Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  18
 Số lượt truy cập :  33465912
Thị trường lúa gạo quý I/2015 và dự báo
Thứ hai, 04-05-2015 | 08:51:52

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

 

Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình toàn cầu giảm nhẹ 5 USD/tấn (khoảng 1%) trong tháng qua (20/2 tới 20/3/2015), hiện ở mức 414 USD/tấn. Tính chung trong quý I/2015, chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình toàn cầu giảm 13 USD/tấn.

 

Về nguồn cung, trong khi thị trường luôn chịu áp lực từ lượng dự trữ khổng lồ của Thái Lan và nỗ lực xả bán khối lượng này thì mùa thu hoạch mới lại tới ở nhiều quốc gia xuất khẩu chủ chốt, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, gia tăng áp lực này. Việc Myanmar gia nhập thị trường xuất khẩu cũng gia tăng sức ép giảm giá. Nhu cầu tiếp tục yếu từ đầu năm 2015 tới nay.

 

Thái Lan

Giá gạo Thái Lan giảm khoảng 15 USD/tấn trong tháng 3, xuống 390 USD/tấn trong ngày 20/3/2015. So với một năm trước đây, giá hiện cũng thấp hơn khoảng 15 USD/tấn. Tính chung trong quý I/2015, giá gạo Thái giảm khoảng 20 USD/tấn.

 

Thái Lan đang thu hoạch lúa vụ phụ, bổ sung nguồn cung trong bối cảnh còn tồn trữ tới 17 triệu tấn. Nhu cầu từ phía khách hàng thấp mặc dù các thương gia nước này nhận định là giá hiện đã xuống tới mức đủ để hấp dẫn khách hàng. Nguyên nhân bởi triển vọng giá sẽ chưa thể sớm cải thiện trong tương lai gần. Mới đây, Thái Lan thắng thầu bán 200.000 tấn gạo cho Philillipne.

 

Chính phủ Thái Lan vẫn đang tích cực bán đấu giá gạo dự trữ. Phiên mới đây nhất vào ngày 6/3, với khối lượng chào bán 1 triệu tấn và đã nhận được đăng ký mua 780.000 tấn. Chi tiết cụ thể chưa được công bố.

 

Hình 1: Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của một số quốc gia châu Á


Việt Nam

Giá gạo Việt Nam tháng 3 biến động khá mạnh, bị chi phối bởi 3 yếu tố: Vào vụ thu hoạch lúa Đông – Xuân ở ĐBSCL (vụ lúa lớn nhất trong năm), chương trình thu mua tạm trữ quy 1 triệu tấn gạo của Chính phủ, thắng thầu cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippine.

 

Nhìn chung giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu đều tăng trong nửa đầu tháng 3 sau thời điểm giảm thấp suốt từ trước Tết đến sau Tết, chủ yếu bởi chương trình thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa của Chính phủ cộng với việc thắng thầu bán 300.000 tấn gạo cho Philippine và 240.000 tấn cho Malaysia. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3, giá lúa gạo giảm trở lại, bởi khối lượng thu mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn gạo cộng với 300.000 tấn thắng thầu với Philippine được cho là không đáng kể so với sản lượng ít nhất khoảng 5 triệu tấn gạo vụ này ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, việc nhiều doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ chậm trễ đúng vào thời điểm thu hoạch rộ đã tác động thêm làm giảm giá lúa.

 

Trên thị trường xuất khẩu, giá tăng nhanh trong nửa đầu tháng 3 nhưng giảm nhẹ trở lại vào những ngày cuối tháng. Phiên 20/3, gạo 5% tấm của Việt Nam vững ở mức giá 360 USD/tấn, ổn định so với một tháng trước đó mặc dù giảm khoảng 35 USD/tấn so với một năm trước đó.

 

Tính chung trong quý I, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm khá mạnh, giảm khoảng 25 – 30 USD/tấn. Lý do chính bởi nhu cầu mua gạo Việt Nam từ đầu năm tới nay không cao, trong bối cảnh khách hàng hy vọng thời điểm giá thấp nhất sẽ rơi vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4, là lúc thu hoạch rộ lúa Đông – Xuân trong khi chương trình thu mua tạm trữ cũng kết thúc. Hai hợp đồng chủ chốt trong thời gian qua là 300.000 tấn (gạo 15% và 25% tấm) xuất sang Philippine vào cuối tháng 3 và cuối tháng 4, và 240.000 tấn xuất sang Malaysia thời hạn giao từ tháng 4 tới tháng 11.

 

Trung Quốc tiếp tục là một trong những khách hàng chủ chốt mua gạo Việt Nam trong quý I. Tuy nhiên, khách hàng này mua không đều đặn, mới sôi động trở lại từ giữa tháng 3 khi Chính phủ Trung Quốc cấp quota nhập gạo cho thương nhân và nhân lúc giá gạo giảm thấp. Hiện khách hàng Trung Quốc đang mua các loại gạo thơm và gạo gãy vỡ, chứ không mua gạo trắng.

 

Giá sàn gạo gạo 25% tấm xuất khẩu được được điều chỉnh giảm xuống 335 – 340 USD/tấn, từ mức 350 USD/tấn trước đó.

 

Trên thị trường nội địa, giá và nhu cầu mua của các thương lái ở ĐBSCL tăng nhanh vào nửa đầu tháng 3, khi Chính phủ quyết định thực hiện chương trình thu mua tạm trữ và tin vui thắng thầu cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippine. Tuy nhiên, khi chương trình chính thức đi vào thực hiện, chỉ một thời gian ngắn sau giá lúa tại ĐBSCL lại quay đầu giảm về bằng thời điểm trước khi có quyết định tạm trữ. Theo TBKTSG Online, đến khoảng 20/3, đã qua hơn 1/3 thời gian thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, nhưng chỉ có khoảng 120.000 tấn (tương đương 12%) được doanh nghiệp mua vào. Trong khi đó, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 900.000/1,5 triệu héc ta lúa đông xuân 2014-2015 đã được thu hoạch xong.

 

Như vậy, với áp lực cung tăng mạnh, nhưng cầu lại yếu đã phần nào làm giá lúa gạo thị trường nội địa quay đầu giảm, nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Hiện giá lúa gạo ở ĐBSCL thấp hơn so với đầu năm và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Về hợp đồng cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippine

 

Mức giá trúng thầu của Việt Nam bán cho Philippine trong phiên đấu giá hôm 27-2 vừa qua lần lượt là 150.000 tấn với giá 441 USD/tấn và 150.000 tấn với giá 421 USD/tấn. TBKTSG Online dẫn lời ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), cho rằng do đây là mức giá CIF- tức giá giao tại kho của nước nhập khẩu, cho nên thực tế mức giá các doanh nghiệp nhận ủy thác xuất khẩu, trong đó có AGPPS là khá thấp, chỉ trên dưới 360 USD/tấn.

 

Như vậy, để có được lợi nhuận trong thương vụ này, các doanh nghiệp xuất khẩu có nhận ủy thác phải mua gạo vào với giá thấp hơn mức 360 USD/tấn, tức quy ra gạo thành phẩm sẽ dưới mức 7.500 đồng/kg. Điều này, cộng với bối cảnh nguồn cung đang dồi dào mà sức mua yếu, có thể góp phần khiến các doanh nghiệp phải hạ giá mua vào để tránh lỗ.

 

Bảng 1: Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL (đồng/kg)

Loại lúa, gạo

22/3/2014

1/1/2015

23/1/2015

23/2/2015

22/3/2015

Lúa khô tại kho loại thường

5.250–5.350

5.450-5.550

5.300 – 5.400

5.000 - 5.300

5.250-5.350

Lúa dài

5.550–5.650

5.650-5.750

5.650 – 5.750

5.300 - 5.500

5.500-5.600

Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm

7.050–7.150

7.100-7.200

6.900 – 7.000

6.650 - 6.800

6.600-6.700

Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm

6.700–6.800

6.850-6.950

6.700 – 6.800

6.300 - 6.500

6.350-6.450

Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn

7.750–7.850

8.100-8.200

7.900 – 8.000

 

7.450-7.550

Gạo 15% tấm

7.500–7.600

7.700-7.800

7.600 – 7.700

 

7.300-7.400

Gạo 25% tấm

7.250–7.350

7.350-7.450

7.250 – 7.350

 

7.000-7.100

Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)

 

Ấn Độ

Giá gạo Ấn Độ tháng qua ít biến động, với loại 5% tấm trong tháng 3 vẫn quanh mức 395 USD/tấn, mặc dù so với một năm trước đây thì giá hiện nay kém khoảng 30 USD/tấn. Giá gạo Ấn Độ giảm mạnh hấp dẫn khách hàng châu Phi, đặc biệt là các nước như Nigeria và Senegal. Xuất khẩu gạo Ấn Độ từ đầu năm tới nay chậm lại đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do sự cạnh tranh mạnh từ phía Thái Lan và Pakistan.

 

Pakistan

Tháng 3, giá gạo Pakistan ổn định, với loại 5% tấm ở mức 350 USD/tấn. Tuy nhiên, so với một năm trước đây thì giá hiện thấp hơn khoảng 55 USD/tấn.

Với lợi thế giá rẻ nhất khu vực kể từ tháng 9/2014, gạo Pakistan đang thu hút khách hàng, đặc biệt từ châu Phi, và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh hơn của Ấn Độ.

 

Myanmar

Giá gạo tại Myanmar gần đây gia tăng do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng. Trên thị trường nộ địa, giá gạo Emata 25% tấm ở mức 14.000 – 14.500 kyat/bao (khoảng 50 kg), gạo Zeyarcial 5% tấm giá khoảng 16.500-17.000 kyat. Giá gạo xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 125 – 150 Nhân dân tệ/bao gạo Emata 25% tấm.

 

Theo nguồn tin Myitmakhamedia của Myanmar, quốc gia này đang xuất khẩu khoảng 50.000 bao gạo mỗi ngày qua biên giới sang Trung Quốc. Nguồn tin này cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc dao động, tăng trong những đợt Trung Quốc giảm nhập khẩu của Việt Nam, và đã tăng vào đầu tháng 3.

Nguồn tin Myitmakhamedia cho biết giá gạo tại Myanmar hiện vẫn cao hơn của nhiều quốc gia xuất khẩu khác, và không rõ vì sao Trung Quốc lại giảm mua của Việt Nam và tăng mua của Myanmar vào đầu tháng 3 vừa qua.

 

Campuchia

Giá gạo Campuchia tháng 3 giảm nhẹ, giảm khoảng 5 USD/tấn hiện ở mức 430 USD/tấn. So với một năm trước đây, mức giá hiện nay thấp hơn khoảng 25 USD/tấn.

Campuchia dự định tăng xuất khẩu chính ngạch lên 1 triệu tấn trong năm 2015 nhưng vẫn còn nhiều lo ngại chính phủ không thể đạt được mục tiêu do thiếu năng lực xay xát và nguồn vốn. Mới đây, CRF đã nhất trí áp phí 1 USD/tấn đối với gạo thơm.

 

Indonesia

Indonesia nằm trong số những nước nhập khẩu gạo chủ chốt, đang nỗ lực tự cung tự cấp lúa gạo và đã cố gắng giảm nhập trong những năm gần đây. Đây là những lý do khiến giá gạo tại nước này lội ngược dòng tăng trong quý I vừa qua, trong khi giá tại các nước xuất khẩu giảm.

 

Giá bán buôn gạo tại Indonesia hôm 26/2/2015 tăng lên 11.500 rupiah/kg (892 USD/tấn), tăng 22% so với 9.400 rupiah (729 USD/tấn) hôm 1/2/2015; và giá bán lẻ gạo tăng 6% lên 11.400 rupiah/kg (885 USD/tấn). Nguyên nhân chủ yếu là do lượng dự trữ giảm và thu hoạch lúa vụ 1 năm 2015 chậm hơn thường lệ, trì hoãn từ tháng 2 sang giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4 do gieo cấy muộn hơn kế hoạch. Lượng gạo lưu kho bán ra chợ bán buôn Cipinang trong tháng tháng giảm xuống 2.000 tấn từ 2.500-3.000 tấn giai đoạn tháng 9/2014 - tháng 1/2015.

 

Trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng mạnh, Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog) đã quyết định phân phối 300.000 tấn gạo tại các chợ chủ chốt nhằm kiểm soát giá tăng và quyết định bán gạo với giá 7.400 rupiah/kg (574 USD/tấn) tại Java và 7.500 rupiah/kg (582 USD/tấn) ngoài địa phận Java.

 

Việc Bulog bán gạo dự trữ ra đã kéo giá giảm trở lại kể từ đầu tháng 3 sau nhiều tháng liên tục tăng. Giá gạo chất lượng trung bình trong tháng 3 giảm khoảng 200 - 300 rupiah/kg xuống 10.450 rupiah/kg (811 USD/tấn).

Lãnh đạo Indonesia cho biết hiện nước này có 1,4 triệu tấn gạo dự trữ, sẽ đủ dùng trong giai đoạn giáp hạt tháng 3- tháng 4.

 

II. CUNG – CẦU

 

Nguồn cung lúa gạo quý I tiếp tục dồi dào, bởi ngoài lượng dự trữ tới 17 triệu tấn của chính phủ Thái Lan thì nhiều quốc gia bước vào thu hoạch lúa, trong đó Việt Nam thu hoạch vụ lớn nhất trong năm với sản lượng khoảng 10 – 12 triệu tấn lúa, và Thái Lan thu hoạch vụ lúa phụ (2 nước chiếm 40% mậu dịch gạo toàn cầu).

 

Nhu cầu trong quý I thấp. Một số nước châu Á  trong đó có Việt Nam và Trung Quốc nghỉ Tết cổ truyền dài ngày trong tháng 2, là giai đoạn thị trường ngừng giao dịch. Khách hàng nhìn chung cố ý chờ cho giá giảm thêm nữa khi các nước vào giữa vụ thu hoạch lúa. Về nhu cầu, quý I Philippine ký hợp đồng mua 300.000 tấn gạo Việt Nam và 200.000 tấn gạo Thái Lan, và Malaysia mua 240.000 tấn gạo Việt Nam. Thái Lan cũng đạt được thỏa thuận bán 2 triệu tấn gạo cho Trung Quốc.

 

1. Các nước xuất khẩu chủ chốt

 

1.1 Thái Lan

Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực giải tỏa khoảng 17 triệu tấn lúa gạo dự trữ tích từ những chương trình thu mua can thiệp trước đây. Hôm 29/1 nước này đã tổ chức bán đấu giá khoảng 1 triệu tấn, và đã chấp thuận bán 496.243 tấn. Ngày 6/3 Thái Lan chào tiếp 1 triệu tấn, và đã nhận được đơn chào mua 780.000 tấn. Nước này đặt mục tiêu bán khoảng 10 triệu tấn gạo dự trữ trong năm 2015 và 7 triệu tấn còn lại trong năm 2016. Tuy nhiên, chính phủ Thái có kế hoạch không bán đấu giá gạo dự trữ trong thời điểm thu hoạch lúa để tránh giá trong nước giảm mạnh gây ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân.

 

Xuất khẩu gạo của Thái Lan tháng 1 vừa qua chỉ đạt 610.504 tấn, giảm 59% so với 1,47 triệu tấn tháng 12/2014 và giảm 12% so với 696.558 tấn tháng 1/2014, theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA). Về giá trị, xuất khẩu gạo tháng 1 đạt 336,75 triệu USD, giảm 51% so với 693,75 triệu USD tháng 12/2014 và giảm 11% so với 376,51 triệu USD tháng 1/2014.

 

TREA nhận định xuất khẩu gạo năm nay có thể giảm xuống 10 triệu tấn, từ mức 10,8 triệu tấn năm ngoái. TREA lo ngại xuất khẩu gạo của nước này năm 2015 sẽ bị ảnh hưởng kép bởi sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác, cộng với sản lượng trong nước giảm do hạn hán.

 

Gạo thơm Thái Lan đang giảm nhanh thị phần trên thị trường Hongkong. Thị phần của gạo Thái Lan tại HongKong giảm xuống 46% trong năm 2013 từ 86% năm 2008, sau đó tăng lên 48% năm 2014. Hiện gạo thơm Thái Lan có giá 900 USD/tấn so với 585 USD/tấn gạo thơm của Việt Nam và 600 USD/tấn gạo thơm của Campuchia. Việt Nam và các nước ASEAN xuất khẩu gạo khác đã nhanh chóng bắt kịp chất lượng gạo Thái Lan, cạnh tranh khốc liệt và khiến thị phần của Thái Lan giảm. Thái Lan lo ngại khó có thể giành lại thị phần gạo thơm tại Hongkong trong năm nay do yếu tố giá. TREA dự đoán xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2015 đạt 10-11 triệu tấn. Năm 2014, Thái Lan xuất khẩu 10,97 triệu tấn gạo, tăng 66% so với 6,61 triệu tấn năm 2013.

 

Để phát triển bền vững ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch giảm sản lượng gạo, giành lại những thị phần đã mất và mở mang thị trường mới.

Nguồn tin Thái Lan cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận về việc bán 2 triệu tấn gạo cho Trung Quốc và đangđề xuất giao gạo cho Trung Quốc trong 2 năm tới.

 

1.2 Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện chương trình thu mua lúa gạo, với mục tiêu mua 30,05 triệu tấn trong niên vụ 2014-2015 (tháng 10 – tháng 9). Lượng lúa lưu kho của Ấn Độ tính đến 1/2/2015 đạt 24,88 triệu tấn, giảm 20% so với 31,27 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI).

 

Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 9,57 triệu tấn gạo trong 10 tháng đầu tài khóa 2014/15 (tháng 4 – tháng 3), tăng khoảng 7% so với 8,96 triệu tấn cùng kỳ tài khóa trước đó, theo số liệu thống kê của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Nông sản Ấn Độ (APEDA). Về trị giá, xuất khẩu gạo giai đoạn đó thu về khoảng 6,47 tỷ USD, tăng nhẹ so với khoảng 6,36 tỷ USD cùng kỳ tài khóa trước.

 

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2015 giảm 20% xuống 8,8 triệu tấn so với 10,9 triệu tấn năm 2014 chủ yếu do sản lượng vụ kharif 2014 (tháng 6 – tháng 12) giảm cũng như sự sụt giảm nhu cầu gạo basmati của Iran.

 

Theo ước tính của FAO, sản lượng lúa của Ấn Độ niên vụ 2014-2015 (kể cả vụ kharif và rabi) đạt 154,6 triệu tấn (103,6 triệu tấn gạo), giảm 3% so với 160 triệu tấn (102 triệu tấn gạo) niên vụ trước. Dự báo sản lượng lúa vụ kharif 2014 đạt 134,3 triệu tấn (90 triệu tấn gạo), giảm 2% so với 137 triệu tấn (93 triệu tấn gạo) năm 2013.

 

1.3 Việt Nam

 

a. Sản xuất

Tại các tỉnh miền Bắc

 

Xác định vụ đông xuân là vụ sản xuất chính cho năng suất, giá trị kinh tế cao, nên ngay sau những ngày nghỉ Tết, nông dân ở khắp địa phương miền bắc đồng loạt làm đất, đưa nước, nhổ mạ, gieo cấy lúa. Ðến thời điểm này, tỷ lệ gieo cấy trên toàn miền đạt hơn 90% kế hoạch. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, vụ đông xuân năm nay, nông dân các tỉnh miền bắc phải đối mặt nhiều bất lợi khi nền nhiệt độ tăng cao so với mọi năm. Theo số liệu cập nhật đến hết tháng 2-2015 cho thấy tổng nhiệt đạt ngưỡng trên 1650 độ C, vượt trung bình nhiều năm khoảng 79 độ C. Dự báo trong tháng 3, tháng 4, nhiệt độ tiếp tục cao hơn trung bình mọi năm từ 0,5 đến 1,0 độ C.

 

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, khi nền nhiệt độ liên tục vượt "ngưỡng ấm" khiến vụ đông xuân 2014 - 2015 đang đứng trước nguy cơ sụt giảm năng suất. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, vụ xuân ấm thường không cho năng suất cao. Nguyên nhân do thời tiết ấm, cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng, trỗ và thu hoạch sớm, khả năng tích lũy chất khô kém hơn, dẫn đến năng suất thấp. Mặt khác, nền nhiệt ấm tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, nếu không ngăn chặn kịp thời, có nguy cơ lây lan thành dịch. Vụ đông xuân 2014-2015, thời tiết ấm đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa, nhất là diện tích lúa được gieo cấy sớm, bị khô hạn thiếu nước, chăm bón không kịp thời, có nguy cơ phân hóa đòng và trỗ bông sớm.

 

Ngay từ tháng 11-2014, tại hội nghị về triển khai sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt đã cảnh báo sớm về tình hình thời tiết ấm và hạn. Trong đó, vấn đề thiếu hụt dòng chảy, hạn hán được "báo động" tại nhiều địa phương. Trước đó, Cục Trồng trọt phối hợp Tổng cục Thủy lợi triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm, như đào đắp, nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước, hồ chứa, đầu khâu, cống đập ở các địa phương, kiểm tra chuẩn bị tốt hệ thống máy bơm cố định, bơm di động để chủ động bơm nước khi có lệnh. Ðến hết tháng 2-2015, việc lấy nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân cơ bản hoàn thành.

 

Ðể ứng phó tình hình, tránh nguy cơ thất thu, cần sự chủ động phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng và người trồng lúa. Hiện chính quyền các địa phương đang theo dõi sát diễn biến thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây lúa,khuyến cáo bà con cần tuân thủ đúng lịch, bảo đảm gieo trồng đúng khung thời vụ để cây sinh trưởng tốt, không nên chủ quan, phải thường xuyên thăm nom đồng ruộng, nắm bắt tình hình phát triển của cây cũng như kiểm soát sự phát sinh của sâu, bệnh để kịp thời ứng phó.

 

Tại ĐBSCL

Tính đến ngày 18/3/2015, theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Đông Xuân 2014/15 khoảng 1,557 triệu ha/1,565 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch ước khoảng 940.000 ha với năng suất khoảng 6,7 – 6,8 tấn/ha, sản lượng khoảng 6,43 triệu tấn lúa.

 

b. Xuất khẩu

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khẩu từ ngày 01/01 đến ngày 10/03/2015 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 443.639 tấn, giảm 64% so với 1,22 triệu tấn 3 tháng đầu năm 2014. Về giá trị, xuất khẩu gạo cùng kỳ đạt 200,110 triệu USD (FOB) và 201,739 triệu USD (CIF).

 

VnExpress.net dẫn lờilãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở TP HCM cho biết thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm còn ảm đạm, các hợp đồng xuất khẩu mới thì manh mún, nhỏ lẻ và đa phần đã ký từ 2014; các hợp đồng đã ký năm 2014 không tăng so với cùng kỳ năm cũ nên ít giá trị giao dịch được chuyển sang 2015 như tiền lệ các năm trước; một số hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng ít. Đầu năm nay, Trung Quốc tạm ngừng cấp quota nhập khẩu gạo khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng. VFA ngày 13/3/2015 cho biết chỉ từ thời điểm này xuất khẩu sang Trung Quốc mới sôi động trở lại, khi Trung Quốc cấp quota nhập khẩu gạo cho thương nhân của họ.

Trong quý I/2015, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 240.000 tấn gạo cho Malaysia thời hạn giao hàng từ tháng 4/2015 và 300.000 tấn gạo cho Philippine thời hạn giao hàng từ cuối tháng 3 tới hết tháng 4.

 

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu bún gạo, bánh phở sang Nhật, Mỹ, Pháp

 

Theo Tuoitre.vn, các sản phẩm chế biến từ bột gạo như hủ tiếu, bánh phở... Việt Nam đang được các thị trường Nhật, Mỹ, Pháp.. ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp đang lo sản xuất không kịp các đơn hàng đã ký, đơn cử như Công ty CP thực phẩm Bích Chi ở TP Sa Đéc, Đồng Tháp, nơi có lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt hơn 50 tỉ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ, nhờ giá trị xuất khẩu của các sản phẩm làm từ bột gạo cao gấp 4 lần so với gạo. Cụ thể, gạo xuất khẩu trung bình chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, trong khi bánh phở được công ty xuất khẩu giá 2 USD, tương đương 44.000 đồng/kg. 

 

Hợp tác với Nhật Bản sản xuất dầu cám

 

Thị trường sản phẩm lúa gạo có dấu hiệu khởi sắc.

Tối ngày 11/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và ông Nisaka Yoshinobu- Thống đốc tỉnh Wakayama của Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nông nghiệp và thủy sản.

 

Nhật Bản là quốc gia không có lợi thế về nông nghiệp, nhất là hạt gạo nhưng tại đây có doanh nghiệp hàng đầu thế giới với công nghệ tiên tiến đã sản xuất ra nhiều sản phầm chế biến từ cám gạo trong đó có dầu ăn.

 

Mặc dù là nước có sản lượng gạo xay sát trà bóng rất lớn, nhưng lượng cám gạo này hiện Việt Nam mới tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Việc kết hợp được với đối tác của Nhật Bản để khai thác trong lĩnh vực này sẽ làm gia tăng giá trị của sản phẩm lên rất lớn.

 

Theo các chuyên gia, gạo trắng và gạo lau bóng được sản xuất sau khi tách bỏ vỏ trấu và mài mòn lớp cám. Cám gạo chiếm khoảng 8% trọng lượng hạt lúa. Hàm lượng dầu trong cám gạo ước tính khoảng 18%. Cám gạo còn chứa hầu hết lượng dầu và phần lớn lượng đạm, các chất khoáng, vitamin, và chất xơ tiêu hóa được trong hạt thóc vì vậy dầu cám gạo thô còn có thể tinh luyện thành dầu trộn salad chất lượng cao. Bên cạnh đó, cám gạo cũng được sử dụng làm nguyên liệu trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có chế biến mỹ phẩm, sữa….

 

FAO ước tính sản lượng gạo toàn cầu năm 2014 đạt 503,6 triệu tấn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo của Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 28,125 triệu tấn. Do công nghệ xay xát nên chỉ có khoảng 3% cám gạo có thể sử dụng để trích ly dầu nhưng cũng tương đương 3,5 triệu tấn dầu thô. Tiềm năng lớn như vậy, nhưng hiện nay trên thế giới hàng năm chỉ có khoảng 500.000 tấn dầu cám đạt phẩm chất được sử dụng trong công nghiệp sản xuất dầu ăn.

 

1.4 Pakistan

 

Mặc dù giá gạo rẻ nhất khu vực làm tăng sức cạnh tranh của gạo Pakistan, song xuất khẩu gạo Pakistan tháng 2 tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp sau khi đã giảm trong tháng 1, do xuất khẩu gạo phi – basmati giảm mạnh. Trong tháng 2, Pakistan xuất khẩu 355.747 tấn gạo, giảm 15% so với tháng 1. Trị giá xuất khẩu trong tháng 2 cũng giảm khoảng 15% xuống 173,27 triệu USD.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Pakistan (REAP) dự báo nước này sẽ không đạt được mục tiêu xuất khẩu 3,8 triệu tấn gạo trong năm tài khóa 2014-2015 (tháng 7 - tháng 6) do nhu cầu của Trung Quốc và Malaysia giảm.

Chính phủ Pakistan và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đều dự báo sản lượng lúa Pakistan năm marketing 2014/15 (tháng 7-tháng 6) sẽ giảm khoảng 19% so với năm trước, xuống 8,437 triệu tấn.

 

2. Các nước nhập khẩu chủ chốt

 

2.1 Châu Phi

 

Châu Phi vốn có truyền thống nhập khẩu chủ yếu là các loại phẩm cấp và giá vừa phải. Tuy nhiên nhu cầu đối với gạo thơm ở khu vực này cũng đang gia tăng. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng duy trì và khai thác tốt hơn nữa thị trường này.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi vẫn rất lớn, Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của châu Phi vào khoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm và mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người là 22,1 kg/năm. Xu hướng tăng nhập khẩu gạo của châu Phi sẽ còn tiếp tục trong những thập kỷ tới do tăng dân số, đô thị hóa mạnh và tăng tiêu thụ gạo của mỗi người dân.

 

Nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường châu Phi, nhất là khu vực Tây và Trung Phi dù có những những biến động thăng trầm trong từng thời kỳ, song nhìn chung vẫn có xu hướng tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó mức tăng trưởng cung lúa gạo trên thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Đó là thuận lợi để Việt Nam có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu gạo đến năm 2015 và trong những những năm tiếp theo sang thị trường này.

 

Từ khi nhiều nước tiến hành tự do hóa ngành gạo thì nhu cầu nhập khẩu gạo ngày càng tăng (tăng gấp đôi tại Nigeria, Senegal và Bờ Biển Ngà so với 10 trước đây).  Sản xuất lúa châu Phi thường gặp những khó khăn về giống, khí hậu (thiếu nước), phân bón, năng suất thấp, chi phí đầu tư hệ thống mương máng, thiếu nhà máy chế biến và thương mại do vậy tốc độ tăng trưởng sản xuất chậm hơn tiêu dùng. Nhiều nơi gạo địa phương có giá bán đắt hơn gạo nhập khẩu.

 

2.2 Philippine

 

Dự trữ gạo của Philippines liên tiếp giảm trong 3 tháng vừa qua, tính đến hết tháng 2/2015 ở mức 2,35 triệu tấn, giảm 12% so với 2,66 triệu tấn trong tháng 1/2015, mặc dù cao hơn 17,5% so với 2 triệu tấn cùng kỳ năm 2014.

 

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) đã quyết định nhập khẩu 500.000 tấn gạo (200.000 tấn từ Thái Lan và 300.000 tấn từ Việt Nam) theo thỏa thuận liên chính phủ (G2G) trong năm 2015 nhằm đảm bảo đủ lượng gạo lưu kho trong giai đoạn giáp hạt (tháng 6 - tháng 9).

 

Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia Philippines (NEDA) đã quyết định xem xét lại chính sách nhập khẩu gạo bởi các quy chế hạn chế khối lượng đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa cung cầu gạo và đẩy giá gạo lên cao.

 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2015 Philippines nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn gạo, tăng 10% so với 1,45 triệu tấn năm 2014; sản lượng lúa niên vụ 2014-2015 (tháng 7 – tháng 6) đạt 19,36 triệu tấn (12,2 triệu tấn gạo), tăng 3% so với 18,82 triệu tấn (11,86 triệu tấn gạo) niên vụ 2013-2014. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo nhập khẩu gạo của Philippines 2015 đạt 1,8 triệu tấn, tương tự năm 2014.

 

2.3 Trung Quốc

 

Giá gạo tại Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao. Vào đầu tháng 3/2015, chính phủ nước này đã phải bán 15.268 tấn gạo (tương đương 1,2% của lượng dự trữ quốc gia 1,4 triệu tấn) ra thị trường với mức giá khoảng 2.710 nhân dân tệ (khoảng 433 USD)/tấn) để ổn định giá.

 

Từ năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thu mua lúa gạo của dân cao hơn giá thị trường để bảo hộ cho người trồng lúa, bình ổn thị trường và duy trì kho dự trữ. Hiện chính phủ nước này có kế hoạch xây thêm khó chứa lúa gạo thu mua trong các chương trình can thiệp.

 

Dự báo năm 2015, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Trung Quốc sản xuất 144,5 triệu tấn gạo, nhập khẩu 4 triệu tấn và xuất khẩu 400.000 tấn gạo niên vụ 2014-2015 (tháng 7 – tháng 6).

 

Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng chuộng lương thực, thực phẩm sạch. Họ đang có xu hướng tăng cường tiêu thụ gạo Nhật Bản dù giá không rẻ. Theo số liệu của Liên đoàn quốc gia các Hiệp hội hợp tác nông nghiệp Nhật Bản, lượng gạo Nhật Bản mà Trung Quốc nhập khẩu dù vẫn ở mức “khiêm tốn” với 160 tấn năm 2014, song con số này cao gấp ba lần so với năm 2013, một xu hướng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang mất dần lòng tin về sự an toàn của thực phẩm trong nước.

 

2.4 Indonesia

 

Thị trường lúa gạo Indonesia đã ổn định trở lại kể từ đầu tháng 3 sau khi liên tiếp tăng giá từ tháng 9 năm ngoái tới tháng 2 năm nay. Giá đã giảm nhẹ trở lại sau khi chính phủ bán gạo dự trữ ra thị trường. Tổng thống Indonesia luôn giữ vững lập trường không nhập khẩu gạo kể cả khi giá tăng mạnh.

 

Báo Jakarta Globe dẫn lời một quan chức nông nghiệp Indonesia cho biết, ước tính sản lượng lúa nước này trong 4 tháng đầu năm 2015 sẽ đạt 32,9 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng trong mùa mưa chiếm khoảng 60% tổng sản lượng gạo nước này.

 

Về dự báo sản lượng cả năm 2015, có sự chênh lệch khá lớn giữa số liệu của chính phủ Indonesia và Bộ Nông nghiệp Mỹ. Bộ Nông nghiệp Indonesia dự báo sản lượng lúa năm 2015 đạt 71,28 triệu tấn, tăng 0,95% so với 70,6 triệu tấn năm 2014.

 

Trong khi đó, USDA dự báo sản lượng lúa Indonesia năm marketing 2014/15 sẽ chỉ khoảng 57,48 triệu tấn (36,5 triệu tấn gạo), và nhập khẩu năm 2015 (tháng 1 - tháng 12) sẽ khoảng 1,3 triệu tấn. USDA dự báo trong niên vụ 2014-2015 (tháng 10 - tháng 9) Indonesia sẽ nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo.

 

2.5 Bangladesh

 

Trong những tháng đầu năm nay, nhập khẩu gạo vào Bangladesh tăng mạnh, đạt 875.350 tấn giai đoạn 1/7/2014 – 3/3/2015, gấp đôi mức 374.560 tấn cả năm tài khóa 2013-2014, theo số liệu của Bộ Lương thực nước này. Đây là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua mặc dù sản lượng vụ Aman (tháng 7 – tháng 12), vụ Aus (tháng 2 – tháng 8) và vụ Boro (tháng 1 - tháng 5) trong năm tài khóa 2013-2014 đều tăng. Nguyên nhân được cho là bởi chính phủ nước này đang áp mức thuế suất với gạo nhập khẩu ở 0%.

 

Theo Bộ Lương thực Bangladesh, đến nay chính phủ chưa nhập khẩu gạo và toàn bộ lượng gạo nhập khẩu trên đều do lĩnh vực tư nhân thực hiện. Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu nhập khẩu 200.000 tấn gạo trong tài khóa 2014-2015 nhằm bổ sung lượng gạo lưu kho quốc gia.

 

Nhập khẩu gạo năm 2015 của Bangladesh có thể cao hơn ước tính của FAO và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). FAO ước tính năm 2015 Bangladesh nhập khẩu 400.000 tấn, giảm 33% so với 600.000 tấn năm 2014 do sản lượng tăng. Trong khi đó, USDA dự báo năm 2015 Bangladesh nhập khẩu 600.000 tấn gạo, giảm 20% so với 751.000 tấn.

 

2.6 Cuba

 

Cuba đang trở lại thị trường lúa gạo thế giới với vai trò nhập khẩu.Theo Bộ Nông nghiệp Cuba, mỗi năm Cuba cần khoảng 650.000 tấn gạo để phục vụ nhu cầu của 11,2 triệu dân và dự trữ. Đối chiếu với sản lượng đạt được khoảng 300.000 tấn, lượng gạo sản xuất của Cuba mới đạt khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mục tiêu của Cuba trong năm 2016 đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước. Như vậy, mỗi năm Cuba dự kiến vẫn cần nhập khẩu khoảng 350.000 tấn gạo.

 

Năm 2014, Cuba đã nhập khẩu 200.000 tấn gạo Việt Nam, và dự kiến sẽ nhập nhiều hơn thế trong năm nay.

Trong Biên bản Kỳ 32 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Cuba, hai Bên đã thỏa thuận việc mua bán 200.000 tấn gạo theo diện tín dụng Chính phủ và 100.000 tấn gạo diện thương mại cho năm 2015.

 

2.7 Nigeria

 

FAO nhận định tổng nhập khẩu ngũ cốc của Nigeria, bao gồm gạo và lúa mì, trong năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 7,72 triệu tấn do các vụ xung đột và mất an ninh ở miền Bắc nước này. USDA dự báo sản lượng lúa Nigeria năm 2015 sẽ ở mức 4 triệu tấn (khoảng 2,56 triệu tấn gạo), và nhập khẩu sẽ ở mức khoảng 3,5 triệu tấn.

 

III. CHÍNH SÁCH

 

3.1 Thế giới

 

Philippine: Xem xét lại chính sách nhập khẩu gạo

 

Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia Philippines (NEDA) đã quyết định xem xét lại chính sách nhập khẩu gạo bởi các quy chế hạn chế khối lượng đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa cung cầu gạo và đẩy giá gạo lên cao.

 

Trung Quốc: Duy trì giá thu mua lúa gạo tối thiểu như năm 2014

 

Theo FAO, Trung Quốc sẽ duy trì Giá thu mua gạo tối thiểu (MRPP) năm 2015 ở mức tương đương như năm 2014, mặc dù chi phí sản xuất tăng. Năm ngoái, MRPP đối với gạo sớm là 135 NDT/50 kg (khoảng 432 USD/tấn), gạo indica giữa và cuối vụ là 138 NDT/50 kg (khoảng 442 USD/tấn), và gạo Japonica là 155 NDT/50 kg (khoảng 496 USD/tấn).

 

Thái Lan: Giảm sản xuất lúa gạo, tăng cường xúc tiến thương mại

 

Để phát triển bền vững ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch giảm sản lượng gạo, giành lại những thị phần đã mất và mở mang thị trường mới.

 

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch giảm sản lượng lúa xuống 33,73 triệu tấn vào năm 2016-2017, giảm 4% so với mức trung bình 35,11 triệu tấn trong 6 năm qua nhằm kiểm soát dư thừa và đẩy giá tăng trở lại sau khi sụt giảm đáng kể từ đầu năm 2013. Trong 2 năm tới, chính phủ Thái Lan sẽ chuyển đổi 112.000 ha đất trồng lúa sang trồng mía đường và khoảng 176.000 ha nuôi trồng kết hợp, đồng thời sẽ không trồng lúa trong mùa khô trên diện tích 64.000 ha. Mục tiêu của chính phủ là đảm bảo sản lượng lúa gạo phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đồng thời cắt giảm lượng dư thừa xuống 200.000 tấn vào năm 2019-2020 từ 1,1 triệu tấn năm 2016-2017. Tuy vậy, kế hoạch này cần phải được Ủy ban Chính sách Lúa gạo thông qua.

 

Theo Chủ tịch TREA, giá dầu lao dốc có thể khiến các nước có nguồn thu phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Nigeria cắt giảm nhập khẩu. Bộ Thương mại Thái Lan và TREA đang lên kế hoạch xúc tiến xuất khẩu gạo sang các thị trường mới tiềm năng như Iran, Iraq và các nước Trung Đông khác do lo ngại giá dầu giảm sẽ tác động đến sức mua của các nước nhập khẩu chủ chốt.

 

Campuchia: Ngăn chặn nước ngoài giả nhãn hiệu gạo Campuchia

 

Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) đã thúc giục chính phủ áp dụng triệt để Bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct) – được sửa đổi trong tháng 2/2014 – nhằm ngăn ngừa tình trạng các công ty thương mại sử dụng gạo giá rẻ từ các nước láng giềng để xuất khẩu bằng nhãn hiệu của Campuchia.

 

Ấn Độ: Bán gạo dự trữ dư thừa ra thị trường mở

 

Chính phủ Ấn Độ đã quyết định bán 2-3 triệu tấn gạo lưu kho dư thừa theo Chương trình Mở bán ra Thị trường tự do (OMSS) thông qua các phiên đấu giá điện tử. Theo Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), lượng gạo dự đoán bán ra với giá 2.340 rupee/tạ (375 USD/tấn) cho các nhà thầu tư nhân. Mức giá này sẽ bao gồm giá hỗ trợ tối thiểu (MSP) và chi phí vận chuyển đến cảng đến từ kho chứa của FCI. Khối lượng đấu giá tối thiểu và tối đa dao động từ 50 đến 3.500 tấn.

 

Đây là lần đầu tiên chính phủ Ấn Độ quyết định bán lượng gạo lưu kho dư thừa thông qua OMSS.

 

Indonesia: Tăng giá thu mua lúa gạo

 

Chính phủ Indonesia mới đây dã tăng giá thu mua lúa gạo trong nước thêm khoảng 10% lên khoảng 577 USD/tấn để bảo vệ người trồng lúa và nhằm đạt mục tiêu thu mua 3,2 triệu tấn. Tuy nhiên, Chính phủ nước này cho biết khối lượng thu mua chưa chắc sẽ đạt mục tiêu, mà chỉ vào khoảng 2,5 đến 2,75 triệu tấn (thấp hơn khoảng 14%-22% so với mục tiêu).

 

3.2 Trong nước


Theo VINANET

Trở lại      In      Số lần xem: 2340

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD