Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  44
 Số lượt truy cập :  34074229
BÁO CÁO TỔNG HỢP THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM THÁNG 10/2013 VÀ TRIỂN VỌNG 2 THÁNG CUỐI NĂM

Tháng 10 giá thực phẩm tươi sống (các loại thịt lợn, bò, gà) ổn định; giá thủy sản tăng; giá rau củ tăng do ảnh hưởng mưa bão dài ngày; giá đường thấp, tiêu thụ chậm; giá sữa vẫn đứng ở mức cao. Sau đây là báo cáo đánh giá toàn diện về diễn biến mặt hàng thực phẩm trong tháng 10 và triển vọng 2 tháng cuối năm.

Tháng 10 giá thực phẩm tươi sống (các loại thịt lợn, bò, gà) ổn định; giá thủy sản tăng; giá rau củ tăng do ảnh hưởng mưa bão dài ngày; giá đường thấp, tiêu thụ chậm; giá sữa vẫn đứng ở mức cao.

Sau đây là báo cáo đánh giá toàn diện về diễn biến mặt hàng thực phẩm trong tháng 10 và triển vọng 2 tháng cuối năm.

 

BÁO CÁO CHI TIẾT

 

A. THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

1. Cung - Cầu thực phẩm và diễn biến thị trường tháng 10

Thịt: giá lợn hơi trên địa bàn Hà Nội ổn định so với thời điểm cuối tháng 9, dao động từ 46.000-48.000 đồng/kg. Thịt thăn 95.000-100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 85.000 -90.000 đồng/kg, thịt vai 95.000-100.000 đồng/kg. Giá thịt bò cũng không đổi: thịt bò thăn và bắp 230.000-250.000 đồng/kg. Giá thịt gà ổn định, gà ta cả lông 115.000 -120.000 đồng/kg. Gà ta mổ sẵn 145.000-150.000 đồng/kg. Gà công nghiệp làm sẵn 70.000 đồng/kg. Trứng gà ta 33.000 đồng/chục, trứng vịt 30.000-35.000 đồng/chục; trứng gà công nghiệp 23.000 – 26.000 đồng/chục.

Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, giá các loại thực phẩm có nguồn gốc xuât xứ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bán theo giá của Sở Tài chính chấp thuận như sau: Thịt nạc thăn 135.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp nguyên con làm sẵn 68.500 đồng/kg, trứng gà công nghiệp 2.500 đồng/quả.

Tại thị trường phía Nam, tháng 10 giá lợn hơi tại nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL liên tục tăng mạnh, vượt lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đang giảm mạnh, tạo động lực giúp nhiều hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm. Hiện lợn hơi loại tốt tại Đồng Nai 4,7 – 4,8 triệu đồng/tạ, tăng khoảng 200.000 đồng/tạ so với mức giá hồi đầu tháng 9.

Gạo: giá lúa gạo tăng khoảng 5-7% so với tháng 9. Ngày 10/10, tại các chợ Hà Nội gạo tẻ thường Khang Dân 6.200-6.300 đồng/kg (tăng 300-500 đồng/kg); lúa tẻ thường Q5 giá 6.200 đồng/kg (tăng lên 400 đồng/kg); gao Xi 23 11.200-12.800 đồng/kg (tăng 400-1.000 đồng/kg). Các loại gạo như Bắc thơm số 7, tám thơm Điện Biên, tám Hải Hậu tăng 1.000 đồng/kg. Gạo tám Thái tăng 1.000-2.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg. Gạo nếp cái hoa vàng tăng 700-1.000 đồng/kg, lên 21.500 – 25.000 đồng/kg.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giá lúa gạo cũng tăng mạnh, lúa IR 50404 giá 4.400 – 4.500 đồng/kg (tăng 300- 350 đồng/kg so với tháng 9). Gạo nguyên liệu tại Cần Thơ, Đồng Tháp mua vào rất mạnh giá 6.800 – 6.900 đồng/kg (gạo IR 50404) và 7.000 – 7.100 đồng/kg (gạo hạt dài), tăng bình quân 400 đồng/kg. Có hai nguyên nhân khiến cho giá lúa gạo tăng mạnh. Thứ nhất, trong thời gian qua giao dịch lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế. Thứ hai là do thông tin Việt Nam đã ký bán trên 320.000 tấn gạo, trong đó bán cho Philippines 120.000 tấn theo hợp đồng tập trung, thời gian giao hàng dự kiến vào tháng 11 và tháng 12/2013. 

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao gạo xuất khẩu từ ngày 1/10 đến ngày 10/10/2013 đạt 111.471 tấn, trị giá FOB đạt 47,247 triệu USD, trị giá CIF đạt 47,648 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1 đến ngày 10/10/2013 đạt 5,310 triệu tấn, trị giá FOB 2,280 tỷ USD, trị giá CIF 2,365 tỷ USD.

Thủy sản: Các mặt hàng thủy sản tươi sống cũng tăng giá, giá sò huyết lên đến 70.000 đồng/kg (ăng 15.000 đồng/kg); cá diêu hồng 58.000 đồng/kg (tăng 8.000 đồng/kg). Các loại ốc nhỏ tháng trước giá 20.000 đồng/kg, nay lên 30.000 đồng/kg.

Giá các loại thủy hải sản tại TPHCM như tôm, cá, ốc cũng tăng từ 20 - 30% (cá biệt có loại tăng 60 - 70% như ghẹ), do biển động các tàu cá nằm bờ. Cụ thể tại các chợ Bà Chiểu, Phú Xuân, Tân Mỹ (TP.HCM), giá tôm sú đã tăng thêm 50.000 -100.000 đồng/kg. Các loại ốc sò như sò lông, sò huyết, nghêu, ốc bươu tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại, ghẹ cũng tăng thêm 80.000 - 100.000 đồng/kg... nghêu loại lớn chợ Bình Điền ở mức 30.000 đồng/kg, sò lông, sò huyết 80.000-90.000 đồng/kg, tôm sú 300.000 đồng/kg loại lớn...

Dù mưa nhiều, nước lên nhưng những ngày qua giá thủy sản vẫn giữ ở mức cao. Tại Cần Thơ: Cá lóc đồng từ 60.000-80.000 đồng/kg, cá rô đồng (loại nhỏ) từ 30.000-50.000 đồng/kg; lươn, cá trê vàng 150.000 đồng/kg; tép đồng làm sẵn 60.000 đồng/kg...

Rau củ: do ảnh hưởng của mưa bão, nguồn cung rau xanh cho thị trường Hà Nội giảm nhẹ nên giá vẫn ở mức cao. Mặc dù bão số 10 không ảnh hưởng tới các tỉnh phía Bắc, nhưng các đầu mối lớn đã dự trữ rau tại kho lạnh để cung cấp cho thị trường miền Trung trong những ngày sau bão. Ngày 10/10, tại các chợ đầu mối Hà Nội: bắp cải 15.000 đồng/kg, rau muống 8.000 đồng/mớ, rau cải 15.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, bí xanh 20.000 đồng/kg…

Tại các siêu thị Hà Nội, giá rau xanh cũng tăng. Tại Oceanmart, giá các loại rau cũng tăng từ 1.400-10.000 đồng/kg, cụ thể khoai tây 21.900 đồng tăng 4.400 đồng/kg; bắp cải 18.900 đồng tăng 3.000 đồng/kg, cải chip 29.900 đồng/kg tăng 7.400 đồng/kg, cải bẹ 38.900 đồng/kg tăng 9.000 đồng/kg; ngồng cải 26.500 đồng/kg tăng 8.600 đồng/kg.

Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, giá các loại rau có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bán theo giá được Sở Tài chính chấp thuận như sau: Khoai tây 18.700 đồng/kg, cải bắp 12.000 đồng/kg, bí đỏ 10.400 đồng/kg, cải ngọt 16.500 đồng/kg, mồng tơi 15.000 đồng/kg./.

Giá rau tại Đà Lạt cũng tăng đáng kể do mưa bão làm sản lượng rau giảm mạnh. Giá rau ăn lá của Đà Lạt xuất đi TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành trong cả nước đã tăng từ 30 – 40% so với tháng trước. Cụ thể, các loại rau đang tăng giá cao là cải bó xôi (23.000 – 25.000đồng/kg), tần ô (18.000 – 20.000đ/kg), cải thảo (8.000 – 9.000đ/kg), bắp cải (5.000đ/bắp)…

Tại các vùng chuyên canh tác rau chủ lực của Đà Lạt, những trận mưa kéo dài cũng khiến sản lượng rau bị sụt giảm đến 50%, đặc biệt là các loại rau ăn lá được trồng ngoài trời. Theo nhận định, giá rau có thể tiếp tục tăng trong vài ngày tới do nhu cầu của thị trường vẫn rất cao, nhất là sau khi nhiều nơi đang chịu ảnh hưởng của đợt mưa bão vừa qua.

Do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài trong những ngày qua làm sản lượng rau củ, hải sản cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh sụt giảm đến 50%, dẫn đến giá bán tăng vọt 30 - 70%. Giá các loại rau ăn lá tăng từ 30 - 40% so với ngày thường. Cụ thể, các loại rau đang tăng giá cao là tần ô (từ 13.000 đồng lên 18.000 đồng/kg), bó xôi (từ 14.000 đồng lên 21.000 - 23.000 đồng/kg), cải thảo (từ 5.000 đồng lên 8.000 - 9.000 đồng/kg), xà lách lolo xanh (từ 15.000 đồng lên 22.000 đồng/kg)... khoai tây 7.000 đồng, trước 3.000 đồng/củ, tăng hơn gấp đôi. 1kg rau muống 10.000 đồng lên 15.000 đồng, rau dền từ 15.000 đồng lên 21.000 đồng/kg, hành lá trước chỉ 2.000 đồng, cũng lên 4.000 đồng. Cà chua từ 12.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/kg, tăng gần 70%. Rau muống ở mức 16.500 đồng/kg, cải ngọt 19.900 đồng/kg, cải bẹ xanh 20.500 đồng/kg, bắp cải tím 39.900 đồng/kg…

Giá rau tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang cũng tăng 30 -50% so với tháng trước, do mưa bão kéo dài làm nguồn cung sụt giảm 30-40%.

Đường:Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự kiến, niên vụ mía đường 2013-2014, cả nước sẽ sản xuất được 1,6 triệu tấn đường. Tồn kho đầu vụ là 372.580 tấn, nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 73.500 tấn. Tổng nguồn cung đường trong năm sẽ là 2,046 triệu tấn. Ước tiêu thụ khoảng 1,4 -1,5 triệu tấn, sau khi cân đối cung cầu sẽ còn thừa 500.000-600.000 tấn, chưa kể đường nhập lậu trên thị trường.

Theo VSSA, tính đến 27/9/2013, cả nước ép được 185.592 tấn mía, sản xuất được 12.606 tấn đường. Tồn kho đến 27/9/2013 tại các nhà máy đường là 187.687 tấn, tại các công ty thương mại thuộc hiệp hội là 9.111 tấn.

Tồn kho đường chủ yếu là đường tinh luyện (144.044 tấn), hiện giá đường kính trắng (RS) và đường tinh luyện (RE) chênh lệch không nhiều. Giá mía chuẩn 10 CCS tại ruộng (sau khi chất xuống phương tiện) tại vùng mía Phụng Hiệp là 850 đồng/kg. Mức tăng/giảm mỗi 0,1 CCS là 7 đồng/kg.

Năm nay, những khó khăn của ngành mía đường vẫn như các vụ trước, đó là đường nhập lậu tràn lan, gian lận thương mại không ngăn chặn được. Tiêu thụ kém, tồn kho cao, giá đường thấp, không giữ được giá mía cho nông dân.

Đường tinh luyện RE tiêu thụ chậm trong khi vụ ép mới 2013/2014 đã bắt đầu. Giá đường RE tiêu thụ hiện nay rất thấp 14.500 đồng-15.000 đồng/kg sẽ khiến giá đường RS vụ mới 2013/2014 cũng bị hạ thấp. Đây là điều đáng lo ngại, có thể sẽ tác động mạnh đến giá mía và doanh nghiệp không giữ được giá mua cao như vụ vừa qua.

Theo VSSA, nguyên nhân chính gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất đó là tình trạng nhập lậu chưa được kiểm soát triệt để, chính sách cho phép xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc của Bộ Công Thương còn chậm, chưa linh hoạt. Việc cấp hạn ngạch nhập khẩu chưa công khai, minh bạch... khiến thị trường đường càng bế tắc.

Sữa: Thị trường sữa bột gần đây liên tiếp hứng chịu nhiều đợt tăng giá vô tội vạ từ các hãng sữa nhập khẩu.

Theo thông báo của Tổng cục Hải quan, giá nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường như Nestle, Gallia, Enfa, Abbott... đều cao gấp 5 - 6 lần so với giá nhập khẩu. Cụ thể, giá nhập khẩu sữa bột Similac Advance (hộp 658 gr) là 119.700 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ lên tới 540.000 đồng/hộp (chênh 351%); sữa bột Gallia số 1 (900 gr) có giá nhập 119.700 đồng/hộp, nhưng bán lẻ là 560.000 đồng/hộp (tăng 367%); sữa bột Nestle Nido Kinder (hộp 1,6 kg), giá nhập là 115.300 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ lên tới 600.000 đồng/hộp...

Thậm chí, có loại sữa có giá bán lẻ chênh lệch so với giá nhập khẩu lên tới 507%, như Enfamil Infant, Enfagrow Older Todder...

Không chỉ có mức chênh lệch lớn so với giá nhập khẩu, từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa còn tìm cách lách luật để tăng giá sản phẩm thêm 8-15%, đổ hết gánh nặng chi phí lên vai người tiêu dùng.

Có doanh nghiệp tăng giá đến 15%, song các cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp. Sữa và sản phẩm từ sữa thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nhưng để lách luật, các hãng đã "thay tên đổi họ" thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung... Cách gọi này đã khiến sản phẩm sữa không còn thuộc điều chỉnh của Luật Giá và do đó, không nằm trong diện phải kê khai giá.

Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của 17/18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế, hiện không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của Bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thay vào đó, tên chính thức được sử dụng trên nhãn mác sản phẩm hầu hết là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức...

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi làm cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá. Theo đó, danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá gồm: sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành.; sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng không theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Danh mục này là cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 20/11.

Dầu ăn: Từ ngày 7-9-2013, Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp tự vệ lên mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu, gồm dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện (mã HS 1507.90.90, 151.90.91, 1511.90.92, 1511.90.99). Mức thuế tự vệ sẽ áp dụng từ tháng 5-2013 đến 5-2017 với mức thuế khởi đầu 5% ở năm 2013 và sẽ giảm dần qua từng năm xuống mức 2% vào năm 2017.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong những các năm gần đây, lượng dầu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Nếu như năm 2009 lượng dầu ăn nhập khẩu vào thị trường Việt Nam mới chỉ đạt gần 267 ngàn tấn, năm 2010 là trên 312 ngàn tấn thì đến năm 2011 là gần 389 ngàn tấn (tăng gần 24% so với năm 2010), năm 2012 là gần 567 ngàn tấn (tăng gần 46% so với năm 2011).

Ngành dầu thực vật trong nước đang bị hàng ngoại nhập chèn ép khiến thị phần tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến sản xuất ngưng trệ, gây lãng phí đầu tư. Điều đó cho thấy, hàng hóa trong nước đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh trước xu hướng hàng ngoại ồ ạt tràn vào. Do vậy, việc áp thuế tự vệ đối với dầu ăn nhập khẩu được xem là động thái của các cơ quan quản lí nhà nước trong việc bảo vệ cho ngành sản xuất dầu thực vật nội địa trước sự tấn công ồ ạt của dầu ăn nhập khẩu.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng hàng hóa tràn vào thị trường theo thời gian mở cửa thị trường khu vực sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Như vậy, không chỉ có ngành dầu ăn gặp khó khăn mà những ngành sản xuất khác cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì vậy, cần có phương án thích hợp để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước mới có thể tránh cho các DN khỏi phải chịu thiệt hại nặng nề.

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu ăn sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, các DN sản xuất dầu ăn trong nước đã  nỗ lực đầu tư rất lớn vào dây chuyền máy móc thiết bị, nâng cao công suất của toàn ngành lên 1 triệu tấn/năm vào năm 2014. Với công suất này, ngành dầu ăn trong nước có thể đáp ứng 100% nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước.

Muối: Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng muối của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 952.224 tấn, tăng 28,8% so với cùng kỳ 2012.

Trong số đó, sản lượng muối sản xuất công nghiệp đạt 246.940 tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, còn muối sản xuất thủ công đạt 705.284 tấn. Diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.189 ha, trong đó diện tích muối công nghiệp ước đạt 3.394 ha. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất tăng mạnh 38% so với cùng kỳ 2012, đạt khoảng 136.643 tấn.

Giá muối tại một số tỉnh nhìn chung vẫn giữ ở mức hợp lý. Cụ thể, giá muối ở Miền Bắc từ 1.500-2.500 đồng/kg, ở Nam Trung Bộ muối sản xuất thủ công giá từ 850-1.800 đồng/kg, muối sản xuất công nghiệp từ 1.000-1.200 đồng/kg, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long giá từ 1.300-1.800 đồng/kg.

2.   Dự báo thị trường thực phẩm 2 tháng cuối năm

Dự báo, thời gian tới, giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục ổn định. Để bình ổn thị trường, từ trung tuần tháng 9-2013, Sở Công thương đã tổ chức cho các DN Hà Nội tìm nguồn hàng, ký kết trao đổi hàng hóa với các đơn vị tại Thái Bình và Nam Định. Bước đầu, các DN đã khảo sát và ký thỏa thuận cung cấp, tiêu thụ gia cầm, lợn hơi, sản phẩm nông, thủy sản… UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tạm ứng 318 tỷ đồng cho 13 DN dự trữ hàng hóa, nhằm bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu vào dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng cao…

Dự báo, trong thời gian tới, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, giá tiếp tục ổn định. Đối với nhóm hàng rau, củ, quả, do thời tiết diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung rau xanh của Hà Nội, dự báo giá rau xanh thời gian tới vẫn ở mức cao.

Theo tínhh toán của nhiều người chăn nuôi heo có kinh nghiệm tại khu vực miền Đông Nam bộ, hiện nay giá lợn giống tăng, tình trạng tái đàn giảm chắc chắn sẽ tác động đến nguồn cung thịt lợn, thị trường sẽ khan hiếm và giá đội lên cao trong 2 tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Tết nguyên đán gần kề. Tuy vậy, với những điều kiện như trên là cơ hội cực tốt để ngành chăn nuôi kiếm lãi song với thời tiết bất ổn như hiện nay, sức mua trên thị trường có xu hướng giảm, thực phẩm tươi sống nhập khẩu với giá rẻ ngày càng tăng sẽ làm cho người chăn nuôi không chắc chắn việc kiếm lãi, thậm chí còn lỗ vốn. 

3.  Những đề xuất trong công tác quản lý mặt hàng thực phẩm

Đối với ngành chăn nuôi: Để chăn nuôi nông hộ chuyên nghiệp hơn, nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nên hỗ trợ theo hướng tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, không nên hỗ trợ theo kiểu cho không. Chính phủ nên sớm có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi khâu giống, thức ăn chăn nuôi, thụ tinh nhân tạo, vacxin và xử lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh bởi những khâu này có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

Trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi cần tập trung vào 4 nội dung chính là: Tái cơ cấu về loại vật nuôi, về vùng chăn nuôi, phương thức chăn nuôi và giết mổ chế biến gia súc gia cầm. Trong đó nội dung tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ là việc cần làm ngay.

Đối với mặt hàng sữa: đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ đối với việc tăng giá sữa và chủ trì, tổ chức đoàn thanh kiểm tra xử lý nghiêm hiện tượng gian lận thương mại, kê khai gian dối về hàng hóa đối với nhóm sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em trong thời gian tới. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố cần  thường xuyên thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế và pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của đơn vị; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá, về ghi nhãn mác sản phẩm...Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Sữa là mặt hàng quản lý theo chuỗi nên các cơ quan nhà nước đều phải làm tốt từ “gốc” chứ không chỉ quản lý giá bán ra cuối cùng đến người tiêu dùng. Cần làm tốt từng phần, trước mắt nên tập trung kiểm soát các loại sữa được tiêu dùng nhiều, có tác động lớn tới người tiêu dùng để người dân được dùng sản phẩm đúng với nhu cầu.

Đối với ngành đường: Trước những khó khăn của ngành đường, Hiệp hội mía đường đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về chính sách như: Tiếp tục cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch, không hạn chế chủng loại, số lượng sẽ căn cứ vào dự báo lượng đường dư thừa, không phân biệt là đường RS hay RE; Việc cấp phép thì kịp thời công khai, minh bạch và thông thoáng thủ tục. Kiến nghị nhà nước đàm phán kéo dài hạn ngạch thuế quan kéo dài đến năm 2020 hoặc ít nhất là áp dụng phương án linh hoạt đến hết năm 2018; tăng cường thanh tra, hậu kiểm phương thức tạm nhập tái xuất và đẩy mạnh phòng chống buôn lậu ngay từ cửa khẩu.

Bên cạnh đó, nên quy định doanh nghiệp đầu mối được phép nhập khẩu, sau đó đấu thầu bán đường cho các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước với giá thị trường. Khoản tiền chênh lệch trong xuất nhập khẩu sẽ được đầu tư trở lại cho ngành mía đường để nâng cao sức cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm.

Chính phủ có thể đề nghị WTO không tiếp tục cấp quota nhập khẩu đường khi sản xuất trong nước đã dư thừa. Trong trường hợp không ngăn chặn được đường nhập lậu, Chính phủ cần xem xét bỏ thuế VAT 5% cho mặt hàng đường sản xuất trong nước để tạo thế mạnh cạnh tranh cho sản phẩm...

 

B. THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

 

Tổ chức Nông Lương Liên hiệp Quốc (FAO) vừa công bố báo cáo về chỉ số giá thực phẩm toàn cầu tháng 9. Theo báo cáo này, chỉ số giá thực  phẩm tháng 9 ở mức 199,1 điểm, giảm 1% (tức giảm 2,3 điểm) so với tháng 8 và đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tiếp. Chỉ số giá thực phẩm tháng 9 cũng giảm 5,4% (tức giảm 11 điểm) so với đầu năm 2013.

Sở dĩ giá thực phẩm giảm mạnh trong tháng 9 chủ yếu do giá 11 mặt hàng ngũ cốc giảm mạnh. Cụ thể chỉ số giá ngũ cốc giảm 6% so với tháng 8 và giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu phản ánh sự thay đổi hàng tháng của giỏ hàng gồm ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường.

Chỉ số giá ngũ cốc tháng 9 đạt 197,7 điểm, giảm 12,9 điểm (tức giảm 6%) so với tháng 8 và giảm 65 điểm (tức 25%) so với tháng 9 năm ngoái. Giá giảm chứng tỏ nguồn cung tăng, đặc biệt là ngô và gạo.

Giá dầu ăn, chất béo tháng 9 đạt 186,3 điểm, không đổi so với tháng 8. Chỉ số giá sữa đạt 240,7 điểm, tăng 1,6 điểm (tức 0,7%) so với tháng 8.

Chỉ số giá thịt tháng 9 đạt 175,7 điểm, tăng 1,5 điểm (tức 0,9%) so với tháng 8; trong đó thịt gia cầm tăng mạnh 2,8%; thịt bò, cừu tăng nhẹ; trong khi giá thịt lợn không đổi.

Chỉ số giá đường đạt 246 điểm, tăng 4,3 điểm (tức 1,8%) so với tháng 8, đây là tháng thứ 2 liên tiếp tăng giá, do thời tiết không thuận lợi, chế biến khó khăn nhất là từ Braxin – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra do nhu cầu tăng ở Ấn Độ - nước tiêu thụ nhiều đường nhất, do vào mùa lễ hội hỗ trợ giá tăng.

Theo dự báo của các chuyên gia FAO, tổng sản lượng lương thực toàn cầu năm nay sẽ đạt khoảng 2,5 tỷ tấn, thấp hơn vài triệu tấn so với dự báo ban đầu do thời tiết không thuận lợi làm giảm sản lượng của khu vực Nam Mỹ.

Theo VINANET.

Trở lại      In      Số lần xem: 1283

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD