Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  21
 Số lượt truy cập :  33471470
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và vấn đề đặt ra
Thứ tư, 18-06-2014 | 08:26:30

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chung của cả nước. Đây là một quá trình khó khăn và lâu dài, cần có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp.

 

Kể từ khi thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện nền kinh tế (năm 1986), nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, khẳng định vai trò quan trọng, chiến lược trong quá trình phát triển đất nước, nhất là trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn. Nước ta đã duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp chế biến thủy sản, đồ gỗ xuất khẩu phát triển mạnh trong những năm gần đây. Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về cơ bản, các ngành sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có sự phát triển đáng kể, sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đã và đang hình thành, điển hình là trong chăn nuôi, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm. 

 

Những kết quả tích cực

 

Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành nước xuất khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm ra thị trường thế giới với số lượng và giá trị ngày càng tăng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa tăng từ 32,6 triệu tấn năm 2000 lên 44,1 triệu tấn vào năm 2013. Sản lượng thịt, trứng, thủy sản các loại tăng nhanh, đáp ứng dồi dào nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với số lượng và giá trị ngày càng tăng. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản bình quân tăng 20%/năm và đạt mức kỷ lục 27,76 tỷ USD năm 2013. Tuy nền kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn, nhưng hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước thủy sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 17,5%; cà phê đạt 2 tỷ USD, tăng 31,3%;... Trước đổi mới, Việt Nam là nước nhập khẩu lương thực, nay đã trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Nhiều nông sản của Việt Nam đã có vị thế cao trên thị trường quốc tế đưa Việt Nam đã trở thành 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

 

Trồng cà chua bi - một mô hình canh tác mới ở Hà Nam. (Ảnh: Đ.H)

 

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp và hiện đại. Hạ tầng thuỷ lợi đang hướng sang phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu cao hơn cho sản xuất, dân sinh. Đến hết năm 2013, tổng năng lực tưới của hệ thống thủy lợi đạt 3,52 triệu ha đất canh tác, đảm bảo tưới cho 7,26 triệu ha (chiếm 94%) diện tích gieo trồng lúa, khoảng 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tiêu thoát nước cho 1,75 triệu ha đất nông nghiệp, góp phần lớn vào việc tăng năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây trồng. Hệ thống đê điều, bến cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão được nâng cấp, xây dựng để đối phó với diễn biến khí hậu, thiên tai ngày một phức tạp, bảo vệ cuộc sống và cơ sở vật chất của nhân dân. Các cơ sở nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản tiếp tục được đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở vật chất.

 

Khu vực nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể. Kết cấu hạ tầng được nâng cấp gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ công cùng với các hỗ trợ đặc biệt đã góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh ở khu vực này. Tỷ lệ nghèo của khu vực nông thôn giảm từ 45,5% vào năm 1998 xuống còn 17,4% (theo chuẩn mới) vào năm 2010 và hết năm 2013 còn khoảng 12,6%. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm từ 58,3% (cuối năm 2010) xuống còn 43,9% (năm 2012), bình quân giảm trên 7%/năm. Thu nhập của đại bộ phận cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, kể cả hộ dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định xã hội. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành chương trình lớn và là phong trào chung của cả nước. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã và đang được thay đổi theo hướng khang trang, văn minh hơn.

 

Một số vấn đề đặt ra

 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành có xu hướng chậm lại, có lĩnh vực hiệu quả thấp, gặp nhiều khó khăn và xuất hiện yếu tố kém bền vững. Nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài, môi trường cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, cả ở thị trường thế giới và trong nước. Trong khi đó, cơ cấu nhu cầu tiêu dùng nông sản của xã hội thay đổi nhiều theo hướng giảm sử dụng lương thực, tăng sử dụng các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản và các sản phẩm chất lượng cao hơn.

 

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã chuyển lên mức độ cao hơn. Nông nghiệp phải cạnh tranh nguồn lực (đất đai, nguồn nước, lao động, vốn) cho tăng trưởng với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Sự hấp dẫn của nông nghiệp đối với tư nhân trong nước thấp, đối với nhà đầu tư nước ngoài giảm. Động lực phát triển do đổi mới chính sách giai đoạn trước tạo ra đã phát huy tác dụng ở mức cao, những điều chỉnh chính sách bổ sung có tác dụng hạn chế. Biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh mẽ tới nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức ngày càng lớn đối với nông nghiệp.

 

Nhiều hạn chế, yếu kém có tính chất cơ cấu nội tại cản trở quá trình phát triển của nền nông nghiệp. Trong cơ cấu sản phẩm, có nhiều loại tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng thấp, giá trị thương mại không cao, phần lớn bán dưới dạng thô. Mức độ chế biến chưa sâu, hàm lượng công nghệ thấp nên giá trị gia tăng thấp, phải giảm giá để cạnh tranh dẫn đến đem lại hiệu quả thấp cho người sản xuất và quốc gia. Trong khi đó, do thiếu đầu tư và chưa tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị nên một số sản phẩm có lợi thế chưa được phát triển vững chắc, hiệu quả chưa cao. 

 

Trong nông nghiệp, khâu sản xuất nguyên liệu chủ yếu do các nông hộ nhỏ đảm nhận, các doanh nghiệp tham gia còn ít. Những lĩnh vực có sự tham gia của doanh nghiệp nhiều là chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản công nghiệp thì năng lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Trong khi đó, động lực và khả năng từ kinh tế hộ thời gian qua đã được phát huy ở mức cao, nay đang bộc lộ những hạn chế của sản xuất quy mô nhỏ, manh mún. Đa số các nông, lâm trường hoạt động hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

 

Phát triển sản xuất nông nghiệp mang nhiều tính tự phát; sự liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ thiếu chặt chẽ, đặc biệt là những yếu kém trong hoạt động thương mại nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, cạnh tranh yếu. Tuy nông nghiệp hàng hóa đã có bước phát triển mạnh ở các địa phương trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, nhưng nông nghiệp ở vùng miền núi phía Bắc và ven biển miền Trung phát triển còn chậm, thậm chí nhiều nơi vẫn mang tính chất tự cung tự cấp, hiệu quả thấp. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng này còn cao.

 

Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở các vùng nông thôn có xu hướng gia tăng, thiên tai diễn biến phức tạp, trong khi khả năng ứng phó của nông nghiệp hạn chế, ảnh hưởng tới tính bền vững của sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng và hệ thống dịch vụ công được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập so với yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại trong môi trường biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, phát sinh nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi còn nặng về phục vụ cây lúa; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng có nhiều yếu kém nên phát huy hiệu quả hạn chế. Giao thông nông thôn ở nhiều vùng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các vùng miền núi.

 

Hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, dịch vụ khoa học kỹ thuật còn nhiều yếu kém, hạn chế. Tỷ lệ nhân lực nông nghiệp được đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặc dù các bộ, ngành và địa phương đã luôn quan tâm, có nhiều giải pháp, nhưng tình hình cải thiện chậm.

 

Cần tái cơ cấu theo hướng bền vững

 

Việt Nam đã xác định mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Ngay sau khi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn ngành nông nghiệp đã tổ chức tuyên truyền phổ biến chủ trương này. Ở cấp địa phương, chủ trương và Đề án tái cơ cấu cũng đã được thảo luận, phổ biến dưới nhiều hình thức. Đến tháng 5 năm 2014, đã có 23/63 tỉnh, thành phố đã ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Nhiều địa phương đã triển khai và đạt được kết quả cụ thể trong thực tiễn. Với quyết tâm tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn, toàn ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các nội dung và giải pháp đã được đề ra trong Đề án. Trước mắt, trong hai năm 2014 - 2015, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu trong tái cơ cấu là ”Phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững”. Để đạt mục tiêu này, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, các nhóm giải pháp, nhiệm vụ chính toàn ngành cần phải tập trung thực hiện, đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành. Các địa phương, đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tái cơ cấu ngành. Các cơ quan truyền thông tăng cường hơn nữa hỗ trợ thông tin về chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, cũng như những mô hình tái cơ cấu thành công, kinh nghiệm hay để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm và vận dụng.

 

Xây dựng đề án tái cơ cấu các lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nghề muối. Từng địa phương tiến hành rà soát xác định lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc cũng theo điều kiện cụ thể để lựa chọn phát triển cây, con hàng hóa thay cho tự cung tự cấp, coi đây là lối thoát căn bản để xóa đói giảm nghèo.

 

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ phải là khâu then chốt để tạo đột phá trong tái cơ cấu. Tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết của ngành, kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả. Thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; ưu tiên nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh.

 

Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ. Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phát huy cao hơn sự tham gia của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, tập trung tạo ra sự chuyển biến rõ nét, trên diện rộng đối với các loại sản phẩm chính; từng bước xã hội hóa công tác khuyến nông.

 

Chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Thông qua việc tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn như mô hình hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ đội sản xuất hoặc trực tiếp với nông dân,... Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước; tổ chức thực hiện các giải pháp đổi mới lâm trường quốc doanh. Đẩy mạnh chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, gia trại, trang trại, doanh nghiệp tư nhân.

 

Khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Đổi mới cơ chế và cơ cấu đầu tư công nhằm ưu tiên tập trung vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình trọng tâm, cấp bách, các công trình phục vụ tái cơ cấu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình dở dang, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm các quy định về tăng cường quản lý đầu tư công, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản; rà soát, cắt giảm và sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư. Triển khai thực hiện các chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư,...).

 

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên của ngành như cán bộ quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư, cán bộ hợp tác xã, thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá xa bờ... Tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới. Rà soát nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, lập đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng; tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung liên quan trực tiếp tới mỗi hộ gia đình. Thực hiện đồng bộ các nội dung về kinh tế và xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị. Chú trọng thực hiện các nội dung chính là phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chú ý việc lựa chọn ưu tiên nâng cấp công trình hiện có, nhất là các công trình phục vụ sản xuất. Phát triển nông thôn mới phải đảm bảo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc, vùng miền

 

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. Tích cực tham gia đàm phán các hiệp định tự do hóa thương mại theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, kể cả đã qua chế biến. Bảo hộ hợp lý các ngành còn khó khăn như chăn nuôi, đồng thời phối hợp đàm phán với từng nước để tháo gỡ các rào cản thương mại cho nông sản Việt Nam; đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Tăng cường vận động nguồn vốn ODA vào lĩnh vực nông nghiệp, kêu gọi nguồn vốn FDI phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ tiếp thu các thành tựu về khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao./.

 

Đặng Hiếu - ĐCSVN.

Trở lại      In      Số lần xem: 4946

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD