Hồ tiêu giữ cay, không "đắng"
Thứ năm, 24-01-2013 | 15:59:43
|
Năm 2012, Việt Nam tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân thế giới về xuất khẩu (XK) hồ tiêu, chiếm 50% khối lượng giao dịch toàn cầu. Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại 80 thị trường. Đặc biệt, đây là mặt hàng nông sản hiếm hoi tăng giá trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù trong tổng số gần 2 triệu ha cây công nghiệp cả nước, hồ tiêu chỉ chiếm 2,5% về diện tích nhưng lại chiếm trên 8% giá trị XK. Bình quân mỗi ha hồ tiêu cho giá trị XK đạt 6.800 USD/năm, cao gấp 4 lần cao su; gấp 8 lần hạt điều; gấp 2,6 lần cà phê; gấp 6 lần chè. Mỗi ha có thể đem lại lợi nhuận cho người trồng tiêu từ 200 - 250 triệu đồng/năm.
Giá tăng gấp 6 lần…
Năm 2012, lượng tiêu XK đạt 118.000 tấn, kim ngạch 802 triệu USD, giảm 4,3% về lượng nhưng tăng 9,6% về giá trị so với năm 2011. Giá tiêu XK bình quân 11 tháng đạt 6.792 USD/tấn, tăng 15,8% so với năm trước. Các thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Mỹ (chiếm 14,7% thị phần), Đức (10,1%), UAE (8,48%). XK hạt tiêu sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng so với năm 2012. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là thị trường Singapore (tăng 105,68%), Kuwait (78,67%), Canada (76,9%), Australia (71,5%), Italia (67,17%)...
Bước vào năm 2013, thị trường hồ tiêu thế giới lại chứng kiến những phiên giao dịch với giá cả tăng mạnh, do nhu cầu tiêu dùng đang tăng khi Ấn Độ và nhiều quốc gia đang bước vào mùa lễ hội, trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế. Theo Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), dự kiến sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm 2013 đạt 319.000 tấn, giảm mạnh so với 327.000 tấn của năm 2012. Đó là động lực khiến giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng.
Việt Nam có rất nhiều mặt hàng nông sản đứng thứ nhất, nhì thế giới về XK. Về quy luật thị trường, nước càng XK nhiều thì lợi thế điều tiết thị trường càng lớn và giá bán của mặt hàng bất kỳ do nước XK nhiều chi phối. Thế nhưng, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam tuy XK nhiều, nhưng giá trị ngày càng sụt giảm, bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Tuy nhiên, hồ tiêu là mặt hàng duy nhất mà nông dân Việt Nam làm chủ được thị trường, do biết điều tiết lượng hàng nên ổn định được giá bán, nhờ đó chi phối được thị trường thế giới.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thông thường mỗi chu kỳ biến động giá của hồ tiêu thế giới khoảng 3 - 5 năm, tức là cứ 2 - 3 năm giá tăng thì sẽ có 2 năm giá giảm. Thế nhưng, liên tục đã 6 năm qua, giá bán tiêu của nông dân Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, diễn biến giá tiêu nội địa bình quân năm 2008 khoảng 20.000 đồng/kg, năm 2009 lên 30.000 đồng/kg, năm 2010: 50.000 đồng/kg, năm 2011: 120.000 đồng/kg và năm 2012 lên 130.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA, khẳng định: "Chính người nông dân đã tạo ra sự khác biệt cho ngành hàng hồ tiêu!". Nông dân trồng tiêu của Việt Nam đã biết cách chủ động nắm bắt thông tin, trang bị máy tính, thành thạo internet. Nhiều hộ trồng tiêu lớn đã biết cách đầu tư tài chính mua thông tin về những diễn biến, biến động trên thị trường thế giới của các hãng thông tấn uy tín, chính vì vậy mà theo sát được thị trường và có quyết định đúng đắn: khi thị trường giảm giá thì giảm lượng bán ra, khi giá tăng thì mới tăng lượng bán. Thực chất, đây là một hình thức tạm trữ trong dân mà chưa một ngành hàng nào làm tốt hơn hồ tiêu. Để có được thành quả này, nông dân trồng hồ tiêu Việt Nam đã được "tập dượt" trữ hàng nhiều năm nay và đây là năm thứ 5 liên tục, Việt Nam điều tiết được thị trường hồ tiêu thế giới, giá năm sau luôn tốt hơn giá năm trước.
Nguy cơ từ tăng trưởng "nóng"
Giá tiêu tăng, người trồng tiêu đang thu siêu lợi nhuận, nên ở nhiều nơi, phong trào ồ ạt trồng tiêu đang diễn ra với tốc độ tăng chóng mặt bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng. Tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh Tây Nguyên, việc đốn chặt hàng loạt vườn cà phê, điều, cao su... để trồng tiêu đang diễn ra khá mạnh đã phá vỡ quy hoạch sản xuất của địa phương. Theo VPA, quy hoạch hồ tiêu của cả nước chỉ có 50.000ha nhưng nay đã đạt 62.000ha và có thể tăng lên 80.000ha thời gian tới.
Làn sóng phát triển tiêu ồ ạt sinh ra nhiều vườn tiêu mới được trồng ở những nơi điều kiện sinh thái, đất đai chưa phù hợp, việc đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, dễ dãi trong khâu lựa chọn giống từ vườn nhà, giống trôi nổi, không chọn lọc đã dẫn đến một thực trạng là dịch bệnh trên loại cây trồng này tăng tốc mạnh.
Những vườn tiêu bị mắc bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm, bệnh thối rễ, tụ tuyến trùng… khiến nhiều hộ nông dân lao đao. Chính vì một diện
tích rất lớn cây tiêu không thể cho thu hoạch là nguyên nhân lý giải vì sao diện tích tăng nhưng sản lượng lại sụt giảm trong năm 2012 vừa qua. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2012, năng suất bình quân hồ tiêu giảm xuống chỉ còn 2,4 tấn/ha, trong khi vào năm 2010 là 3 - 3,5 tấn/ha.
Ông Nam nhận định: "Giá hồ tiêu đang tốt như vậy, thì diện tích tăng tự phát của nông dân không thể tránh khỏi. Việc này Hiệp hội và địa phương phải khuyến cáo rất chi tiết đến từng cơ sở. Thực trạng phát triển tiêu một cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch như hiện nay là mối nguy hiểm cho ngành hồ tiêu Việt Nam. Nếu diện tích cứ tiếp tục tăng sẽ dẫn đến tình trạng sản lượng tăng vọt trong 3 - 5 năm tới, nguy cơ cung vượt cầu, đẩy ngành hồ tiêu đến nguy cơ bị hạ giá".
Trong khi đầu tư cây tiêu đòi hỏi cần nhiều vốn, suất đầu tư trồng mới một ha tiêu gấp 8 - 9 lần cây cao su; 3 - 4 lần cây cà phê, nên nếu gặp rủi ro thì nông dân sẽ chịu hậu quả không nhỏ. Kinh nghiệm cho thấy nhiều người trở thành tỷ phú cũng do tiêu và trắng tay cũng do tiêu, vì thế người dân cần cân nhắc để không phát triển tự phát tràn lan.
Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, theo VPA, vấn đề cốt lõi vẫn là quy hoạch vùng trồng. VPA kiến nghị Bộ NN&PTNT tiến hành rà soát lại
quy hoạch, đề ra chỉ tiêu phát triển cây hồ tiêu trong khoảng 5 - 10 năm, trên cơ sở so sánh lợi thế và xu hướng phát triển với các cây khác. Các địa phương cần nghiêm túc rà soát lại quy hoạch trồng tiêu, từng bước giảm diện tích tiêu ở những vùng không có lợi thế để chuyển sang cây trồng khác.
Thu Hường - Thời báo Kinh Doanh
|
Trở lại In Số lần xem: 2258 |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|