Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  18
 Số lượt truy cập :  33278994
Bón phân vi sinh cho lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ tư, 07-03-2012 | 14:15:50

Đặng Kiều Nhân(1) và Phan Thị Công(2)

 (1)Viện nghiên cứu & phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ
(2)Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản của quốc gia. Dự thảo “chiến lược an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” xác định tầm quan trọng chiến lược của sản xuất lúa ở ĐBSCL, theo đó diện tích lúa ở đây sẽ được duy trì khoảng 1,7 triệu ha.

Kết quả nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho thấy mức độ thâm canh của sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn tiếp tục gia tăng. Trong giai đoạn 2000–2007, diện tích canh tác lúa của vùng có khuynh hướng giảm, trung bình 1%/năm, do chuyển dịch sản xuất lúa sang cây trồng khác hoặc thủy sản, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng đều đặn 2%/năm. Thâm canh lúa bằng cách tăng vụ và gia tăng đầu tư vật tư nông nghiệp thì không phải là giải pháp tốt về kinh tế và bền vững về môi trường. Năng suất lúa phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu tư phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong khi đó lợi tức sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào giá lúa thị trường. Điều đáng lo ngại là trong vài năm trở lại đây, giá vật tư nông nghiệp tăng nhanh hơn giá lúa thị trường.

Trong những năm 2005–2007, với sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Australia (ACIAR), các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phân Vi sinh Hà Nội và Trường Đại học Sydney, Australia đã nghiên cứu (dự án SMCN/2002/073) và thấy rằng các chủng vi sinh trong phân BioGro có thể cải thiện hiệu quả sử dụng phân đạm và phân lân trong sản xuất lúa trên nhiều loại đất khác nhau ở vùng Đông và Tây Nam bộ. Với kết quả đó, ACIAR tiếp tục tài trợ cho nhóm nghiên cứu nhằm thẩm định kết quả nghiên cứu này trên các tỉnh phía Nam đồng thời thực hiện những nghiên cứu sâu hơn để đánh giá mối quan hệ giữa hoạt tính của các vi sinh vật trong phân và độ phì thực tế của đất và ứng dụng được trong thực tế sản xuất. Mục tiêu của nghiên cứu là giúp người nông dân giảm lượng phân đạm hoá học sử dụng để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa thông qua sử dụng các chủng vi sinh có ích trong phân BioGro. Kết quả nghiên cứu ứng dụng này sẽ góp phần nâng cao tính bền vững về kinh tế và môi trường trong sản xuất lúa cao sản.

Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2009, nghiên cứu được thực hiện trên 10 ruộng của nông dân ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và trên 8 ruộng của nông dân ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Điểm nghiên cứu đại diện cho 2 tiểu vùng sinh thái sản xuất lúa thâm canh của ĐBSCL. Xã Mỹ Thành Nam là vùng đất phù sa, nước ngọt, tưới tiêu chủ động và được xem là vùng thâm canh lúa cao nhất ở ĐBSCL. Ở đây, canh tác lúa 3 vụ/năm được thực hiện từ đầu thập niên 1980. Xã Tân Bình được xem là vùng nước ngọt, nhiễm phèn trung bình, tưới tiêu chủ động và bắt đầu canh tác lúa 3 vụ/năm từ 1995.

Phương pháp phát triển kỹ thuật có tham gia của người nông dân được áp dụng trong các nghiên cứu này. Nông dân và cán bộ khuyến nông ở địa phương cùng cán bộ nghiên cứu phân tích vấn đề và giải pháp cải thiện hiệu quả sản xuất lúa ở địa phương, triển khai thí nghiệm thực tế trên ruộng của nông dân, thu thập số liệu, đánh giá kết quả thí nghiệm và đề xuất hướng cải tiến sắp tới. Đối với mỗi nông dân tham gia nghiên cứu, 2000 m2 ruộng được sử dụng để làm thí nghiệm và chia thành 2 lô bằng nhau: (1) bón phân hóa học theo liều lượng của người nông dân và (2) sử dụng liều lượng của người nông dân nhưng giảm từ 25 đến 50% lượng phân đạm của lô 1 đồng thời bón kèm 300 kg phân BioGro. Giống sử dụng là các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng 80–85 ngày. Mật độ sạ khoảng 120–150kg giống/ha. Lượng phân trung bình là 90N-70P2O5-60K2O ở huyện Cai Lậy và 80N-60P2O5-30K2O ở huyện Phụng Hiệp. Các chỉ tiêu lý-hoá học đất, đặc tính nông học và năng suất lúa, và hiệu quả kinh tế của bón phân BioGro được phân tích và đánh giá.

Quan sát trực tiếp trong thời gian làm thí nghiệm, ý kiến của nông dân ở hai điểm nghiên cứu cho rằng có bón phân BioGro và giảm phân hoá học giúp cho lúa cứng cây hơn và hạn chế đổ ngã, rễ lúa dài hơn, lá lúa bớt xanh và như vậy ít sâu bệnh hơn. Tuy nhiên, nông dân cũng cho rằng phân BioGro nặng và ướt nên khó bón và tốn nhiều công lao động. Do đó, gia tăng mật số vi sinh để làm giảm lượng phân phải khuân vác ra đồng và chọn chất nền thích hợp cho phân BioGro cần được quan tâm.

Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy hiệu quả phân BioGro trên năng suất lúa ở vụ hè thu trong thí nghiệm này thấp hơn trong vụ đông xuân của các nghiên cứu trước đây. Hơn nữa, tính khả thi về mặt kinh tế của việc áp dụng phân vi sinh này còn tùy thuộc vào giá thành sản xuất phân vi sinh và giá phân hoá học trên thị trường. Ngoài ra hiệu quả của việc giảm 50% lượng phân đạm bón sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và sức khỏe cộng đồng thông qua giảm thiểu dịch hại, mà điều này chưa được đánh giá. Nhóm nghiên cứu tiếp tục làm thí nghiệm trên ruộng của nông dân để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của phân BioGro trước khi triển khai ra diện rộng ở ĐBSCL.

Trở lại      In      Số lần xem: 6411

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD