Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  18
 Số lượt truy cập :  33275074
Sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2000-2010
Thứ tư, 22-01-2014 | 13:42:33

ThS. Lê Thanh Tùng

Cục Trồng trọt

 

1. Mở đầu

Sản xuất lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm qua đã có sự thay đổi diện tích, trong giai đoạn 2000-2010, diện tích lúa ĐBSCL thu hẹp 6.000 ha. Riêng trong giai đoạn 2000-2005 diện tích lúa giảm 119.500 ha, sau đó phục hồi lại trong giai đoạn 2005-2010 tăng 113.500 ha. Sự tăng giảm diện tích theo các giai đoạn chủ yếu do: (i) giá cả lúa bấp bênh diện tích tăng, giảm cục bộ trong từng vụ; (ii) sự không ổn định diện tích lúa thu đông và (iii) sự tăng giảm diện tích của vụ lúa mùa (trong đó có vụ lúa trên nền đất nuôi tôm sú).

Năng suất lúa đã và đang được cải thiện một cách đáng kể, năm 2000 năng suất bình quân 4,23 tấn/ha đến năm 2010 năng suất bình quân đạt 5,47 tấn/ha (tăng gần 1,24 tấn/ha) sự tăng năng suất cơ bản là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất một cách rộng rãi hơn trong đó quan trọng là sử dụng giống mới, biện pháp ba giảm ba tăng, thu hoạch cơ giới và rút ngắn được khoảng chênh lệch năng suất giữa các hộ trồng lúa.

Sản lượng lúa cũng gia tăng mặc dù diện tích trồng lúa có giảm, năm 2000 sản lượng đạt 16,702 triệu tấn nhưng đến năm 2010 sản lượng đã đạt 21,55 triệu tấn (tăng 4,85 triệu tấn) sản lượng tăng vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa đảm bảo tăng sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm.

Xuất khẩu gạo năm 2000 đạt 3,5 triệu tấn, đến năm 2010 sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,754 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu từ 668 triệu USD năm 2000 đến 2,912 tỉ USD năm 2010.

Thành công của sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai thập niên qua do nhiều yếu tố tác động, trong đó “đổi mới” chính sách, nghiên cứu và chọn tạo, phổ biến các giống lúa mới cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, mở rộng hệ thống thủy lợi khai thác lúa nước tưới, hướng canh tác vào thâm canh cao, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa và sự mở rộng thị trường xuất khẩu gạo đóng vai trò quan trọng.

Vùng ĐBSCL có lợi thế về tài nguyên đất đai, sông ngòi, cũng nh­ư điều kiện khí hậu thuận lợi. Nhìn chung, sản xuất lúa ở ĐBSCL có xu hướng gia tăng về năng suất và sản lượng, các yếu tố góp phần cho sự gia tăng này tập trung vào khâu chọn giống lúa và bố trí thời vụ. Các kỹ thuật canh tác (làm đất, bón phân, quản lý nước, bảo vệ thực vật) và biện pháp giảm thất thoát chưa đóng góp nhiều trong việc gia tăng này.

Sản xuất lúa theo định hướng cho sự phát triển bền vững đòi hỏi: (i) năng suất, sản lượng lúa phải ổn định trong từng vụ lúa, từng năm và trong nhiều năm tới; (ii) thu nhập, lợi nhuận và đời sống nông dân được nâng cao; (iii) giảm thiểu sự suy thoái về đất đai canh tác lúa, nguồn nước phục vụ sản xuất và tiêu dùng, sức khỏe người trồng lúa được bảo vệ; (iv) đời sống văn hóa - xã hội nông thôn được cải thiện.

Sự bền vững này cần nhiều chương trình, giải pháp, nhiều chính sách hỗ trợ và sự đồng bộ trong sản xuất, tiêu thụ và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường. Liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và phải được thực hiện bằng các bước đi, giai đoạn thích ứng với trình độ và sự phát triển của người dân trong vùng ĐBSCL.

Sản xuất lúa ở ĐBSCL trong nhiều năm qua vẫn tập trung chủ yếu vào hướng mở rộng diện tích và gia tăng năng suất. Thực tế, việc mở rộng diện tích lúa có giới hạn và gia tăng năng suất lúa các biện pháp kỹ thuật vẫn chưa đồng bộ, vùng ĐBSCL chưa có một quy trình sản xuất lúa cơ bản cho toàn vùng và cụ thể cho các tiểu vùng sinh thái, do vậy sự gia tăng năng suất, sản lượng vẫn mang tính bấp bênh, tùy thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên, thời tiết, khí tượng và sự phát sinh, phát triển của dịch hại. Sự áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vẫn còn mang tính riêng lẽ ở từng khu vực. Mặc dù các tiến bộ kỹ thuật ba giảm ba tăng, bón phân đạm theo bảng so màu lá, phòng trừ dịch hại tổng hợp, sử dụng giống lúa xác nhận, xuống giống tập trung né rầy … được Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, khuyến cáo áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, biện pháp xuống giống tập trung né rầy được thể hiện rõ nhất {hàng năm chiếm khoảng 65% (trong vụ Hè Thu) đến 80% (trong vụ Đông Xuân) diện tích xuống giống lúa} các biện pháp kỹ thuật khác chưa thấy sự thống kê áp dụng rõ ràng ở từng tỉnh, từng vùng.

 

Bảng 1: Diện tích, năng suất và sản lượng lúa ĐBSCL từ năm 2000-2010

Diễn giải

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

DT (ha)

3.945,8

3.792,0

3.834,8

3.787,3

3.815,7

3.826,3

3.773,9

3.683,1

3.858,9

3.872,9

3.790,0

NS (tấn/ha)

4,23

4,22

4,62

4,63

4,87

5,42

4,82

5,07

5,36

5,29

5,43

SL (ngàn tấn)

16.702,7

18.997,5

17.709,6

17.527,8

18.567,2

19.234,5

18.193,5

18.678,9

20.669,5

20.483,4

21.569,0

Nguồn:  Số liệu thống kê -Bộ NN & PTN,

 

Bảng 2: Sự tăng giảm diện tích, năng suất và sản lượng lúa qua các thời kỳ

Diễn giải

2005-2000

2010-2005

2010-2000

DT (ha)

-119,500

-36,30

-155,800

NS (tấn/ha)

1,190

0,01

1,200

SL (ngàn tấn)

2.531,800

2.334,50

4.866,300

 

Thực tế hiện nay, gạo xuất khẩu của ĐBSCL có nhiều giống lúa trộn lẫn, gạo 15-25% tấm chiếm tỷ trọng cao nhất, gạo 5% tấm rất ít. Tỷ lệ gạo nguyên xay xát ở ĐBSCL chỉ đạt 30-40% (trong khi đó tỷ lệ gạo nguyên ở các nước tiên tiến đạt trên 50%).

Nguyên nhân làm cho chất lượng và sản lượng gạo không cao do kỹ thuật canh tác của nông dân, giống lúa và cơ cấu giống lúa chưa được quan tâm và nông dân sản xuất chưa theo quy trình kỹ thuật chung và hệ thống tồn trữ, bảo quản chưa tốt. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo gặp nhiều khó khăn và kém cạnh tranh.

Do đó, để phát triển bền vững sản xuất lúa, gạo, gia tăng tính cạnh tranh cho lúa, gạo của ĐBSCL trước hết phải tổ chức lại sản xuất lúa, định hướng sản xuất theo quy trình mang tính an toàn cao, truy nguyên được nguồn gốc tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

 

2. Những vấn đề cần tiếp tục thực hiện để sản xuất lúa ở ĐBSCL theo định hướng cho sự phát triển bền vững

2.1.  Sự ổn định, gia tăng năng suất và sản lượng lúa

Năng suất lúa và tiềm năng năng suất lúa là những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm trong điều kiện thâm canh, tăng vụ sản xuất ở ĐBSCL. Hàng năm diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL dao động khoảng: 3,8 - 4,0 triệu ha, năng suất bình quân 5,4 tấn/ha (Đông Xuân: 6,48 tấn/ha; Hè Thu: 4,89 tấn/ha; Thu Đông: 4,4 tấn/ha và Mùa 3,8 tấn/ha); sản lượng lúa cả năm khoảng trên 20 triệu tấn.

Sự gia tăng năng suất lúa đến nay được thực hiện chủ yếu từ cơ cấu giống lúa và bố trí thời vụ xuống giống, ngoài vấn đề cải thiện giống (đã được thực hiện trong nhiều năm qua) thì việc áp dụng các quy trình canh tác phù hợp cho vùng, từng tỉnh là cần thiết, quy trình này không chỉ chú ý đến sự gia tăng năng suất mà còn chú ý đến chất lượng, quy trình không chỉ gói gọn trong việc làm đất, xuống giống đến thu hoạch mà còn chú ý đến khâu chuẩn bị sản xuất trước như chọn giống, xác định nhu cầu thị trường, ký kết hợp đồng, vùng nguyên liệu… đến khâu tồn trữ, chế biến và thương hiệu lúa, gạo.

Sự ổn định, gia tăng năng suất, sản lượng lúa còn tính toán đến thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu điều này liên quan đến việc bố trí cơ cấu mùa vụ, thời vụ và cơ cấu giống để đảm bảo một cách chắn chắn rằng trong từng thời điểm trong năm sẽ có số lượng lúa, gạo ổn định.

Sự gia tăng năng suất và sản lượng ngoài việc khai thác tối đa tiềm năng năng năng suất của giống, mùa vụ còn là việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch năng suất giữa các thửa ruộng, cánh đồng và từng tiểu vùng (gap).

2.2. Thu nhập, lợi nhuận và đời sống nông dân được nâng cao

Sự gia tăng năng suất và sản lượng lúa không đồng nghĩa với sự gia tăng một cách đáng kể thu nhập và lợi nhuận của người trồng lúa. Yếu tố bền vững này muốn gia tăng thì chất lượng và giá trị lúa, gạo phải được gia tăng.

Chất lượng và giá trị lúa gạo gia tăng một cách bền vững xuất phát từ việc có những giống lúa chất lượng cao, đặc sản (rất khó thực hiện) và nâng cao giá trị bằng việc canh tác theo định hướng GAP.

Mục tiêu của sản xuất lúa theo hướng GAP là gia tăng chất lượng lúa gạo bằng cách sản xuất theo những yêu cầu và đòi hỏi của quy trình GAP theo đó sản phẩm lúa gạo phải không chứa dư lượng hóa chất và vi sinh vật gây hại đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ, truy nguyên được nguồn gốc.

Mặt khác, khi tiến hành thực hành nông nghiệp tốt thì vẫn đảm bảo được năng suất và sản lượng lúa ổn định và giữ được sự bền vững về môi trường canh tác trong điều kiện thâm canh cao, tăng vụ tại ĐBSCL.

Xây dựng vùng nguyên liệu lúa và từ mô hình sản xuất lúa theo GAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giảm giá thành, tăng chất lượng để chủ động cạnh tranh với việc tiêu thụ lúa trên thị trường xuất khẩu trong tương lai.

2.3. Giảm thiểu sự suy thoái về đất đai canh tác lúa, nguồn nước phục vụ sản xuất và tiêu dùng, sức khỏe người trồng lúa được bảo vệ

Áp dụng một cách đồng bộ các tiến bộ KHKT, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trồng lúa, bảo vệ môi trường và giảm suy thoái đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến canh tác lúa là việc cần hoạch định và có các chiến lược lâu dài.

Người trồng lúa không những phải được đào tạo về chuyên môn trồng lúa, (chuyên môn được đào tạo cơ bản sơ cấp hoặc trung cấp) mà còn phải được đào tạo về kiến thức môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kiến thức về sức khỏe và y tế cộng đồng. Điều này đóng góp tích cực và hỗ trợ cho việc triển khai các chương trình quốc gia về phát triển đời sống cư dân nông thôn.

2.4. Đời sống văn hóa - xã hội nông thôn được cải thiện

Sản xuất lúa bền vững ở ĐBSCL còn đồng nghĩa với việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, xã hội nông thôn phát triển, phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của đảng, nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sự ổn định về đời sống sẽ kéo theo sự ổn định trong sản xuất và ngược lại.

Cải thiện đời sống văn hóa, xã hội nông thôn cũng là giải pháp tăng cường thực thi các chính sách khuyến khích sản xuất.

Như đã trình bày, các yếu tố góp phần cho định hướng sự phát triển lúa bền vững ở ĐBSCL cần có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cho tiến trình này.

 

3. Đề xuất

3.1. Chính sách hỗ trợ sản xuất

- Chính sách khai thác sự gia tăng tối đa năng suất, sản lượng, chất lượng lúa, gạo vụ Đông Xuân: gồm các gói chính sách hỗ trợ sử dụng giống lúa xác nhận, hỗ trợ phân bón cho nông dân khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao xuất khẩu nhỏ (<500 ha) và vừa (>500 ha nhưng <2.000ha), hỗ trợ doanh nghiệp tồn trữ, chế biến lúa gạo.

- Chính sách hỗ trợ sản xuất và cải thiện chất lượng lúa gạo vụ Hè Thu: gồm các gói chính sách: hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng bộ giống lúa - cơ cấu giống lúa thích hợp canh tác theo vùng sinh thái (mặn - lợ - ngọt) và theo mùa vụ gieo cấy (ĐX - HT - TĐ - M), đặc biệt là phải đáp ứng được về chất lượng gạo theo nhu cầu tiêu dùng ở thị trường trong nước và các nước nhập khẩu gạo trên thế giới, chuyển đổi mùa vụ, thời vụ sản xuất lúa Hè Thu, chính sách hỗ trợ khắc phục khô hạn, phèn mặn cho vùng sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ việc chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư cho doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cây trồng cạn thay thế sản xuất lúa không hiệu quả, chính sách cho tồn trữ, bảo quản, sơ chế, chế biến lúa, gạo.

- Chính sách mở rộng vùng sản xuất lúa Thu Đông an toàn và hiệu quả: gồm các gói thủy lợi nội đồng, đê bao khép kín, đê bao hỡ.

- Chính sách phát triển bền vững vùng sản xuất tôm - lúa: hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản trên nền tôm nước lợ, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản xuất theo hướng GAP, hướng hữu cơ.

3.2. Chính sách hỗ trợ đào tạo nông dân

- Gắn các chương trình trọng điểm quốc gia với việc đào tạo nông dân có bằng cấp theo từng chuyên đề một cách cụ thể, bài bản về sản xuất lúa, bảo vệ môi trường.

- Đào tạo về kiến thức sức khỏe, y tế và các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

3.3. Chính sách liên kết sản xuất

- Xây dựng, mở rộng và nâng cao chất lượng HTX nông nghiệp, khâu quan trọng là con người được đào tạo về quản lý và kinh doanh nông sản lúa, gạo. Đây được xem như là một công ty trong tổng công ty hoặc tập đoàn lúa, gạo Việt Nam trong tương lai. Góp phần lớn vào lưu thông lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

- Xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu quy mô diện tích lớn theo các hợp đồng xuất khẩu hằng năm, hoặc ký kết ổn định trong nhiều năm giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với đối tác trên thị trường tiêu thụ.

- Sự phát triển bền vững của sản xuất lúa ở ĐBSCL đòi hỏi sự tác động từ nhiều phía và tiến hành đồng bộ với các bước đi phù hợp cho từng giai đoạn. Như vậy mới có thể chủ động xây dựng các kế hoạch và đáp ứng ngày càng cao hơn cho thị trường, gia tăng thu nhập và lợi nhuận cho người sản xuất lúa và cho sản xuất lúa nói chung ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trở lại      In      Số lần xem: 26909

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD