Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  26
 Số lượt truy cập :  33276253
Tổng quan về đất hiếm ở Việt Nam
Thứ ba, 26-07-2016 | 08:38:52

Tóm tắt: Đất hiếm ở Việt Nam được phát hiện từ những năm 1956 và được đầu tư tìm kiếm, đánh giá, thăm dò từ năm 1957 đến nay. Các kết quả điều tra, đánh giá đã chỉ ra Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về đất hiếm. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan - ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu gần đây đã phát hiện được các biểu hiện kiểu mỏ đất hiếm hấp thụ ion ở khu vực Lào Cai. Hiện nay nhu cầu sử dụng đất hiếm ngày càng tăng, đặc biệt hiện nay Trung Quốc (cung cấp đất hiếm cho thị trường thế giới khoảng 95%) bắt đầu thực hiện chính sách dự trữ tài nguyên khoáng sản thì thị trường đất hiếm thế giới trở nên sôi động. Công tác điều tra, đánh giá và thăm dò đất hiếm cũng như nghiên cứu chính sách đầu tư khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm hiện nay cần được quan tâm.

1. Khái quát chung về đất hiếm

1.1 Khái quát về đất hiếm

Đất hiếm là nhóm gồm 15 nguyên tố giống nhau về mặt hóa học trong bảng hệ thống tuần hoàn Mendeleev và được gọi chung là lantan, gồm các nguyên tố có số thứ tự từ 57 (lantan) đến số thứ tự 71 (lutexi). Thông thường ytri (số thứ tự 39) và scandi (số thứ tự 21) cũng được xếp vào nhóm đất hiếm vì trong tự nhiên nó luôn đi cùng các nguyên tố này.

 

Trong công nghệ tuyển khoáng, các nguyên tố đất hiếm được phân thành hai nhóm: nhóm nhẹ và nhóm nặng hay còn gọi là nhóm lantan-ceri và nhóm ytri. Trong một số trường hợp, đặc biệt là kỹ thuật tách triết, các nguyên tố đất hiếm được chia ra ba nhóm: nhóm nhẹ, nhóm trung gian và nhóm nặng (xem bảng 1).

 

Bảng 1. Phân nhóm các nguyên tố đất hiếm

La

Ce

Pr

Nd

Pm

Sm

Eu

Gd

Tb

Dy

Ho

Er

Tm

Yb

Lu

Y

Nhóm nhẹ (nhóm lantan ceri)

Nhóm nặng (nhóm ytri)

Nhóm nhẹ

Nhóm trung

Nhóm nặng

                                 

 

Thực tế các nguyên tố hiếm này không hiếm trên trái đất, như hàm lượng trung bình của ceri (Ce=60ppm) cao hơn hàm lượng trung bình của đồng (Cu=50ppm), ngay cả như lutexi (có hàm lượng trung bình trên trái đất ít nhất trong nhóm đất hiếm) cũng có hàm lượng trung bình cao hơn antimon (Sb), bismut (Bi), cacdimi (Cd) và thali (Tl).

 

 

Hình 1. Sự phân bố của các nguyên tố trong vỏ trái đất

(theo Cục Khảo sát Địa chất Liên bang Mỹ - USGS)

1.2 Lĩnh vực sử dụng

Các sản phẩm của đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y học,… Những lĩnh vực sử dụng chính của các nguyên tố đất hiếm và hỗn hợp gồm:

 

- Lantan (La) dùng trong men gốm và thuỷ tinh quang học.

 

- Ceri (Ce) là thành phần chủ yếu của mischemetal dùng trong ngành công nghiệp sản xuất thép. Ceri làm tăng độ bền, tăng tính mềm dẻo của hợp kim nhôm và tăng tính chịu nhiệt của hợp kim magne. Các hợp kim của ceri làm lớp chống phát xạ trên bề mặt catôt của đền chân không, làm chất xúc tác trong quá trình lọc dầu, tụ điện gốm và vật liệu chịu nhiệt của động cơ phản lực.

 

- Prazeodim (Pr) là một thành phần của men gốm, của tụ điện và nam châm vĩnh cửu. Hỗn hợp của Pr với Nd gọi là dydim được sử dụng làm kính bảo hộ cho công nghiệp sản xuất thủy tinh.

