Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  25
 Số lượt truy cập :  34474108
Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016

Các nước sản xuất lúa gạo hàng đầu châu Á là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng, đe dọa giảm sản lượng, gây ra nguy cơ tăng giá cho mặt hàng lương thực chính đối với một nửa dân số thế giới này. Theo Reuters, lần đầu tiên kể từ năm 2010, sản lượng lúa gạo thế giới được dự báo sẽ sụt giảm do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra hạn hán kéo dài.

Thị trường thế giới

Bối cảnh chung

 

Các nước sản xuất lúa gạo hàng đầu châu Á là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng, đe dọa giảm sản lượng, gây ra nguy cơ tăng giá cho mặt hàng lương thực chính đối với một nửa dân số thế giới này. Theo Reuters, lần đầu tiên kể từ năm 2010, sản lượng lúa gạo thế giới được dự báo sẽ sụt giảm do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra hạn hán kéo dài. Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế dự báo sản lượng lúa gạo thế giới sẽ đạt 473 triệu tấn trong năm 2016, giảm so với mức 479 triệu tấn trong năm 2015 và là năm suy giảm đầu tiên trong 6 năm qua.

 

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đến cuối năm 2016, các kho dự trữ gạo ở ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới sẽ giảm khoảng 1/3, xuống còn 19 triệu tấn, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003. Bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung lớn nào có thể trở nên vô cùng nhạy cảm vào thời điểm này. Năm 2007, sản lượng gạo ở châu Á giảm do El Nino đã khiến Ấn Độ phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, đẩy giá gạo trên toàn cầu tăng vọt và dẫn đến các cuộc bạo động ở Hai-ti do thiếu hụt lương thực cũng như các biện pháp khẩn cấp ở các nước nhập khẩu gạo lớn như Phi-lip-pin.

 

Giá gạo Thái Lan đã tăng lên mức kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn vào năm 2008. Giá gạo tăng dẫn đến nhu cầu đối với các loại lương thực khác như lúa mì, đậu nành và bắp đều tăng. Mặc dù vẫn còn ở mức thấp so với năm 2008 nhưng vào đầu tháng 4/2016, giá gạo Thái Lan đã có lúc lên đến 389,5 USD/tấn, tăng 13% kể từ tháng 9/2015.

 

Một số nước châu Á đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo. In-đô-nê-xia dự kiến sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 60% so với cách đây vài năm. Trung Quốc, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với khoảng 5 triệu tấn/năm, cũng có thể tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Dự trữ gạo của Phi-lip-pin trong tháng 3/2016 đang ở mức thấp mặc dù đã nhập 750.000 tấn gạo. Cơ quan Lương thực Quốc gia Phi-lip-pin đang cân nhắc nhập thêm 500.000 tấn gạo nữa.

 

Biến động giá cả

 

 

Trên thị trường châu Á, giá gạo Thái Lan thiết lập mức cao 2 năm vào những ngày cuối tháng 5/2016 do sản lượng gạo sụt giảm bởi hạn hán, giá gạo Việt Nam cũng tăng nhẹ mặc dù nhu cầu nhập khẩu yếu do Trung Quốc đã giảm lượng mua qua biên giới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc vừa phát động chiến dịch đấu tranh chống buôn lậu gạo qua biên giới phía nam từ ngày 26/3/2016. Dự đoán nhu cầu tiêu thụ gạo ở Đông Nam Á sẽ giảm khi chính quyền mới của Phi-lip-pin hạn chế cho phép các nhà nhập khẩu tư nhân nhập khẩu gạo.

 

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, giá gạo đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2014 trước kế hoạch xả kho gạo khổng lồ của Chính phủ nước nhà. Giá gạo giảm là do hạn hán, làm giảm sản lượng gạo và nhiều cây trồng khác không thể sinh trưởng. Trong 20 ngày đầu tháng 5/2016, gạo tiêu chuẩn 5% tấm tăng lên mức 418 – 420 USD/tấn (FOB Băng Cốc), mức cao nhất kể từ ngày 11/5/2014, tăng 20 USD mỗi tấn so với 398 – 400 USD/tấn hồi đầu tháng. Giới thương nhân dự đoán giá gạo 5% tấm của Thái Lan có thể tăng lên mức 500 USD/tấn trong 2 tháng tới. Mặc dù giá tăng cao, các đơn đặt hàng nhỏ vẫn xuất hiện trong khi các nhà xuất khẩu đang tích trữ gạo để giao hàng. Gạo Thái Lan dành cho xuất khẩu là gạo vụ trước, hiện đang được chào bán với giá thấp hơn khoảng 20 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Việt Nam.

 

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm chế biến từ gạo vụ Đông Xuân mới, tăng lên 380 – 385 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn) trong tuần qua đối với hàng giao ngay, và ở mức 370 – 375 USD/tấn đối với hàng giao tháng 7-8/2016, pha trộn với gạo vụ Hè Thu. Theo số liệu của Reuters, mức giá 385 USD/tấn là mức cao nhất kể từ ngày 20/4/2016.

 

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Chính sách và Quản lý gạo Thái Lan (CRPM), trong 11,4 triệu tấn gạo mà Chính phủ hiện nắm giữ, chỉ có 200.000 tấn chất lượng tốt, 7,5 triệu tấn không đạt tiêu chuẩn và 3,7 triệu tấn dành cho mục đích công nghiệp (1,3 triệu tấn có thể làm lương thực, thức ăn chăn nuôi và 2,4 triệu tấn không thể làm lương thực, thức ăn chăn nuôi). Gạo dự trữ ngắn nhất cũng đã 26 tháng, còn lâu nhất đã lên tới 56 tháng, chất lượng đã đến mức báo động. Đó chính là áp lực khiến các nhà quản lý Thái Lan quyết định xả toàn bộ kho gạo dự trữ chỉ trong vòng hai tháng. Hiện tượng El Nino được dự báo tiếp diễn khiến nguồn cung trên thị trường gạo thế giới hạn hẹp hơn cũng là điểm tựa cho quyết định này.

Thị trường trong nước

Tình hình giá cả

 

 

Giá lúa gạo trong nước biến động từ ổn định đến giảm nhẹ trong 20 ngày đầu tháng 5/2016 trước sức ép từ việc Thái Lan tuyên bố xả kho gạo khổng lồ 11,4 triệu tấn. Các thương lái tại khu vực ĐBSCL cho biết, giá lúa tại một số tỉnh liên tục sụt giảm, sức tiêu thụ yếu. Cụ thể tại Tiền Giang, Long An, giá lúa tươi IR50404 hiện chỉ còn khoảng 4.500 – 4.550 đ/kg, giảm 250 – 300 đ/kg so với tuần trước. Giá gạo nguyên liệu tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cũng nhanh chóng rớt xuống mức chỉ còn 6.500 – 6.700 đ/kg so với mức 6.700 – 6.900 đ/kg. Một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo khẳng định việc Thái Lan tuyên bố xả kho không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt nam, song trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, thông tin Thái Lan xả kho đã có tác động, làm giá cả thị trường trong nước giảm mạnh. Mặc dù vậy, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa gạo hiện tại vẫn còn cao hơn khoảng 300 đ/kg.

 

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong 20 ngày  qua diễn biến như sau: tại An Giang, lúa tươi IR50404 ổn định ở mức 4.900 đ/kg; trong khi lúa OM 2514 giảm 50 đ/kg, từ 5.200 đ/kg xuống còn 5.150 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 giữ ở mức 5.000 đ/kg. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường ổn định ở mức 5.900 đ/kg, lúa dài ở mức 6.500 đ/kg. Tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa của Công ty Lương thực ổn định, với lúa OM 5451 là 5.500 đ/kg (lúa tươi), 6.000 đ/kg (lúa khô); lúa OM 4900 là 5.600 đ/kg (lúa tươi) và 6.100 đ/kg (lúa khô).

 

Theo báo cáo mới nhất của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa Đông Xuân 2015-2016 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sụt giảm đến 713.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm ngoái – một mức sụt giảm mạnh, gấp gần bốn lần so với con số ước tính được đưa ra hồi cuối tháng 3/2016. Tổng diện tích xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 ở ĐBSCL đạt trên 1,5 triệu ha, tăng khoảng 10.000 ha so với vụ Đông Xuân 2014-2015. Tuy nhiên, sản lượng lúa thu hoạch chỉ đạt trên 10,4 triệu tấn, giảm đến 713.000 tấn so với vụ đông xuân 2014-2015. Chỉ riêng các tỉnh ven biển ĐBSCL, diện tích xuống giống vụ đông xuân 2015-2016 đạt 896.000 ha, tăng 6.000 ha so với vụ Đông Xuân năm ngoái; năng suất đạt trên 5,6 triệu tấn, giảm 507.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm ngoái. Lý giải nguyên nhân khiến sản lượng lúa hàng hóa giảm mạnh, theo Cục trồng trọt, hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp khiến lúa gieo sạ bị thiệt hại, làm sản lượng sụt giảm theo. Cụ thể, hạn và mặn đã ảnh hưởng đến 93.989 ha lúa Đông Xuân 2015-2016 ở ĐBSCL, trong đó, có 85.000 ha bị thiệt hại.

 

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT có chỉ đạo đẩy mạnh gieo sạ vụ hè thu và thu đông 2016 nhằm bổ sung phần sản lượng bị sụt giảm ở vụ đông xuân. Cụ thể, vụ Hè Thu 2016 toàn vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ trên 1,6 triệu ha với sản lượng thu hoạch dự kiến đạt gần 9,3 triệu tấn lúa, tăng 134.000 tấn so với vụ Hè Thu năm trước đó; vụ Thu Đông gieo sạ 900.300 ha, tăng 57.160 ha so với Thu Đông năm ngoái, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt trên 4,9 triệu tấn, tăng 361.000 tấn so với vụ Thu Đông 2015.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án trọng điểm thuộc Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam.

 

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ NN- PTNT gộp 5 dự án trọng điểm thực hiện Đề án quy định tại Khoản 5 Mục III Điều 1 Quyết định số 706/QĐ- TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ thành 1 dự án chung: Dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; gồm 5 hợp phần. Hợp phần 1: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia. Hợp phần 2: Phát triển thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hợp phần 3: Bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế. Hợp phần 4: Quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hợp phần 5: Xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.

 

Dự báo tình hình xuất khẩu trong nửa cuối năm 2016

 

Thái Lan sẽ xả bán 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong vòng hai tháng tới. Việc đấu thầu dự kiến bắt đầu từ tuần này, với mỗi lô đấu thầu là 1 triệu tấn gạo. Nếu kế hoạch xả hàng gạo tồn kho này được thực hiện thành công, thì đây sẽ là đợt bán gạo ra thị trường thế giới lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Thái Lan, lớn hơn cả lượng gạo xuất khẩu bình quân hàng năm trước đây. Trong nhiều năm qua, lượng gạo xuất khẩu bình quân mỗi năm của Thái Lan đạt trung bình 10 triệu tấn. Năm nay, nếu không tính lượng gạo tồn kho đang được xả hàng nói trên, Thái Lan cũng chỉ đặt ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 9 triệu tấngạo. Vì thế, ngay cả nhiều thương nhân Thái Lan cũng hoài nghi về khả năng thành công của đợt bán tháo này. Dù vậy, việc Thái Lan xả hàng 11,4 triệu tấn gạo tồn kho có ảnh hưởng gì tới xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2016? Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm không chỉ vì lượng gạo được bán ra quá lớn, mà trước đây gạo Việt Nam đã từng khốn đốn khi Thái Lan xả gạo tồn kho.

 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục chịu áp lực từ diễn biến khó lường của thị trường gạo thế giới, không chỉ về giá xuất khẩu mà còn về chất lượng, thương hiệu. Hiện lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi “vựa lúa gạo” Thái Lan chấp nhận bán ra với giá thấp để giải quyết vấn đề tồn kho.

 

Trên thực tế, chương trình giải phóng gạo tồn kho của Thái Lan đã được thực hiện từ những năm trước. Tuy nhiên, việc xuất hiện thông tin nước này xả lượng gạo tồn kho lớn cho thấy Việt Nam cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành. Ngoài ra, sự thay đổi về chính sách của các nước nhập khẩu truyền thống theo hướng tăng cường sản xuất trong nước, cũng như thách thức từ việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới… là những yếu tố tác động tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.

 

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các FTA đã ký; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân đầu mối tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt. Đối với các địa phương có liên quan, Bộ chỉ đạo các sở, ngành chức năng có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.

 

Trong khi đó, đại diện của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lại cho rằng việc Thái Lan xả bán gạo tồn kho sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và PTNT, do gạo Thái Lan đã tồn kho lâu, chất lượng giảm, chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp. Trong khi đó, gạo của Việt Nam mới thu hoạch, chất lượng tốt nên được các nước ưa chuộng hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã ký các hợp đồng từ cuối năm 2015 đến nay, vẫn chưa giao hết hàng, còn hơn 1 triệu tấn gạo, trong khi lượng gạo hàng hóa của chúng ta không còn nhiều.

 

Ông Nguyễn Đình Bích – nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) – cho rằng, việc Thái Lan xả kho gạo chắc chắn ảnh hưởng đến giá gạo thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì muốn bán được phải hạ giá.

 

Được biết, tồn kho lúa gạo của Thái Lan có thời điểm lên đến 18 triệu tấn. Việc xả gạo của Thái Lan mới chỉ là kế hoạch, thực tế có thực hiện được hay không, cơ quan chức năng trong nước cần theo dõi diễn biến và có khuyến cáo kịp thời đến người dân.  Nhiều chuyên gia cho rằng, Thái Lan mỗi năm xuất khẩu khoảng trên dưới 9 triệu tấn gạo, do đó, việc nước này xả hết kho gạo 11 triệu tấn trong 2 tháng là không khả thi.

 

Theo Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên giá lúa, gạo ở ĐBSCL có xu hướng nhích lên, giá bán trong nước hiện cao hơn giá đã ký xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu khoảng 370 – 400 USD/tấn, tương đương 8.000 – 9.000 đồng/kg, trong khi giá bán trong nước đang trên 10.000 đồng/kg. Từ thực tế đó, Chính phủ không tạm trữ lúa gạo như mọi năm.

 

Nguyễn Lan Anh - Nghenong.

Trở lại      In      Số lần xem: 10910

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD