Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  85
 Số lượt truy cập :  34068985
Nhìn lại 60 năm các hoạt động của ngành bảo vệ thực vật ở các tỉnh-thành, phía Nam
Thứ tư, 11-11-2015 | 12:47:16

Hồ Văn Chiến

(Trung tâm Bảo vệ thực vật – phía Nam)

 

Nhìn lại, 60 năm phát triển ngành BVTV của cả nước thì các tỉnh/thành phía Nam đã có 20 năm trong thời chiến. Diện tích canh tác nông nghiệp thời bấy giờ không thể thống kê được vì chiến tranh và có rất nhiều diện tích bị bỏ hoang. Các giống lúa trồng chủ yếu là giống lúa mùa địa phương như: Vé Vàng, Nàng Thơm, Sóc nâu, Đốc Phụng, Móng Chim, Cà Đung, Tàu Chệt Cụt, Tàu Hương, Ba Kiếu, Tráng Lựa, Tiều Mẵng, Huyết Rồng, Châu Hạng Võ…. mãi đến năm 1967 mới có giống lúa ngắn ngày từ IRRI là IR5 và IR8, rồi những năm tiếp sau đó có thêm các giống IR20, IR22, IR26, IR30, Thần nông 73-2. Thuốc BVTV thì hàng năm nhập biến động từ 50 tấn đến 400 tấn từ các nước Hà Lan, Tây Đức, Trung Quốc, Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật và Thuỵ Điển do Tổng Nha Canh Nông Sài Gòn quản l‎í. Có 15 loại thuốc trừ sâu, 2 loại trừ bệnh, 2 lại trừ chuột và 1 loại trừ ốc. Các loài sâu hại bệnh hại chính trên lúa là sâu đục thân, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen và bệnh hại là đạo ôn cổ bông.

 

Đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng diện tích trồng lúa mùa dài ngày chỉ có hơn năm trăm ngàn ha, trong khi diện tích lúa ngắn ngày cao sản lên đến 900.000ha, tổng sản lượng lúa đạt khoảng gần 7 triệu tấn (chiếm 70% cả nước).

 

Năm 1977-1978, dịch rầy nâu đã bộc phát trên 1 triệu ha nhiều diện tích bị cháy rầy, năng suất giảm từ 30-50%, thiệt hại khoảng 1 triệu tấn lúa. Song song đó là bệnh lùn lúa cỏ và bệnh lùn xoắn lá xuất hiện trên 30.000ha. Lượng thuốc phòng trừ rầy nâu trong hai năm này bình quân hơn 10 ngàn tấn trên năm. Về giống lúa kháng rầy nâu được IRRI chuyển 200 tấn giống IR36 hay còn có tên khác là IR2071-625-1-252 (NN3A) phân phối cho các địa phương để nhân giống vào cuối năm 1977 và đến vụ HT1978 lượng giống có thể gieo cấy lên đến 65.000ha. Các giống được khu vực hoá tiếp theo là NN5A (IR2071-123-3-3 hay LĐ2), NN7A (IR9129-192-2-3-5), NN8A (IR38) hay nhóm giống dài ngày thì có NN2B (IR2823-399-5-6), NN3B (IR2797-115-3), NN4B (IR42)….Đây là những giống kháng dọc (vertical resistance) đối với rầy nâu, do vậy đến năm 1988 thì giống NN4B (IR42) bị cháy rầy ở tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) cho thấy rằng áp lực giống kháng dọc bị phá vỡ. Những năm sau đó, rầy nâu khi tạm lắng, khi lại bùng phát. Nhiều đợt dịch rầy nâu đã được ghi nhận trong các năm 1990 – 1991 và 1996 – 1997, rộng khắp ở các tỉnh thành phía Nam. Trong vụ Hè Thu năm 1998, diện tích lúa bị hại do rầy nâu ở các tỉnh phía Nam lên đến 150.000ha, trong đó có 14.000ha bị hại nặng.

 

Trãi qua những trận dịch rầy nâu, trận dịch lịch sử đáng nhớ nhất của toàn ngành BVTV là trận dịch kéo dài từ năm 2006 đến 2009, vì phải huy động tổng nguồn lực của cả nước. Cả năm 2006 diện tích nhiễm rầy là 448.305ha, rầy nâu tiếp tục phát sinh trong năm 2007, 2008 và 2009; tổng diện tích nhiễm rầy cả năm biến động trên dưới 500.000ha. Bệnh VL-LXL với diện tích nhiễm trong năm 2006 là 175.764ha, trong đó 99.935ha bị nhiễm nặng, tiêu hủy 25.220ha làm ảnh hưởng đến sự thiệt hại về năng suất khoảng 700.000 tấn. Trước nguy cơ này, đầu năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã phải ra


lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo. Đến cuối năm 2007, tổng diện tích lúa nhiễm bệnh giảm còn 75.481ha. Dịch bệnh đã được liên tiếp khống chế và đẩy lùi từ 2008. Tổng diện tích lúa đã tiêu huỷ do “VLLXL” trong các vụ lúa từ 2006 đến 2008 là 37.654ha. Tổng lượng thuốc dự trữ quốc gia đã cấp cho các địa phương từ năm 2006 - 2011 là: 522,195 tấn. Sự thành công nổi bật đáng nhớ là “Chiến lược gieo sạ đồng loạt né rầy” dựa vào dữ liệu rầy nâu di trú vào bẫy đèn. Do vậy, số lượng bẫy đèn đến năm 2008 lên đến 330 bẫy ở các tỉnh thành phía Nam, và diện tích gieo sạ đồng loạt né rầy biến động từ 800 ngàn ha đến 1,2 triệu ha tuỳ theo điều kiện của từng vụ lúa trong năm.

 

Về công tác tiếp thu các Chương trình và Dự án, công tác nghiên cứu các tiến bộ KHKT, huấn luyện chuyển giao để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

 

Chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp” (IPM) ở Việt Nam được tiến hành từ giữa năm 1992 do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, đơn vị thực hiện là Cục Bảo vệ thực vật. Mục đích chính của chương trình “IPM” là nâng cao năng lực cho người nông dân qua việc nâng cao hiểu biết về kỹ thuật, về hệ sinh thái, phương pháp nghiên cứu đồng ruộng để họ chủ động tháo gỡ những khó khăn của mình trong sản xuất, và thực hiện quản lý dịch hại trên cơ sở bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Qua 10 năm thực hiện chương trình “IPM” trên cây lúa, cả nước tập huấn được 1.800 giảng viên “IPM” là cán bộ kỹ thuật, 5.000 huấn luyện viên là nông dân, có khoảng hơn 550.000 nông dân đã được huấn luyện và 90% số xã trong cả nước có trồng lúa đã có lớp huấn luyện đồng ruộng. Lượng thuốc thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học sử dụng riêng đã giảm khoảng 50-60% so với những năm chưa có áp dụng “IPM”.

 

Một số chương trình khác nổi bật trên cây lúa do “IRRI” hỗ trợ như: Chương trình “Không phun thuốc trừ sâu ăn lá ở giai đoạn 40 NSKS” được phát động tại tỉnh Long An năm 1994, những năm sau đó đã được áp dụng rộng rãi nhiều tỉnh ở ĐBSCL. Chương trình “3 Giảm-3 Tăng” được phát động tại Cần Thơ 2002 và tại Tiền Giang năm 2003 và sau đó là chương trình “1 Phải-5 Giảm” được phát động tại An Giang năm 2004, đã làm giảm đáng kể lượng giống gieo sạ từ 200-250 kg/ha xuống còn bình quân là 140 kg/ha. Ngoài ra, còn giảm được phân Đạm và thuốc trừ sâu. Chương trình “Công nghệ Sinh thái” hay “Ruộng lúa-Bờ hoa” được thực hiện từ vụ HT năm 2009, chương trình này đã thu hút và bảo tồn thiên địch một cách hiệu quả làm giảm được quần thể dịch hại, giảm được lượng thuốc trừ sâu từ 4-5 lần xuống còn 1-2 lần, tạo được cảnh quan tươi đẹp phục vụ cho “Nông thôn mới”. Đến nay chương trình này đã thực hiện ở 22 tỉnh thành phía Nam, có tổng số mô hình là 503, với 14.079ha và 13.183 nông hộ tham gia. Ngoài ra, chương trình còn áp dụng trên rau màu và cây ăn quả. Cũng chương trình này đã phối hợp với Đài PT&TH Vĩnh Long phát sóng 30 kịch bản về Công nghệ sinh thái trong 2 năm 2013 và 2014. Chương trình “Quản l‎í chuột gây hại lúa bằng biện pháp cộng đồng” “CTBS” kết hợp với “CISIRO”, Úc thực hiện 45 bẫy ở một số tỉnh vùng ĐBSCL và Bình Thuận trong 2 năm 1997 và 1998. Kết hợp với Croplife ASIA –International và “GIZ” của CHLB Đức đã tập huấn cho hàng ngàn nông dân về “Sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả” ở các tỉnh ĐBSCL.

 

Qua sự hợp tác với Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp và Lương thực Nhật Bản về tính kháng thuốc của rầy nâu từ 2007 đến nay, đã nghiên cứu và đánh giá đối với 5 gốc thuốc chính để phòng trừ rầy nâu. Đã phát hiện có những gốc thuốc mà rầy nâu kháng gấp hơn 20 lần so với một số nước trong khu vực. Từ đó đã đưa ra “Quản lí tính kháng thuốc” theo “Cơ chế tác động” chứ không như việc sử dụng luân phiên gốc thuốc như trước đây. Chương trình nghiên cứu sự di trú của rầy nâu được hỗ trợ bởi Tổ chức “Hợp tác Nông nghiệp và Lương thực Châu Á” (AFACI) của Hàn Quốc. Về chương trình “Công nghệ xanh” của “Cabi” đã phối hợp với Đài PT&TH Long An phát sóng 20 kịch bản về “Ruộng lúa-Bờ hoa” phục vụ cho đa dạng sinh học trong năm 2014.      

 

Trên rau màu, chương trình “IPM” cộng đồng do tổ chức “DANIDA” tài trợ từ năm 1999-2002 đã ứng dụng nhiều chế phẩm thuốc vi sinh phòng trị côn trùng đã hạn chế tối đa về dư lượng thuốc lưu tồn trong sản phẩm.

 

Trên cây rau thuộc họ thập tự (Cruciferaceae), sâu tơ Plutella xylostella đã xuất hiện ở nhiều vùng trồng rau họ thập tự ở Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã nghiên cứu từ năm 1991-1992 tại huyện Hốc Môn và đã xây dựng thành công qui trình “IPM”, kết quả đã giảm được 80% lượng thuốc hóa học sử dụng. Riêng tại Đà Lạt chương trình “IPM” của “FAO” đã giới thiệu ong ký sinh Diadegma semiclausum Hellén nhân nuôi và phóng thích để quản lý sâu tơ, từ năm 1999-2002. Kết quả loài OKS nầy đã thiết lập được quần thể trên tất cả các vùng chuyên canh rau họ thập tự của Đà Lạt, tỷ lệ ký sinh trong điều kiện canh tác của nông dân từ 9,1 đến 28,7% và vùng không có tác động thuốc trừ sâu tỷ lệ ký sinh lên đến 60%. 

 

Năm 1999, diện tích trồng cây bông vải khoảng gần 10.000ha tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Chương trình “IPM” trên cây bông vải được sự tài trợ của “FAO” thực hiện từ năm 1999-2004. Đã nghiên cứu hoàn thành dây chuyền công nghệ sản xuất và ứng dụng thành công chế phẩm sinh học “NPV” (Nuclear Polyhedrosis Virus) trừ sâu xanh (Helicoverpa armigera) và sâu keo (Spodoptera exigua) trên cây bông. Hiệu quả chương trình “IPM” trên cây bông đã giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại từ 15-16 lần/vụ xuống còn 2-3 lần/vụ.

 

Trên cây ăn quả, cụ thể là trên cây có múi ở Việt Nam từ năm 2001 đến 2009 với chương trình “IPM” do Chính phủ Úc tài trợ đã thực hiện được 50 lớp “FFS” có hơn 2.000 nông dân tham gia. Mục tiêu của chương trình là sử dụng dầu khoáng phòng trừ nhện đỏ và sâu vẽ bùa là hai đối tượng sâu hại chính mà nông dân đã từng sử dụng thuốc hóa học nhiều nhất, sử dụng nấm Trichoderma cộng thêm việc tăng cường bón phân chuồng để hạn chế các nấm bệnh phát sinh gây hại từ đất, thu thập - thả và nuôi thêm kiến vàng trong các vườn cây có múi nhằm ngăn ngừa rầy chổng cánh và hạn chến bệnh “Greening”. Kết quả là người nông dân đã giảm số lần phun thuốc đáng kể, lợi nhuận tăng cao hơn.

 

Trên cây điều (Anacardium occidentale) là cây công nghiệp dài ngày, ở các tỉnh ĐNB với diện tích trồng khoảng 430.000 ha vào thời điểm 2006, thành phần sâu hại chính trên cây điều đa số thuộc bộ cánh vảy và cánh nửa. Để đạt được năng suất cao, người trồng điều đã tin tưởng tuyệt đối vào thuốc trừ sâu, điều này dẫn tới giá thành hạt điều tăng cao, nguy cơ về sự kháng thuốc của sâu và sự suy giảm mật số các loài thiên địch cũng như các loài thụ phấn. Ứng dụng kiến vàng (Oecophylla smaragdina) là tác nhân sinh học để phòng trừ sâu hại trên điều trong chương trình “IPM” được các chuyên gia Trường Đại học Charles Darwin, Úc hỗ trợ cho Viện KHNN miền Nam đã tiến hành từ năm 2006-2008. Kết quả đã tập huấn được 112 huấn luyện viên “IPM” và 30 điểm thực hiện “FFS” ở 8 tỉnh trồng điều thuộc Đông Nam Bộ, kiến vàng là thành phần chính trong “IPM” đã hạn chế được bọ đục nõn và bọ xít muỗi.  

 

Năm 1999, bọ cánh cứng hại dừa (BCCHD) (Brontispa longissima) đã xuất hiện và gây hại trên dừa, đến cuối năm 2003 số cây dừa bị nhiễm là 7.844.320 cây trên tổng số 21.792.096 cây, chiếm tỷ lệ là 35,99%; trong đó tỉnh Ninh Thuận thuộc khu vực Nam Trung bộ có tỷ lệ nhiễm cao nhất (72,96%), tỉnh Đồng Tháp thuộc khu vực ĐBSCL có tỷ lệ nhiễm đứng hàng thứ hai. Với chương trình “Phòng trừ sinh học cổ điển” được FAO tài trợ và Trường Đại học Nông Lâm thực hiện đã nhập ong kí‎ sinh (OKS) “Asecodes hispinarum” từ Samoa về Việt Nam nhân nuôi và phóng thích thì sau hơn một năm phóng thích OKS, số cây dừa bị nhiễm đã phục hồi, tỷ lệ phục hồi bình quân cho các tỉnh phía Nam là 50,11%. Các tỉnh có tỷ lệ dừa phục hồi cao là Trà Vinh (100%), Bến Tre (88%) và Tiền Giang (80%), và quần thể OKS được thiết lập ổn định trong tự nhiên cho đến nay, BCCHD không bùng phát được.

 

Trên cây Khoai mì (sắn), Rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti) xuất hiện đầu tiên vào tháng 6/2012 tại tỉnh Tây Ninh, diện tích nhiễm là 78,5 ha đến tháng 6/2013 là 1.142,6 ha, tăng 13 lần. Đây là loài không thể có loại thuốc hoá học nào phòng trừ  được, nhờ FAO hỗ trợ qua đề xuất của Bộ NN & PTNT loài OKS (Anagyrus lopezi) được nhập từ Thái Lan về nhân nuôi và phóng thích. Chỉ 3 tháng sau khi phóng thích OKS, diện tích bị nhiễm nặng và trung bình không còn nữa mà chỉ còn diện tích nhiễm với mức độ xuất hiện rải rác.

 

Ngoài ra, các đối tượng dịch hại khác như: Bệnh chổi rồng trên nhãn, bệnh đốm nâu trên thanh long, sâu đục mía 5 vạch đầu nâu (Chilo tumidicostalis), sâu đục trái cây có múi, bệnh chết nhanh-chết chậm trên cây tiêu, Cục BVTV cũng đã có các “Qui trình phòng trừ tạm thời” tập huấn và hướng dẫn nông dân áp dụng đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

 

Với tình hình dịch hại khá phức tạp như đã nêu, trong 40 năm, sản lượng lúa chỉ riêng các tỉnh ĐBSCL từ 7 triệu tấn năm 1975 cho đến nay lên 25 triệu tấn, đó là một phần nhờ vào tiến trình nghiên cứu, khuyến nông trong BVTV và ứng dụng vào sản xuất đã tạo được hệ thống kiến thức cơ bản đưa nông nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam đạt được nhiều thành tựu như ngày hôm nay. Tiến trình này đã đáp ứng được nhu cầu về kỹ thuật, kiến thức và thông tin cho hàng triệu nông dân nông thôn, đã giúp đỡ nông dân tiến tới quyết định tốt hơn trong việc quản lý ruộng vườn, trang trại, nông hộ và trong cộng đồng dân cư nông thôn.

 

Trong tiến trình sản xuất nông nghiệp vừa qua đã có nhiều sự thay đổi thông qua những quyết định, chính sách của Nhà nước và nông dân hay những tổ chức phát triển nông nghiệp đã được đầu tư kiến thức BVTV và hệ thống thông tin cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, các phương thức hay hình thái ứng dụng khoa học kỹ thuật BVTV đã được hầu hết nông dân chấp nhận và thực hiện đạt được nhiều kết quả tốt có tác động mạnh trong một hệ thống nông nghiệp hiện hữu. Nghiên cứu về BVTV, chuyển giao và ứng dụng đã phục vụ tốt cho cá thể và cộng đồng – nghiên cứu BVTV từ sự phản ánh qua nhu cầu thực tiễn của nông dân và từ đó đã có nhiều ứng dụng mới trong sản xuất, trong thu nhập, an sinh và sự phát triển, những kiến thức mới này dựa vào “Hệ sinh thái ruộng lúa” và “Sinh thái sinh cảnh” đánh giá và hiểu được vai trò và chức năng của các thành phần trong “HST” nhằm đẩy mạnh chiến lược phòng trừ sinh học tự nhiên trong sản xuất và có được hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững.

 

Diện tích đất canh tác của các tỉnh thành phía Nam thuộc vào diện canh tác ở qui mô vừa và nhỏ. Do vậy, việc mở rộng theo chiều ngang bị hạn chế phải đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, thu nhập cuả nông hộ được gia tăng nhờ tăng năng suất và mức độ đầu tư thấp, trong đó quan trọng nhất là đầu tư về BVTV. Hàng năm diện tích canh tác có sự co hẹp dần do nhiều nguyên nhân, nhu cầu lương thực phải đối mặt với vấn đề hết sức lớn lao trong sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, ngành BVTV cũng đã có những phương pháp và phương tiện như dựa vào việc ứng dụng viễn thông “GIS” và “Mapinfo” để phục vụ công tác “Dự tính dự báo” dịch hại chính xác hơn để phát hiện sớm hơn và quản l‎í tốt hơn.

 

Canh tác nông nghiệp trong thâm canh nhưng vẫn giữ được tính bền vững của môi trường. Càng tiến vào việc thâm canh sản xuất thì dinh dưỡng trong đất càng bị lấy kiệt nguồn, sự ô nhiễm rác thải trong nông nghiệp như bao bì phân bón lá và thuốc BVTV cũng như hoá chất nông nghiệp thì sự mất mát về đa dạng sinh học sẽ dễ dàng xảy ra. Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” phối hợp giữa Cục BVTV và Cty. CP. BVTV-An Giang nay là Tập đoàn Lộc Trời từ năm 2012 đến nay là một mô hình điển hình đã thực hiện tại 22 tỉnh thành phía Nam. Chương trình này cũng đã hợp tác với Đài PT&TH Vĩnh Long phát sóng 14 kịch bản về “BVMT” sẽ chấm dứt vào tháng 5/2016. Thiết nghĩ rằng, đây là một đề án đi rất đúng hướng và rất phù hợp, nếu như không có những đề án phù hợp như bảo vệ môi trường nói chung và huấn luyện nông dân bảo vệ môi trường nông nghiệp nói riêng thì nông dân và những người sống ở nông thôn sẽ phải trả giá lớn hơn về sự sản xuất thiếu bền vững, và sự va chạm với môi trường ở mức độ lớn hơn trong những hoạt động nông nghiệp vì hoá chất.

 

Cuộc sống của người nông dân nông thôn trong một môi trường, kiến thức nói chung và kiến thức về BVTV nói riêng là chìa khoá. Qua nhiều thách thức trong thực tế sản xuất như giải quyết những vấn đề gặp phải và đối phó với những dịch hại mới nổi vừa nêu ở trên thì cần có những phương pháp BVTV mới nhằm thay đổi tư duy và nhận thức của người nông dân. Đã có nhiều hộ nông dân thực hiện những quyết định đúng trên mảnh đất cuả mình hàng ngày. Đã có nhiều nông dân là những người sở hữu các kỹ năng giá trị và kiến thức BVTV qua những hệ truyền thông đa phương tiện đã giúp nông dân phát minh ra nhiều những kỹ năng mới trong sản xuất.

 

Tóm lại, những kết quả đã đạt được của ngành BVTV qua 40 năm ở các tỉnh thành phía Nam là những thành tựu đáng khích lệ. Các kiến thức mới đã được tiếp thu, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng đã tạo thành một hệ thống dựa trên các phương tiện và điều kiện hỗ trợ về thông tin khoa học BVTV để ứng dụng vào sản xuất trong thực tế, đã góp phần giúp đỡ nông dân nông thôn chẩn đoán và tự giải quyết được những vấn đề gặp phải trong khu vườn và mảnh ruộng của mình. Đây là công việc rất quan trọng đối với nông dân mà ngành BVTV các tỉnh thành phía Nam đã và đang làm để nông dân có khả năng quyết định đúng với những vấn đề xảy ra biết hay chưa biết trước được và nó thường là chìa khóa cuả sự sống còn để có được một nền nông nghiệp sản xuất bền vững.

________________________________________________________________________

 Bài trình bày tại Hội nghị Bảo vệ thực vật toàn quốc năm 2015.

Trở lại      In      Số lần xem: 2488

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD