Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

 

Theo Bộ NN&PTNT, hiện phía Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 dẫn tới nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Để thúc đẩy nhập khẩu, Trung Quốc đặc biệt chú trọng khôi phục vận hành bình thường của hoạt động logistic, chuyển phát nhanh hàng hóa nhằm giải phóng sức tiêu thụ ở trong nước, giao thông đường bộ đi lại trên toàn quốc về cơ bản đã thông suốt.

 

Đồng thời, ngoài các biện pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Trung Quốc giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước. Thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh sau khi khống chế dịch vào tháng 3/2020 cùng với các chính sách khuyến khích đồng bộ quyết liệt. Đây sẽ là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản. Do vậy, cần huy động mọi nguồn để tập trung khai thác lợi thế này.

 

Đối với một số thị trường khác, với dự đoán mức độ tác động dịch bệnh hiện tại, EU và Mỹ có thể mất trên 3 tháng để khống chế. Như vậy, đến tháng 6, tháng 7/2020, khả năng thị trường nhập khẩu nông sản mới có thể kích hoạt phục hồi lại bình thường. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong nửa cuối tháng 3 đến tháng 5/2020 và hoạt động nhập khẩu nông sản sẽ quay trở lại vào tháng 6, tuy nhiên mức tăng có thể sẽ không nhiều.

 

Trước những lợi thế về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cần tập trung hỗ trợ để giải quyết các nút thắt cho phát triển sản xuất, duy trì thương mại nông sản trong Quý II để chờ đà phục hồi quay trở lại vào quý III/2020.

 

Thứ nhất là nút thắt về vốn tín dụng. Khi thị trường Trung Quốc ấm dần từ đầu quý II, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần được hỗ trợ tín dụng để tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường khác. Gói tín dụng tuy có lãi suất thấp nhưng cũng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh COVID-19 suy giảm.

 

Thứ hai là áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí. Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn. Do đó, áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Trước mắt, một bộ phận doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp có thể bị phá sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần, thậm chí không còn dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn ứ đọng hàng hóa.

 

Thứ ba, hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định. Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, hiện nay, tình hình giao thương hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu giáp với Trung Quốc hiện tại đã diễn ra bình thường nhưng tốc độ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Cụ thể, theo thống kê của các địa phương những ngày gần đây, tại Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe hàng, chủ yếu là các loại trái cây, nông sản chờ xuất khẩu. Tại Quảng Ninh, cửa khẩu Móng Cái thông quan trong nửa đầu tháng 3 là 169 container hoa quả, tương đương 3.524 tấn, 290 container bột sắn tương đương 10.046 tấn, …

 

Cùng với việc tháo gỡ các nút thắt trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Yêu cầu các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông,…để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, đặc biệt khi mùa hè quay trở lại. Đồng thời, giảm thiểu các thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn giúp nông dân bán nông sản phục vụ trong nước, xuất khẩu. Hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản. Riêng khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm trong thời điểm trước mắt và trung hạn.

 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng gói giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, …hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

 

Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; có chính sách giá điện ưu đãi áp dụng cho vận hành kho lạnh. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm để tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp ngay trong quý II/2020./.