Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  24
 Số lượt truy cập :  34070823
Thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Kinh nghiệm Mỹ, Úc, EU và chính sách cho Việt Nam

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Mỹ trước khi đưa ra thị trường đều phải được đăng ký và được quản lý bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA). Tất cả các loại thuốc BVTV, trong đó có thuốc sinh học tại Mỹ trước khi đưa ra thị trường đều phải được đăng ký và được quản lý bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường - EPA. Định nghĩa của EPA về thuốc BVTV sinh học được nhiều nước trên thế giới sử dụng, bao gồm các nhóm chính như sau:

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng.

 

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Mỹ trước khi đưa ra thị trường đều phải được đăng ký và được quản lý bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA).

 

EPA có hướng dẫn rất cụ thể, dễ tra cứu về các quy định và hồ sơ đăng ký thuốc BVTV sinh học. Ảnh minh họa.

 

‘Hình mẫu Mỹ’ được nhiều nước áp dụng

 

Tất cả các loại thuốc BVTV, trong đó có thuốc sinh học tại Mỹ trước khi đưa ra thị trường đều phải được đăng ký và được quản lý bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường - EPA. Định nghĩa của EPA về thuốc BVTV sinh học được nhiều nước trên thế giới sử dụng, bao gồm các nhóm chính như sau:

 

- Thuốc sinh hóa (Biochemicals - có nguồn gốc tự nhiên như chất dẫn dụ giới tính - Pheromones, các chất truyền tín hiệu của côn trùng… không gây độc cho sinh vật hại nhưng có thể áp dụng để can thiệp vào sự phát triển của sinh vật hại). Các thuốc trừ sâu thảo mộc, tinh dầu thực vật, một số khoáng chất tự nhiên cũng được xếp vào nhóm này. Trong trường hợp cần thiết, EPA thành lập Hội đồng khoa học, lấy ý kiến chuyên gia để quyết định hoạt chất thuốc BVTV dự định đăng ký có được coi là biochemical hay không.

 

- Thuốc vi sinh (Microbial): Hoạt chất là vi khuẩn, nấm, tuyến trùng có ích

 

- PIPs (Plant incorporated protectants): Chất diệt sinh vật hại do cây trồng biến đổi gen kháng sâu bệnh tự tổng hợp (ví dụ độc tố Bt).

 

Ngoài việc có Phòng Thuốc BVTV sinh học và ngăn ngừa ô nhiễm, EPA còn có Trung tâm thông tin về thuốc BVTV để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người sản xuất các thông tin cần thiết liên quan đến đăng ký, sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. EPA có hướng dẫn rất cụ thể, dễ tra cứu về các quy định và hồ sơ đăng ký thuốc BVTV sinh học. Trước khi muốn làm thủ tục đăng ký thuốc sinh học, EPA khuyến cáo các doanh nghiệp hoặc tổ chức cá nhân có nhu cầu đăng ký thuốc đặt lịch hẹn và EPA tổ chức cuộc họp (Pre-submission meeting) để các chuyên gia EPA nghe báo cáo về thuốc dự định đăng ký và hướng dẫn thực hiện các quy định, thủ tục đăng ký thuốc.

 

EPA có quy định riêng đối với đăng ký thuốc BVTV sinh học. Dữ liệu và thủ tục đăng ký thuốc sinh học được đơn giản hóa, thời gian chờ xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc thường tối đa là 12 tháng, so với trên 3 năm đối với thuốc hóa học. Chi phí đăng ký thuốc BVTV sinh học cũng thấp hơn nhiều so với thuốc hóa học. Ví dụ, để đăng ký 01 loại thuốc sinh hóa, doanh nghiệp tốn khoảng dưới 33.000USD, trong khi đăng ký 01 thuốc hóa học mới tốn khoảng 700.000 - 800.000 USD tùy thuộc vào độ an toàn của thuốc và yêu cầu tiến hành các thử nghiệm để có số liệu báo cáo.

 

Úc: Một số thuốc sinh học được đăng ký đặc cách

 

Úc chia các thuốc BVTV sinh học thành 4 nhóm chính: Các chất chiết xuất từ thực vật (Plant extracts). thuốc vi sinh (microbial pesticides), một số khoáng chất tự nhiên (natural chemicals/ minerals) và thuốc sinh hóa (biochemicals).

 

Tại Úc, các thuốc vi sinh thường được kết hợp đa chủng, đa loài để đem lại hiệu quả cao hơn và ổn định hơn. Ảnh minh họa.

 

Nếu thành phần hoạt tính của sản phẩm là hóa chất có nguồn gốc sinh học có độc tính trực tiếp đối với loài mục tiêu và có thể được tinh chế, xác định đầy đủ và áp dụng phương pháp phát hiện dư lượng thì sản phẩm đó không được phân loại là sản phẩm sinh hóa. Ví dụ, các sản phẩm dựa trên nicotin, strychnine, rotenone và ivermectin. Yêu cầu dữ liệu khi đăng ký đối với các sản phẩm này cũng giống như yêu cầu đối với thuốc BVTV hóa học.

 

Hiện tượng cỏ dại kháng thuốc hóa học rất phổ biến tại Úc, vì vậy sử dụng thuốc trừ cỏ sinh học rất được quan tâm. Các tài liệu hướng dẫn sử dụng các biện pháp sinh học truyền thống nhưng hiệu quả như sử dụng giấm ăn (acetic acid), citric acid, muối ăn hoặc hỗn hợp một số khoáng chất tự nhiên để diệt cỏ dại trong vườn được khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng rộng rãi.

 

Tại Úc, thuốc BVTV sinh học để xử lý hạt giống và xử lý đất là các loại thuốc đang được sử dụng ngày càng rộng rãi, giúp chủ động phòng ngừa các sâu bệnh hại trong đất vốn rất khó phòng trừ bằng hóa học. Các thuốc vi sinh thường được kết hợp đa chủng, đa loài để đem lại hiệu quả cao hơn và ổn định hơn.

 

Úc có quy định đăng ký đặc cách đối với một số thuốc BVTV sinh học phục vụ phòng chống dịch. Năm 2021, Úc đã cho đăng ký đặc cách thuốc sinh học Fawligen của Tập đoàn Ag Biotech để phòng chống dịch Sâu keo mùa thu tại bang Queensland.

 

Liên minh Châu Âu - EU: Ưu tiên và đầu tư lớn cho thuốc sinh học

 

Các nước EU cho rằng, thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ thiên nhiên, chúng tập hợp lại thành bốn loại chính: chất bán hóa học - Semiochemical (ví dụ: pheromone), chất tự nhiên (ví dụ: thực vật, chất sinh hóa), vĩ sinh (ví dụ: côn trùng có ích) và vi sinh vật như vi khuẩn hoặc vi-rút. Khác với Mỹ và nhiều nước, EU không đưa các chất diệt sâu do cây trồng biến đổi gen tạo ra (PIPs) vào khái niệm thuốc BVTV sinh học.

 

Hiện nay, thuốc BVTV sinh học tại EU chiếm trên 30% tổng giá trị thị trường toàn cầu, đứng thứ hai trên thế giới, sau khu vực Bắc Mỹ.

 

Thỏa thuận xanh châu Âu (EU Green Deal) đề ra mục tiêu giảm lượng thuốc BVTV, tạo động lực cho phát triển sản xuất và sử dụng thuốc sinh học trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

 

Thỏa thuận xanh châu Âu (EU Green Deal) đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ diện tích đất canh tác hữu cơ từ 8% hiện nay lên 25%, giảm lượng thuốc BVTV và các mối nguy do thuốc BVTV 50% đến năm 2030 sẽ tạo động lực cho phát triển sản xuất và sử dụng thuốc sinh học trong thời gian tới. Croplife Europe đã có kế hoạch dành 4 tỷ euro đầu tư nghiên cứu, phát triển các thuốc BVTV sinh học mới cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại châu Âu.

 

EU đã và đang sửa đổi các quy định liên quan đến đăng ký, sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học theo hướng ưu tiên cho các loại thuốc an toàn. Tuy thời gian đăng ký thuốc sinh học của EU lâu hơn các nước nhưng sau khi đã đăng ký, thuốc sinh học có thể lưu thông trên thị trường 10 - 15 năm sau mới cần gia hạn.

 

Đề xuất đổi mới chính sách phát triển thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam

 

Kinh nghiệm quản lý và tạo động lực thúc đẩy sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học trên thế giới cần được nghiên cứu, chọn lọc để có thể áp dụng trong điều kiện Việt Nam. Từ những bài học kinh nghiệm của một số quốc gia, chúng tôi có một số đề xuất đối với công tác quản lý thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam như sau:

 

- Cần xác định mục đích chính của việc thúc đẩy sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học là nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ thực vật, giảm sử dụng hóa chất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần coi trọng cả 3 hướng đi chính bao gồm: phát triển sản xuất, sử dụng thuốc sinh học trong nước; nhập khẩu, sử dụng các loại thuốc sinh học chất lượng tốt, hiệu quả cao; và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tự sản xuất thuốc sinh học quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác hoặc HTX (On-farm bio-pesticide production).

 

-  Cần đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong công tác quản lý thuốc, trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chọn tạo ra các chủng vi sinh có hiệu lực cao, công nghệ tạo dạng, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học. 

 

-  Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng về vai trò của thuốc BVTV sinh học. 

 

-  Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thuốc BVTV sinh học và tăng cường công tác thanh kiểm tra, đảm bảo chất lượng thuốc BVTV sinh học trên thị trường.

 

- Xây dựng mạng lưới các tổ chức, trước hết là các đơn vị thuộc Cục chuyên ngành, các Viện, Trường, Trung tâm có nhiệm vụ, được cấp kinh phí thường xuyên để nghiên cứu, phát triển, bảo quản nguồn gen vi sinh vật có ích và sản xuất, cung ứng thuốc BVTV sinh học. Đồng thời, có chính sách giảm thuế, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cung ứng thuốc BVTV sinh học.

 

- Các địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, trợ cấp cho nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học trên một số đối tượng sinh vật hại và cây trồng quan trọng, đặc biệt đối với cây lâm nghiệp.

 

- Rà soát, đổi mới quy định quản lý thuốc BVTV tại Việt Nam, trong đó cần tách riêng nội dung quy định về quản lý đăng ký, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học theo hướng:

 

  • - Cụ thể hóa khái niệm về thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam hài hòa với quy định của các nước trong khu vực và trên thế giới;
  •  
  • - Bổ sung quy định đối với một số loại thuốc BVTV sinh học mới: nanobiopesticides, thuốc kích kháng (Resistance inducers), các khoáng chất tự nhiên (natural minerals), các hoạt chất có cơ chế tác động khác nhau lên cây trồng, các hoạt chất do công nghệ mới tạo ra…
  •  
  • - Đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ một số yêu cầu thử nghiệm độc lý qua miệng, qua da, chuyển hóa trong môi trường, giảm số lượng và thời gian khảo nghiệm thuốc… đối với một số hoạt chất, đặc biệt là đối với thuốc BVTV vi sinh và pheromones để rút ngắn thời gian đăng ký;
  •  
  • - Ban hành Danh mục các hoạt chất thuốc BVTV sinh học an toàn (low risk pesticides) được ưu tiên đăng ký nhanh;
  •  
  • - Bổ sung quy định về việc thành lập và thời gian họp Hội đồng tư vấn xem xét đăng ký thuốc BVTV sinh học và quyết định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT bổ sung vào Danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để rút ngắn thời gian đăng ký thuốc.
  •  
  • - Quy định thủ tục đăng ký đặc cách thuốc BVTV sinh học trong điều kiện phòng chống dịch hại khẩn cấp;
  •  
  • - Tăng thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV sinh học lên 10 - 15 năm, thay vì 5 năm như hiện nay.
  •  
  • - Bổ sung quy định chỉ cho phép thuốc sinh học được bán hàng online.
  •  
  • - Đổi mới quy định về hướng dẫn sử dụng, bảo quản trên bao gói thuốc BVTV sinh học.

 

- Biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, sử dụng một số thuốc BVTV thông dụng, hiệu quả như Trichoderma viridae; Metarhizium anisopliae; Beauveria… để nông dân tự sản xuất và sử dụng ở quy mô nông hộ, trang trại, HTX… với mục đích phi thương mại.

 

Tăng cường công tác khuyến nông về thuốc BVTV sinh học. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, cung ứng, ứng dụng các biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại tổng hợp tại các vùng sinh thái và trên các cây trồng chủ lực trong cả nước.

 

 Theo NNVN.

Trở lại      In      Số lần xem: 155

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD