Theo thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 ngày giữa tháng 11/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước giảm nhẹ. Giá mủ cao su tiểu điền được các doanh nghiệp thu mua dao động quanh mức 290-330 đồng/độ mủ.
 
Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 290-330 đồng/ độ mủ, giảm 2 đồng/độ mủ so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Dương, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa thu mua ở mức từ 328-330 đồng/độ mủ.
 
Hoạt động sản xuất cao su đang dần khôi phục, do đó xuất khẩu cao su đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thiếu hụt lao động khai thác cao su và dịch bệnh bùng phát lại ở nhiều địa phương đang là những vấn đề nan giải với ngành cao su.
 
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, tháng 10/2021, xuất khẩu cao su đạt 204,66 nghìn tấn, trị giá 339,44 triệu USD, tăng 5,4% về lượng và tăng 25,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 1,49 triệu tấn, trị giá 2,49 tỷ USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 47,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam trong tháng 10/2021, chiếm 70,8% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.631 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 9/2021 và tăng 17,3% so với tháng 10/2020.
 
Lũy kế 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 1,04 triệu tấn, trị giá 1,69 tỷ USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
 
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Xuất khẩu cao su trong thời gian qua tăng trưởng cao là do các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam.
 
Nhờ đầu tư kỹ thuật chăm sóc cao su tốt hơn so với các nước, những năm qua, bệnh nấm lá không còn ảnh hưởng nhiều đến năng suất của cao su Việt Nam. Trong khi đó, có khoảng 0,6 triệu ha cao su trưởng thành ở các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… bị hư hại. Ngoài ra, mưa trái mùa cũng làm gián đoạn việc thu hoạch mủ ở Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ.
 
Trên thị trường thế giới, trong 10 ngày giữa tháng 11/2021, giá cao su trên các sàn giao dịch châu Á phục hồi sau khi giảm trong 10 ngày đầu tháng.
Giá cao su hồi phục khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đang tăng cao. Giới đầu tư kỳ vọng quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ được cải thiện sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
 
Tuy nhiên, thị trường đang trong bối cảnh lo ngại bất ổn từ thị trường bất động sản Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Giá cao su cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại.
 
Dự báo, giai đoạn 2021-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.
 
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), ngày 19/11/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2022 ở mức 222,7 Yên/kg (tương đương 1,95 USD/kg), tăng 4,3% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau khi Chính phủ nước này đưa ra gói chi tiêu gần nửa nghìn tỷ USD, nhằm giảm tổn thất từ đại dịch và giúp tăng trưởng kinh tế cùng với nhu cầu hàng hóa công nghiệp.
 
Tại sàn SHFE Thượng Hải , giá cao su tự nhiên đã liên tục tăng từ ngày 10/11/2021 đến 16/11/2021, điều chỉnh giảm trong ngày 17/11/2021 và 18/11/2021, sau đó tiếp tục xu hướng tăng vào ngày 19/11/2021. Ngày 19/11/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2022 giao dịch ở mức 14.980 NDT/tấn (tương đương 2,34 USD/tấn), tăng 7,1% so với 10 ngày trước đó và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Tương tự, tại Thái Lan, ngày 19/11/2021 giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 60,3 Baht/kg (tương đương 1,83 USD/kg), tăng 2,6% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Thanh Nguyễn - Haiquanonline.