 

- Europi (Eu) sử dụng trong đèn màu catôt. Oxit của Eu làm chất phát quang màu đổ cho vô tuyến truyền hình màu, là thành phần cơ bản của các thanh điều khiển lò phản ứng hạt nhân.

 

- Thuli (Tm) khi bị chiếu xạ, sẽ tạo ra một đồng vị phát ra tia X được sử dụng trong các máy X quang di động.

 

- Ytri (Y) sử dụng làm chất khử oxit trong thép không rỉ, trong các hợp kim đặc biệt, làm động cơ máy bay, trong bình acquy tái nạp. Động vị của Y sử dụng trong thuốc giảm đau.

 

Các nguyên tố đất hiếm khác: samari (Sm) được sử dụng chủ yếu để chế tạo các nam châm vĩnh cửu và laze thủy tinh. Gadolini (Gd) là thành phần chủ yếu chế tạo laze rắn và các vi mạch trong bộ nhớ của máy tính. Terbi (Tb) sử dụng trong ống catôt và trong các bộ nhớ quang từ của máy vi tính. Dyspozi (Dy) sử dụng trong nam châm vĩnh cửu và thanh điều khiển lò phản ứng hạt nhân. Homi (Ho) sử dụng trong các phản ứng hạt nhân. Erbi (Er) dùng chế tạo men hồng trên gốm.

 

Ở Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu về đất hiếm đã xây dựng được hệ thống các phòng thí nghiệm, một số pilot và cơ sở sản xuất với nhiều chủng loại khác nhau, nhưng nhìn chung trang thiết bị và công nghệ còn nhiều hạn chế.

1.3 Địa hoá các nguyên tố đất hiếm

Các nguyên tố đất hiếm (REE) là một họ đặc biệt các nguyên tố trong tự nhiên. Trong bất kỳ thể địa chất nào, phát hiện một nguyên tố đất hiếm sẽ chỉ thị sự tồn tại của tất cả các nguyên tố đất hiếm khác. Tuy nhiên, các loại vật chất tự nhiên khác nhau có tổng lượng các nguyên tố đất hiếm khác nhau, do đó tỷ lệ các nguyên tố riêng lẻ cũng ít nhiều khác nhau. Đặc điểm phân bố của các nguyên tố đất hiếm trong hệ mặt trời, trên mặt trăng, các thiên thạch và trái đất, trong các loại đá magma và trầm tích có thể được khái quát như dưới đây:

- Phân bố các nguyên tố đất hiếm trong hệ mặt trời, các thiên thạch, các đá lấy từ mặt trăng và trái đất

Hàm lượng các nguyên tố đất hiếm trong các đá thiên thạch khác nhau có độ biến thiên lớn, nhưng không thấy sự khác nhau về mô hình phân bố các nguyên tố đất hiếm trong các đá thiên thạch khác nhau. Theo Schmitt (1963, 1964), Zong Puhe (1980), Masuda (1973), Taylor (1982), Li Tong (1976) hàm lượng các nguyên tố đất hiếm của trái đất rất gần các nguyên tố đất hiếm của chondrite. Vì lý do đó, trong nghiên cứu địa hóa các nguyên tố đất hiếm, hàm lượng các nguyên tố đất hiếm trong chondrite thường được thừa nhận là đại diện cho hàm lượng các nguyên tố đất hiếm trong vật chất nguyên sinh của trái đất, có ý nghĩa là các giá trị hàm lượng các nguyên tố đất hiếm được chuẩn hóa. Các đường cong được xây dựng trên cơ sở đó được gọi là mô hình phân bố các nguyên tố đất hiếm được chuẩn hóa theo chondrite.

- Phân bố các nguyên tố đất hiếm trong các đá khác nhau

+ Trong các đá bazan: đặc điểm phân bố các nguyên tố đất hiếm trong các kiểu bazan: kiểu tholeit lục địa, bazan dãy núi giữa đại dương.

 

+ Trong các đá granitoit: các đá granitoit được đặc trưng bằng các mô hình phân bố các nguyên tố đất hiếm rất phức tạp. Mỗi loại đá granitoit khác nhau có mô hình phân bố các nguyên tố đất hiếm đặc trưng khác nhau.

 

+ Trong các đá biến chất: hàm lượng tổng các nguyên tố đất hiếm trong các đá siêu bazơ thay đổi trong phạm vi rộng, trung bình tăng từ 2 - 20 lần so với chondrite, ngoại trừ komatit có hàm lượng các đất hiếm tương đối thấp.

 

+ Phân bố các nguyên tố đất hiếm trong các đá trầm tích: vì phân bố các nguyên tố đất hiếm trong các đá trầm tích có sự liên hệ gần gũi với hàm lượng các nguyên tố đất hiếm trong vỏ trái đất nên từ lâu, các nhà địa hóa đã chú ý đến việc nghiên cứu các đặc trưng phân bố các nguyên tố đất hiếm trong các đá trầm tích. Vì có sự khác nhau về thành phần hóa học và cơ chế thành tạo, các đá trầm tích cũng có sự khác nhau về thành phần và hàm lượng các nguyên tố đất hiếm. Điều này chỉ riêng đối với các đá cacbonat nguồn gốc sinh vật.

1.4 Khoáng vật và các loại hình mỏ đất hiếm

1.4.1 Các khoáng vật đất hiếm

Hiện nay đã biết khoảng 250 khoáng vật chứa đất hiếm, trong đó có trên 60 khoáng vật chứa từ 5 ÷ 8% đất hiếm trở lên và chúng được chia thành hai nhóm:

 

- Nhóm thứ nhất: gồm các khoáng vật chứa ít đất hiếm, có thể thu hồi như một sản phẩm đi kèm trong quá trình khai thác và tuyển quặng.

 

- Nhóm thứ hai: gồm các khoáng vật giàu đất hiếm có thể sử dụng trực tiếp như sản phẩm hỗn hợp đất hiếm.

 

Theo thành phần hoá học, các khoáng vật đất hiếm được chia thành 9 nhóm:

1. Fluorur: yttofluorit, gagarunit và fluoserit;

2. Carbonat và fluocarbonat: bastnezit, parizit, ancylit, hoanghit;

3. Phosphat: monazit, xenotim;                  

4. Silicat: gadolinit, britholit, thortveibit;

5. Oxyt: ferguxonit, esinit, euxenit ;             

6. Arsenat: checrolit;                                          

7. Borat: braitschit;

8. Sulfat: chukhrolit;                                           

9. Vanadat: vakefieldit.

 

Trong 9 nhóm trên, 5 nhóm đầu là quan trọng nhất, đặc biệt là nhóm fluocarbonat, phosphat và oxyt. Trong đó, các khoáng vật bastnezit, monazit, xenotim và gadolinit luôn được xem là những khoáng vật quan trọng.

1.4.2 Các kiểu mỏ công nghiệp

Đất hiếm có thể tạo thành mỏ công nghiệp độc lập hoặc là các nguyên tố đi cùng với nhiều loại hình nguồn gốc khác nhau. Trên thế giới đang có 2 ý kiến về phân chia kiểu mỏ công nghiệp hiện đang được sử dụng:

- Theo Greta J. Orris1 and Richard I. Grauch năm 2002 [10] có thể chia ra làm 17 kiểu mỏ đất hiếm như sau:

1. Kiểu cacbonatit;                 

2. Kiểu mỏ liên quan đến phức hệ xâm nhập kiềm;

3. Kiểu cacbonatit được làm giàu;             

4. Kiểu mỏ hấp thụ ion;                   

5. Kiểu phosphorit;

6. Kiểu mỏ fluorit;

7. Kiểu oxyt sắt nhiệt dịch;           

8. Kiểu mỏ liên quan đến đá phun trào;       

9. Kiểu mỏ liên quan đến đá biến chất;      

10. Kiểu mỏ sa khoáng bờ biển;

11. Kiểu mỏ sa khoáng trầm tích bồi tụ;   

12. Kiểu mỏ sa khoáng không rõ nguồn gốc;

13. Kiểu mỏ sa khoáng cổ;            

14. Kiểu bauxit hoặc laterit chính;

15. Kiểu mỏ chì;                            

16. Kiểu mỏ urani;

17. Các kiểu khác: Hỗn hợp và không xác định.

 

Trong các loại hình mỏ nêu trên, quan trọng nhất là các loại hình 1, 2, 3, 4, 5, 6 chúng chiếm trữ lượng khai thác có hiệu quả và sản lượng khai thác chủ yếu trên thế giới hiện nay.

 

- Theo phân loại của Stephen B. Castor và James B. Hedrick [10], có thể chia các mỏ đất hiếm thành các kiểu mỏ:

1. Mỏ sắt - đất hiếm;                                  

2. Mỏ đất hiếm carbonatit;

3. Mỏ đất hiếm laterit;                      

4. Mỏ đất hiếm nguồn gốc sa khoáng;

5. Mỏ đất hiếm nhóm nặng trong đá magma siêu kiềm;

6. Mỏ đất hiếm dạng mạch;                       

7. Các mỏ đất hiếm dạng khác.

Trong các hình mỏ trên quan trọng nhất là các loại hình mỏ: 1, 2, 3, 4, 6 chúng có trữ lượng khai thác hiệu quả và sản lượng khai thác từ các loại mỏ này chiếm chủ yếu trên thế giới hiện nay.

1.5 Nguồn gốc thành tạo quặng đất hiếm

Sự tập trung và phân bố các quặng đất hiếm phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến quá trình thạch hoá, sự làm giàu và biển đổi trong các hoạt động magma, nhiệt dịch, các pha tạo khoáng, oxi hoá-khử, quá trình phong hoá …

 

Sự làm giàu LREE (đất hiếm nhóm nhẹ) trong đá magma được cho là có sự tách ra khỏi nguồn ban đầu và đi vào các khoáng vật granat và pyroxen trong quá trình nóng chảy từng phần của vật chất hoặc trong quá trình phân dị kết tinh.

 

Hầu hết các mỏ và điểm mỏ đất hiếm liên quan đến các đá magma kiềm và carbonatit (mỏ Mountain Pass, Mountain Weld, Araxa, Pea Ridge, Lovozero…). Một số nhà nghiên cứu cho rằng mỏ sắt-đất hiếm Bayan Obo (Trung Quốc) có nguồn gốc carbonatit; một số khác lại cho rằng nó có nguồn gốc nhiệt dịch…

1.6 Tài nguyên đất hiếm trên thế giới

Năm 2010, Cục Địa chất Mỹ (USGS) nhận định tổng trữ lượng oxit đất hiếm hiện có trên toàn cầu lên tới 99 triệu tấn, trong đó Trung Quốc có 36 triệu tấn và Mỹ có 13 triệu tấn (Bảng 2).

 

Bảng 2. Sản lượng khai thác và trữ lượng (tấn REO, số liệu năm 2009)

Quốc gia

Sản lượng khai thác

Trữ lượng

USA

Không đáng kể

13.000.000

Australia

Không đáng kể

5.400.000

Brazil

650

48000

Trung Quốc

120.000

36.000.000

Cộng đồng các quốc gia độc lập

Không có số liệu

19.000.000

(Liên Xô cũ)

India

27

3.100.000

Malaysia

380

30

Các nước khác

Không có số liệu

22.000.000

Tổng cộng

124.000

99.000.000

1.7 Nhu cầu và thị trường quặng đất hiếm

Năm 1794: Sản xuất thương mại đất hiếm đầu tiên tại Áo

Năm 1953: Nhu cầu đất hiếm khoảng 1.000 tấn (tương đương 25.000.000 USD)

Năm 1965: Mỏ khai thác mỏ đất hiếm độc lập đầu tiên là mỏ Mountain Pass (Mỹ)

Năm 2003: Nhu cầu đất hiếm khoảng 85.000 tấn (tương đương 500.000.000 USD)

Năm 2008: Nhu cầu đất hiếm khoảng 124.000 tấn (tương đương 1,25 tỷ USD)

Năm 2015: Dự kiến nhu cầu đất hiếm trên toàn thế giới khoảng 200.000 tấn (tương đương 2,0 ÷ 3,0 tỷ USD).

Dự báo nhu cầu thị trường đất hiếm đến năm 2015 (sai số ± 15%) thể hiện ở hình 2.

Hiện nay, Trung Quốc sản xuất hơn 95% các nguyên tố đất hiếm trên thế giới, một số nước đang phát triển như Canada, Mỹ và Australia. Trong thời gian tới theo dự báo của trang http://metal-pages.com thì nhu cầu cung và cầu sẽ được cân đối. Tuy nhiên, các nguyên tố đất hiếm nhóm nhóm nhẹ (LREE) được dự báo là cung vượt quá cầu, trong khi các nguyên tố đất hiếm nhóm nặng (HREE) sẽ ngày càng tăng. Do vậy, lượng cung sẽ không đủ lượng cầu. Lượng sản xuất đất hiếm trên thế giới từ năm 1985 đến năm 2009 được thể hiện ở hình 3.

Các nước tiêu thụ đất hiếm lớn nhất là Mỹ (26,95%), Nhật Bản (22,69%), Trung Quốc (21,27%). Các nước xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Thái Lan. Các nước nhập khẩu các sản phẩm đất hiếm lớn nhất là Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh, Australia.

 

Hình 3. Sản lượng đất hiếm sản xuất từ năm 1985 - 2009

 

Theo thống kê giá của USGS giá đất hiếm trên thế giới có sự biến động theo từng giai đoạn và nhu cầu sử dụng. Từ năm 1970 đến năm 1988 do nhu cầu sử dụng đất hiếm chưa cao và chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực nhất định, do vậy giá đất hiếm có sự thay đổi theo từng năm. Từ năm 1988 đến năm 1993 giá đất hiếm tăng mạnh từ 2.050USD/tấn tăng đỉnh điểm trên 10.000USD/tấn, sau đó từ năm 1993 đến năm 2006 giá đất hiếm nhìn chung giảm dần và thấp nhất là năm 2006, giá đất hiếm sấp xỉ 4.000USD/tấn. Tuy nhiên sau đó giá đất hiếm tăng mạnh mẽ vào năm 2010 giá đất hiếm vượt ngưỡng 12.000USD/tấn (hình 4)

 

Hình 4. Biểu đồ thống kê giá đất hiếm từ năm 1970 đến năm 2010

 

Theo dự báo của trang http://metal-pages.com từ nay đến năm 2014 tốc độ tăng trưởng của các ngành nghề công nghiệp phổ thông tăng mạnh dẫn đến việc sử dụng các nguyên tố đất hiếm cũng tăng lên với mức độ tăng trưởng trung bình từ 12,5% đến trên 122,9% tùy theo lĩnh vực công nghiệp như máy tính, xe máy điện, điện thoại, tua bin gió…

2. Khoáng sản đất hiếm ở Việt Nam

2.1 Đặc điểm phân bố

Các kết quả nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò đã phát hiện và ghi nhận nhiều mỏ, điểm quặng đất hiếm trên lãnh thổ Việt Nam (hình 5).

- Các mỏ đất hiếm gốc và vỏ phong hoá phân bố ở Tây Bắc gồm Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái).

- Đất hiếm trong sa khoáng chủ yếu ở dạng monazit, xenotim là loại phosphat đất hiếm, ít hơn là silicat đất hiếm (orthit). Trong sa khoáng ven biển, monazit, xenotim được tập trung cùng với ilmenit với các mức hàm lượng khác nhau, phân bố ven bờ biển từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu. Sa khoáng monazit trong lục địa thường phân bố ở các thềm sông, suối điển hình là các mỏ monazit ở vùng Bắc Bù Khạng (Nghệ An) như ở các điểm monazit Pom Lâu - Bản Tằm, Châu Bình… Monazit trong sa khoáng ven biển được coi là sản phẩm đi kèm và được thu hồi trong quá trình khai thác ilmenit.

Ngoài các kiểu mỏ đất hiếm nêu trên, ở vùng Tây Bắc Việt Nam còn gặp nhiều điểm quặng, biểu hiện khoáng hoá đất hiếm trong các đới mạch đồng - molipden nhiệt dịch, mạch thạch anh - xạ - hiếm nằm trong các đá biến chất cổ, trong đá vôi; các thể migmatit chứa khoáng hoá urani, thori và đất hiếm ở Sin Chải, Thèn Sin (Lai Châu); Làng Phát, Làng Nhẻo (Yên Bái);… nhưng chưa được đánh giá.

2.2 Các kiểu mỏ công nghiệp

* Theo nguồn gốc có thể chia các mỏ, điểm quặng đất hiếm trên lãnh thổ Việt Nam thành ba loại hình mỏ như sau:

- Mỏ nhiệt dịch: phân bố ở Tây Bắc gồm các mỏ lớn, có giá trị như Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum, Yên Phú và hàng loạt các biểu hiện khoáng hoá đất hiếm trong vùng. Thân quặng có dạng mạch, thấu kính, ổ, đới xuyên cắt vào các đá có thành phần khác nhau: đá vôi, đá phun trào bazơ, đá syenit, đá phiến. Hàm lượng tổng oxyt đất hiếm trong các mỏ thuộc loại cao từ 1% đến trên 36%.

- Mỏ sa khoáng: đã phát hiện 2 kiểu sa khoáng chứa đất hiếm gồm:

+ Sa khoáng lục địa: ở vùng Bắc Bù Khạng (Mỏ monazit Pom Lâu, Châu Bình và Bản Gió), tại các mỏ, điểm quặng này đất hiếm dưới dạng khoáng vật monazit, xenotim đi cùng ilmenit, zircon. Quặng nằm trong các trầm tích thềm sông bậc I và II. Nguồn cung cấp các khoáng vật chứa đất hiếm chủ yếu từ khối granit Bù Khạng. Hàm lượng monazit 0,15 ÷ 4,8kg/m3, điều kiện khai thác, tuyển đơn giản nên cần được quan tâm thăm dò và khai thác khi có nhu cầu.

 

Hình 5. Sơ đồ phân bố các mỏ đất hiếm ở Việt Nam

 

+ Sa khoáng ven biển: ven biển Việt Nam có nhiều mỏ và điểm quặng sa khoáng ilmenit có chứa các khoáng vật đất hiếm (monazit, xenotim) với hàm lượng từ 0,45 ÷ 4,8kg/m3 như mỏ Kỳ Khang, Kỳ Ninh, Cẩm Hòa , Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh), Kẻ Sung (Thừa Thiên Huế), Cát Khánh (Bình Định), Hàm Tân (Bình Thuận)… Tuy nhiên, monazit, xenotim trong các mỏ titan sa khoáng chưa được đánh giá đầy đủ.

 

- Kiểu mỏ hấp thụ ion: kiểu mỏ này do Tổng công ty Dầu khí và kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) phát hiện trong quá trình điều tra cơ bản địa chất theo biên bản ghi nhớ giữa Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam với Tổng công ty Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) ngày 25 tháng 10 năm 2007 về đề án “Điều tra cơ bản địa chất đối với các nguyên tố đất hiếm đi kèm với khoáng hóa Vàng - đồng - oxit sắt tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu" tại khu vực huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai với hàm lượng trung bình tổng đất hiếm khoảng 0,0443 ÷ 0,3233% tREO.

 

Đất hiếm khu vực huyện Bảo Thắng được phát hiện chủ yếu khu vực của đá gneis milonit hóa hoặc đá gneis bị cà nát hay đá phiến giàu felspat và đá laterit và đá felspat bị kaolin hóa. Trên cơ sở đó mỏ đất hiếm hấp thụ ion được hình thành ở khu vực này.

 

Đất hiếm ở khu vực này không có sự tương quan hàm lượng giữa các nguyên tố phóng xạ (urani, thori) với đất hiếm. Kết quả nghiên cứu địa hóa ở khu vực này cho thấy đường địa hóa của urani, thori và đất hiếm là không trùng nhau.

 

Kết quả khảo sát cho thấy, đất hiếm hấp thụ ion tồn tại ở hệ tầng Sinh Quyền, theo bản đồ địa chất 1:200.000, hệ tầng Sinh Quyền phân bố dọc sông Hồng từ Lào Cai sang đến Trung Quốc. Do đó, kiểu mỏ này cần được quan tâm đánh giá thăm dò để khai thác khi có nhu cầu do điều kiện khai thác, tách tuyển quặng đơn giản.

 

* Theo thành phần nguyên tố quặng đất hiếm trên lãnh thổ Việt Nam có thể chia làm hai loại:

- Đất hiếm nhóm nhẹ: gồm các mỏ Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Đông Pao và quặng sa khoáng. Trong đó, khoáng vật đất hiếm chủ yếu là bastnezit (Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum) và monazit (Bắc Bù Khạng, sa khoáng ven biển).

- Đất hiếm nhóm nặng: điển hình là mỏ Yên Phú. Trong mỏ, hàm lượng tổng oxyt đất hiếm không cao (trung bình 1,12%) nhưng tỷ lệ hàm lượng oxyt đất hiếm nhóm nặng khá cao chiếm 21,0 ÷ 43,5% tổng oxyt đất hiếm. Ngoài mỏ Yên Phú, mỏ đất hiếm Mường Hum cũng có tỷ lệ hàm lượng oxyt đất hiếm nhóm nặng so với tổng hàm lượng oxyt đất hiếm tương đối cao (21,16 ÷ 36,43%).

2.3 Trữ lượng và tài nguyên

Trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở các mỏ đã được tìm kiếm, đánh giá và thăm dò được thống kê ở bảng 4, 5

Bảng 4. Tổng hợp trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam

TT

Tên mỏ, điểm quặng

Đá chứa quặng

 

Thành phần

khoáng vật quặng

Hàm lượng trung bình

Trữ lượng-Tài nguyên (tấn)

Ghi chú

121

122

333

 

Tổng

1

Mỏ

đất hiếm Đông Pao

Đá của hệ tầng Đồng Giao

Bastnezit, parizit, lantanit

2,54÷6,75%

TR23

460.856

1.697.524

2.552.852

 

4.711.232

Thăm dò năm 2011

2

Mỏ

đất hiếm Yên Phú

Đá của hệ tầng Sông Mua

samarskit, cheralit, xenotim, ferguxonit, monazit, octit

1,01÷1,21%

TR23

 

27.298

4.082

 

31.380

Thăm dò năm 2011

2

Mỏ

đất hiếm Bắc

Nậm Xe

Đá vôi của hệ tầng Na Vang

Bastnezit, parizit, cordilit, fluocerit, sinkizit, lantanit, mariniakit, octit, monazit, xenotim, uranokiecxit,

Quặng phong hóa: 2,0÷ 16,8%

Quặng gốc:

0,6÷31,35% TR2O3

 

1.744.662

5.962.799

 

7.707.461

Đang thăm dò

3

Mỏ

đất hiếm Nam Nậm Xe

Đá andezit của hệ tầng Viên Nam

Parizit, flogopit, basnezit, lantanit

0,5÷36%

TR2O3

5.680

193.488

740.891

3.150.000

4.090.059

Đang

thăm dò

4

Mỏ

đất hiếm Mường Hum

Nằm trong trầm tích Đệ tứ

Monazit, bastnezit, samarskit, rabdophanit, cordinit, exinit.

1,0÷3,18%

TR2O3

   

45.976

83.231

129.207

 

6

Mỏ monazit Pom Lâu

Trầm tích đệ tứ

Monazit, xenotim, orthit

0,15÷4,8 kg/m3 Monazit

   

1.090

225

1.315

 

7

Mỏ monazit Châu Bình

Trầm tích đệ tứ

Monazit, xenotim, orthit

0,15 ÷ 4,8

kg/m3 Monazit

   

2.632

734

3.366

 

8

Mỏ monazit Bản Gió

Trầm tích đệ tứ

Monazit, xenotim, orthit

0,15 ÷ 4,8

kg/m3 Monazit

   

710

2.039

2.749

 

 

Qua bảng 4 cho thấy:

 

- Tổng trữ lượng và tài nguyên đất hiếm trong các mỏ gốc và phong hóa ở Việt Nam đạt khoảng 16,7 triệu tấn tổng oxyt đất hiếm, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu. Các mỏ đất hiếm gốc và phong hóa ở Việt Nam đều thuộc loại quy mô lớn, trong đó mỏ đất hiếm lớn nhất là Bắc Nậm Xe.

 

- Tổng trữ lượng và tài nguyên monazit khoảng 7.000 tấn. Khối lượng tài nguyên không lớn nhưng phân bố tập trung, điều kiện khai thác, tuyển đơn giản nên cần được quan tâm thăm dò và khai thác khi có nhu cầu.

 

Kết luận: Việt Nam có tài nguyên đất hiếm lớn, các mỏ đất hiếm chủ yếu thuộc nhóm nhẹ phân bố tập trung ở vùng Tây Bắc, hàm lượng oxyt đất hiếm trong các mỏ hầu hết thuộc loại trung bình và cao (Nậm Xe, Đông Pao), cơ sở giao thông, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách đầu tư thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản này phục vụ phát triển kinh tế khu vực và đất nước.

 

Cùng với công tác thăm dò và khai thác các mỏ đất hiếm đã biết như Đông Pao, Nậm Xe, Yên Phú… cần tiếp tục đầu tư để phát hiện, đánh giá loại hình đất hiếm mới (kiểu hấp thụ ion) nhằm gia tăng nguồn tài nguyên, phục vụ phát triển kinh tế lâu dài.

 

Công tác đánh giá, thăm dò sa khoáng ven biển cần chú trọng đánh giá tài nguyên monazit một cách đầy đủ. Monazit trong sa khoáng ven biển có hàm lượng không cao nhưng điều kiện khai thác, thu hồi dễ nên cần chú ý thu hồi kết hợp trong quá trình khai thác quặng sa khoáng ven biển nhằm sử dụng triệt để tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Ngọc Anh, Phạm Vũ Đương và nnk, 1972. Báo cáo kết quả công tác tìm kiếm lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:10 000 và đánh giá 5 thân quặng ở vùng mỏ đất hiếm - fluorit - barit Đông Pao - Lai Châu. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm

[2]. Nguyễn Ngọc Anh, 1983. Báo cáo thăm dò mỏ đất hiếm - phóng xạ Bắc Nậm Xe - Lai Châu. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm

[3]. Nguyễn Đắc Đồng và nnk,1992. Báo cáo kết quả công tác tìm kiếm và tìm kiếm đánh giá quặng đất hiếm - fluorit - barit Đông Pao - Phong Thổ - Lai Châu. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm

[4]. Nguyễn Đắc Đồng và nnk, 1994. Báo cáo kết quả tìm kiếm đất hiếm nhóm nặng và khoáng sản đi kèm phần Tây Bắc Việt Nam. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm

[5]. Phạm Vũ Đương và nnk, 1992. Báo cáo địa chất kết quả tìm kiếm đất hiếm phóng xạ Yên Phú (Hoàng Liên Sơn), Phù Hoạt (Nghệ An). Lưu trữ Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm

[6]. Bùi Tất Hợp và nnk, 2007. Báo cáo thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản rắn (trừ vật liệu xây dựng thông thường); đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng và đề xuất biện pháp quản lý. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm

[7]. Trịnh Đình Huấn (2011). Báo cáo kết quả điều tra đánh giá tiềm năng đất hiếm khu vực Bến Đền, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Lưu trữ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội.

[8]. Trịnh Quang Ưu và nnk,1986. Báo cáo địa chất kết quả thăm dò tính trữ lượng quặng phong hóa đất hiếm phần nam thân quặng F.3 Mỏ đất hiếm Đông Pao-Lai Châu. Lưu trữ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội.

[9]. I. Ia Vlasov, Iu. D. Efremov, Cao Sơn, 1961. Báo cáo kết quả công tác tìm kiếm - thăm dò mỏ đất hiếm Nậm Xe (bản dịch) Lưu trữ Liên đoàn Địa chất xạ - hiếm

[10]. Greta J. Orris1 and Richard I. Grauch, 2002. Rare Earth Element Mines, Deposits, and Occurrences. Open-File Report 02-189, U.S. Geological survey.

[11]. Stephen B. Castor and James B. Hedrick, 2003. Rare Earth Elements. Industrial Minerals and Rocks, tr. 769- 792.

[12]. L.E. Taylor, J.A. Hillier A.Z. Mills, R. White at all, 2004. World Mineral Statitics 1998-2002. Minerals Programe Publication No. 16, Brictish Geological Survey

[13]. Japan international cooperation agency metalming agency of Japan, 2002. Báo cáo thăm dò thân quặng F.3 mỏ đất hiếm Đông Pao - Lai Châu.

Theo Drrm.

Trở lại      In      Số lần xem: 7533

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD