Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  76
 Số lượt truy cập :  34079974
Hiệu quả sử dụng CIDR kết hợp với PGF2α và GnRH gây động dục đồng loạt trên trâu nội áp dụng trong phối giống nhân tạo

Trong thời gian từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, tổng số 120 trâu cái trong các hộ chăn nuôi nhỏ của 4 tỉnh Bình Phước, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Nguyên đã được sử dụng trong một thí nghiệm gây động dục đồng loạt. Trâu có lịch sử sinh sản bình thường, sau khi đẻ 90-150 ngày chưa mang thai, thể trạng tốt. Ba chương trình (protocol) hormone khác nhau được sử dụng cho 3 nhóm trâu, đồng đều về địa lý và điều kiện nuôi dưỡng.

Đinh Văn Cải[1], Lưu Công Hòa[2], Đậu Văn Hải[3],

 Nguyễn Hữu Trà[4] và Hoàng Khắc Hải[5]

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Phát hiện động dục ở trâu khó khăn do biểu hiện động dục không rõ ràng. Trâu động dục theo mùa cũng là một thực tế khiến cho khoảng cách lứa đẻ kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sinh sản của trâu cái. Để nâng cao hiệu quả sinh sản, các đề xuất về chương trình sử dụng hormone sinh dục để cải thiện tình trạng động dục và gây động dục đồng loạt đã được nghiên cứu và phát triển. Cơ sở của nó là dựa trên việc sử dụng progesteron để ức chế tạm thời hoạt động của chu kì động dục, có nghĩa là đưa tất cả gia súc cái ở các trạng thái khác nhau cùng bị ức chế. Hết thời gian tác động của hormone (giải phóng ức chế) chúng bắt đầu bước vào trạng thái hưng phấn mạnh và đồng nhất, chu kì động dục và các nang trứng được chín vào cùng một thời kỳ. Người ta cũng dùng hormone prostaglandin (PGF2a) vào mục đích này nhưng cơ chế khác ở chỗ, đây là hormone phá thể vàng, nên nó giải phóng ức chế, tạo cơ hội cho các nang trứng phát triển. Dụng cụ đặt trong âm đạo như  PRID hay CIDR (chứa progesteron) an toàn với gia súc và người sử dụng hơn so với việc sử dụng prostaglandin, tuy nhiên việc sử dụng vòng đặt âm đạo tốn công sức hơn khi đưa dụng cụ vào và lấy dụng cụ ra.

 

Đã có nhiều nghiên cứu gây động dục đồng loạt thành công trên trâu để sử dụng trong phối giống nhân tạo với chương trình hoặc chỉ sử dụng đơn lẻ PGF2α (Stevenson và ctv 1983; Brito và ctv 2002; Battista và ctv (1984) hoặc kết hợp với GnRH (theo J. Gupta và ctv, 2008). Thí nghiệm của K.R. Chohanl (1998) khi sử dụng đơn lẻ PGF2α cho thấy, tỷ lệ đậu thai của trâu không có sự khác nhau giữa 2 phương pháp tiêm (tiêm bắp hay dưới niêm mạc âm đạo) và liều lượng tiêm cloprostenol (125µg và 500µg), nhưng có sự khác nhau về mùa, mùa động dục nhiều (tháng 9 đến tháng 2) tỷ lệ đậu thai đạt 48-53%, trong khi mùa động dục ít (tháng 3 đến tháng 8) tỷ lệ đậu thai chỉ đạt 23-25,6%. Theo Sharma M.P và ctv (1994) có đến 95% trâu cái Murrah đáp ứng với PGF2α trong một thí nghiệm gây động dục đồng loạt.

 

Tuy nhiên chỉ có sự phát triển của các nang trứng mới thực sự cần thiết để đạt được sự rụng trứng đồng loạt và tăng tỷ lệ đậu thai. Vì vậy các nghiên cứu đã hướng sự chú ý đến việc sử dụng kết hợp các loại hormone như GnRH, FSH, LH, hCG, prostaglandin, progesterone và estradiol.

 

Các nghiên cứu của Yendraliza và ctv (2011) trên trâu Indonesia; J Gupta và ctv (2008) trên trâu Ấn Độ, Gianluca Neglia và ctv (2003) trên trâu của Ý, Guang- Sheng Qin và ctv (2009) trên trâu Trung Quốc đã sử dụng kết hợp PGF2α và GnRH (Ovsynch program) đã cho kết quả động dục và đậu thai của trâu cao hơn khi chỉ sử dụng đơn lẻ một loại hormone. Tuy nhiên có sự khác nhau nhiều về tỷ lệ động dục (30-100%) và tỷ lệ trâu có chửa (18-64%) trong các chương trình sử dụng hormon khác nhau. Theo F. De RensisaF. López-Gatiusb (1998) thì hầu hết các chương trình sử dụng kết hợp các loại hormone đã cho một tỷ lệ đậu thai thỏa đáng khi so sánh với tỷ lệ đậu thai trong phối giống tự nhiên.

 

Trong nước, Chung Anh Dũng (2007) đã sử dụng PRID để điều trị rối loạn sinh sản trên bò sữa. Mai Văn Sánh và Mai Thị Thơm (2005) nghiên cứu sử dụng PRID hoặc PMSG + HCG hoặc PGF2α  để khắc phục rối loạn sinh sản trên trâu cái chậm sinh. Chưa thấy kết quả nghiên cứu nào sử dụng kết hợp các loại hormone gây động dục đồng loạt trên trâu được công bố.

 

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của 3 chương trình, hoặc sử dụng riêng rẽ progesteron (sử dụng CIDR) hoặc progesteron kết hợp với PGF2α và GnRH gây động dục đồng loạt trên trâu cái nội, để áp dụng kỹ thuật phối giống nhân tạo trong sản xuất.

 

  1. NGUYÊN  LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

 

Thí nghiệm được tiến hành trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 3/2011, trên tổng số 120 trâu cái tại các hộ chăn nuôi nhỏ ở 6 huyện của 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước và Thái Nguyên. Khối lượng trâu thí nghiệm ở các tỉnh trung bình 360kg, 383kg, 416kg và 392kg tương ứng. Trâu thí nghiệm có lịch sử sinh sản bình thường, sức khỏe và thể trạng tốt, sau khi đẻ 90-150 ngày, chưa mang thai lại. Điều kiện nuôi dưỡng tương tự nhau để đảm bảo sự khác biệt giữa các hộ là ít nhất. Thí nghiệm theo phương pháp phân lô đồng đều. Trâu thí nghiệm được phân đồng đều (tuổi và vùng địa lí) vào 3 nhóm. Mỗi nhóm 40 con, được sử lý bởi các chương trình sử dụng hormone khác nhau. Nhóm 1: Đặt CIDR (Pfizer, Animal Health, chứa 1,38 gam progesteron), ngày đặt CIDR gọi là ngày 0 , rút CIRD ngày 10. Theo dõi động dục và phối giống đến hết ngày 14. Nhóm 2: Đặt CIDR ngày 0, tiêm 1 liều 2ml Fertagyl (Intervet Inc USA, chứa Gonadoreline 0,1 mg/lit) vào lúc đặt CIDR, ngày 7 rút CIDR và tiêm một liều 2ml cloprostenol (cloprostenol 500µg, PTY. Ltd, Australia). Theo dõi động dục và phối giống  đến hết ngày 11. Nhóm 3: Đặt CIDR ngày 0, tiêm 2ml fertagyl  vào lúc đặt CIDR, ngày 7 rút CIDR và tiêm một liều 2ml cloprostenol, ngày 9 tiêm thêm 2ml fertagyl. Sau 16 giờ kể từ khi tiêm fertagyl lần 2 sẽ phối giống bắt buộc (fixed Time Artificial Insemination- TAI) cho tất cả các trâu.

 

Phát hiện trâu động dục bằng quan sát và ghi nhận các biểu hiện bên ngoài trước khi phối giống. Những dẫn tinh viên chuyên nghiệp thực hiện các công việc đặt CIDR, tiêm hormone, lấy CIDR ra, theo dõi động dục và phối giống nhân tạo cho trâu bằng tinh cọng rạ giống Murrah nhập từ Ấn Độ.  Những trâu không đậu thai ở lần phối đầu được phối lại lần 2 ở chu kì sau. Xác định trâu có chửa bằng phương pháp khám thai qua trực tràng sau khi phối 70-90 ngày. Sử dụng phương pháp Chi- square để so sánh tỷ lệ trâu cái động dục và đậu thai ở các nhóm trâu thí nghiệm. 

 

  1. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

 

Đáp ứng của trâu với các chương trình sử lí hormone khác nhau thể hiện qua số trâu động dục được phát hiện và thời gian xuất hiện động dục sau xử lí. Bảng 1 chỉ ra mức độ động dục tập trung của 3 nhóm trâu thí nghiệm.

 

Bảng 1. Thời điểm xuất hiện động dục lần đầu sau xử lý

(hàng trên là số trâu, hàng dưới là thời gian tính bằng giờ X ± SE)

Nhóm

Ngày 1

Ngày 2

Ngày 3

Cộng

CIRD (progesteron)

4

(19,5)

15

(40,9)

2

(49,0)

21

 

CIRD+ GnRH+PGF2α

1

(20,0)

29

(40,4)

0

 

30

 

CIRD+GnRH+ PGF2α + GnRH

1

(20,0)

28

(40,1)

1

(48)

30

 

Tổng/trung  bình

6

(20,0±0,73)

72

(40,4±0,92)

3

(48,7±0,33)

81

(38,8)

% so với tổng

7,41

88,89

3,70

100,00

 

Trong số 81 con theo dõi được dấu hiệu động dục và thời điểm xuất hiện động dục cho thấy, chỉ có 6 con động dục vào ngày đầu, chiếm 7,41% , có 72 con động dục vào ngày thứ 2, chiếm 88,89% và 3 con động dục vào ngày thứ 3, chiếm 3,70%. Không có trâu động dục vào ngày thứ 4. Nhóm 2 và 3 có tỷ lệ trâu động dục tập trung hơn so với nhóm 1. Hầu hết trâu động dục tập trung vào khoảng 40 giờ kể từ sau khi rút CIDR ra. Như vậy việc phát hiện động dục thuận lợi hơn khi áp dụng kỹ thuật phối giống  nhân tạo, đặc biệt đối với trâu trong chăn nuôi nhỏ và động dục thầm lặng. Kết quả này tương đương với 37,4-38,4 giờ của Yendraliza và ctv (2011) trên trâu Indonesia, thấp hơn so với 94,9-96 giờ của K.R. Chohanl (1998).

 

Bảng 2. Các dấu hiệu biểu hiện động dục chính của trâu thí nghiệm

 

ĐVT

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 3

Cộng

Tỷ lệ

Trâu động dục theo dõi được

con

23

30

30

83

100

Dấu hiệu nhảy lên con khác

con

18

25

22

65

78,3

Cho con khác nhảy lên

con

14

25

22

61

73,5

Dịch nhờn chảy ra

con

19

24

23

66

79,5

Kêu rống

con

3

2

2

7

8,4

Trâu có từ 3 dấu hiệu trở lên

con

12

20

17

49

59,0

 

Các dấu hiệu động dục của trâu có thể quan sát được bằng mắt thường như thải dịch ở âm đạo, âm hộ căng và bóng hơn, hưng phấn, giảm ăn, đái giắt. Khi chăn thả trên bãi trâu động dục thường đeo bám trâu khác, nhảy lên lưng trâu khác, đứng im cho trâu khác nhảy lên, kêu rống và tìm đực. Dấu hiệu động dục chính của trâu thí nghiệm như nhảy lên con khác chiếm 78,3%, cho con khác nhảy lên 73,5%, dịch nhờn tiết ra 79,5%, kêu rống 8,4% trong tổng số 83 trâu cái động dục. Chỉ có 59% số trâu có đồng thời cả 3 dấu hiệu động dục. Không nhận thấy sự sai khác thống kê về tỷ lệ trâu có 3 dấu hiệu động dục giữa các nhóm thí nghiệm (P=0,538).

 

Theo Sharma M.P và ctv (1994) mặc dù 95% trâu cái đáp ứng với PGF2α nhưng dấu hiệu động dục chính của trâu như thải dịch chỉ có 56,25%, đái giắt 37,5%, nhảy lên con khác 25%, xung huyết âm hộ 18,75% số trâu cái động dục. Tỷ lệ trâu có dấu hiệu động dục chính trong thí nghiệm của chúng tôi cao hơn, có thể là do thí nghiệm tiến hành vào mùa trâu động dục nhiều và trâu nội khác với trâu Murrah.

 

Bảng 3. Tỷ lệ động dục và có chửa của trâu sau lần phối tinh đầu ở các nhóm được sử lý bởi các chương trình hormone khác nhau.  

Nhóm

n

Động

dục

Tỷ lệ

động dục

Phối

giống

chửa

Tỷ lệ

có chửa

  1. CIRD (progesteron)

40

23/40

57,50

23

13/23

56,52

  1. CIRD+ GnRH+PGF2α

40

30/40

75,00

29

16/29

55,17

  1. CIRD+GnRH+ PGF2α + GnRH

40

30/40

75,00

40

16/40

40,00

Tổng/trung bình

120

83/120

69,17

92

45/92

48,91

               

 

Tỷ lệ trâu động dục sau xử lý trung bình của cả 3 nhóm đạt 69,17% (83/120 con). Nhóm 1 có tỷ lệ trâu động dục (23/40) 57,5% thấp hơn hai nhóm sau (30/40) 75%. Tuy nhiên sự sai khác không có ý nghĩa thống kê (P=0,147).

 

Trong số 92 con được phối của cả 3 nhóm, có 82 con được phối khi có biểu hiện động dục (nhóm 2 có 1 con động dục nhưng không phối được), có 10 con của nhóm 3 phối bắt buộc mặc dù không có dấu hiệu động dục. Số trâu có chửa của các nhóm 1; 2 và 3 sau lần phối tinh đầu lần lượt là 13, 16 và 16 con, tương ứng với tỷ lệ có chửa so với số được phối là 56,52%, 55,17% và 40,0%. Tổng cộng có 45 con có chửa và 47 con không có chửa từ 92 con được phối, trung bình tỷ lệ trâu có chửa ở lần phối đầu của cả 3 nhóm đạt 48,91%. Tỷ lệ trâu có chửa của nhóm 1 và 2 cao hơn nhóm 3, nhưng sự sai khác không có ý nghĩa thống kê (P=0,320).

 

Đáp ứng động dục của trâu ở nhóm 1 chỉ sử dụng progesteron thấp hơn so với nhóm 2 và 3 sử dụng kết hợp cả progesteron,  prostaglandin và GnRH. Tỷ lệ động dục của trâu ở nhóm 2 và 3 trong thí nghiệm của chúng tôi đạt 75% thấp hơn so với kết quả 95% của Sharma M.P và ctv (1994) trên trâu Ấn Độ, 91,7% của Guang Sheng Qin (2009), 91% của I Gede Putu và ctv (1986), 100% của T. Chaikhun và ctv (2010) trên trâu Trung Quốc và 100% của Yendraliza và ctv (2011) trên trâu Indonesia khi sử lý kết hợp GnRH và PGF2α . Thế nhưng kết quả có chửa sau lần phối đầu trong thí nghiệm của chúng tôi đạt 40% trên trâu phối ép và 55,17-56,5% trên trâu động dục là cao hơn so với 37,5-42,9% và 30,4% của các tác giả trên, cũng cao hơn so với 30,3-36% của Gianluca Neglia và ctv (2002) trân trâu của Ý, nhưng thấp hơn so với 50%-56% của J. Gupta và ctv (2008) trên trâu Murrah. Theo Mohan Krishna và ctv (2009) thì có sự khác nhau về tỷ lệ có chửa của trâu thí nghiệm sử lý cùng một chương trình hormone giữa các mùa trong năm. Tỷ lệ trâu có chửa trên số trâu động dục đạt 26% vào mùa hè và 40% vào mùa đông. K.R. Chohanl (1998) cũng có nhận xét tương tự khi thấy tỷ lệ đậu thai của trâu thí nghiệm vào mùa động dục nhiều đạt 48-53% trong khi mùa động dục ít tỷ lệ đậu thai chỉ đạt 23-25,6%.

 

Một nghiên cứu của Bassiouni Heleil và ctv (2010) trên trâu Ai Cập với chương trình tiêm 3000 IU PMSG và sau 48 giờ tiêm 2ml cloprostenol 500µg, kết quả xác định số thể vàng trên buồng trứng cho thấy, trong số 12 trâu thí nghiệm có 7 con đáp ứng cao với 4,8 thể vàng, 5 con đáp ứng thấp có 1,8 thể vàng so với nhóm đối chứng chỉ có 1 thể vàng. L.F.C Britoa và ctv, 2002 cũng cho rằng hiệu quả của PGF2α đối với thể vàng, động dục đồng loạt và rụng trứng ở trâu cái phụ thuộc vào hàm lượng progesterone huyết thanh, kích thước thể vàng và tình trạng nang trứng trước khi xử lí. Như vậy đáp ứng của trâu với PGF2α  khác nhau giữa các giống, cá thể và cả thời điểm xử lí. 

 

Thí nghiệm của chúng tôi tiến hành vào tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mùa động dục của trâu nên kết quả có chửa lần đầu trên số trâu được phối trung bình đạt 48,91% và tỷ lệ có chửa sau 2 lần phối đạt 64,13% là rất khả quan.

 

Bảng 4. Tỷ lệ trâu có chửa từ lần phối 2 và tổng số trâu có chửa sau 2 lần phối ở 3 nhóm trâu thí nghiệm

Nhóm

Phối lần 2

Có chửa lần phối 2

Tỷ lệ

(%)

Có chửa từ 2 lần phối

Tỷ lệ (%)

  1. CIRD (progesteron)

8

3/8

37,50

16/23

69,57

  1. CIRD+ GnRH+PGF2α

11

4/11

36,36

20/29

68,97

  1. CIRD+GnRH+ PGF2α + GnRH

21

7/21

33,33

23/40

57,50

Tổng/tr bình

40

14/40

35,00

59/92

64,13

 

Trong 47 con không đậu thai ở lần phối đầu có 40 con được phát hiện động dục lại và được phối giống ở chu kì sau, 14 con trong số đó đã có chửa. Tỷ lệ có chửa ở lần phối 2 đạt trung bình 35%, không có sự khác nhau giữa các nhóm. So với tỷ lệ có chửa của lần phối đầu 48,91% thì lần phối sau có tỷ lệ đậu thai thấp hơn (P=0,044).  Số trâu có chửa qua 2 lần phối so với số trâu được phối giống ở nhóm 1, 2 và 3 lần lượt là 16/23,  20/29  và 23/40. Tỷ lệ có chửa tương ứng là 69,57%, 68,97 và 57,50%, sự sai khác không có ý nghĩa thống kê (P=0,508). Tổng cả 3 nhóm có 59 đậu thai trên tổng số 92 con được phối, tỷ lệ trâu có chửa qua 2 lần phối đạt 64,13%. Mặc dù tỷ lệ đậu thai của trâu nhóm 3 có thấp hơn nhóm 1 và 2 nhưng số trâu có chửa của nhóm 3 là 23 con cao hơn nhóm 2 (20 con) và cao hơn nhóm 1 (16 con). Tỷ lệ trâu có chửa tính trên tổng số trâu được sử lí vì vậy nhóm 3 đạt 57,5% cao hơn nhóm 2 (50%) và cao hơn nhóm 1 (40%). Tuy nhiên sự sai khác vẫn không có ý nghĩa thống kê (P=0,291). Tổng số trâu có chửa so với số trâu sử lí của 3 nhóm là 59/120 đạt tỷ lệ 49,17%, kết quả này là rất khả quan.

 

Kỹ thuật ép phối vào một khoảng thời điểm xác định sau sử lý hormone cho phép phối giống đồng loạt cho trâu mà không quan tâm đến dấu hiệu động dục cũng như các giai đoạn của chu kì động dục, rất thuận tiện khi áp dụng trong phối giống nhân tạo. Kết quả thí nghiệm của chúng tôi trên trâu nhóm 3 cho thấy số trâu động dục tương đương với nhóm 2 (30 con) nhưng số trâu có chửa sau 2 lần phối cao hơn 3 con (23 con so với 20 con). Kết quả này cho thấy, nơi không có điều kiện phát hiện động dục, có thể áp dụng chương trình  hormone như nhóm 3 và phối bắt buộc cho tất cả trâu được xử lý vào khoảng 16 giờ sau khi tiêm fertagyl lần thứ 2, tương đương với khoảng 64 giờ sau khi rút CIDR và tiêm cloprostenol vẫn cho kết quả tốt.

 

  1. KẾT LUẬN

 

Trâu cái nội đáp ứng tốt với chương trình sử lý hormone gây động dục và rụng trứng đồng loạt. Sử dụng kết hợp CIDR+ GnRH+PGF2 cho kết quả tốt hơn sử dụng riêng rẽ CIDR. Tỷ lệ động dục trung bình đạt 69,17% và thời gian xuất hiện động dục tập trung vào 40 giờ sau xử lý. Tỷ lệ trâu có chửa bằng phối giống nhận tạo sau lần phối đầu đạt trung bình 48,91% và sau hai lần phối đạt 64,13%. Sử dụng kết hợp CIDR với GnRH+PGF2+GnRH  và phối ép sau khi tiêm GnRH 16 giờ, tỷ lệ trâu cái có chửa đạt 57,5%, kỹ thuật này sẽ giải quyết được khó khăn về phát hiện động dục trong phối giống nhân tạo cho trâu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Bassiouni Heleil, Ismail El-Kon and Yasser El Deeb (2010). Assessment of Superovulatory Response Using Hormonal Profile in Buffalo (Bubalus bubalis). Global Veterinarian 4 (4): 337-342, 2010.
  2. Chung Anh Dũng (2007).  Quy trình điểu trị một số bệnh sinh sản bò sữa, thuộc đề tài Độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu bệnh sinh sản, viêm vú bò sữa” 2004-2007.
  3. De Rensisa, F. López-Gatiusb (2007). Protocols for synchronizing estrus and ovulation in buffalo (Bubalus bubalis): A review. THERIOGENOLOGY Volume 67, Issue 2, Pages 209-216.
  4. Gianluca Neglia, Bianca Gasparrini, Rossella Di Palo, Clemente De Rosa, Luigi Zicarelli, Giuseppe Campanile (2003). Comparison of pregnancy rates with two estrus synchronization protocols in Italian Mediterranean Buffalo cows. THERIOGENOLOGY Volume 60, Issue 1, Pages 125-133
  5. Guang- Sheng. Qin, Ming- Tang. Chen, He- Sheng. Jiang, Xian-wei. Liang, Bing-Zhuang, Yang, Xiu- Fang. Zhzng and Sheng –Ju. Wei (2009) Effect of Synchronization of Estrous Cycle of Buffalo with GnRH + PGF2^ + GnRH on Improvement of Pregnancy Rate for Embryo Transfer. Pakistan J. Zool. Suppl. Ser., No 9, PP. 25-29, 2009.
  6. I Gede Putu, A. Lubis and I.C. Fletcher (1986). Reproduction in swamp buffalo cows after estrous synchronization at two mating seasons and two levels of nutrition. Animal Reproduction Science, Volume 11, Pages 99-109.
  7. J Gupta, A Laxmi, O Vir Singh and Ashutosh (2008). A comparative study on evaluation of three synchronization protocols at field level in both cattle and buffaloes. Livestock Research for Rural Development 20 (11) 2008.  http://www.lrrd.org/lrrd20/11/gupt20175.htm
  8. K.R Chohan1 (1998). Estrus synchronization with lower dose of PGF2α and subsequent fertility in sub estrous buffalo. THERIOGENOLOGY  Volume 50, Issue 7, Pages 1101-1108.
  9. L.F.C Brito, R Satrapa, E.P Marson, J.P Kastelic (2002). Efficacy of PGF2α to synchronize estrus in water buffalo cows (Bubalus bubalis) is dependent upon plasma progesterone concentration, corpus luteum size and ovarian follicular status before treatment. Animal Reproduction Science Volume 73, Issue 1, Pages 23-35.
  10. Mai Văn Sánh, Mai Thị Thơm (2005). Nghiên cứu đặc điểm sinh sản và một số biện pháp nâng cao khả năng sinh sản của trâu ở huyện mê Linh- Vĩnh Phúc. (trang web trường ĐHNN 1 Hà Nội).  
  11. Mohan, Krishna; Sarkar, M.; Prakash, B.S( 2009). Efficiency of Heatsynch protocol in estrous synchronization, ovulation and conception of dairy buffaloes (Bubalus bubalis). Asian - Australasian Journal of Animal Sciences. http: //www.thefreelibrary.com.
  12. Sharma, M. P., R. A. Tablizo and L. C. Cruz (1994). Response of Prostaglandins F2-Alpha in Estrus Synchronization of Buffalo. . J. Inst. Agric. Anim. Sci. 15:89-92.
  13. T. Chaikhun, T. Tharasanit, J. Rattanatep, F. De Rensis, M. Techakumphu (2010). Fertility of swamp buffalo following the synchronization of ovulation by the sequential administration of GnRH and PGF2 combined with fixed – timed artificial insemination. Theriogenology 74 (2010) 1371-1376.
  14. Yendraliza, B.P. Zesfin, Z. Udin, Jaswandi2 and C. Arman (2011). Effect of combination of GnRH and PGF2 for estrus synchronization on set of estrus and pregnancy rate in different postpartum in swamp buffalo in Kampar regency. http://www.jppt.undip.ac.id/pdf

 

Người phản biện: PGS.TS. Mai Văn Sánh



[1]  Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam.

[2]  Trung tâm giống Chăn nuôi (Nghệ An);

[3]  Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Gia súc lớn (Viện KHKT NN miền Nam);

[4] Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi)

[5]  Trung tâm NC và Ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi (Thanh Hóa)

 

Trở lại      In      Số lần xem: 11498

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD