Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  120
 Số lượt truy cập :  33842891
Gỡ nút thắt cho nông nghiệp bằng công nghệ

Nền nông nghiệp luôn có vị thế quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Thế nhưng ngành này vẫn chưa có sức bật cụ thể, chưa được đầu tư thích đáng, quyết liệt cho hạ tầng, kỹ thuật… vì vậy nông sản vẫn mất giá khi bước vào sân chơi toàn cầu. Khi nền kinh tế đi xuống, người ta mới giật mình nhận ra vai trò nông nghiệp trong ổn định kinh tế.

 Nền nông nghiệp luôn có vị thế quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Thế nhưng ngành này vẫn chưa có sức bật cụ thể, chưa được đầu tư thích đáng, quyết liệt cho hạ tầng, kỹ thuật… vì vậy nông sản vẫn mất giá khi bước vào sân chơi toàn cầu. Khi nền kinh tế đi xuống, người ta mới giật mình nhận ra vai trò nông nghiệp trong ổn định kinh tế.

 

Do nhận thấy yêu cầu khai phá của công nghệ với nền nông nghiệp Việt Nam là đòi hỏi bức bách, trang Khoa học đã tổ chức Bàn tròn cuối năm để quy tụ một số nhà quản lý, chuyên gia khoa học và doanh nhân nông nghiệp để nghe ý kiến gợi mở. Trong đó, sự vào cuộc của các đơn vị tư nhân trong việc đầu tư vào công nghệ nông nghiệp là xu hướng cần thúc đẩy.

 

Ông Trần Phước Dũng, trưởng ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao

 

Tiềm năng lớn, chỉ chờ chính sách

 

Là quốc gia nông nghiệp, nhưng tiềm năng và thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam đến nay vẫn chưa được khai thác hết, có thể kết luận là do trình độ công nghệ sản xuất. Việt Nam xuất khẩu dẫn đầu thế giới về gạo nhưng chỉ là về số lượng. Mang danh nước nông nghiệp nhưng mình thua nhiều nước hàng hai, ba chục năm… Thời gian mình phát triển theo chiều rộng quá dài, bởi tài nguyên mình còn nhiều, cứ muốn tăng sản lượng là chỉ cần mở rộng diện tích, thêm nhân công. Bây giờ diện tích đất sản xuất ngày càng giảm, thì bắt buộc trên một đơn vị diện tích đó phải cho năng suất cao hơn, với hàm lượng khoa học kỹ thuật lớn hơn. Hiện nay mình cũng đang phát triển theo hướng đem tri thức nông nghiệp về cho người làm nông nghiệp.

 

Các nhà đầu tư được kêu gọi vào đây sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bản thân họ cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sẽ xây dựng thương hiệu, huấn luyện đào tạo chuyển giao giống ra bên ngoài, và chính họ tổ chức thu mua sản phẩm bên ngoài vào, để hỗ trợ những người làm lĩnh vực nông nghiệp về tiêu thụ sản phẩm.

 

Cái khó hiện nay là sản phẩm nông nghiệp truyền thống và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao không khác nhau nhiều về hình dáng, màu sắc nhưng chất lượng và nguy hại thì ẩn bên trong, không phân biệt được bằng mắt thường.

 

Tiềm năng của Việt Nam lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Về lâu về dài nếu có chính sách nông nghiệp đúng đắn, bằng công nghệ nước ta sẽ thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến. Tương lai nền nông nghiệp phụ thuộc chính sách đối với người làm nông nghiệp, để họ thấy được họ có tương lai, có vị trí trong xã hội và thu nhập đủ nuôi sống gia đình và bản thân.

 

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam

 

Nên học Nhật Bản

 

Nông nghiệp luôn được coi là nền tảng của kinh tế, tuy nhiên trong thời gian qua thế mạnh này chưa được khai thác hết. Phương thức sản xuất truyền thống đã mang lại nhiều hiệu quả, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần nhanh nhạy thay đổi bằng phương thức sản xuất hiện đại, đầu tư công nghệ, khoa học. Đài Loan, Nhật… là những nước có nền nông nghiệp tiên tiến, nếu theo mô hình của họ, nông nghiệp mình sẽ tiến nhanh hơn. Đặc biệt là mô hình Nhật Bản trong việc ra quyết sách và chỉ đạo xây dựng phát triển nông nghiệp. Thái Lan và Đài Loan đều học Nhật Bản mà có được nền nông nghiệp hiện nay.

 

Ở ta, “sản xuất gần như là thuyền không lái”, như lời của một lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu xác định mình là nhạc trưởng thì phải hành động quyết liệt hơn. Một tín hiệu đáng mừng là bắt đầu có sự tham gia của các công ty tư nhân trong việc đầu tư tiền bạc và công nghệ cho nền nông nghiệp, từ khâu giống đến tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, bảo quản… Đó là mô hình hay, Nhà nước nên kêu gọi và tạo điều kiện để tư nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hoá nhiều hơn.

 

TS Võ Văn Sự, nguyên trưởng bộ môn động vật quý hiếm và đa dạng sinh học viện Chăn nuôi quốc gia

 

Lấy nông dân làm đối tượng đầu tư

 

Ngành chăn nuôi của nước ta đến nay phải thừa nhận có những bước tiến đáng kể, số lượng và chủng loại vật nuôi ngày càng đa dạng, cung cấp đủ thực phẩm cho nhu cầu xã hội. Xu thế tất yếu từ nhu cầu tiêu dùng và thị trường mở rộng ra sân chơi WTO, cũng là yếu tố thúc đẩy các công ty ngành này cải tiến hoặc thay đổi trang thiết bị, công nghệ mới với mục tiêu tạo ra nhiều mặt hàng, tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Thị trường rộng mở với nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, như nghịch lý lượng gia súc, gia cầm trong nước cung ứng đủ cho thị trường nhưng những lô hàng nội tạng, chân gà, cánh gà… phế phẩm vẫn được nhập vào và cạnh tranh với hàng Việt ngay trên thị trường trong nước.

 

Ngành chăn nuôi trong tương lai phải đột phá bằng công nghệ với việc đầu tư lai tạo tuyển chọn giống mới, phát triển các ngành phụ trợ, trang bị trang thiết bị, dây chuyền hiện đại trong chế biến thực phẩm. Quy hoạch và chuyên môn hoá trong chăn nuôi để tránh tình trạng năm được, năm mất, kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh những chính sách cho ngành chăn nuôi phát triển, cần chú ý bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi, của những tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho ngành này. Cần bắt nguồn từ những quyết sách kịp thời của nhà quản lý, sự tìm tòi và mẫn cán của đội ngũ làm nghề để người nông dân là đối tượng được đầu tư và hưởng lợi.

 

PGS.TS Dương Văn Chín, giám đốc trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DT ARC)

 

Cầu nối hai chiều giữa các viện, trường với người nông dân

 

Thực tế cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng, nông nghiệp trở thành vùng đệm giúp nền kinh tế, chính trị ổn định; do đó cần phát triển nông nghiệp dài hạn, trong đó cây lúa là cây quan trọng nhất. Nhiều doanh nghiệp đã bắt tay với nhà nông, đầu tư vật tư cho họ, sơ chế, bảo quản giúp họ… nhưng những công ty như vậy còn ít. Chất lượng gạo của ta vì thua Thái Lan, Ấn Độ nên dù xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, ngoại tệ thu về lại ít hơn. Để giải quyết điều đó, cần nhìn ra vai trò của khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cần đầu tư dài hạn để nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp bắt tay nhau cùng thực hiện.

 

Sự ra đời của DT ARC là nỗ lực của 20 năm, với những trăn trở ấy. Ở đây, chúng tôi xây dựng chiến lược mới là hướng về người nông dân, về lợi ích của họ. Chúng tôi xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cung cấp các dịch vụ trọn gói từ sản xuất đến tiêu thụ. Ở những nước có nền nông nghiệp tiên tiến, các tập đoàn lớn có những viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu riêng. Ở đó, cam kết được đưa ra là kinh doanh gắn liền với phát triển xã hội, nghiên cứu những gì thiết thực cho xã hội. Theo cách làm đó, trước mắt là nông dân trồng lúa, thông qua việc phân phối lại lợi nhuận trong chuỗi giá trị hạt lúa – hạt gạo từ gieo trồng cho đến thu hoạch, thu mua, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu. Do vậy, chúng tôi là cầu nối hai chiều giữa các viện, trường trong nước và quốc tế với người nông dân Việt Nam. Nghiên cứu, thực nghiệm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật có tính khả thi cao cho nông dân áp dụng, đồng thời thu thập thông tin về những khó khăn vướng mắc trong sản xuất của nông dân để phản ánh về cho các nhà khoa học tại các viện, trường.

 

GS.TS Nguyễn Thị Lang, nghiên cứu viên cao cấp viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long

 

Cần nhiều hơn sự vào cuộc của đơn vị tư nhân

 

Tác động của khoa học với nông nghiệp, dễ nhận thấy nhất là khâu làm giống. Từ năm 2000 đến nay, bằng sự đầu tư khoa học, đã có một cuộc đột phá lớn trong việc tạo giống lúa: 80% là giống trong nước tự làm. Song song với các giống mới, năng suất lúa được nâng lên, thời gian trồng được rút ngắn. Đó là những thành tựu do khoa học công nghệ mang lại, bằng các chính sách đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư ấy chưa được hoàn thiện, bởi nhà khoa học vẫn đứng biệt lập, chỉ đơn thuần công việc chuyên môn. Thương hiệu cho cây lúa đến nay cũng đang bỏ ngỏ, chưa ai làm. Khi đã xuất khẩu gạo, hoàn toàn có thể xuất khẩu giống nhưng hiện nay, giống mới làm ra chỉ quanh quẩn ở địa phương. Việc đầu tư cho nông nghiệp vẫn chủ yếu do Nhà nước, chỉ một số ít đơn vị tư nhân tham gia. Nhưng, từ những phác thảo ấy cũng dễ nhận ra sự nhạy bén của tư nhân trong việc nhìn nhận thời cuộc khi tiếp cận nông nghiệp bằng đầu tư khoa học công nghệ từ khâu chọn giống đến thành phẩm, một chuỗi liên kết khép kín và hiệu quả. Đặc biệt, nhiều đơn vị tư nhân kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp những năm gần đây bắt đầu tìm đến nhà khoa học, đặt hàng làm ra các giống theo yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, sẽ bền vững hơn khi các công ty tuyển dụng nhà nghiên cứu về hẳn đơn vị mình, như một cách gầy dựng thương hiệu.

 

Một nền nông nghiệp ổn định, bền vững không thể thiếu công nghệ, thiếu sự đầu tư của Nhà nước và ngày càng cần nhiều hơn sự vào cuộc của các đơn vị tư nhân với những công nghệ chọn giống mới, công nghệ sau thu hoạch mới, với các ngành phụ trợ phát triển tương xứng từ bảo vệ thực vật đến tiếp thị cho sản phẩm, được dẫn dắt bởi nguồn nhân lực có trình độ tương thích.

 

Ông Lê Văn Chính (nông dân chuyên sản xuất và cung ứng lúa giống ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh)

 

Kết quả nghiên cứu thường được lưu ở... thư viện

 

Nông nghiệp cổ điển xem giống là thứ yếu, nhưng nông nghiệp hiện nay xem yếu tố giống quyết định hiệu quả sản xuất. Hàm lượng khoa học trong việc làm ra một loại giống lúa mới chiếm đến 80%. Tất cả đều phải đi từ ứng dụng kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học.

 

Trong khi đó, phần lớn kết quả nghiên cứu thường dừng lại ở mức bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học, sau đó lưu tại thư viện của đơn vị chủ quản – một phần bởi thiếu chi phí triển khai ứng dụng. Cùng lúc này, những nhu cầu cần thiết của nông dân chỉ do chính họ tìm tòi, sáng chế, cải tiến… mà kết quả là sự tốn kém khá lớn nhưng cuối cùng sản phẩm sử dụng được lại là hàng nhập khẩu – cái máy liên hợp gặt đập trong thu hoạch lúa là một minh chứng.

 

Ông Phạm Văn Quắn (nuôi tôm ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)

 

Khoa học công nghệ trong nuôi tôm biển chưa theo kịp thực tiễn

 

So với nghề trồng lúa, nghề nuôi tôm còn rất non trẻ, nhưng tạo nên không ít “kỳ tích” cho kinh tế hộ cũng như kinh tế chung của cả Tây Nam bộ. Nuôi tôm phát triển mạnh nhờ khoa học ứng dụng, biến những vùng nuôi nhử (nhử tôm tự nhiên, không thả tôm giống) thành vùng nuôi công nghiệp, mật độ cao cho sản lượng lớn. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, khoa học công nghệ trong nuôi tôm biển chưa theo kịp thực tiễn!

 

Mô hình tôm công nghiệp mật độ cao lần lượt bộc lộ nhược điểm gây tổn hại môi trường. Rồi hai năm qua, dịch bệnh trên tôm khiến không ít tỉ phú tôm trở thành những người mang nợ. Dịch bệnh trên tôm đã được các nhà khoa học phát hiện cách nay ba năm, nhưng tới giờ phút này, qua bao nhiêu đợt nghiên cứu, thử nghiệm, tổ chức hội thảo… ngành thuỷ sản vẫn không thể xác định chính xác nguyên nhân khiến tôm chết. Thông tin khoa học duy nhất còn lại của người nuôi tôm là các chương trình trên... sóng truyền hình.

 

Ông Trần Thanh Liêm (nông dân trồng dưa hấu tạo hình, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

 

Cầm tay chỉ việc cho nông dân

 

Trong quá trình sản xuất dưa hấu tạo hình, hàm lượng khoa học ứng dụng chiếm 50%, kinh nghiệm người sản xuất chiếm 30%, 20% còn lại phụ thuộc điều kiện tự nhiên.

 

Theo tôi, các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ nên công bố và triển khai rộng rãi khi nó là kết quả thực nghiệm tại thực địa sản xuất đại trà, chứ không nên công bố những kết quả nghiên cứu trong điều kiện “lý tưởng” của phòng thí nghiệm, bởi các kết quả này khi ứng dụng sẽ rất khó để nông dân thành công ở môi trường tự nhiên. Hoạt động chuyển giao công nghệ cũng thường thiếu cặn kẽ – theo khả năng tiếp thu của nông dân. Tỉnh An Giang thành công trong sản xuất lúa nhờ chương trình cùng nông dân ra đồng, qua đó cán bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng ăn, cùng làm – nói theo ngôn ngữ bình dân là “cầm tay chỉ việc” cho nông dân.

 

Ông Trương Văn Bảy (chủ nhiệm hợp tác xã Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)

 

Thiếu những nghiên cứu chuyên sâu về thị trường

 

Nông dân không thể thành công nếu không có sự tiếp sức của nhà khoa học thông qua các kết quả nghiên cứu ứng dụng. Khoa học thuỷ lợi đã biến vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên trũng phèn, hoang hoá… thành vùng sản xuất lúa ba vụ. Từ những loại phân đơn, nông dân được hỗ trợ tận tay bằng các loại phân hỗn hợp phù hợp cho từng loại cây, từng điều kiện thổ nhưỡng... mà nếu nông dân tự phối trộn sẽ khó đạt tỷ lệ chính xác. Yêu cầu giống tới thời điểm này đã là yếu tố tiên quyết, khẳng định hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa. Sau thời kỳ thiếu đói, lúa mùa được thay thế dần bằng các giống lúa ngắn ngày, giống cao sản… Sau mỗi dịch rầy nâu, hàng loạt giống mới có khả năng kháng rầy và hiện tại là nhóm giống chất lượng cao, chịu hạn, mặn… Tuy nhiên, sự tương tác giữa khoa học và thực tiễn cần bổ trợ cho nhau thiết thực hơn, bởi trong thực tế còn không ít kết quả nghiên cứu khoa học không thể ứng dụng vì thiếu tính thực tiễn, gây lãng phí.

 

Trong khi đó, nông dân rất cần những nghiên cứu chuyên sâu về thị trường cho từng loại nông sản để san sẻ gánh nặng đầu ra; nên có những nghiên cứu cải thiện các hoạt động, điều chỉnh chính sách thương mại cho nông sản. Thực tế trên thị trường hiện có quá nhiều những nhà thương mại trung gian yếu năng lực tài chính, không đủ chữ tín… khiến không ít khi nông dân bị lật lọng, bỏ rơi. Khi sản phẩm làm ra không bán được, không hiệu quả, thì các ứng dụng khoa học chất chứa trong sản phẩm đó chẳng đem lại lợi ích gì, thậm chí làm nông dân chán nản.

 

Trung Dũng – Ngọc Tùng, SGTT.

Trở lại      In      Số lần xem: 1805

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD