Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  36
 Số lượt truy cập :  33365363
Thị trường lúa gạo tháng 4/2015 và dự báo tháng 5
Thứ hai, 01-06-2015 | 07:47:59

·        Giá gạo xuất khẩu nhìn chung tiếp tục giảm trong tháng 4;

·        Thái Lan và Việt Nam gần kết thúc vụ thu hoạch lúa;

·        Ấn Độ nỗ lực tăng xuất khẩu sang châu Phi; Myanmar, Campuchia, Pakistan muốn tăng mạnh thị phần ở Trung Quốc;

·        Thị trường hy vọng nhu cầu từ các nước Hồi giáo sẽ tăng trước kỳ lễ hội Ramadan.

 

I.                   DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

 

Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới nhìn chung tiếp tục giảm. Chỉ số giá gạo trắng do Oryza theo dõi (WRI) tới trung tuần tháng 4/2015 ở mức khoảng 410 USD/tấn, giảm khoảng 6 USD/tấn so với trung tuần tháng 3 và giảm khoảng 42 USD/tấn so với một năm trước đó.

 

Gạo Thái Lan tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong khu vực do lượng tồn trữ lớn trong khi tiếp tục thu hoạch vụ lúa mới.

 

Đáng chú ý giá gạo Pakistan từ chỗ rẻ nhất trong khu vực đã lội ngược dòng tăng trong khi các loại khác giảm trong vòng một tháng qua. Hiện gạo Pakistan đắt hơn cả gạo Ấn Độ và Việt Nam, và chỉ rẻ hơn gạo Thái Lan. Nguyên nhân bởi vụ thu hoạch của Pakistan đã kết thúc từ tháng 12 năm ngoái với sản lượng giảm, trong khi xuất khẩu nhích tăng từ đầu năm tới nay. Giá gạo 5% tấm Pakistan tăng khoảng 30 USD/tấn trong vòng một tháng qua, lên mức 380 USD/tấn ngày 22/4, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với một năm trước.

 

Giá gạo Campuchia cũng tăng bởi nguồn cung trong nước không còn dồi dào mà nhu cầu xuất khẩu tốt. Loại loại 5% tấm tăng khoảng 10 USD/tấn so với một tháng trước, nhưng cũng giảm khoảng 5 USD/tấn so với một năm trước.

 

Hình 1: Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của một số quốc gia châu Á

 

Giá gạo Thái Lan giảm khoảng 5 USD/tấn trong vòng một tháng qua, mặc dù gần như không thay đổi so với một năm trước. Ngày 1/4 giá gạo 5% tấm của Thái Lan mất mốc 400 USD/tấn, và tiếp tục giảm đến ngày 22/4 chạm mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua, 390 USD/tấn. Mặc dù giá giảm nhưng gạo Thái Lan vẫn không hấp dẫn được khách hàng bởi gạo các nước khác còn rẻ hơn. Ngay cả các khách hàng châu Phi cũng rời bỏ Thái Lan để chuyển sang mua của những nước khác. Việc Nigeria bầu cử Tổng thống cũng góp phần làm cho thị trường Thái Lan càng thêm vắng vẻ, bởi Nigeria là một khách mua truyền thống với khối lượng 1,24 triệu tấn năm 2014.

 

Trong bối cảnh giá gạo giảm mà nguồn cung vốn nhiều lại được bổ sung trong vụ thu hoạch, Chính phủ Thái Lan đã hoãn các cuộc bán đấu giá gạo dự trữ để tránh tác động xấu thêm tới thị trường. Thời hạn hoãn sẽ kéo dài tới khi thị trường có dấu hiệu được cải thiện.

 

Trên thị trường Việt Nam, giá gạo xuất khẩu sau khi tăng vào cuối tháng 3 đã giữ vững trong 2 tuần đầu tháng 4 khi có nhu cầu từ phía Trung Quốc, nhưng giảm nhanh sau khi chương trình thu mua tạm trữ kết thúc vào ngày 15/4. Tính chung trong vòng một tháng qua, giá gạo Việt Nam cũng giảm khoảng 10 USD/tấn, và giảm khoảng 25 USD/tấn so với một năm trước. Ngày 22/4 gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất 10 tuần, 358-365 USD/tấn. Khách hàng châu Phi nhìn chung đang mua gạo Pakistan và Ấn Độ bởi lợi thế giá rẻ và gần về mặt địa lý. Đến cuối tháng 4, khách hàng Trung Quốc cũng giảm tốc độ mua gạo, khiến thị trường xuất khẩu mặt hàng này càng thêm vắng vẻ. Việc thu gom gạo để thực hiện hợp đồng với Philippine trước 30/4 cũng sắp hoàn tất.

 

Trên thị trường trong nước, giá lúa gạo cũng bắt đầu giảm trở lại từ giữa tháng 4. Hiện giá thấp hơn khoảng 100-300 đồng/kg so với một tháng trước. Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đã hoàn thành. Vụ thu hoạch ở ĐBSCL cũng gần kết thúc.

 

Bảng 1: Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL (đồng/kg)

Loại lúa, gạo

1/1/2015

22/3/2015

22/4/2015

Lúa khô tại kho loại thường

5.450-5.550

5.250-5.350

5.200 – 5.400

Lúa dài

5.650-5.750

5.500-5.600

5.350 – 5.600

Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm

7.100-7.200

6.600-6.700

6.350 – 6.500

Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm

6.850-6.950

6.350-6.450

6.200 – 6.300

Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn

8.100-8.200

7.450-7.550

7.400 – 7.500

Gạo 15% tấm

7.700-7.800

7.300-7.400

7.200 – 7.300

Gạo 25% tấm

7.350-7.450

7.000-7.100

7.000 – 7.100

Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)

 

II. CUNG – CẦU

Nguồn cung trên thị trường châu Á tháng qua tiếp tục dồi dào khi một số nước sản xuất lớn, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, trong vụ thu hoạch. Tuy nhiên, việc chính phủ Thái tạm dừng bán đấu giá gạo dự trữ đã góp phần hạn chế lượng cung ra thị trường, ngăn giá giảm mạnh.

 

1.                  Các nước xuất khẩu chủ chốt

 

Nguồn cung gạo xuất khẩu dồi dào trên thị trường châu Á, bởi Thái Lan và Việt Nam thu hoạch lúa, trong khi nhu cầu mua không nhiều. Thái Lan tạm hoãn bán đấu giá gạo dự trữ để ngăn giá giảm. Ấn Độ sau một thời gian bị giảm xuất khẩu sang châu Phi do dịch Ebola và sự cạnh tranh từ các nước khác, nay đang lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang thị trường này đối với cả hai loại basmati và phi-basmati.

 

1.1. Thái Lan

 

Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan (OAE) ước tính sản lượng gạo Thái Lan niên vụ 2014-2015 đạt 21,5 triệu tấn, giảm 11% so với 24,2 triệu tấn năm trước đó. Sản lượng gạo vụ 2 đạt 3,63 triệu tấn, giảm 43% so với 6,4 triệu tấn năm trước và giảm 18% so với 6,7 triệu tấn dự báo trước đó, bởi diện tích gieo cấy giảm tới 42%.

 

Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse nhận định xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2015 sẽ không đạt dự kiến ban đầu do giá của các đối thủ khác rẻ hơn gạo Thái.

 

Ông Chookiat Ophaswongse cho rằng họ sẽ chỉ có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, bởi “Bức tranh thị trường gạo thế giới năm nay hoàn toàn khác so với cuối năm ngoái”. Trước đây Hiệp hội dự báo xuất khẩu năm 2015 vào khoảng 10 triệu tấn. Cả hai con số dự đoán mới và cũ này đều thấp hơn mức 11,2 triệu tấn mà Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) dự báo.

 

Chính phủ Thái Lan đang cố gắng giải phóng 17 triệu tấn gạo dự trữ, nhưng điều đó rất khó khăn bởi khối lượng ấy bằng 40% tổng mậu dịch gạo toàn cầu hàng năm.

 

1.2. Việt Nam

 

Giai đoạn 1/1-13/4/2015 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,144 triệu tấn, giảm 35% so với 1,76 triệu tấn 4 tháng đầu năm 2014, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

 

Kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 của Thủ tướng Chính phủ ở khu vực ĐBSCL đã đạt kế hoạch đề ra, với mục đích đảm bảo lợi nhuận và sự ổn định cho người nông dân trồng lúa. Lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đều có chung nhận định rằng Chính phủ đã kịp thời đưa ra chính sách thu mua tạm trữ gạo trong vụ Đông Xuân 2014-2015 nên phần nào đã giúp được người nông dân tiêu thụ được lúa gạo với giá ổn định, và bày tỏ mong muốn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để tiêu thụ nông sản, đảm bảo giá cả ổn định vì nếu giá nông sản bấp bênh, người nông dân sẽ không thể yên tâm sản xuất.

 

Mặc dù vậy, với khối lượng thu mua chỉ chiếm khoảng 1/5 sản lượng vụ này nên chỉ hỗ trợ được phần nào cho người nông dân, chủ yếu là ngăn giá giảm trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang khó khăn.

 

Một đoàn kiểm tra liên ngành việc thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 đã được thành lập

 

Từ ngày 29/3 đến 9/4, đoàn thanh tra liên ngành sẽ lần lượt kiểm tra, giám sát việc mua tạm trữ lúa, gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp.

 

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện mua tạm trữ của các doanh nghiệp cũng như làm rõ hiệu quả từ chính sách mua tạm trữ lúa, gạo; kiểm tra việc thực hiện vai trò giám sát, chỉ đạo của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt cấp huyện, xã trong việc thu mua tạm trữ lúa, gạo.

 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm nay, 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn ở cả 3 vụ dự kiến là gần 200.000 ha, tăng gần 60.000 ha so với năm 2014.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua lúa tại cánh đồng lớn dự báo gặp nhiều khó khăn.

 

Hiện, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định 606/QĐ-BCT về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.

 

Mục tiêu đặt ra là tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo của thương nhân với sản xuất lúa của nông dân.

 

Theo đó, thương nhân không thực hiện dự án, phương án, kế hoạch đã phê duyệt, không thực hiện hợp đồng đã ký hoặc không tổ chức mua lúa, gạo hàng hóa được sản xuất từ vùng nguyên liệu theo hợp đồng đã ký sẽ bị xem xét, xử lý theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Đối với nông dân trồng lúa, đại diện của nông dân không thực hiện đúng quy trình sản xuất, không bán lúa, gạo cho thương nhân sẽ đề nghị đến chính quyền, đoàn thể địa phương xem xét, có biện pháp xử lý phù hợp.

 

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, đôn đốc, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn thuộc phạm vi được phân công trong việc hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ lúa trên cánh đồng lớn.

 

Vụ lúa Đông Xuân 2014-2015, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 130.000 ha, đạt trên 77% kế hoạch. Diện tích ký hợp đồng thu mua hơn 61.000 ha, đạt khoảng 47% diện tích. Trong đó, thành phố Cần Thơ đứng đầu với diện tích ký hợp đồng thu mua gần 18.000 ha, tiếp theo là tỉnh Đồng Tháp gần 13.000 ha, Long An hơn 12.000 ha, Kiên Giang đạt 5.000 ha, Trà Vinh gần 4.000 ha, Bạc Liêu đạt hơn 3.000 ha, Tiền Giang gần 3.000ha, Hậu Giang là 2.500 ha.



Bốn tỉnh Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau không ký kết được hợp đồng thu mua.

 

1.3. Ấn Độ

Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 10,81 triệu tấn gạo trong 11 tháng đầu tài khóa 2014-15 (tháng 4-tháng 3), tăng khoảng 8,5% so với khoảng 9,96 triệu tấn cùng kỳ tài khóa trước. Trị giá xuất khẩu trong giai đoạn tháng 4/2014 đến tháng 2/2015 đạt khoảng 7,16 tỷ USD, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ tài khóa trước đó.

 

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo có sự cạnh tranh khốc liệt, Ấn Độ nhắm tới thị trường châu Phi để thực hiện các biện pháp xúc tiến. Với thế mạnh gần hơn một số quốc gia châu Á khác về mặt địa lý, kế hoạch của Ấn Độ có tính khả thi cao.

 

Bộ Thương mại Ấn Độ đã quyết định đưa ra chiến lượng mới nhằm tăng xuất khẩu gạo, kể cả basmati và non-basmati, sang châu Phi. Bộ đang lên kế hoạch gửi một đoàn khảo sát sang các nước châu Phi và nhóm họp với các nhà nhập khẩu tiềm năng.

 

1.4. Myanmar

Myanmar đang nổi lên thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường xuất khẩu gạo châu Á. Theo Bộ Thương mại Myanmar thì xuất khẩu gạo trong tài khóa2014-15 (kết thúc vào tháng 3) đạt 1,7 triệu tấn, thu về 645 triệu USD. Còn theo chủ tịch Hiệp hội Nông dân Myanmar thì trong trong tài khóa2014-15 xuất khẩu đạt 2 triệu tấn, tức là tăng 40% so với năm trước, trong đó phần lớn xuất khẩu gạo năm qua tới Trung Quốc (1,1 triệu tấn).

 

Các thị trường xuất khẩu của Myanmar là Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á, châu Âu và châu Phi khác.

Thống kê cho thấy xuất khẩu năm 2013/14 đạt 1,2 triệu tấn, và năm 2012/13 đạt 1,47 triệu tấn. Chính phủ Myanmar đang nỗ lực tăng xuất khẩu gạo lên 3 triệu tấn trong vài năm tới và đưa gạo vào danh sách ưu tiên trong Chiến lược Xuất khẩu Quốc gia, với mục tiêu nâng xuất khẩu lên 4 triệu tấn vào năm 2020.

 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng lúa của Myanmar niên vụ 2014-2015 đạt 18,98 triệu tấn (12.15 triệu tấn gạo) và xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn.

 

1.5. Pakistan

Về Pakistan, USDA và FAO đều có chung nhận định sản lượng lúa gạo niên vụ 2014/15 sẽ giảm, nhưng xuất khẩu gạo sẽ tăng.

 

FAO ước tính sản lượng lúa của Pakistan trong tài khóa 2014-2015 (tháng 7 - tháng 6) giảm 19% xuống 8,437 triệu tấn (5,65 trtiệu tấn gạo) so với 10,04 triệu tấn (6,72 triệu tấn gạo) năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do lũ lụt tại bang Punjab hồi tháng 8/2014 đã gây thiệt hại 116.700 ha lúa, tổn thất 217.000 tấn lúa. Theo FAO, Pakistan sẽ xuất khẩu 3,8 triệu tấn trong năm 2015, tăng nhẹ so với năm 2014.

 

USDA ước tính sản lượng gạo của Pakistan niên vụ 2014-2015 (tháng 11 - tháng 10) giảm 3% xuống 6,5 triệu tấn (9,75 triệu tấn lúa) từ 6,7 triệu tấn (10,05 triệu tấn lúa) năm 2013-2014. USDA ước tính xuất khẩu gạo của Pakistan niên vụ 2014-2015 (tháng 11 – tháng 10) sẽ đạt 3,7 triệu tấn, tăng 16% so với 3,2 triệu tấn năm 2013-2014. Giai đoạn từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2015, xuất khẩu gạo của Pakistan đạt 1,72 triệu tấn, Tuy nhiên, hiện các nhà xuất khẩu gạo Pakistan đang lo ngại về việc Trung Quốc áp hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo Pakistan và Kenya tăng thuế nhập khẩu gạo.

 

1.6. Campuchia

3 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 149.464 tấn, tăng 77% so với 84.331 tấn cùng kỳ năm 2014, theo số liệu của Cơ quan Dịch vụ Một cửa Thủ tục xuất khẩu gạo (SOWS-REF). Riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo đạt 75.867 tấn, tăng 101% so với 37.676 tấn trong tháng 2/2015 và tăng 112% so với 35.758 tấn tháng 3/2014.

 

Trung Quốc đến nay vẫn là thị trường xuất khẩu chính của gạo Campuchia, tiếp đến là Pháp, Ba Lan, Malaysia và Hà Lan. Xuất khẩu gạo của Campuchia sang Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3 chủ yếu nhờ việc chính phủ Trung Quốc nới lỏng quy định nhập khẩu. Tháng 3, Trung Quốc nhập khẩu 36.081 tấn gạo từ Campuchia, chiếm 48% khối lượng gạo xuất khẩu của Campuchia.

 

Tháng 8/2014, Campuchia đã ký thỏa thuận thời hạn 12 tháng với Trung Quốc để xuất khẩu 100.000 tấn gạo. Tính đến tháng 3/2015, Campuchia đã xuất khẩu 80.000 tấn gạo trong hạn ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và thỏa thuận này sẽ kết thúc vào tháng 4 hoặc tháng 5/2015, theo Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia.

 

Theo người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia, chính phủ Campuchia đang lên kế hoạch tăng gấp đôi khối lượng xuất gạo sang Trung Quốc niên vụ 2015-2016 (tháng 5 – tháng 4) lên 200.000 tấn.

 

2.                  Các nước nhập khẩu chủ chốt

Trong tháng 4 nhu cầu nhập khẩu gạo nhìn chung thấp. Không có hợp đồng lớn nào được ký kết trong tháng qua. Trung Quốc đang trở thành tâm điểm hấp dẫn nhiều nước xuất khẩu gạo. Pakistan, Myanmar, Campuchia và Thái Lan đều đang nhắm tới thị trường này với mục tiêu nâng mạnh khối lượng xuất khẩu trong những năm tới.

 

2.1. Philippine

Philippinesdự định mở rộng nguồn cung cấp gạo nhập khẩu, theo đó Cơ quan thu mua lương thực nước này đang khảo sát các phương thức nhập khẩu gạo từ nhiều nước khác nhau như Pakistan, Myanmar và Ấn Độ nhằm đa dạng hóa nguồn nhập khẩu gạo - hiện chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan.

 

Philippines hiện là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm 2014, Philippines nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo, cao nhất trong vòng 4 năm, và dự kiến năm 2015 nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Mới đây, Philippine đã nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam.

 

Hiện Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đang làm việc với các phái đoàn thương mại Pakistan, Ấn Độ và Myanmar để tiến tới ký kết Thỏa thuận Ghi nhớ tương tự như với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.

 

Sản lượng lúa của nước này quý I ước tính đạt 4,47 triệu tấn, thấp hơn mục tiêu 4,59 triệu tấn đặt ra hồi tháng 1, do thời tiết bất lợi. Mặc dù vậy, con số đó vẫn cao hơn 3,9% so với 4,31 triệu tấn cùng quý năm ngoái.

 

2.3. Indonesia

Indonesia đã không đạt được mục tiêu thu mua 3,2 triệu tấn gạo trong năm nay do giá sản lượng trong nước giảm. Đây là lý do khiến mặc dù chính phủ Indonesia luôn khẳng định sẽ không nhập khẩu gạo, nhưng các tổ chức quốc tế cho rằng điều đó thiếu thực tế.

 

Cơ quan thường trú của USDA tại Indonesia dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu 1,25 triệu tấn gạo trong năm nay.

 

III. DỰ BÁO

Dự báo giá gạo xuất khẩu ở khu vực châu Á có thể sẽ tăng nhẹ trong tháng 5, bởi vụ thu hoạch ở Thái Lan và Việt Nam kết thúc, nhu cầu nhiều khả năng gia tăng sau khi giá giảm thấp như hiện nay, cộng vớinhu cầu mới từcác quốc gia theo đạo Hồi cho tháng ăn chay Ramadan, bắt đầu vào khoảng 17/6. Được biết Trung Đông sẽ bắt đầu mua sớm để chuẩn bị cho lễ hội này.

 

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt, ở các thị trường, các chủng loại gạo. Thị trường Trung Quốc vốn là khách hàng lớn nhất của ta nay đang là đích đến của nhiều nước xuất khẩu khác, kể cả những nước cũng có lợi thế cùng chung biên giới như Myanmar, Pakistan…Việc Ấn Độ đề ra chiến lược tăng cường xuất khẩu gạo sang châu Phi cũng là mối lo lớn bởi Ấn Độ có lợi thế gần với khu vực châu Phi nên giảm được cước vận tải, từ đó hạ giá thành, cộng với lượng tồn trữ từ các năm trước còn rất lớn.

 

USDA: Hạ dự báo sản lượng và mậu dịch gạo thế giới niên vụ 2014/15

 

Trong báo cáo tháng 4/2015,USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2014/15 đạt 474,6 triệu tấn, giảm nhẹ so với 486,9 triệu tấn năm 2013/14 và cũng giảm so với 474,9 triệu tấn dự báo tháng trước.

 

USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo của Việt Nam niên vụ 2014/15 xuống 20,05 triệu tấn do sản lượng vụ Đông Xuân giảm, đồng thời hạ dự báo sản lượng gạo của Indonesia xuống 36,3 triệu tấn do gieo cấy vụ chính muộn hơn thường lệ.

 

Theo USDA, diện tích trồng lúa toàn cầu niên vụ 2014/15 đạt 159,6 triệu ha, giảm nhẹ so với 161,2 triệu ha năm ngoái, chủ yếu do diện tích gieo cấy tại Indonesia, Việt Nam và châu Phi cận Sahara giảm. Năng suất lúa toàn cầu dự báo đạt 4,44 tấn/ha.

 

Mậu dịch gạo toàn cầu năm 2015 được USDA điều chỉnh giảm nhẹ xuống 42,3 triệu tấn, giảm 1,6% so với 43 triệu tấn năm ngoái nhưng tăng nhẹ so với 42,5 triệu tấn dự báo hồi tháng 3.

 

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu của Ấn Độ giảm mạnh bất chấp sự gia tăng xuất khẩu của Pakistan, Việt Nam và Mỹ.

 

Về xuất khẩu, USDA hạ dự báo xuất khẩu gạo của Ai Cập và Nhật Bản nhưng nâng dự báo xuất khẩu gạo của Mỹ.

 

Về nhập khẩu, USDA hạ dự báo nhập khẩu gạo của Indonesia, Mali, Afghanistan, Arab Saudi và Yemen, nhưng lại nâng dự báo nhập khẩu gạo của EU và Mỹ.

 

Tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2014/15 ước đạt 483 triệu tấn, tăng 2,9 triệu tấn so với năm ngoái nhưng giảm 600.000 tấn so với 483,6 triệu tấn dự báo hồi tháng trước.

 

Tồn kho gạo cuối vụ 2014/15 ước đạt 98,6 triệu tấn, giảm 8% so với 106,4 triệu tấn năm ngoái và giảm 900.000 tấn so với 99,5 triệu tấn dự báo hồi tháng trước.   

 

FAO: Dự báo sản lượng gạo thế giới năm 2015 sẽ hồi phục, nhưng mậu dịch giảm nhẹ

 

FAO dự báo sản lượng gạo thế giới năm 2015 sẽ hồi phục sau năm 2014 giảm nhẹ, mặc dù giá giảm.

 

FAO dự báo sản lượng lúa sẽ tăng khoảng 1% lên 750 triệu tấn trong năm nay. Sản lượng lúa năm 2014 đã giảm 0,5% xuống 741,3 triệu tấn, sau nhiều năm liên tiếp được mùa.

 

Mức tăng khiêm tốn này được cho là bởi giá gạo gần đây giảm, và hạn hán ở Ấn Độ - một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

 

Chỉ số giá gạo của FAO đã giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2014 và hiện ở mức thấp nhất bốn năm rưỡi, 219 điểm trong tháng 3/2015, ngang giá của giai đoạn 2002-2004.

 

Một lãnh đạo của FAO, ông Hiroyuki Konuma, cho biết “Giá thấp như hiện nay sẽ khiến một số chính phủ, nhất là ở những nước xuất khẩu gạo, giảm bớt những chính sách hỗ trợ sản xuất và cân nhắc những lựa chọn khác, như những ảnh hưởng tiêu cực của việc trồng lúa tới môi trường, diện tích đất trồng lúa…., và những điều đó sẽ khiến sản lượng năm 2015 chỉ tăng nhẹ.

 

Sản lượng gạo của Trung Quốc, nước sản xuất lớn nhất thế giới, dự báo tăng 0,2% lên 208,5 triệu tấn trong năm 2015.

 

FAO dự báo mậu dịch gạo toàn cầu năm 2015 sẽ giảm 2,5% so với 2014 xuống 41,3 triệu tấn, chủ yếu do tồn trữ nhiều hoặc sản lượng tăng ở châu Á.

 

Dự báo Thái Lan sẽ là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới năm nay với 11,2 triệu tấn, tiếp đến là Ấn Độ với 9,3 triệu tấn và Việt Nam với 6,5 triệu tấn. Ba quốc gia châu Á này sẽ chiếm tổng cộng 65% tổng mậu dịch gạo toàn cầu, giảm nhẹ so với 68% năm 2014.

 

FAO nâng số liệu xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2014 lên 11,3 triệu tấn, từ mức 8,2 triệu tấn ước tính ban đầu, và như vậy Ấn Độ là nước xuất khẩu nhiều gạo nhất năm 2014, tiếp đến là Thái Lan với 11 triệu tấn và Việt Nam với 6,5 triệu tấn.

 

Trung Quốc, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới năm qua, dự báo sẽ tăng khối lượng nhập thêm 5,2% trong năm nay lên 3,2 triệu tấn do nhu cầu tăng.

 

Nigeria, một quốc gia nhập khẩu lớn khác, dự báo sẽ giảm nhập 3,3% trong năm nay xuống 2,9 triệu tấn.

 

Năm ngoái, Trung Quốc và Nigeria mỗi nước nhập khẩu 3 triệu tấn gạo.

Theo VINANET

Trở lại      In      Số lần xem: 1217

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD