Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  25
 Số lượt truy cập :  33272678
Thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc nhìn từ con số thống kê: Thực tiễn, vấn đề và giải pháp

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định như hiện nay cùng một thị trường gần 1,4 tỷ người đang trong quá trình chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng to lớn đối với xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Doãn Công Khánh(*), Phạm Vĩnh Thắng(**)
(*) TS, (**) ThS, Bộ Công Thương
 

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định như hiện nay cùng một thị trường gần 1,4 tỷ người đang trong quá trình chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng to lớn đối với xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Nếu chúng ta quyết tâm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh thì bức tranh thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc sẽ có sự đột phá và khởi sắc, góp phần tạo nên diện mạo mới cho miền núi, vùng cao, biên giới nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

 

Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, giúp nâng cao khối lượng và giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc_Ảnh: Nguyễn Văn Thương

 

Về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng

Về khối lượng

 

Xuất khẩu nông sản (XKNS) nước ta những năm vừa qua tăng khá mạnh, trong đó nhiều mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc có khối lượng tăng nhanh. Tuy nhiên, nếu xét về lượng thì các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn so với khối lượng xuất khẩu (XK) chung của cả nước chủ yếu vẫn là sắn và sản phẩm từ sắn, cao-su và gạo.

 

Nguồn:  Niên giám thống kê Hải quan về hàng hóa xuất, nhập khẩu giai đoạn 2014 - 2018, và tính toán của tác giả (tỷ trọng được tính bằng tỷ lệ giữa khối lượng mặt hàng xuất sang Trung Quốc so với khối lượng mặt hàng XK tương ứng của cả nước).

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ kim ngạch 435 triệu USD và 1.194,8 triệu USD năm 2014 và 2015, năm 2017, XK rau quả Việt Nam đã đạt mốc 3,5 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu (NK) hàng đầu mặt hàng rau quả với thị phần lần lượt là 75,7%; 3,7%; 2,9% và 2,5%. Xuất khẩu rau quả tăng mạnh vào các thị trường, trong đó Trung Quốc tăng 54,9%. Nhìn chung, kim ngạch XK rau quả tăng, song chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, giá trị thấp, chủ yếu là xuất thô. Năm 2018, kim ngạch XK rau quả Việt Nam đạt 3,81 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2017, trong đó 81% là XK vào thị trường Trung Quốc.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 và 2018, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK gạo của Việt Nam với 38,9% và 22,4% thị phần. Trung Quốc cũng dẫn đầu về tiêu thụ cao-su, chiếm tới 65,9% tổng khối lượng cao-su XK của Việt Nam. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 35%; 15,6% và 13,4% tổng giá trị XK hạt điều.

 

Xuất khẩu lâm sản cả nước năm 2017 đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2016. Năm 2018 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất, với thị phần lần lượt là 42,8%; 14% và 13,5%.

 

Năm 2016, Việt Nam XK tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Năm 2017, XK lợn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc gần như bị tê liệt hoàn toàn.

 

Nguồn: Niên giám thống kê Hải quan về hàng hóa xuất, nhập khẩu giai đoạn 2014 - 2018 và tính toán của tác giả (tỷ trọng được tính bằng tỷ lệ giữa kim ngạch mặt hàng xuất sang Trung Quốc so với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tương ứng của cả nước)​​​​

 

Trong 4 tháng đầu năm 2019, tỷ trọng kim ngạch XK hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc đã giảm xuống còn 23% so với mức 25% của 4 tháng đầu năm 2018. Theo đó, XK thủy sản đạt 267.568 nghìn USD, giảm 8,6 %. Đáng chú ý, lượng XK cà-phê đạt 13.993 tấn, với kim ngạch 31.885 nghìn USD, tăng 4,2% về lượng, giảm 6,5 % về trị giá. Xuất khẩu cao-su đạt 269,22 nghìn tấn, với trị giá 358,05 triệu USD, tăng 37,4% về lượng và 26,5% về trị giá (giá XK trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt bình quân 1.330 USD/tấn, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018). Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 364,8 triệu USD, giảm 0,1%.

 

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,037 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 73,7% thị phần. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 818,3 nghìn tấn, với trị giá 313,5 triệu USD, giảm 16,4% về lượng và 3,5% về trị giá (giá XK bình quân 383,1 USD/tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018). Trong 5 tháng đầu năm 2019, XK gạo giảm mạnh, đạt 223,1 nghìn tấn, với kim ngạch 111,3 triệu USD, giảm 73,6% về lượng và 75,2 % về trị giá. Xuất khẩu chè tuy chỉ đạt 2,8 nghìn tấn, nhưng giá trung bình rất cao, đạt 3.117 USD/tấn, kim ngạch đứng thứ 3 với 8,7 triệu USD (giảm 34,8% về lượng nhưng tăng mạnh 161,2% về giá và tăng 70,3% về kim ngạch).

 

Trong bức tranh chung về thương mại Việt Nam - Trung Quốc, không thể không kể tới hoạt động xuất, nhập khẩu biên mậu tại 7 tỉnh miền núi biên giới Bắc Việt Nam, 32 cặp cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (7 CK quốc tế; 6 CK chính và 19 CK phụ), chưa kể các đường mòn, lối mở. Hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản biên mậu được tiến hành chủ yếu theo các hình thức: chính ngạch, buôn bán qua biên giới, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước. Mặt hàng nông sản mua bán, trao đổi qua biên giới chủ yếu vẫn là nông, lâm, thủy sản như cao-su và các sản phẩm từ cao-su, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, gừng, chuối xanh, khoai lang, trái cây tươi các loại (thanh long, vải, dưa hấu), thủy sản, gỗ ván bóc… So với năm 2016, kim ngạch XK năm 2017 tăng 55,8%, trao đổi cư dân biên giới tăng mạnh, đạt 126,5%. Năm 2018, kim ngạch XK biên mậu đạt 8,82 tỷ, chiếm 21,4 % kim ngạch XK Việt Nam - Trung Quốc.

 

Nhìn chung, trong 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản XK chủ lực của Việt Nam thì có ít nhất 6 mặt hàng đang phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.

 

Về chất lượng

 

Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015, nông sản xuất khẩu (NSXK) chủ yếu vẫn là xuất thô, thiếu những mặt hàng chế biến sâu. Nhìn chung, kim ngạch XKNS vẫn phụ thuộc nhiều vào khối lượng xuất khẩu. Với việc thực thi các tiêu chuẩn (Viet GAP, Global GAP, HACCP…), cùng với những áp lực của thị trường NK, chất lượng các mặt hàng NSXK sang Trung Quốc trong những năm gần đây đã dần có những bước chuyển đáng kể.

 

Mặc dù có những tiến bộ, nhưng nhìn chung, cơ cấu hàng hóa NSXK vẫn phản ánh rõ thực trạng của một nền nông nghiệp chưa bứt phá khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, chi phí cao, chủ yếu vẫn phát triển theo bề rộng, trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có. Sự yếu kém của công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch…, cũng như việc xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu cho các mặt hàng vẫn sẽ là những thách thức rất lớn đối với hàng NSXK Việt Nam trong những năm tới.

 

Một số nhận xét về quan hệ thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua

 

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại những cơ hội to lớn cho việc mở rộng thị trường XK, song chính trong cơ hội đó lại hàm chứa những thách thức gay gắt, trong đó điều bất cập là khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam. Nhìn lại những năm đã qua, có thể nói bên cạnh những mặt đạt được, thương mại nông sản Việt - Trung vẫn còn một số tồn tại, có thể kể tới là:

 

- Khung khổ pháp lý cho trao đổi thương mại nông sản đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ.

 

- Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội để khai thác, thâm nhập thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam mà các tỉnh Tây Nam của Trung Quốc có nhu cầu lớn.

 

- Hiểu biết của doanh nghiệp và nông dân nước ta về thị trường Trung Quốc, về các quy định, chính sách xuất, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc và các tỉnh biên giới của Trung Quốc còn rất hạn chế.

 

Mô hình Thị phần không đổi (CMS) được sử dụng trong phân tích mậu dịch thế giới và phân tích lợi thế cạnh tranh do Ti-xdin-xki khởi xướng năm 1951 và kết quả phân tích thử nghiệm mô hình CMS ở thị trường Trung Quốc cho thấy, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam giảm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá XK của hầu hết những mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc không cao.Việc giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam đôi khi được bù đắp bằng sự tăng cầu của thị trường. Nói cách khác, tăng NK của thị trường Trung Quốc đã trở thành động lực chủ yếu gia tăng khối lượng XKNS của Việt Nam chứ không phải do khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ.

 

Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng, tuy nhiên đến nay chỉ có 8 loại hoa quả tươi của Việt Nam được XK chính ngạch vào thị trường này, gồm thanh long, chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, dưa hấu và mít. Mới đây nhất vào tháng 4-2019 vừa qua, Nghị định thư về xuất khẩu măng cụt đã được ký kết giữa cơ quan chức năng có thẩm quyền của hai nước, măng cụt sẽ là loại quả tiếp theo được xuất khấu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới. Ngoài ra, hai bên đã thống nhất thứ tự ưu tiên mở cửa các loại rau quả gồm: sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ và dừa.

 

Thực tế cho thấy, trong những năm tới, nếu không nâng cao khả năng cạnh tranh, thì hàng hóa nông sản Việt Nam rất khó thâm nhập thị trường các khu vực phát triển của Trung Quốc do tính chất tương đồng và sức cạnh tranh. Xuất, nhập khẩu nếu không được kiểm soát, quản lý tốt, chạy theo lợi ích trước mắt thì sẽ có nguy cơ làm suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, di nhập vào nước ta các sản phẩm, hàng hóa không thân thiện với môi trường và sức khoẻ con người.

 

Cùng với sự đi lên của nền kinh tế, Trung Quốc đã và đang tăng cường các biện pháp giám sát và hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật đối với hàng hóa NK nói chung, hàng hóa nông, thủy sản NK nói riêng. Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho XK của Việt Nam. Gần đây, cơ quan quản lý Trung Quốc gia tăng tần suất thanh, kiểm tra các sản phẩm nông sản từ Việt Nam và sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh. Ví dụ, kể từ ngày 1-4-2018, các doanh nghiệp Trung Quốc NK hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch NK tỉnh Quảng Tây phải cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”. Từ đầu năm 2018, chỉ có 22 doanh nghiệp trong tổng số hơn 150 doanh nghiệp có giấy phép XK gạo được Trung Quốc cấp phép NK sau khi thanh tra thực tế tại Việt Nam. Đến đầu năm 2018, có 3/22 doanh nghiệp trên bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định của họ về kiểm dịch thực vật. Cuối tháng 6-2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo tăng thuế NK các loại gạo ngoài hạn ngạch lên đến 50%, kể từ ngày 1-7-2018, riêng gạo tấm có thuế nhập khẩu là 5%.

 

Theo Bộ Công Thương, từ ngày 15-12-2018,Trung Quốc tăng cường kiểm tra sản phẩm sắn NK từ Việt Nam.Theo đó, cơ quan Hải quan tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường kiểm tra, quản lý việc NK tinh bột sắn, sắn lát từ Việt Nam qua 5 yêu cầu, mới đây tiếp tục yêu cầu tăng thời gian xông hơi, khử trùng gạo lên đến 120 giờ, thay vì 24 giờ như trước kia. Ngoài ra, bao bì phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, có dấu của cơ quan kiểm định Trung Quốc, điều này gián tiếp buộc doanh nghiệp phải sử dụng bao bì của họ. Thực tế trong khoảng 2 năm qua, Trung Quốc liên tục tăng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường giám sát chất lượng các loại nông sản Việt Nam XK vào Trung Quốc.

 

Gần đây, Trung Quốc đã có Thông báo số 70/2019 về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 1-10-2019. Từ ngày 1-10-2019, bãi bỏ các thông báo sau: (a) Thông báo số 44/2006 của Tổng cục Kiểm nghiệm và Giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) về điều chỉnh chế độ kiểm tra thẩm định ghi nhãn hàng mỹ phẩm, thực phẩm xuất nhập khẩu; (b) Thông báo số 59/2011 của AQSIQ về việc vận hành hệ thống quản lý ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu; (c) Thông báo số 27/2012 của AQSIQ về việc thực hiện quy định giám sát quản lý kiểm nghiệm ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu. Hồ sơ đã nộp lưu chiểu đăng ký trước đó sẽ bị hủy bỏ cùng thời điểm.

 

Nếu không đa dạng hóa cả thị trường XK và NK, thương mại của Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Hệ quả là, nếu Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại hoặc có động thái áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng sản xuất trong nước, hỗ trợ XK, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất, nhập khẩu nào đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn, cho dù là trong ngắn hạn.

 

Giải pháp cho thời gian tới

Về phía Nhà nước

 

Nhu cầu của thị trường láng giềng khổng lồ đang hướng tới các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng và có trách nhiệm với cộng đồng. Từ ngày 1-10-2019, sản phẩm thực phẩm NK vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp cho các lô hàng. Tháng 12-2018, Hải quan Trung Quốc đã thông báo khẩn tới các chi cục hải quan của Trung Quốc về những yêu cầu trong NK hoa quả Việt Nam vào nước này, trong đó đưa ra những yêu cầu rõ ràng đối với các hạng mục kiểm dịch hoa quả xuất, nhập khẩu giữa hai nước phải ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói đã được đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận, nếu phù hợp với yêu cầu thì mới cho phép tiến hành kiểm dịch.Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương nước ta cần triển khai ngay việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg, ngày 3-8-2017.

 

Song song với đó, việc cần làm hiện nay là chủ động đàm phán mở cửa thị trường. Bởi XK theo hình thức biên mậu vào Trung Quốc đã bị hạn chế dần, trong khi quốc gia này đang ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật.

 

Phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp tăng cường tận dụng C/O mẫu E để tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, tăng tỷ lệ XK chính ngạch cũng là công việc cần tiến hành để gỡ khó khăn cho nông sản XK.

 

Bộ Công Thương Việt Nam cùng tỉnh Quảng Tây nghiên cứu xây dựng một thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư nhằm định hướng và đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp hai bên tận dụng tốt các cơ hội hợp tác. Đồng nhân dân tệ giảm giá khiến hàng hóa Trung Quốc đã rẻ nay còn rẻ hơn, tạo nguy cơ hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam. Đây là điều Việt Nam cần phải hết sức chú ý và xem xét cẩn trọng trong thời gian tới.

 

Phát huy tốt vai trò của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các cơ chế hợp tác liên quan; thực hiện tốt các văn kiện hợp tác kinh tế thương mại song phương, như “Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc”; “Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản”, triển khai thực hiện có hiệu quả “Bản ghi nhớ về danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc”…

 

Về phía doanh nghiệp

 

Các doanh nghiệp XK cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm (Hội chợ Thương mại ASEAN - Nam Ninh - Quảng Tây; Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2018; Hội chợ Xuất, nhập khẩu Côn Minh tại thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam…) và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam hoặc Trung Quốc.

 

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Việc tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp cần phải được hoạch định lại để hướng tới nông sản chất lượng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam cần trực tiếp tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc; nắm bắt được thời điểm thu hoạch hoa quả của Trung Quốc để XK hiệu quả. Nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc. Thay đổi từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức về sản phẩm chất lượng và an toàn hơn. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm bảo đảm an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

 

Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng quảng bá và bảo hộ thương hiệu. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã cảnh báo nhưng các doanh nghiệp lại ít quan tâm, chỉ trao đổi về vấn đề tìm đối tác và các thủ tục mở văn phòng đại diện tại nước sở tại. Đây cũng là vấn đề cần hết sức lưu ý trong thời gian tới./.

 

Theo TCCS

Trở lại      In      Số lần xem: 1101

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD