Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  19
 Số lượt truy cập :  33457773
BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG GẠO VÀ CÁC LƯƠNG THỰC KHÁC THÁNG 8/2013 VÀ DỰ BÁO
Thứ sáu, 25-10-2013 | 01:59:14

I. TÓM TẮT

 

Giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á tiếp tục giảm trong tháng 8, do áp lực nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thấp. Chính phủ Thái Lan nỗ lực bán gạo dự trữ qua việc đấu thầu, song lượng bán được rất ít. Một số hợp đồng của Việt Nam bị hủy, chủ yếu do khách hàng Trung Quốc. Triển vọng thị trường lúa gạo tháng 9 sẽ tiếp tục vắng vẻ.

 

II. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

 

Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đồng loạt giảm trong tháng 8 do nguồn cung vốn dư thừa và nhu cầu thấp, nay thêm việc chính phủ Thái Lan liên tiếp bán gạo dự trữ ra.

 

Thị trường gạo châu Á trong tình trạng dư cung rất lớn sau những vụ thu hoạch được mùa lớn, trong khi nhu cầu yếu bởi những nước nhập khẩu chủ chốt đều đang thành công trong việc nâng tỷ lệ tự cung tự cấp lúa gạo. Chi phí sản xuất gia tăng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan, do những nguyên nhân khác nhau. Để đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa, nhiều chính phủ châu Á đã can thiệp vào thị trường lúa gạo bằng cách thu mua tích trữ để ngăn giá nội địa giảm, và đã đem lại những thành công nhất định. Tuy nhiên, sản lượng gạo thế giới liên tiếp tăng khiến việc bán gạo dự trữ của các chính phủ ra thị trường thế giới trở nên khó khăn.

 

Gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm giá mạnh nhất trong một tháng qua, giảm khoảng 20-25 USD/tấn, trong khi gạo Việt Nam giảm ít nhất, chỉ khoảng 10 USD/tấn.

 

Bảng 1: Diễn biến giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á (ĐVT: USD/tấn)

Nguồn: Vinanet

 

Tại Việt Nam, sau khi tăng vào cuối tháng 7/2013 khi vụ thu hoạch sắp kết thúc, giá liên tục giảm chậm. Ngày 21/8/2013, gạo 5% tấm xuất khẩu có giá 390 USD/tấn, giảm khoảng 10 USD so với một tháng trước đó. Chênh lệch giữa giá gạo Việt Nam với gạo Thái lan tiếp tục giảm xuống khoảng 50-60 USD/tấn, làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt.

 

Diễn biến giá lúa gạo trên thị trường nội địa không cùng chiều với giá xuất khẩu, theo đó giá lúa tăng vào 2 tuần đầu tháng 8 khi chương trình thu mua tạm trữ được kéo dài thêm 2 tuần tới ngày 15/8 để cho phép các công ty hoàn thành mục tiêu về khối lượng thu mua. Nhưng ngay sau khi chương trình thu mua kết thúc, giá giảm nhanh trở lại. Giá nhiều loại lúa gạo tại ĐBSCL hiện giảm khoảng 500-800 đồng/kg so với một tháng trước đó, lúa tươi IR50404 thương lái mua tại ruộng ngày 21/8/2013 có giá 4.000-4.200 đồng/kg; nhiều loại lúa tươi hạt dài (OM 6976, OM 2517, OM 5451…) giá 4.500-4.700 đồng/kg; lúa khô tại kho dao động từ 5.300 – 5.400 đ/kg, lúa dài khoảng 5.500 – 5.600 đ/kg. Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu thu mua ở mức 7.000-7.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.600 – 6.950 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.000 – 8.100 đ/kg, gạo 15% tấm 7.550 – 7.650 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.250 – 7.350 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

 

Bảng 2: Đồ thị giá XK trung bình gạo VN (FOB, USD/tấn) và khối lượng XK (tấn)

Nguồn: Oryza

 

Tại Thái Lan, giá gạo xuất khẩu giảm khá mạnh bởi chính phủ liên tiếp thực hiện các cuộc bán đấu giá lúa gạo dự trữ. Ngày 21/8/2013 giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 450 USD/tấn, giảm khoảng 20 USD so với một tháng trước đó.

 

Bảng 3: Diễn biễn giá gạo Thái Lan (ĐVT: USD/tấn)

Nguồn: Vinanet

 

Chính phủ Thái Lan liên tục mở thầu bán gạo dự trữ, với lượng chào bán trong tháng 7 là 550.000 tấn, và khoảng trên 200.000 tấn trong 3 tuần đầu tháng 8, nhưng không thu hút được người mua. Mỗi cuộc bỏ thầu chỉ có 3-5 người chào giá, và lượng bán được chỉ khoảng 15-25% lượng chào.

 

Việc chính phủ Thái Lan bán gạo lúc này được cho là không thuận lợi khi hầu hết người mua đã có đủ lượng dự trữ, trong khi nguồn cung gia tăng ở khắp nơi. Việt Nam vừa thu hoạch vụ bội thu, trong khi Ấn Độ và Thái Lan cũng sắp vào mùa thu hoạch mới. Bên cạnh đó, giá gạo Thái dù giảm vẫn còn cao hơn khá nhiều so với các đối thủ trong khu vực.

 

Thất bại trong việc bán đấu giá, chính phủ Thái Lan đang nỗ lực tìm các kênh bán hàng khác để giải tỏa lượng tồn trữ hiện lên tới khoảng 15-17 triệu tấn, vừa để lấy kinh phí, vừa lấy chỗ chứa lúa sẽ thu mua trong vụ tiếp theo.

 

Những chính sách mà chính phủ Thái cân nhắc thực hiện bao gồm:

 

·        Giảm bớt sự can thiệp trong ngắn hạn, tiến tới dừng hẳn sau 3 năm tới;

·        Bán lẻ lúa gạo trên thị trường trong nước;

·        Xem xét lại các quy định bán đấu giá lúa gạo;

·        Tiếp tục nỗ lực bán gạo theo các hợp đồng liên chính phủ.

 

Kế hoạch giảm can thiệp vào thị trường lúa gạo của chính phủ Thái lan bao gồm giảm mức giá can thiệp từ 15.000 baht (480 Usd)/tấn lúa xuống 12.000 baht; giới hạn trị giá gạo mua của mỗi gia đình xuống 500.000 baht; xem xét việc bồi thường một phần mức giảm giá mua cho nông dân nếu áp dụng giá thu mua mới. Chương trình can thiệp hiện nay của chính phủ sẽ hết hạn vào ngày 30/9, và chính phủ có kế hoạch thực hiện ngay chương trình can thiệp mới từ ngày 1/10 để hấp thụ lượng cung gia tăng vì nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, với khoảng 25 triệu tấn lúa dự kiến sẽ được bán ra thị trường.

 

Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu trong một tháng qua giảm khoảng 15-20 USD/tấn, gạo 5% tấm phiên giao dịch 21/8 ở mức 425 USD/tấn, thấp hơn 15 USD so với một tháng trước đó. Chi phí sản xuất gạo Ấn Độ tiếp tục tăng nhưng đồng rupee giảm giá khiến gạo xuất khẩu của Ấn Độ vẫn hấp dẫn được người mua. Đồng rupee đã giảm khoảng 13% kể từ 1/5/2013, hiện đang ở mức thấp kỷ lục. Đồng Baht Thái cũng giảm giá nhưng chỉ giảm 6% từ tháng 1/2013 đến giữa tháng 8/2013.

 

Giá gạo nội địa tại Ấn Độ tăng nhẹ trong tháng 7, với mức giá bán buôn trung bình đạt 2.742 rupee/tạ (khoảng 465 USD/tấn) ở thời điểm 29/7/2013, tăng khoảng 1% so với khoảng 2.719 rupee/tạ (khoảng 448 USD/tấn) một tháng trước đó, và tăng khoảng 20% so với khoảng 2.294 rupee/tạ (khoảng 412 USD/tấn) tháng 7/2012.

 

Bảng 4: Gía gạo trung bình tháng tại Ấn Độ

Nguồn: Oryza

 

Cũng như Thái Lan, chính phủ Ấn Độ đang nắm giữ lượng lúa gạo tồn trữ cao kỷ lục lịch sử, là cơ sở để tiếp tục chính sách xuất khẩu gạo không hạn chế, trong bối cảnh vụ tới dự báo sẽ vẫn được mùa.

 

Tại Philippine, giá gạo đang tăng trong giai đoạn giáp hạt (tháng 7-tháng 9), mặc dù lượng dự trữ vẫn đủ dùng trong vòng ít nhất 2 tháng. Báo cáo của Cơ quan Thống kê Nông nghiệp (BAS) cho biết giá bán buôn trung bình gạo thường trong tuần 2 tháng 7/2013 vào khoảng 31,42 peso/kg (khoảng 725 USD/tấn), tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá bán lẻ trung bình gạo thường khoảng 33,33 peso/kg (khoảng 770 USD/tấn), tăng khoảng 3,4% so với cùng tháng năm ngoái. Giá bán buôn trung bình gạo đánh bóng khoảng 34,25 peso/kg (khoảng 796 USD/tấn), tăng khoảng 3,35%, trong khi giá bán lẻ trung bình gạo đánh bóng khoảng 36,27 peso/kg (khoảng 837 USD/tấn), tăng khoảng 2,5%.

 

Bảng 5: Đồ thị giá bán buôn gạo đánh bóng hàng tuần tại Philippine, 2012-2013

Nguồn: Oryza, BAS

 

Cơ quan Lương thực Quốc gia của Philippines (NFA) đảm bảo rằng kho dự trữ gạo trong nước vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cho khoảng 71 ngày hoặc cho đến cuối tháng 9. Sản lượng gạo trong những tháng giáp hạt ở Philippines vẫn thấp do bão và điều kiện thời tiết bất lợi.

 

Tại Banladesh, giá gạo đã tăng mạnh trong những tháng gần đây. Giá bán buôn và bán lẻ gạo tại thành phố Dhaka trong tháng 6 là 30,6 taka/kg (khoảng 390 USD/tấn) và 32,5 taka/kg (khoảng 410 USD/tấn) tương ứng, cao hơn 24% và 12% tương ứng so với giá cách đây một năm.

 

III. SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI

 

1. Các nước xuất khẩu:

 

Nguồn cung tiếp tục gia tăng do:

·        Các nước sản xuất liên tục được mùa. Ấn Độ sẽ bắt đầu vụ thu hoạch vào tháng 9, dự báo sẽ sản xuất 108 triệu tấn lúa quy xay trong vụ chính niên vụ 2013/14, tăng so với 104 triệu tấn một năm trước đó. Thái lan dự báo sẽ sản xuất 21 triệu tấn gạo, tăng so với 20 triệu tấn, trong khi Việt Nam sẽ sản xuất 27,8 triệu tấn, tăng so với 27,6 triệu năm trước;

·        Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu gạo không giới hạn;

·        Chính phủ Thái lan tích cực bán gạo tồn trữ ra thông qua các cuộc đấu giá.

Nhu cầu vẫn thấp, bởi các nước nhập khẩu chủ chốt vẫn chưa tiến hành mua vào, sau khi thông báo được mùa và tăng dự trữ.

 

1.1. Việt Nam: Hoàn thành mục tiêu thu mua tạm trữ, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng lên. Tuy nhiên, xuất khẩu đang chậm dần lại, một số hợp đồng bị hủy, có nguy cơ không đạt mục tiêu 8 triệu tấn, do cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

 

Sản xuất: Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích lúa vụ Hè Thu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1.680 ha với sản lượng đạt trên 9,3 triệu tấn lúa (hơn 4,6 triệu tấn quy gạo). Vụ Hè Thu thu hoạch rộ vào tháng 7 và 8, là thời điểm chính phủ áp dụng chương trình thu mua tạm trữ.

 

Xuất khẩu: Trong 15 ngày đầu tháng 8/2013, Việt Nam xuất khẩu được 163.543 tấn gạo, trị giá 71,997 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu từ đầu năm lên 4,223 triệu tấn (giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái), trị giá 1,888 tỷ USD. Dự kiến từ nay tới cuối năm sẽ xuất khẩu thêm khoảng 2 triệu tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu lên khoảng 7,2 triệu tấn.

 

Đặc biệt, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Comoros đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp cho Comoros 60.000 tấn gạo mỗi năm, từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12/2015, là thỏa thuận thương mại gạo liên chính phủ thứ 3 Việt Nam ký kết với các nước châu Phi sau thỏa thuận cung cấp gạo cho Sierra và Guinea, mở rộng thêm cánh cửa xuất khẩu gạo sang châu Phi – thị trường chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trước đây, Comoros chủ yếu nhập khẩu gạo của Ấn Độ và Pakistan, nay có nhu cầu chuyển sang mua gạo của Việt Nam.

 

Bảng 6: Xuất khẩu gạo Việt Nam: Xu hướng theo mùa vụ

 Nguồn: Oryza, VFA

 

Mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo năm 2013 như vậy là có nguy cơ không đạt, do từ cuối tháng 7, một số hợp đồng đã ký bị hủy.

 

Khối lượng hợp đồng bị hủy tính tới 15/8 lên đến 938.000 tấn, riêng tháng 7 là 180.000 tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đây số hợp đồng bị hủy cao nhất kể từ trước đến nay trong ngành gạo, do 3 nguyên nhân:

·        Các thương nhân Trung Quốc trước đây ký hợp đồng mua với giá cao nay phá vỡ cam kết vì giá giảm;

·        Các thương nhân Philippines ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu nên tàu không được phép cập cảng, nay phải hủy hợp đồng;

·        Một số doanh nghiệp Việt chủ động hủy do mức giá ký thấp.

 

Khi chủ động hủy hợp đồng, các doanh nghiệp trong nước đều bồi thường cho khách hàng nhưng không được đền bù khi hợp đồng đổ bể do đối tác. Số hợp đồng bị hủy gia tăng đồng nghĩa với tồn trữ lúa gạo tăng, gây áp lực thêm tới giá xuất khẩu.

 

Mua tạm trữ: Tính đến hết ngày 15/8, các doanh nghiệp trong nước đã hoàn tất kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Hè Thu 2013, cơ bản đã hoàn tất chỉ tiêu được giao và đạt mục tiêu nâng và giữ giá lúa ở mức cao.

 

Giải pháp của VFA: VFA đang tìm nhiều cách tháo gỡ cho tình trạng khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp XK gạo, bên cạnh việc theo dõi sát động thái thị trường gạo thế giới, VFA sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp tìm kiếm thêm bạn hàng và thị trường mới. Trong tháng 11, VFA sẽ tổ chức đoàn thương nhân tham dự hội nghị gạo thế giới tại Hong Kong. VFA cũng theo dõi sát các động thái thị trường ở các nước nhập khẩu để xác định nhu cầu, đặc biệt là thị trường Philippines, Indonesia trong những tháng tới.

 

VFA sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét lại sản lượng lúa, gạo hàng hóa vụ Hè Thu năm 2013 để cân đối xuất khẩu cuối năm cho phù hợp. Đặc biệt, để làm rõ hơn vai trò của mình trong việc thu mua tạm trữ lúa gạo, VFA sẽ tổ chức hội thảo nhằm minh bạch các vấn đề còn vướng mắc và kiến nghị về vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội đối với mua lúa, gạo tạm trữ.

 

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, VFA cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét và cho thực hiện phương thức hoàn thuế VAT trước và kiểm tra sau như trước đây, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là doanh nghiệp được đánh giá là có uy tín.

 

1.2. Ấn Độ: Sản xuất và xuất khẩu gạo đang diễn biến thuận lợi, nhờ tỷ giá đồng rupee giảm khiến giá gạo Ấn trở nên cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới.

 

Sản xuất:Tính đến ngày 16/8, người dân Ấn Độ đã gieo trồng được 30,5 triệu ha vụ lúa chính tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong vòng 2 tuần qua diện tích đất sản xuất lúa gạo tăng tới 28% bất chấp thời tiết khô nóng hơn mọi năm ở phần lớn khu vực phía Đông vài tuần qua. Ấn Độ sẽ bắt đầu vào thu hoạch vụ chính từ cuối tháng 9-đầu tháng 10.

 

Lúa dự trữ trong kho trung tâm của Ấn Độ tính đến 1/8/2013 khoảng 29,2 triệu tấn, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn nhiều mức dự trữ chiến lược quy định cho thời điểm này là khoảng 11,8 triệu tấn.

 

Xuất khẩu:

 

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng mạnh trong 3 tháng qua do sự mất giá của đồng rupee Ấn Độ so với USD. Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 6 triệu tấn. Riêng tháng 6, lượng gạo xuất khẩu tăng gần 25% so với tháng trước lên khoảng 1 triệu tấn.

 

Đồng rupee Ấn Độ đã giảm khoảng 13%, từ 53 rupee/USD trong tháng 4/2013 xuống khoảng 60 rupee/USD trong tháng 7/2013 đã giúp tăng khả năng cạnh tranh cho gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Theo báo cáo, hầu hết các lô hàng xuất khẩu gạo phi basmati trong vài tháng qua hướng về châu Phi. Iran tiếp tục là nước mua gạo basmati chính của Ấn Độ.

 

Ấn Độ đã thu được 5,6 tỷ USD từ xuất khẩu gạo trong niên vụ 2012-2013 (tháng 4/2012-3/2013), tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

 

1.3. Thái Lan: Kế hoạch bán đấu thầu lúa gạo dự trữ của chính phủ Thái không những thất bại mà còn tác động giảm giá lúa gạo trên toàn châu Á. Xuất khẩu gạo Thái sụt giảm thê thảm. Chính phủ đang chật vật tìm cách giải phóng các kho lúa gạo, khi mà vụ thu hoạch mới đang đến gần.

 

Nguồn cung: Thái Lan sắp bước vào vụ thu hoạch mới, nguồn cung sẽ gia tăng, trong khi trong kho của chính phủ đang chứa khoảng 17 triệu tấn lúa.

 

Nỗ lực giảm lượng tồn trữ để lấy kinh phí và kho chứa thực hiện chương trình can thiệp mới, chính phủ Thái Lan đã tổ chức 5 phiên bán đấu giá, nhưng kết quả khong như mong đợi.

 

Trong tháng 7, chính phủ chào bán tổng cộng 550.000 tấn song chỉ bán được 210.000 tấn. Các cuộc bán đấu giá trong tháng 8 cũng trong tình trạng tương tự. Như

 

Xuất khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2013. xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đạt 2,9 triệu tấn (giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái), trị giá 61,988 tỷ baht. Trong số này, gạo trắng chiếm khoảng 2 triệu tấn, giảm khoảng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Hommali đạt khoảng 936.448 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu 8-8,5 triệu tấn trong năm nay, nhưng với đà này thì kết quả có thể sẽ chỉ đạt 6,5 đến 7 triệu tấn.

 

1.4. Pakistan: Sản lượng gạo Pakistan năm nay có thể chỉ bằng năm ngoái, do ảnh hưởng của mưa lũ. Xuất khẩu gạo có thể cũng sụt giảm, song riêng xuất khẩu loại phi – basmati (loại cạnh tranh với Việt Nam) lại gia tăng.

 

Sản xuất: hoảng 5-15% sản lượng lúa vụ Kharif (mùa mưa) của Pakistan bị hư hỏng do mưa lớn và lũ vào sông Sutlej. Hầu hết các diện tích lúa ở khu vực phía bắc của nước này bị hư hỏng, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất 6,2 triệu tấn lúa gạo trong tài khóa 2013-2014 (tháng 7-tháng 6). Điều này có thể dẫn tới lượng gạo xuất khẩu năm 2013-2014 xuống dưới con số 3,1 triệu tấn của năm 2012-2013. 

 

Xuất khẩu:

Pakistan đã xuất khẩu khoảng 292.564 tấn gạo trong tháng 7/2013, tăng 48% so với 196.819 tấn cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu gạo phi basmati tăng khoảng 97% về khối lượng lên 232.109 tấn, với trị giá tăng khoảng 102% so với cùng tháng năm 2012. Về giá trị, xuất khẩu gạo trong tháng 7/2013 đạt khoảng 173.814 USD, tăng khoảng 34% so với khoảng 130.000 USD tháng 7/2012.

 

Tổng xuất khẩu gạo Pakistan trong tài khóa 2012-2013 (tháng 7/2012-6/2013) đạt khoảng 3,1 triệu tấn, giảm khoảng 14% so với khoảng 3,62 triệu tấn tài khóa trước đó. Xuất khẩu gạo phi basmati trong tài khóa 2012-2013 đạt khoảng 2,5 triệu tấn, giảm khoảng 7% so với các năm trước. Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu gạo phi basmati vào khoảng 1,37 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.

 

Bảng 7: Xuất khẩu gạo Pakistan: Phi basmati và Basmati

Nguồn: PBS, Oryza

 

1.5. Campuchia: Xuất khẩu gạo từ Campuchia đang tăng mạnh, trở thành một trong những đối thủ mới trên thị trường lúa gạo thế giới.

 

Sản xuất: Điều kiện thời tiết tại Campuchia năm nay không thuận lợi như kỳ vọng. Mùa mưa đến chậm làm trì hoãn gieo trồng vụ mùa chính tại nước này, cộng với sự sụt giảm diện tích đất trồng có thể khiến sản lượng gạo thu hoạch năm nay không thể vượt kỷ lục năm ngoái.

 

Xuất khẩu: Trong tháng 7, Campuchia xuất khẩu được 31.411 tấn gạo, đưa tổng lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2013 lên 207.370 tấn, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước và hơn lượng xuất khẩu của cả năm 2012 (205.717 tấn).

 

Thị trường lớn nhất của gạo Campuchia đến nay vẫn là các quốc gia châu Âu và Thái Lan (22.750 tấn) và Trung Quốc (13.382 tấn). Campuchia được miễn thuế xuất khẩu gạo sang Liên minh châu Âu (EU) theo chính sách dành cho quốc gia kém phát triển nhất (LDC).

 

Bắt đầu từ 13/6 Myanmar cũng được hưởng các quy chế thương mại ưu đãi tương tự ở châu Âu, do vậy xuất khẩu gạo của Campuchia có thể sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn.

 

Bảng 8: Xuất khẩu gạo Campuchia năm 2013 tăng mạnh

Nguồn: Oryza

 

2. Các nước nhập khẩu

 

2.1. Philippine: Philippine tiếp tục nỗ lực gia tăng tỷ lệ tự cung tự cấp lúa gạo, và hiện vẫn vắng bóng trên thị trường nhập khẩu.

 

Sản lượng: Mặc dù sản lượng lúa gạo giảm 2% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm 2012 xuống khoảng 3,83 triệu tấn, nhưng vẫn cao hơn khoảng 5% so với mục tiêu chính thức khoảng 3,63 triệu tấn, sản lượng nửa đầu năm 2013 của Philippines vẫn đạt khoảng 8 triệu tấn, tăng khoảng 1,4% so với 7,89 triệu tấn sản xuất trong cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng cao hơn mục tiêu 7,9 triệu tấn mà chính phủ đề ra trước đó.

 

Đến ngày 1/7/2013, tổng lượng gạo dự trữ của nước này đạt khoảng 2,2 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nhập khẩu: Với mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo vào cuối năm nay và khối lượng thu mua của dân tăng, hiện Philippine vẫn chưa có động thái nhập khẩu thêm gạo như hy vọng của các nhà xuất khẩu.

Nhiều thương gia Philippine đã ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam nay phải hủy hợp đồng vì không nhận được quota nhập khẩu.

 

2.2. Indonesia: Cơ quan Thu mua Lương thực Quốc gia Indonesia (Bulong) đã tăng lượng dự trữ lên gần 3 triệu tấn từ mức 1,5-2 triệu tấn thông thường đồng nghĩa với việc quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu gạo trong năm nay.

Cơ quan thống kê Indonesia dự báo sản lượng lúa Indonesia sẽ ít thay đổi so với năm ngoái, ở mức 69,72 triệu tấn, trong khi Bộ Nông nghiệp dự báo sẽ tăng 5% lên 72,1 triệu tấn.

Mới đây, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo có thể sẽ nhập khẩu tới 600.000 tấn gạo trong năm nay, tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thấy có kế hoạch cụ thể.

 

2.3. Trung Quốc: Nguồn cung: Dự trữ lúa hiện tại của Trung Quốc ở mức 102,3 triệu tấn, bao gồm dự trữ quốc gia 63 triệu tấn, dự trữ của các nhà máy xay xát 11,3 triệu tấn, dự trữ của các thương gia 12 triệu tấn, và dự trữ trong dân 16 triệu tấn. Dự trữ thường thấp nhất vào tháng 5 và cao nhất vào tháng 11.

Các nhà phân tích ở Trung Quốc ước tính sản lượng gạo quốc gia này năm 2012/13 sẽ đạt 203 triệu tấn, nhập khẩu 3,7 triệu tấn và tiêu thụ 202 triệu tấn. Dự trữ cuối niên vụ 2012/13 ước tính ở mức 92,65 triệu tấn, và tỷ lệ dự trữ-sử dụng vào khoảng 46%.

Xuất – nhập khẩu: nhập khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm 2013 đạt 1,46 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu trong 3 tháng gần đây (tháng 5-7) giảm khoảng 53% xuống khoảng 464.000 tấn, so với 993.400 tấn giai đoạn tháng 1-4/2013. Riêng trong tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu 141.300 tấn gạo, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp Việt Nam cho biết Trung Quốc đã hủy số hợp đồng khoảng 938.000 tấn gạo trong tháng 7 do giá gạo Việt Nam tăng.

Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 302,900 tấn gạo, tăng mạnh 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 7, nước này xuất 24.100 tấn gạo, tăng 108% so với tháng 7/2012.

Tổng lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu niên vụ 2013/2014 dự báo đạt khoảng 3,5-4 triệu tấn.

 

Bảng 9: Biểu đồ xuất, nhập khẩu gạo Trung Quốc (2012-2013)

 

2.4. Bangladesh: USDA ước sản lượng lúa gạo Bangladesh niên vụ 2012-2013 giảm xuống còn 33,8 triệu tấn từ dự báo 34 triệu tấn trước đó. Dự trữ gạo của chính phủ ước giảm khoảng 17% so với dự báo trước đó xuống khoảng 726.000 tấn. Với mức này, dự trữ đang thấp hơn 44% so với khoảng 1,3 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

Do vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo của Bangladesh trong năm 2013-2014 (tháng 5/2013-4/2014) dự kiến đạt 375.000 tấn, tăng mạnh so với khoảng 35.000 tấn nhập khẩu trong các năm trước đó.

 

IV. DỰ BÁO, CẢNH BÁO

 

·        Nguồn cung sẽ gia tăng trong quý 3, khi các nước sản xuất chủ chốt ở châu Á như Ấn Độ, Thái Lan… vào vụ thu hoạch, Việt Nam cũng sắp vào vụ Thu Đông, làm gia tăng sự cạnh tranh;

·        Thái Lan tiếp tục tìm cách bán gạo dự trữ ra và giảm giá bán;

·        Lợi thế giá rẻ của gạo Việt giảm dần khi gạo VN giảm giá chậm trong khi gạo các nước khác giảm giá nhanh;

·        Chương trình thu mua tạm trữ của Việt Nam đã kết thúc, lượng lúa đó vẫn nằm trong kho;

·        Nhu cầu từ các nước nhập khẩu vẫn chậm chạp. Philippine và Indonesia nếu có mua cũng không mua nhiều. Bangladesh có thể phải tăng nhập khẩu nhưng khối lượng không đủ bù lại sự sụt giảm từ những nước nhập khẩu lớn kia. Trung Quốc cũng có thể tăng nhập khẩu, nhưng họ sẽ khôn ngoan chỉ nhập khi giá rẻ, bởi họ còn lượng dự trữ đủ để chủ động thời điểm nhập khẩu.

 

PHỤ LỤC

 

I. Các nguồn tham khảo:

 

1.     Hiệp hội Lương thực Việt Nam

2.     Tổng cục Thống kê

3.     Reuters

4.     Oryza

5.     Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)

 

II. Một số dự báo về gạo thế giới

 

USDA: Dự trữ gạo toàn cầu gia tăng sau khủng hoảng

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo dự trữ gạo thế giới sẽ tăng lên 108 triệu tấn trong niên vụ 2013-14, tăng gần 3% so với niên vụ trước, và đạt kỷ lục cao kể từ 2001-02.

Theo USDA, dự trữ gạo thế giới đã giảm mạnh từ mức khoảng 145-150 triệu tấn năm 2000-01 xuống chỉ khoảng 105-110 triệu tấn đầu những năm 2000, và xuống khoảng 75 triệu tấn trước cuộc khủng hoảng lương thực 2008. Dự trữ gạo niên vụ 2013-14 đang trên đà hồi phục.

Dự trữ gạo ở Thái lan dự báo sẽ tăng lên khoảng 15,5 triệu tấn, tăng khoảng 24% so với năm trước, trong khi dự trữ của Ấn Độ niên vụ 2013-14 sẽ tăng lên khoảng 25 triệu tấn, cao hơn khoảng 4% so với năm trước.

Dự trữ gạo dự báo sẽ giảm ở Trung Quốc, Indonesia, Hoa Kỳ và Việt Nam trong năm 2013-14.

Tuy nhiên, mặc dù giảm nhẹ, Trung Quốc sẽ vẫn có khoảng 46 triệu tấn hay khoảng 43% tổng tồn trữ gạo toàn cầu trong năm 2013-14, theo USDA. Sản lượng dự báo tăng ở các nước sản xuất gạo chủ chốt sẽ góp phần giúp tồn trữ gạo toàn cầu tăng trong năm nay.

 

FAO: Nâng dự báo về mậu dịch gạo thế giới

 

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) trong báo cáo công bố tháng 8/2013 đã tăng mức dự báo về mậu dịch gạo thế giới năm 2013 lên khoảng 37,5 triệu tấn, tăng khoảng 200.000 tấn so với dự báo trước đây, sau khi điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu vào Trung Quốc và Nepal tăng trong năm 2013.

Nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm nay dự báo đạt khoảng 2,6 triệu taansm tăng khoảng 600.000 tấn so với dự báo trước đây. FAO cho biết Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2013, tăng khoảng 12% so với lượng nhập khẩu cùng kỳ năm 2012. Nhập khẩu gạo của Nepal năm 2013 dự báo cũng tăng khoảng 400.000 tấn so với dự báo trước.

Xuất khẩu gạo của Australia, Cambodia, Trung Quốc lục địa, Ai Cập, Paraguay, Pakistan, và Mỹ dự báo sẽ tăng trong năm nay.

Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2013, với khoảng 7,8 triệu tấn, trong khi Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn, và Thái lan khoảng 7,7 triệu tấn.

 

Thái Lan: Xuất khẩu gạo có thể dưới 6,9 triệu tấn

 

Xuất khẩu gạo Thái lan niên vụ 2012-13 có thể giảm xuống thấp hơn mức 6,9 triệu tấn của năm 2011-12 – mức thấp nhất kể từ niên vụ 2000-2001.

Nguyên nhân bởi chương trình thế chấp gạo của chính phủ bắt đầu từ tháng 10/2011, theo đó chính phủ mua lúa từ nông dân với giá cao hơn khoảng 40% so với giá thị trường nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa.

 

Ấn Độ: Có thể xuất khẩu 11 triệu tấn gạo năm 2013-14

 

Các nhà phân tích thương mại Ấn Độ dự báo vụ mùa bội thu và đồng rupee giảm giá sẽ giúp quốc gia này nâng xuất khẩu gạo lên kỷ lục 11 triệu tấn trong năm 2013-14, tăng khoảng 5% so với 10,4 triệu tấn năm trước đó.

Các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ chắc chắn sẽ vẫn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu vào năm 2013-14, với khoảng 28% trong tổng mậu dịch gạo toàn cầu.

Họ dự báo Ấn Độ sẽ xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo phi-basmati trong năm 2013-14, và khoảng 3,4 triệu tấn gạo basmati. Thiếu vắng sự cạnh tranh từ Thái lan, xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong niên vụ 2013/14.

Theo USDA, sản lượng gạo Ấn Độ dự báo đạt kỷ lục 108 triệu tấn trong năm 2013-14. USDA dự báo Ấn Độ sẽ xuất khẩu tổng cộng khoảng 9 triệu tấn gạo năm 2013-14.

FAO: Xuất khẩu gạo Myanmar năm 2013 chắc chắn vượt 1,4 triệu tấn

Xuất khẩu gạo Myanmar năm 2013 có thể đạt khoảng 1,4 triệu tấn, với những lợi thế mậu dịch qua biên giới với Trung Quốc và Thái lan, và mới đây được Liên minh châu ÂU (EU) cho phép nhập khẩu gạo miễn thuế theo quy chế quốc gia kém phát triển nhất.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) , xuất khẩu gạo của Myanmar (không kể thương mại qua biên giới) trong năm 2013 có thể lên tới 700.000 tấn, tăng khoảng 16% so với khoảng 600.000 tấn gạo xuất khẩu (không kể thương mại biên giới) các năm trước. Tuy nhiên, con số này có thể tăng gấp đôi lên khoảng 1,4 triệu tấn trong năm nay nếu tính cả xuất khẩu gạo qua biên giới.

FAO cho biết, năm ngoái, xuất khẩu gạo của Myanmar đạt khoảng 700.000 tấn. Hầu hết thương mại gạo qua biên giới là với Trung Quốc và Thái Lan. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong năm nay vẫn mạnh, trong khi Thái Lan cho biết họ sẽ tiếp tục chương trình thế chấp gạo trong năm 2013-2014.

Fao cho rằng xuất khẩu gạo Myanmar chắc chắn sẽ mạnh trong nửa cuối năm nhờ được EU miễn thuế.

 

USDA: Hạ dự báo sản lượng gạo Trung Quốc niên vụ 2013/14

 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo về sản lượng gạo Trung Quốc niên vụ 2013-14 xuống 143 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với báo cáo tháng trước và giảm khoảng 300.000 tấn so với 143,3 triệu tấn sản xuất trong niên vụ trước, do hạn hán.

Nếu sản lượng giảm như theo ước tính của USDA, đây sẽ là năm đầu tiên sản lượng lúa gạo Trung Quốc giảm kể từ năm 2003-2004.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến ​​đạt 3,2 triệu tấn năm 2013, tăng khoảng 200.000 tấn hay khoảng 6% so với ước tính trước đây, theo USDA. Năm 2014, con số này dự báo đạt khoảng 3,4 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 hay 13% so với dự báo trước đó.

Theo USDA, việc điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu gạo trong năm 2013 và 2014 do đánh giá sức mua mạnh, khi mà giá gạo châu Á đang ở mức thấp và mối quan tâm ngày càng tăng về sự an toàn của gạo được trồng ở một số vùng của Trung Quốc. 

Tiêu thụ gạo của Trung Quốc trong 2013-2014 ước tính khoảng 147 triệu tấn.

CNGOIC: Nhập khẩu gạo Trung Quốc năm 2013-2014 sẽ đạt 4 triệu tấn

(Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) dự báo nhập khẩu gạo trong niên vụ 2013-14 sẽ đạt kỷ lục 4 triệu tấn, tăng khoảng 500.000 tấn hay 14% so với năm trước. Con số đó nếu đạt sẽ chiếm khoảng 11% tổng mậu dich gạo toàn cầu trong năm nay.

NGOIC hạ dự báo sản lượng gạo năm 2013-2014 thêm 1 triệu tấn do hạn hán đang diễn ra trong khu vực sản xuất gạo chủ chốt, khiến khoảng 293.000 ha lúa mùa muộn bị ảnh hưởng. Dự báo sản lượng vụ lúa muộn sẽ bị giảm khoảng 6% xuống 35 triệu tấn.

Tuy nhiên, CNGOIC nói thêm rằng hạn hán sẽ không tác động nhiều tới nhập khẩu và việc tăng nhập khẩu gạo trong 2013-2014 chủ yếu bởi giá quốc tế giảm. Theo CNGOIC, chênh lệch giữa giá gạo nhập khẩu trung bình từ Việt Nam và gạo trong nước ở mức khoảng 400-600 nhân dân tệ/tấn (khoảng 65 - 80 USD). Vụ bê bối gạo nhiễm cadmium tại tỉnh Hồ Nam cũng giúp đẩy mạnh nhập khẩu gạo, theo CNGOIC. Hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2013-2014 là 5,32 triệu tấn.

CNGOIC nâng dự báo về nhập khẩu lúa mì niên vụ 2013/14 thêm 30% lên 6,5 triệu tấn, và nhập khẩu ngô gần gấp đôi lên 5,5 triệu tấn, do giá giảm và bội thu ở Mỹ. Nhập khẩu ngô niên vụ hiện tại ước đạt 2,7 triệu tấn.

 

Nguồn: VINANET.

Trở lại      In      Số lần xem: 1364

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD