Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  20
 Số lượt truy cập :  33460840
Gỡ nút thắt lúa gạo
Thứ bảy, 15-03-2014 | 06:10:33

Bùi Bá Bổng

Chuyên gia cao cấp FAO

 

Tại Hội nghị vùng châu Á và Thái Bình dương (TBD) của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) lần thứ 32 tổ chức tại Ulaanbaatar, Mông Cổ từ 10-14/3/2014, FAO công bố “Chiến lược lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực bền vững cho châu Á - TBD”.

 
Gỡ nút thắt lúa gạo
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị vùng châu Á - TBD lần thứ 32 của FAO tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, 13/3/2014

 

Hà Nội 2012: Điểm xuất phát của Chiến lược

 

Điểm xuất phát của việc xây dựng Chiến lược lúa gạo này là Hà Nội, nơi đã diễn ra Hội nghị FAO vùng châu Á - TBD lần thứ 31 vào tháng 3/2012. Vào thời điểm đó trước ám ảnh của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới xảy ra vào năm 2008 gây nhiều bất ổn chính trị - xã hội cho một số nước, các nhà lãnh đạo nông nghiệp các quốc gia trong khu vực đã đề xuất FAO xây dựng một chiến lược lúa gạo cho vùng để giúp các nước tham khảo xây dựng chiến lược và chính sách lúa gạo cho mình.

 

Đáp ứng yêu cầu này, trong năm 2013 các chuyên gia FAO đã nghiên cứu, xây dựng Chiến lược với sự tư vấn của nhóm chuyên gia quốc tế ngoài FAO do Giáo sư M.S. Swaminathan đứng đầu (ông là cha đẻ của cuộc cách mạng xanh Ấn Độ và nguyên Tổng giám đốc Viện Lúa quốc tế IRRI).

 

Bối cảnh ngành lúa gạo châu Á - TBD

 

Châu Á - TBD là nơi sản xuất và tiêu thụ 90% lượng lúa gạo của thế giới. Gạo là thực phẩm cho 3 tỷ người trên thế giới và là thực phẩm chủ yếu ở châu Á. Lúa gạo gắn liền với đời sống nông dân và ổn định chính trị - xã hội của nhiều nước (ví dụ lúa gạo đang gắn liền với khủng hoảng chính trị hiện nay của Thái Lan).

 

Hiện tại ở châu Á - TBD có 140 triệu hộ nông dân sản xuất lúa trên 144 triệu ha, bình quân khoảng 1 ha/hộ (đối với Việt Nam 0,5 ha/hộ) làm ra sản lượng 650 triệu tấn lúa/năm. Trong nhiều thập kỷ qua, lúa gạo đã đóng góp tích cực cho an ninh lương thực khu vực, xóa đói giảm nghèo và là nguồn sinh kế của nông dân.

 

Hiện nay và tương lai do sự phát triển và sự thay đổi cơ cấu kinh tế đang diễn ra nhanh chóng xuyên suốt khu vực châu Á - TBD, ngành lúa gạo cần thiết có những đổi mới để thích ứng với những thay đổi này. Những thách thức mà ngành lúa gạo khu vực cần vượt qua để đổi mới bao gồm:

 

1. Ảnh hưởng tiêu cực của sản xuất lúa đối với môi trường do lạm dụng vật tư có nguồn gốc hóa học (phân bón, thuốc trừ sâu bệnh), sử dụng quá mức nguồn nước ngọt. Hệ quả là sự tăng trưởng năng suất và hiệu quả sản xuất lúa suy giảm, môi trường bị ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học, tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu do làm tăng phát thải khí nhà kính.

 

2. Sự suy giảm nguồn tài nguyên cho sản xuất lúa bao gồm đất lúa, nguồn nước ngọt, lao động do quá trình phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và do biến đổi khí hậu gây ra.

 

3. Thu nhập thấp của nông dân trồng lúa chưa có lối thoát do bị trói buộc bởi qui mô nông hộ sản xuất nhỏ và tách rời họ với chuỗi giá trị lúa gạo. Sản xuất lúa giúp vượt qua được đói nhưng gắn liền với nghèo. Tính thiếu hấp dẫn của nghề trồng lúa đã không tạo ra một thế hệ nông dân sản xuất lúa trẻ có kỹ năng mà hiện nay nông dân trồng lúa phần lớn là người cao tuổi và xu hướng ngày càng già hơn.

 

4. Sự thay đổi về chất lượng của khẩu phần ăn do kinh tế phát triển, tỷ trọng lượng gạo trong khẩu phần ăn giảm nhưng yêu cầu chất lượng và giá trị dinh dưỡng của lúa gạo gia tăng.

 

Trong bối cảnh trên, nhu cầu tiêu thụ gạo của châu Á - TBD vẫn tiếp tục tăng do dân số tăng dù mức tiêu thụ trên đầu người giảm. Theo tính toán của FAO và các tổ chức khoa học quốc tế, đến 2030, lượng gạo tiêu thụ thế giới khoảng 500-535 triệu tấn tức bình quân mức tiêu thụ gia tăng hàng năm khoảng 1%.

 

Trong điều kiện diện tích trồng lúa giảm, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo gia tăng, năng suất lúa cần tăng 1,2 – 1,5% trên năm (những năm gần đây năng suất lúa thế giới chỉ tăng khoảng 1% trên năm so với 2% trong thời kỳ đầu của cách mạng xanh).

 

Trước những thử thách trên, nếu không có các chính sách và biện pháp phù hợp, an ninh lương thực của khu vực sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến bất ổn khu vực. Trong tương lai vị trí lúa gạo ở châu Á - TBD về kinh tế sẽ giảm do thay đổi cơ cấu kinh tế nhưng vị trị chính trị - xã hội của lúa gạo vẫn quan trọng và lúa gạo vẫn còn là một “ngành hàng chính trị”.

 

Trụ cột của Chiến lược

 

Từ bối cảnh nêu trên, Chiến lược lúa gạo của FAO cho vùng châu Á - TBD nhằm tháo gỡ các nút thắt của ngành lúa gạo khu vực để đem lại “an ninh lương thực và dinh dưỡng và sự phồn vinh cho nông dân trồng lúa và người tiêu dùng từ một ngành lúa gạo đổi mới, năng động và sáng tạo đạt năng suất, hiệu quả cao và bền vững môi trường”. Chiến lược dựa trên các trụ cột chính sau đây:

 

1. Chuyển sản xuất lúa sang hướng thâm canh bền vững để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả nhưng không làm tổn hại đến môi trường, hạn chế tác động của sản xuất lúa làm tăng biến đổi khí hậu.

 

Biện pháp trung tâm của thâm canh bền vững theo phương châm “Giảm và Tăng” (Save and Grow) của FAO, trong đó đối với thâm canh lúa Giảm chủ yếu gồm: lượng hạt giống, phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh, nước và lao động. Tăng gồm năng suất, chất lượng và giá trị dinh dưỡng, hiệu quả và thu nhập nông dân.

 

Trên cơ sở chiến lược toàn vùng, FAO khuyến khích và hỗ trợ các nước thành viên rà soát điều chỉnh hoặc xây dựng chiến lược lúa gạo của nước mình phù hợp với xu thế chung và đáp ứng với điều kiện đặc thù của mỗi nước.

Thâm canh lúa bền vững gắn liền cơ giới hóa để đưa sản xuất lúa tiến đến sản xuất công nghiệp (công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất lúa). Để thực hiện thành công biện pháp “Giảm và Tăng” cần phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và các chính sách thích hợp để khuyến khích sản xuất lúa bền vững.

 

2. Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị của lúa gạo từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, đa dạng sản phẩm từ lúa gạo, giảm các khâu kinh doanh trung gian, thu hẹp khoảng cách từ người sản xuất lúa đến người tiêu dùng, đảm bảo công bằng về lợi ích của các thành viên trong chuỗi giá trị.

 

Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo cần sự đầu tư nhà nước về hạ tầng nhất là cho khâu sau thu hoạch và đặc biệt là sự tham gia của của doanh nghiệp và hình thành cơ chế hợp tác công - tư.

 

3. Giải quyết bài toán về thu nhập cho nông dân nhỏ trồng lúa, trước nhất tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất hữu hình hoặc vô hình. Tích tụ hữu hình để tập trung ruộng đất như kiểu châu Âu hoặc châu Mỹ khó hình thành ở châu Á do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, nhưng có thể phát triển các loại hình tích tụ đa dạng khác, gần đây dạng tích tụ vô hình theo hướng hợp tác, liên kết, sản xuất theo hợp đồng,... để biến nông dân nhỏ thành sản xuất lớn đang có xu hướng phát triển ở một số nước (“cánh đồng mẫu lớn” của Việt Nam thuộc dạng này).

 

Ngoài ra, thu nhập nông dân nhỏ trồng lúa lệ thuộc vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, ví dụ nếu giảm 2/3 số người trồng lúa do họ được hỗ trợ để có việc làm khác thì quy mô diện tích lúa/nông dân tăng 3 lần, vì vậy phát triển và thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn là chỗ dựa cho sản xuất lúa.

 

Cơ sở vật chất để phục vụ cho tích tụ ruộng đất cần được nhà nước đầu tư để nông dân có điều kiện về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa để tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng sấy lúa, tồn trữ lúa hoặc tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành lớp nông dân hiện đại như thương nhân, qua đó thu hút được thanh niên và phát huy vai trò của phụ nữ trong sản xuất lúa. Các cơ chế đặc biệt hỗ trợ nông dân để ứng phó với rủi ro do thiên tai hoặc thị trường cần thiết được thiết lập.

 

4. Phát triển lúa gạo cần đóng góp cho sự bền vững của môi trường, trong đó một mặt giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất lúa đối với môi trường và biến đổi khí hậu, mặt khác áp dụng các giải pháp trong sản xuất lúa để thích nghi với biến đổi khí hậu (gia tăng nhiệt độ, xâm mặn, thiếu nước và hạn hoặc úng ngập).

 

Phát huy mặt tích cực của hệ sinh thái lúa nước về khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái hữu ích (cung cấp sản phẩm nông nghiệp, điều tiết môi trường, đa dạng sinh học, văn hóa và di sản). Phát triển cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững có lúa theo hướng luân canh lúa - cây trồng cạn, lúa kết hợp thủy sản, chăn nuôi hoặc lâm nghiệp.

 

5. Cải thiện thị trường lúa gạo nội địa và quốc tế về tính hiệu quả, sự tin cậy và công bằng, đảm bảo giá cả và nguồn cung ổn định, người thu nhập thấp có thể tiếp cận tiêu thụ; hình thành hệ thống thông tin thị trường lúa gạo và hợp tác khu vực.

 

(Xem toàn văn của chiến lược ở http://www.fao.org/docrep/meeting/030/mj486e.pdf)

 

Theo NNVN.

Trở lại      In      Số lần xem: 1098

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD