được giao hướng dẫn.Xây dựng nền hành chínhhiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

8. Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ

 

Rà soát kế hoạch, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới phương thức, lề lối làm việc; đơn giản hóa chế độ báo cáo.Tiếp tục hiện đại hoá quản lý ngành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,khai thác cơ hội của cuộc cách mạng 4.0; nâng cao năng lực công tác thống kê, dự báo và truyền thông;tăng cường công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

 

[1]Tốc độ tăng GDP ngành qua các năm: 2012 đạt 2,92%, 2013 đạt 2,63%; 2014 đạt 3,44%; 2015 đạt 2,41%; 2016 đạt 1,36%; 2017 đạt 2,9%.

 

[2]Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản.

 

[3]Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp là 18,5 triệu m3

 

[4]tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp là 17,8 tỷ đồng/DN, cao hơn mức chung của cả nước là 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp; NLTS là một trong 2 lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng

 

[5]Giải ngân năm 2017 là  6.715 tỷ đồng/8.204 tỷ đồng, bằng 81,9% kế hoạch

 

[6]như các Hội nghị: Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Sơ kết toàn quốc 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành; Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên; 5 Hội nghị về Nông thôn mới; Hội nghị trực tuyết triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển 15000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; các Hội nghị về phòng chống thiên tai…

 

[7]Đã rà soát, đơn giản hóa 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 50,15 % (Chính phủ giao là 50%); đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 TTHC liên quan đến KTCN, đạt 50,8%; cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải KTCN có gắn mã HS thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, đã lược bỏ được 5.930/7.698 dòng hàng đạt 77,03%, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao là 50%.

                                                                                  

Theo Mard.
Trở lại      In      Số lần xem: 995

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD