Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  19
 Số lượt truy cập :  33272603
BÁO CÁO TỔNG HỢP THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM THÁNG 8/2013 VÀ DỰ BÁO
Thứ ba, 22-10-2013 | 14:19:25

Liên tiếp trong hai tháng qua, nhóm các mặt hàng nhạy cảm thuộc danh mục Chính phủ quản lý như xăng dầu, điện, gas… nối nhau tăng giá, đã tác động mạnh lên thị trường hàng hóa nói chung và thị trường thực phẩm thiết yếu nói riêng. Khi nhiều mặt hàng đang bắt đầu tăng giá thì các cơn bão lại liên tiếp tràn vào khiến giá thực phẩm tăng mạnh trong những ngày gần đây.

 

Sau đây là báo cáo đánh giá toàn diện về diễn biến mặt hàng thực phẩm trong nước và thế giới trong tháng 8 và dự báo:

 

BÁO CÁO CHI TIẾT

 

A. THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

 

1. Cung - Cầu thực phẩm

 

Thịt: Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong 7 tháng năm 2013, tổng đàn gia súc gia cầm cả nước giảm, trong đó đàn trâu giảm 2,5%, đàn bò giảm 3%, đàn lợn giảm 1,5% và đàn gia cầm giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Nguồn cung thịt trong nước dồi dào, thịt nhập khẩu giảm mạnh. Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thịt các loại sản xuất trong nước đạt 2,62 triệu tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thịt lợn hơi đạt 1,94 triệu tấn (chiếm 74%), thịt gia cầm hơi đạt 439.200 tấn (chiếm 16%), thịt trâu, bò hơi đạt 230.000 tấn (chiếm 9%). Do tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên đàn lợn, gia cầm, đàn trâu, bò giảm. Cụ thể, hiện đàn lợn cả nước đạt 26,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 314 triệu con.

 

Đường: niên vụ sản xuất 2012/2013 các nhà máy đường ép được 16.622.152 tấn mía, sản xuất 1.527.486 tấn đường (không bao gồm đường thô nhập khẩu và đường thô trong nước cung cấp cho các nhà máy luyện). Đến ngày 26/7, tồn kho tại các nhà máy đường là 389.595 tấn (kể cả đường thô và đường tồn kho vụ mới của Nhà máy đường Nước Trong), tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 16.536 tấn.

 

2. Diễn biến thị trường tháng 8

 

Thực phẩm tươi sống: So với hồi đầu tháng 7, giá thịt lợn tăng bình quân 10%, thịt bò tăng 7%, thịt gà tây tăng 7%, thịt gà ta tăng 10%, thịt ngan vịt tăng 13%...

 

Cụ thể: thịt lợn hơi tại miền Bắc 46.000 - 47.000 đ/kg, miền Nam 40.000-44.000 đ/kg; thịt ba chỉ 90.000 đồng/kg, thịt mông 100.000 đ/kg, móng giò 80.000 đ/kg, sườn 100.000 - 110.000 đ/kg, thịt thăn 105.000 đ/kg; thịt bò 180.000-280.000 đ/kg (tăng 20.000 đ/kg). Gà lông màu 41.000-42.000 đ/kg, gà công nghiệp 31.000-32.000 đ/kg, thịt gà ta 130.000-150.000 đ/kg (tăng 10.000-20.000 đ/kg); thịt gà công nghiệp làm sẵn 70.000 - 80.000 đ/kg, , thịt vịt 85.000 – 90.000 đ/kg. ...

 

Giá thịt tăng, ngoài yếu tố mưa bão, lượng khách mua nhiều với số lượng lớn nhưng các đầu mối không đáp ứng đủ nhu cầu, còn có nguyên nhân tiểu thương lợi dụng việc tăng giá điện từ ngày 1/8/2013 để đẩy giá lên cao.

 

Thủy sản: Nhóm thủy sản cũng tăng đáng kể, trong đó thủy sản nước mặn và nước lợ tăng tới 25%, thủy sản nước ngọt tăng khoảng 15%. Cụ thể: ngao 20.000 - 23.000 đ/kg, mực tươi 170.000 đ/kg, tôm sú loại lớn (8-10 con/kg) 470.000-490.000 đ/kg, cá thu khứa 218.000 đ/kg (tăng 40.000 đ/kg), cá chim 92.000 đ/kg (tăng 20.000 đ/kg), cá điêu hồng 60.000 đ/kg (tăng 20.000 đồng), cá nục 60.000 đ/kg, cá trắm 75.000- 80.000 đ/kg, cá chép 60.000-65.000 đ/kg, cá rô phi 35.000-45.000 đ/kg, cá trôi 36.000 đ/kg…. Đây mới là đầu mùa mưa bão, các tiểu thương lo ngại giá thực phẩm sẽ còn tiếp tục tăng. Cùng với tâm lý mua tích trữ của người tiêu dùng khiến cho nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm, vì thế giá cả ngày càng  “leo thang”. Bộ NNPTNT cho biết, sản lượng cá nước ngọt như mè, trôi, trắm, chép, rô phi… ở nước ta trung bình khoảng trên 400.000 tấn/năm, đủ cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

 

Rau củ: Nhóm rau xanh lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết cũng tăng tới 40-70%, còn nhóm củ quả tăng từ 15 đến 20% so với đầu tháng 7.

 

Giá rau, củ tại Hà Nội giữa tháng 8/2013

Mặt hàng

Giá

Mặt hàng

Giá

Rau mồng tơi

7.000-8.000 đ/mớ

Bí đỏ, bí xanh

9.000- 10.000 đ/kg

Rau cải xanh

8.000 – 10.000đ/mớ

Đậu đỗ

15.000 đ/kg

Rau cải ngọt

30.000 đ/kg

Cà chua

30.000 đ/kg

Su su

10.000-15.000 đ/kg

Mướp đắng

18.000 đ/kg

(tăng 8.000 đ/kg)

Rau muống

10.000 đ/mớ

Khoai tây

18.000 đ/kg

Rau ngót 

8.000 đ/mớ

Khoai sọ

22.000 – 23.000/kg

Cải bẹ

12.000 đ/kg

Măng chua

23.000 -25.000/kg

(tăng 3.000 - 5.000 đ)

Bắp cải

22.000 đ/kg

 

 

 

Các loại rau thơm như: húng, mùi, kinh giới cũng tăng mạnh 2.000-3.000 đ/mớ như: rau thì là 3.000 đ/mớ, rau kinh giới 3.000 đ/mớ, tía tô 2.500 đ/mớ. Đặc biệt hành lá và xà lách tăng giá khá mạnh: hành lá tăng từ 15.000/kg lên 20.000 đ/kg; xà lách từ 25.000 đ/kg lên 40.000 đ/kg.

 

Nguyên nhân giá rau tăng mạnh do mưa lớn ảnh hưởng từ bão số 6 kéo dài, diện tích trồng rau bị ngập úng, hư hỏng nặng. Nguồn rau khan hiếm, người bán đẩy giá lên cao. Dự đoán khi mưa chấm dứt, giá rau củ lại sớm ổn định về mức cũ.

 

Nhận định chung: lượng cung giảm đi không đáng kể. Tuy nhiên, trong những ngày mưa, bão, ít rau tại chợ do trời mưa, ngập, nông dân không thu hái được đủ lượng như mọi khi. Hơn nữa, khi mưa gió vận chuyển rau cũng khó khăn, dẫn đến nguồn cung tạm thời bị gián đoạn trong những ngày đó.

 

Vì vậy, hiện tượng sốt giá rau hiện nay không đáng lo ngại lắm bởi về cơ bản thì nguồn cung không bị thiếu. Do đó, dự báo vào cuối tháng 8 giá rau sẽ lại trở về như mức cũ. Rau là cây trồng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, nên cung cầu có thể nhanh chóng được cân bằng.

 

Ngoài ra, nguồn cung rau cho Hà Nội hiện khá dồi dào. Các vùng sản xuất rau của Hà Nội như Từ Liêm, Vân Nội … cung cấp được khoảng một nửa tổng số rau tiêu thụ hàng ngày bao gồm các loại rau ngót, mồng tơi, rau muống, đậu trạch, đậu đũa… Một nửa lượng tiêu thụ còn lại là là các tỉnh chở về như: su su của Vĩnh Phúc. Khoai tây ngoài nguồn cung là Hà Nội còn có Thái Bình, Bắc Ninh. Ngoài ra còn có một số ít các loại rau nhập khẩu ôn đới khác như như cà rốt, bắp cải…

 

Gạo: tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam bị chậm lại do nguồn cung thế giới khá dồi dào, khiến giá lúa gạo trong nước duy trì ở mức thấp. Tại Hà Nội, giá gạo tẻ thường Khang Dân 11.000-12.000 đồng/kg, gạo Si dẻo 12.500đ/kg, gạo nếp cái hoa vàng 23.000-24.000 đồng/kg; gạo tám Thái 18.000-19.000 đồng/kg, Bắc Hương 15.000 đồng/kg, tạp dao 10.500 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường ổn định ở mức 6.000- 8.500 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thóc dao động ở mức 4.725-5.650 đồng/kg; giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm phổ biến trong khoảng 7.550-8.150 đồng/kg, tăng 200-500 đồng/kg; gạo 25% tấm giá phổ biến trong khoảng 6.850-7.275 đồng/kg, tăng 150-200 đồng/kg. Nguyên nhân giá gạo thấp là do các vùng nông thôn vừa bước vào thu hoạch vụ mùa bội thu. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn ở mức cao. Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam và giá gạo trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu thấp. Diễn biến này sẽ còn duy trì trong thời gian tới.

 

Trứng gia cầm tại các chợ vẫn đứng ở mức cao từ giữa tháng 7 đến nay. Cụ thể: trứng gà ta 40.000 đồng/chục quả; trứng vịt 33.000-35.000 đồng/chục quả; trứng gà công nghiệp 27.000-28.000 đồng/chục quả.

 

Đường: Trong suốt niên vụ mía đường 2012/2013, hầu hết các nhà máy đường đều khó khăn bởi tồn kho quá lớn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay, mới chỉ có Nhà máy đường Nước Trong (Tây Ninh) bước vào niên vụ mía đường 2013/2014. Sản lượng đường đã ép của Cty này khá thấp, mới đạt trên 1.400 tấn. Tuy nhiên, lượng đường còn tồn kho từ niên vụ trước của cả ngành còn khá cao. Đến ngày 26/7, tồn kho tại các nhà máy đường là 389.595 tấn (kể cả đường thô và đường tồn kho vụ mới của Nhà máy đường Nước Trong), tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 16.536 tấn.

 

Việc giải phóng lượng đường tồn kho lớn từ niên vụ trước đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang bị chậm lại vì trời mưa lớn trong những ngày qua, và nhất là Bộ Công thương chưa có thông báo cho gia hạn thời gian xuất khẩu nên các thương nhân đang phải tạm ngưng đưa đường lên tập kết ở cửa khẩu phụ biên giới. Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, lượng đường các nhà máy sản xuất được trong vụ mới sẽ đảm bảo cung ứng đủ và thừa từ tháng 11/2013.

 

Trong 4 tháng 7, 8, 9 và 10, tổng lượng đường được tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 270.000 tấn. Nếu mức tiêu thụ năm 2013 vẫn giữ như năm trước, lượng đường tồn kho sẽ thừa so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 220.000 tấn. Nếu giữ lượng đường tồn kho luân chuyển khoảng 100.000 tấn, thì lượng đường dư thừa khoảng 120.000 tấn. Đó là chưa kể lượng đường tối thiểu sẽ phải nhập khẩu theo cam kết WTO.

 

Vì vậy, dù phải tới cuối tháng 8, nhiều nhà máy mới vào vụ ép mới, nhưng ngay từ bây giờ, áp lực tiêu thụ đường tồn kho đã tiếp tục đè nặng lên vai ngành mía đường. Nhất là khi đường lậu từ Thái Lan vẫn tiếp tục đổ bộ vào nước ta qua biên giới Tây Nam, biên giới Việt Nam – Lào, với giá rẻ hơn nhiều so với giá đường bán buôn trong nước.

 

Đầu tháng 8, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội là 15.000-15.200 đ/kg, ở miền Trung 15.000-15.300 đ/kg, ở TPHCM 14.500-14.800 đ/kg và ở Cần Thơ 14.700-15.000 đ/kg. Trong khi đó, giá đường lậu ở Lao Bảo chỉ 13.700 đ/kg, tại Đông Hà 14.500 đ/kg, tại biên giới Tây Nam 13.700–13.900 đ/kg và tại TPHCM 14.300–14.500 đ/kg.

 

Sữa:Từ ngày 1/8/2013, một số hãng sữa đã điều chỉnh tăng giá thêm 10%, đây là lần tăng giá thứ 5 tính từ đầu năm đến nay. Cụ thể dòng sữa bột Insulac nhập khẩu tăng giá thêm 7%: Sữa Insulac IQ số 1 là 467.000đ/hộp 900g, Insulac IQ số 2 giá 461.000đ/hộp 900g, Insulac IQ số 3 là 425.000đ/hộp 900g, Insulac Mom 187.000đ/hộp 400g, Insulac Gold 630.000đ/hộp 900g…

 

Hãng Dutch Lady cũng tăng 6.000 đ/thùng sữa 6 hộp loại 900 g/hộp. Trước đó, vào giữa tháng 7, Công ty FriselandCampina Việt Nam đã tăng giá sữa nước hộp loại 180ml lên 2% và loại 220ml lên 8%, Nutifood điều chỉnh giá từ 87.000 đ/hộp 400g (dòng 1, 2, 3) lên 90.000 đ/hộp loại 400g.

 

Ngoài ra còn nhiều hãng sữa ngoại đang chuẩn bị cho việc tăng giá vào thời gian tới, như sữa Abbott dự kiến tăng giá trong tháng 8 hoặc tháng 9 với mức tăng không nhỏ. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, các hãng sữa nội, sữa ngoại nhập lần lượt tăng giá với mức cao nhất là 15%.

 

Trong cuộc tọa đàm mới đây, lãnh đạo một DN sản xuất sữa hàng đầu ở Việt Nam cho biết, giá sữa bột đã tăng 30 lần trong 6 năm qua; các sản phẩm sữa nước cũng có mức tăng mạnh tới 185%. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trung bình mỗi năm có 2-3 đợt tăng giá sữa. Riêng giai đoạn 2007-2010, giá sữa có tới 16 lần tăng giá. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 cũng có tới 5 lần tăng giá sữa, giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng là 5-10%, thậm chí có loại tăng 13-14%.

 

Lý do được các hãng sữa đưa ra như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng, giá xăng dầu, điện tăng kéo theo chi phí tăng...

 

Hiện Việt Nam có hơn 200 DN nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Các chuyên gia cho rằng, có một nghịch lý là trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, đáng ra các hãng sữa phải hạ giá thành để thu hút người tiêu dùng, song ngược lại từ năm 2007, giá sữa liên tục tăng mà không hề có giảm.

 

Tuy nhiên thực tế cho thấy, do thói quen tiêu dùng, mức độ “sính ngoại” nên thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc vào sữa nhập khẩu. Theo nhận định, giá sữa chỉ ổn định và tăng, chứ không giảm.

 

Một lý do để các hãng tăng giá sữa là giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới tăng, nên sữa trong nước phải tăng, nhưng nhiều thời điểm giá trên thị trường thế giới giảm hoặc đứng yên nhưng giá sữa trong nước vẫn tăng.

 

Cụ thể, vào những tháng đầu năm 2012 sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm rất mạnh, từ 750-1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011 nhưng gần như không có DN sữa nào trong nước điều chỉnh giảm giá, thậm chí vẫn có tới 3 DN tăng giá bán sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức tăng từ 9%-15%.

 

Cục quản lý giá cho biết từ đầu năm 2013 tới nay giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng; cụ thể: sữa nguyên liệu nguyên kem nhập khẩu vẫn ở mức 90.000 đ/kg và sữa tách béo trên 80.000 đ/kg, thậm chí giá nguyên liệu sữa tháng 6 trên thế giới giảm so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2013, giá sữa tăng 8%- 15% so với cuối năm 2012.

 

Người tiêu dùng đang dần hướng về thị trường sữa nội do chất lượng đang ngày càng được khẳng định không thua kém gì sữa nhập khẩu, thậm chí sữa nước còn an tâm hơn về chất lượng. Giá sữa nội được cam kết bình ổn theo yêu cầu của nhà nước nên không có tình trạng giá tăng bất hợp lý.

 

Muối: giá muối vẫn giữ ở mức hợp lý. Cụ thể, miền Bắc giá từ 1.600-2.200 đồng/kg; Nam Trung Bộ muối sản xuất thủ công 850-2.000 đồng/kg, muối sản xuất công nghiệp 1.000-1.200 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long muối đen và vàng giá 900-1.000 đồng/kg, muối trắng 1.200-1.7000 đồng/kg.

 

Hiệp hội Siêu thị Hà Nội vừa gửi thông báo giá của nhà cung ứng hàng hóa đến các siêu thị. Mức tăng cụ thể của các mặt hàng được đề xuất là dầu ăn, đường, bánh kẹo từ 5%-10%; bơ, sữa đông lạnh, nước giải khát từ 10% trở lên.

 

Sau 3 lần xăng tăng giá thì việc điều chỉnh cước dịch vụ vận tải là khó tránh khỏi.  Nhiều DN vận tải đang tính toán lại các chi phí đầu vào để điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, trong thời gian tới giá cước vận tải có khả năng tăng từ 5 - 7% so với mức cước hiện tại. Điều đó ảnh hưởng lớn đến giá cả thực phẩm, có thể tăng tiếp trong thời gian tới.

 

Trước những động thái tăng giá của thị trường, ngày 9/8/2013, Bộ Tài chính đã có công điện hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện ngay việc kiểm soát giá cả. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, cùng với việc giá của một loạt hàng hóa như xăng dầu, than, điện, dịch vụ y tế, giáo dục tăng.

 

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn. Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương có xảy ra bão lũ cần có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định tại Luật Giá đối với những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn...

 

Những bất cập của ngành chăn nuôi:

 

Ngành chăn nuôi tại Việt Nam hiện có tới 60-65% là loại hình chăn nuôi nông hộ. Khu vực này đang yếu cả về vốn, kinh nghiệm, quy mô lẫn chất lượng con giống, thức ăn cũng như trình độ quản lý. Trước đây, ở loại hình chăn nuôi này thường tiến hành theo kiểu tận dụng các nguồn lực có sẵn, như con giống, thức ăn… để sản xuất, dẫn tới hiệu quả không cao, thiếu sự ổn định cũng như sức cạnh tranh  kém, dễ rủi ro.

 

Còn ở góc độ sản xuất, kinh doanh theo hình thức DN lại nảy sinh vấn đề lớn là, DN nước ngoài có đủ vốn, quy mô, kinh nghiệm để tổ chức hình thức gắn các chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi khép kín. Cụ thể là khép kín từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn, thu mua sản phẩm, bán ra thị trường. Ngược lại, các DN Việt Nam do quy mô nhỏ hơn nên các khâu bị cắt khúc. Người thì làm con giống, người làm thức ăn, rồi lại người giết mổ riêng… nên không thể xâu chuỗi được.

 

B. THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

 

Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 8 giảm 1,9%: Chỉ số giá thực phẩm của FAO giảm tháng thứ 4 liên tiếp dẫn đầu là ngũ cốc do triển vọng sản lượng thu hoạch dồi dào.

 

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) công bố báo cáo giá thực phẩm thế giới tháng 8, chỉ số giá trung bình tháng 8 là 201,8 điểm, giảm 4 điểm tương đương 1,9% so với tháng 7 và giảm 11 điểm hay 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO là chỉ số đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của 55 loại lương thực thực phẩm trên thế giới, được tính bằng trung bình của 5 chỉ số chính bao gồm ngũ cốc, dầu ăn/chất béo, các loại thịt, đường và sữa.

 

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc giảm mạnh nhất 7,2% so với tháng 7 và giảm 19% so với cùng kỳ 2012 xuống 210,9 điểm. Giá ngũ cốc giảm theo đà giảm của tháng 7 với kỳ vọng sản lượng toàn cầu cao trong năm nay và đặc biệt sự phục hồi từ các nguồn cung cấp ngô. Trong khi giá lúa mỳ và gạo giảm 2 đến 3% thì giá ngô giảm tới 14%. Cuối tháng 8 giá ngô tăng nhẹ trở lại do lo ngại thời tiết khô nóng ở các khu vực trồng ngô chính tại Mỹ.

 

Chỉ số giá dầu/chất béo giảm 3% so với tháng 7 xuống 185,5 điểm, ghi nhận 3 tháng giảm liên tiếp. Giá dầu cọ giảm mạnh nhất do lượng dự trữ lớn khu vực Đông Nam Á. Dầu đậu nành lần đầu tiên giảm do khả năng xuất khẩu lớn của Argentina và triển vọng mùa vụ tốt năm 2013/2014.

 

Chỉ số giá sữa tháng 8 là 239,1 điểm tăng 1,2% so với tháng 7 và cao hơn tới 37% so với tháng 8 năm ngoái. Giá sữa tăng trong tháng qua do nguồn cung xuất khẩu hạn chế tại các nước sản xuất giao dịch lớn. Sản lượng sữa cũng giảm theo mùa tại khu vực Bắc bán cầu và thời vụ sản xuất khu vực châu Đại Dương và Nam Mỹ cũng chỉ vừa mới bắt đầu, chưa có dự báo chắc chắn cho nguồn cung sữa từ nay đến cuối năm. Điều này hỗ trợ giá sữa trong khi các nhà nhập khẩu đang tìm nguồn hàng cho những tháng tới.

 

Chỉ số giá thịt tăng 2,2% trong tháng 8 lên 175 điểm. Giá thịt lợn tăng mạnh nhất tới 4,5% do sự thay đổi khẩu phần ăn của người tiêu thụ. Giá gia cầm giảm 1,3%, tháng thứ 4 liên tiếp một phần do chi phí thức ăn chăn nuôi thấp.

 

Chỉ số giá đường cũng tăng 1,1% lên 241,7 điểm. Sự phục hồi giá đường sau 3 tháng giảm liên tiếp lần này chủ yếu do Brazil sử dụng nhiều đường hơn cho sản xuất ethanol. Giá đường biến động khá mạnh trong tháng 8 trong lúc chưa có số liệu chắc chắn về lượng dư thừa đường tại các nước sản xuất chính năm nay.

 

Theo VINANET.

Trở lại      In      Số lần xem: 1268

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD