Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
Thứ ba, 10-05-2016 | 07:58:22
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
I. Thị trường thế giới
Tại Ấn Độ, mùa vụ tới trễ ở nhiều khu vực – có lo ngại rằng sản lượng có thể giảm ở một số vùng. Hình ảnh rõ ràng về số lượng sẽ chỉ có vào cuối tháng 5 đầu tháng 6. Sản lượng nhân điều trên mỗi tấn điều thô (nguyên vỏ) từ tất cả các vùng trồng thấp hơn bình thường.
Cùng với sự tăng giá điều thô, thị trường điều nhân sau một thời gian rất dài ổn định về giá đã bắt đầu có sự nhích nhẹ. Giá đã tăng vài cents mỗi tuần kể từ giữa tháng 3. Do mùa vụ tới trễ và các nhà chế biến Ấn Độ giảm mua, lượng nhân điều có trong kho từ tháng 4 – 6 sẽ giảm. Một vài người mua cũng đang tập trung mua tích trữ cho quý 3.
Tuần đầu tiên của tháng tư, giao dịch được thực hiện đối với điều nhân loại W240 là 3,90 – 4 USD/lb và loại W320 là 3,70 – 3,80 USD/lb (FOB) cho các lô hàng vận chuyển trong tháng tư, tháng năm và tháng sáu. Đến giữa tháng 4, giá của các chủng loại trên đã có sự nhích nhẹ, theo đó, điều nhân loại W240 được giao dịch với mức giá là 3,95 – 4,10 USD/lb; W320: 3,75 – 3,95 USD/lb; W450: 3,60 – 3,75 USD/lb; SW320: 3,50 – 3,65 USD/lb; loại nhân vỡ dọc: 3,20 – 3,35 USD/lb; điều mảnh: 3,05 – 3,15 USD/lb (FOB).
Tại thị trường Bắc Ấn, nguồn cung điều vỡ dọc và điều mảnh không theo kịp với nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước trong mùa hè khi nguồn cung của hai loại này trong nguồn cung hạt thô của Ấn Độ ít hơn rất nhiều.
Giá điều thô hiện nay rất cao. Chênh lệch giá giữa Ấn Độ và Việt Nam hiện nay là hơn 15%. Chi phí chế biến tại nước này hiện đang thấp hơn Việt Nam tuy nhiên, ngay cả nếu giá chế biến điều nhân W320 là 4 USD/pound (FOB) trở thành hiện thực, mức giá này dù đã có lợi cho ngành sản xuất điều Việt Nam nhưng lại không mang lại lợi nhuận cho ngành sản xuất điều của Ấn Độ. Nhiều nhà chế biến Ấn Độ đã phải giảm công suất. Nếu giá điều thô không giảm đáng kể hoặc giá điều nhân không tăng thêm chút nữa, các nhà chế biến sẽ không thể mua lượng điều thô họ cần.
Tại Braxin, còn vài tháng nữa (05/8/2016) sẽ diễn ra Thế vận hội Rio De Janeiro 2016 tại Braxin. Vì thế ngay từ lúc này, nhiều nhà máy chế biến điều tại Braxin phải dự trữ nguyên liệu phục vụ cho thế vận hội quan trọng này. Dự báo 100% sản lượng điều thô trong nước của Braxin năm nay sẽ dành để tiêu thụ nội địa, thay vì chế biến xuất khẩu đi các nước Bắc Mỹ như mọi năm. Tuy nhiên, nền kinh tế và chính trị Braxin năm nay đang có nhiều bất ổn, đồng Real liên tục mất giá so với USD,… có thể sẽ có những tác động lớn lên ngành điều của nước này trong thời gian tới.
II. Thị trường trong nước
1. Thị trường
Sau một đợt tăng giá mạnh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 do nhu cầu thu mua phục vụ chế biến tăng, giá thu mua hạt điều tại Bình Phước đã giảm khá mạnh xuống mức 31.000 đ/kg, giảm khoảng 2.000 – 3.000 đ/kg so với mức giá cao đạt được trong tháng 4 bởi đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch, chất lượng hạt thấp do tỉ lệ hạt nổi (các hạt khô/non, thường nhẹ và nổi khi cho vào nước) nhiều. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá khá cao vào thời điểm này.
Hạt điều khô sau một thời gian trầm lắng, hiện đã bắt đầu có nhiều giao dịch trở lại và giá đang duy trì ở mức cao là 41.000 đ/kg.
Tình trạng khô hạn sẽ khiến sản lượng điều năm nay thấp hơn năm 2015. Trong khi đó, lượng điều nguyên liệu tồn đang ở mức rất thấp, các doanh nghiệp phải chờ đến chính vụ trong nước và Campuchia thu hoạch mới có nguyên liệu chế biến.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) hiện hợp tác với Bờ Biển Ngà nhằm tăng nguồn cung nguyên liệu điều, tuy nhiên, thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro: Lô hàng bị hủy ngang, đối tác trì hoãn giao hàng, yêu cầu hỗ trợ giá… Mặt khác, hiện giá nguyên liệu ở mức cao, trong khi giá nhân điều không tăng, khiến ít doanh nghiệp mua vào vì sợ lỗ. Một số lô nguyên liệu nhập từ các nước châu Phi năm 2016 đã trên 1.600 USD/tấn, trong khi năm ngoái, chỉ ở mức 1.200 – 1.350 USD/tấn.
2. Xuất nhập khẩu
Trong ba tuần đầu tháng, giá xuất khẩu điều nhân sang một số thị trường đã tăng nhẹ do nhu cầu mua xa của khách hàng Hoa Kỳ, EU, Úc,… tăng. Đặc biệt là Úc khi họ cần hàng cho mùa Đông đang tới gần và Hoa Kỳ, EU khi tồn kho trong nước ở mức khá thấp so với nhiều năm trở lại đây. Mặc dù giá tăng nhưng biên độ giá giữa giá cao nhất (nhóm DN lớn, có ISO và HACCP) và thấp nhất (DN nhỏ không có ISO, HACCP) đang bị kéo dãn. Người mua có xu hướng tin tưởng mua hàng từ những doanh nghiệp có thương hiệu, có ISO, HACCP để đảm bảo an toàn về chất lượng, giao hàng cũng như an toàn trong thanh toán.
Theo đó, nhân hạt điều WW320 xuất khẩu sang thị trường Đức tăng khoảng 0,22 USD/kg, hiện đạt 7,98 USD/kg; Hạt điều nhân sấy khô đã qua chế biến loại W320 xuất khẩu sang Thụy Sĩ tăng 0,06 USD/kg, đạt 7,67 USD/kg; Nhân hạt điều loại WW240 xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 0,11 USD/kg, đạt 8,33 USD/kg.
Tham khảo giá xuất khẩu hạt điều tuần từ 28/3 – 18/4/2016
(Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại)
Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 4 năm 2016 ước đạt 32 nghìn tấn với giá trị 244 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2016 đạt 91 nghìn tấn với 689 triệu USD, tăng 7,1% về khối lượng và tăng 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2016 đạt 7.560 USD/tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 29,25%, 18,46% và 12,49% tổng giá trị xuất khẩu. Ba tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Hà Lan (32,92%), Anh (31,26%), Đức (38,1%) và Nga (42,9%).
III. Nhận định và dự báo
Giá xuất khẩu điều nhân trong thời gian tới dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức tốt bởi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Úc, Hoa Kỳ, EU tăng khi Úc đang cần nguồn hàng để chuẩn bị cho mùa đông đang đến gần và tồn kho trong nước của Mỹ, EU ở mức khá thấp so với nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam vào EU và Hoa Kỳ năm 2016 được dự báo sẽ gặp nhiều rào cản về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Trương Thu Phương - Nghenong. |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trở lại In Số lần xem: 4035 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|