GS-TS Bùi Chí Bửu: Lúa ma – tài nguyên di truyền quý cần được bảo tồn
Thứ bảy, 23-03-2024 | 07:41:38
|
Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho biết, lúa ma (hay còn gọi là lúa hoang) và lúa cỏ (hay còn gọi là lúa lộn) là hai loại khác nhau. Trong đó, lúa ma là nguồn di truyền quý hiếm cần phải bảo tồn, còn lúa cỏ là loại phải loại bỏ vì có ảnh hưởng xấu đến năng suất lúa trồng.
Liên quan vấn đề nêu trên, KTSG Online đã có cuộc trao đổi với GS-TS Bùi Chí Bửu, Nguyên viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một chuyên gia nghiên cứu về lúa ma.
Lúa ma hay còn gọi là lúa hoang khác với lúa cỏ hay còn gọi là lúa lộn. Trong ảnh là lúa ma. Nguồn ảnh: Bùi Chí Bửu Lúa ma khác lúa cỏKTSG Online: Lúa ma và lúa cỏ giống hay khác nhau, thưa ông?
– GS-TS Bùi Chí Bửu: Lúa cỏ tiếng Anh là “weedy rice”, tức là cỏ nhưng giống y như cây lúa trồng, chứ không phải lúa ma. Tuy nhiên, lúa cỏ khác lúa trồng ở chỗ nó trổ trước khoảng một tuần và hạt lúa cỏ “chín tới đâu rụng tới đó”. Hạt lúa cỏ rơi xuống ruộng có thể tồn tại 2-3 năm và khi gặp điều kiện thuận lợi có thể nảy mầm, sinh trưởng và cạnh tranh dinh dưỡng với lúa trồng nên người ta gọi đó là lúa cỏ.
Tại sao có lúa cỏ? nguyên nhân là trong ruộng lúa có lai tạp khoảng 2%, dù lúa là cây tự thụ phấn ngậm, tức khó lai tạp nhưng vẫn có tạp giao 2%. Điều này có nghĩa, trong 100 cây sẽ có 2 cây, trong khi mỗi cây lại có rất nhiều hạt nên nó sẽ gia tăng mật độ theo cấp số nhân.
Khi bị tạp giao, cây con lên sẽ phân ly lại dạng hình của tổ tiên là lúa hoang hay lúa bản địa, cho nên, những đặc tính xấu được thể hiện, đó là rụng hạt, hạt có màu đen hoặc màu đỏ và có đuôi. Tuy nhiên, nó lại rất giống cây lúa trồng nên giai đoạn đầu khó phân biệt đâu là lúa cỏ, đâu là lúa trồng nên khó loại bỏ.
Còn lúa ma là hoàn toàn khác, đó là cây lúa tổ tiên của giống lúa trồng, thân lúa ma ngã rạp khi ở trên cạn hoặc trôi nổi khi trong điều kiện nước. Lúa ma nằm ở bờ kênh rạch và nó là loại hình cây đa niên, trong khi lúa cỏ là cây hàng niên, tức cây chết đi và hạt lên cây mới.
Lúa ma hay còn gọi là lúa hoang trên thế giới có khoảng 20 loài, trong đó Việt Nam có 4 loài, nhưng ở ĐBSCL có 2 loài là Oryza rufipogon và Oryza officinalis. Đối với Oryza officinalis cho nguồn gen rất quý được sử dụng làm vật liệu kháng rầy nâu, trong khi loài lúa hoang Oryza rufipogon còn quý hơn khi vừa chịu mặn, chịu ngập, vừa chịu được điều kiện nhiệt độ nóng lên khi biến đổi khí hậu và cả điều kiện thiếu lân trong đất.
Lúa ma cho nguồn gen rất quý, nhất là khi nằm ở ngoài tự nhiên nó sẽ tiếp tục tiến hoá và đa dạng di truyền càng ngày càng tăng lên.
Giống AS996 được tạo ra từ lúa hoang và giống IR 64. Nguồn ảnh: Bùi Chí Bửu Là vật liệu di truyền tạo giống lúa trồng với khả năng chống chịu tốtKTSG Online: Lúa ma là tổ tiên của cây lúa trồng ngày nay, ông có thể nói rõ hơn việc này?
– Lúa ma là vật liệu di truyền, cho nguồn gen rất phong phú. Hiện nay, Chính phủ cũng có chương trình lớn ở Tràm Chim (Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp- PV) là bảo tồn lúa ma.
Ngoài ra, mình cũng bảo tồn theo kiểu lưu giữ trong ngân hàng gen ở các điều kiện nhiệt độ khác nhau (âm 70 độ C hoặc từ âm 10 đến dương 20 độ C). Điều này có thể giúp bảo quản được trong rất nhiều năm, nhưng nó sẽ không tiến hoá nữa, tức làm mất đa dạng di truyền của lúa ma.
Song song đó, hiện nay nông dân giữ theo kiểu… “nông dân”, tức giữ sinh trưởng ngoài tự nhiên, việc này sẽ giúp lúa ma tiếp tục tiến hoá, làm phong phú đa dạng di truyền.
Lúa ma là nguồn vật liệu bố mẹ rất quý hiếm và các nước họ cũng quản lý rất kỹ, không dám bỏ. Có những nước đa dạng di truyền lớn như Trung Quốc, họ có đến mười mấy loài khác nhau, hay Thái Lan họ cũng bảo tồn tài nguyên quý này, thậm chí có vùng người ta không cho dân đi vào, giống như rừng được bảo tồn.
Trong khi đó, Việt Nam còn nghèo nên chưa có chương trình quy mô lớn, thậm chí ngân hàng gen hiện nay đầu tư vẫn còn hạn chế. Do đó, bà con nông dân vẫn còn giữ được lúa ma tôi rất kính trọng và cám ơn họ còn giữ quần thể đó.
KTSG Online: Cụ thể, từ nguồn vật liệu di truyền lúa ma, các nhà khoa học đã nghiên cứu, lai tạo thành công như thế nào, thưa ông?
– Năm 1996, tôi và một nhà khoa học người Anh sưu tập ba quần thể trong Tràm Chim và một trong số đó hiện được lưu giữ tại ngân hàng gen của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Tôi dùng một mẫu quần thể đó lai với giống IR 64.
Sau đó, khi con lai ra đời, tôi tiếp tục hồi giao với giống IR 64 rất nhiều lần (IR 64 có đặc tính cao sản). Quá trình đó, những đặc tính xấu- tốt xuất hiện và mình khắc phục bằng cách giữ lại đặc tính tốt trong quá trình làm hồi giao.
Sau khoảng 11 năm thực hiện, ra được một dòng gọi là dòng dẫn suất (giống AS996), có nguồn gốc từ lúa hoang ở vùng Đồng Tháp Mười, nhưng có dạng hình cây lúa như giống IR 64. Hệ gen của nó có những hệ gen IR 64 mất đi và được bổ sung hệ gen tốt của lúa hoang như gen chịu nóng, chịu mặn, chịu khô hạn, chịu được điều kiện thiếu lân trong đất phèn…, thậm chí chống chịu được đạo ôn và rầy nâu.
Vật liệu AS996 hiện nay được nhiều nước sử dụng, trong đó, nhiều nhất là Nhật dùng để nghiên cứu về di truyền của các tính trạng chống chịu điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Các đồng nghiệp của tôi ở Viện Di truyền cũng sử dụng AS996 làm nguồn vật liệu để công bố rất nhiều bài báo nổi tiếng thế giới về các tính trạng nghiên cứu về di truyền cây lúa. Bởi lẽ, mình không thể lấy lúa hoang nghiên cứu trực tiếp, mà phải biến đổi lúa hoang thành dòng dẫn suất hay gọi là dòng trung gian.
Công trình nghiên cứu này của tôi cũng được giải thưởng “Nhà chọn giống giỏi châu Á” do IRRI trao tặng vào năm 2008.
GS-TS Bùi Chí Bửu, Nguyên viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, chuyên gia về lúa ma. Ảnh: Trung Chánh Lúa cỏ có thể gây thiệt hại 60% năng suất lúa trồngKTSG Online: Trở lại vấn đề lúa cỏ, nó tác động thế nào đến cây lúa trồng của chúng ta, nếu không có biện pháp quản lý, thưa ông?
– Nó sẽ làm mất 40-60% năng suất lúa trồng nếu chúng ta không quản lý tốt. Chẳng hạn, ở Malaysia hoặc các nước châu Phi, đồng ruộng họ không được san phẳng khi sạ nên lúa cỏ phát triển rất nhiều vì nó rất giống lúa trồng nên rất khó loại bỏ.
Tuy nhiên, với kỹ năng, trình độ kỹ thuật của bà con nông dân vùng ĐBSCL hiện nay, thì việc quản lý lúa cỏ là trong tầm tay, nhất là với việc sử dụng thuốc cỏ tiền nảy mầm.
Ngoài ra, đồng ruộng của vùng ĐBSCL rất phẳng, nông dân hoàn toàn có thể xử lý cho lúa cỏ lên rồi trục lại một lần trước khi sạ là có thể quản lý được lúa cỏ. Trong khi đó, ở khu vực bị nặng có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật sạ hàng hoặc cấy để quản lý.
KTSG Online: Lúa cỏ có ảnh hưởng đến chất lượng gạo lúa trồng hay không, thưa ông?
– Khi mình thu hoạch lúa trồng thì hầu như không còn hạt lúa cỏ nữa vì nó đã rụng hết, cho nên, không ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, lúa cỏ cạnh tranh dinh dưỡng rất mạnh với lúa trồng vì sức hút phân bón của nó mạnh hơn, cho nên làm cây lúa trồng bị kiệt quệ, thậm chí không có bông.
KTSG Online: Ông có thêm lời khuyên nào đối với lúa ma và lúa cỏ hay không?
– Tôi chỉ khuyên bà con nông dân cần phải phân biệt được lúa ma với lúa cỏ. Trong đó, đối với lúa ma thì cứ bảo quản nó, có thể cắt nhưng đừng cắt triệt để; còn với lúa cỏ thì phải dùng kỹ thuật sản xuất “1 phải – 5 giảm”, tức phải dùng giống xác nhận và phải giảm mật độ gieo sạ, sạ hàng…
Còn nếu vùng nào bị nặng thì dùng thuốc diệt cỏ triệt sinh hoặc xử lý cho lúa cỏ lên rồi trục để diệt, nhưng mặt ruộng phải phẳng.
KTSG Online: Cảm ơn ông! Trung Chánh - KTSG Online |
Trở lại In Số lần xem: 340 |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|