Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  23
 Số lượt truy cập :  33783650
Cà phê Việt Nam: Giải pháp vượt qua “hàng rào” EUDR
Thứ sáu, 14-06-2024 | 08:13:41

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đang đặt ra thách thức chưa từng có với Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới nhưng lại chủ yếu dựa vào hộ canh tác nhỏ.


Vậy giải pháp nào phù hợp khi chỉ còn vỏn vẹn bảy tháng nữa là Việt Nam phải tuân thủ EUDR?

 

“Hàng rào” mới cho cà phê vào EU

 

Kể từ ngày 30/12/2024, một số mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) đứng trước một “hàng rào” mới – Quy định chống phá rừng (The European Union Deforestation Regulation – EUDR) của EU. Quy định này yêu cầu các cá nhân, các tổ chức (operators) và các thương nhân (traders) xuất nhập khẩu nông sản phải thẩm định sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng hay không (các nghiên cứu khoa học mới nhất và báo cáo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) cho biết, 90 – 99% diện tích rừng bị phá vì lý do mở rộng canh tác nông nghiệp1). Các loại nông sản gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa trên (ví dụ socola, đồ nội thất, lốp/vỏ xe, các sản phẩm in ấn…) sẽ phải tuân thủ quy định, vì những mặt hàng này là động lực chính cho việc mở rộng đất nông nghiệp.

 

Với các doanh nghiệp đã dần quen thuộc với các khái niệm về xu hướng tiêu dùng xanh và các quy định sản xuất bền vững thì việc làm quen với EUDR và dấn thêm một bước nữa là tuân thủ nó không quá phức tạp. Tuy nhiên, việc EUDR nhắm tới thẩm định nguồn gốc các loại cây trồng như ca cao và cà phê – chủ yếu do các nông hộ canh tác nhỏ vốn sản xuất manh mún, chưa quen thuộc với các quy định chặt chẽ sẽ là thách thức chưa từng thấy với ngành nông nghiệp. Chưa kể, quy định sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhưng hiện nay, trên các diện tích đó, các loại cây trồng đã được canh tác và cho thu hoạch, khiến thời gian thực hiện các giải pháp rất ngắn.  

 

Thu hoạch cà phê ở Gia Lai. Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/ Shutterstock.
 

Đối với ngành cà phê, yêu cầu tuân thủ EUDR có ý nghĩa sống còn, vì Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và hiện khoảng 60% cà phê của Việt Nam xuất khẩu vào EU2.

 

Việt Nam vẫn được ghi nhận là một trong những nước sản xuất cà phê bền vững hàng đầu thế giới3, nhưng giờ đây chứng nhận sản xuất bền vững như vậy vẫn còn chưa đủ, EUDR còn đặt ra nhiều yêu cầu hơn. Để truy xuất, thẩm định được nguồn gốc cà phê xuất khẩu đi EU, trước tiên các nông hộ cần phải lập bản đồ ranh giới mảnh đất của mình. Việc lập bản đồ này đòi hỏi phải thu thập dữ liệu GPS cho từng vườn và sau đó đối chiếu dữ liệu GPS với các bản đồ mô tả độ che phủ rừng tính đến ngày 31/12/2020 để chứng minh cà phê không canh tác trên khoảnh đất bị phá rừng kể từ năm 2020. Ngoài tọa độ GPS (hoặc điểm đo đa giác, đối với diện tích canh tác lớn hơn 4 ha), mỗi container cà phê xuất vào EU đều phải có thông tin truy xuất nguồn gốc chứng minh rằng toàn bộ cà phê trong lô hàng đó không canh tác trên đất bị chặt phá rừng. Sau đó, cần phải đánh giá bổ sung các rủi ro tại quốc gia sản xuất cà phê và giảm thiểu rủi ro khi có nghi ngờ về việc tuân thủ EUDR của lô sản phẩm, trừ khi EU chỉ định quốc gia xuất xứ là “rủi ro thấp”.

 

Hiện nay, ngành công nghiệp cà phê toàn cầu đang chuẩn bị hoàn thiện hệ thống minh bạch xuất xứ và truy xuất nguồn gốc; tuy nhiên, hướng dẫn kỹ thuật về cách thực hiện Quy định EUDR vẫn còn đang được thảo luận tại Ủy ban châu Âu. Để tiếp tục tham gia vào thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam buộc phải đáp ứng được các yêu cầu lẫn quy trình truy xuất, xác minh này. Điều đó có nghĩa là, cà phê Việt Nam cần phải thu thập dữ liệu trên diện rộng, một hoạt động làm gia tăng chi phí đáng kể cho ngành cà phê.

 


Một điểm chung lớn nhất cho chuỗi hoạt động buôn bán cà phê là không ai trong số các thương lái số hóa hồ sơ mua bán và thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc.


 

Liệu ngành cà phê có thể đáp ứng được những yêu cầu này?

 

Nút thắt nông hộ nhỏ

 

Chúng ta phải quay trở lại đặc điểm rất phức tạp của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam. Đặc trưng của canh tác cà phê ở Việt Nam là phụ thuộc vào các nông hộ nhỏ, với quy mô trang trại cà phê trung bình chỉ khoảng 1 ha, năng suất 2,5 tấn/ha5. Do đó, để cà phê tới được thị trường, các thương lái trung gian đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cà phê, với hơn 90% nông dân chọn bán cà phê cho thương lái. Ở Việt Nam có khoảng 3.000 thương lái trung gian, trung bình mỗi thương lái mua khoảng 30.000 tấn cà phê6. Mỗi nông dân có thể bán cho nhiều trung gian và ngược lại, một trung gian có thể mua cà phê từ hàng nghìn nông dân. Có một điểm chung lớn nhất cho chuỗi hoạt động buôn bán này là không ai trong số các thương lái số hóa hồ sơ mua bán và thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc.

 

Việc thiếu các công cụ theo dõi đặt ra thách thức cho việc truy xuất nguồn gốc. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thuộc top đầu thế giới với sản lượng lên tới 1,6-1,8 triệu tấn mỗi niên vụ gần đây, nhưng sản lượng này chủ yếu của các nông hộ nhỏ, với 95% trang trại cà phê là của các nông hộ nhỏ – hiện nay có khoảng 640.000 trang trại nhỏ7.

 

Làm thế nào để tất cả hơn sáu trăm nghìn nông hộ trồng cà phê trên khắp Việt Nam hiểu về truy xuất nguồn gốc, về định vị GPS chỉ trong vòng chưa đầy bảy tháng nữa?

 

May mắn là gần 1/3 trang trại cà phê Việt Nam đã được cấp chứng nhận sản xuất cà phê bền vững (theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)8, nghĩa là đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững. Tuy nhiên, ngay cả với các trang trại đã được cấp chứng nhận, điều đó cũng không có nghĩa là các trang trại này đã đáp ứng được các yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo quy định của EUDR. Hiện tại, hơn 30 tổ chức đang nỗ lực tìm giải pháp để đáp ứng các quy định của EUDR, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đề xuất giải pháp nào rõ ràng, đi cùng với khung thời gian cụ thể, cũng như vẫn còn câu hỏi về tính khả thi của các đề xuất giải pháp đó. Theo ước tính của Rainforest Alliance, để tuân thủ các yêu cầu EUDR sẽ cần tới nỗ lực của 416 nhân viên làm việc trong một năm để hỗ trợ tất cả các nông hộ nhỏ ở Việt Nam9. Đặc biệt ở cấp độ trang trại, thật khó để khẳng định trang trại bền vững 100% và không có nguồn gốc từ đất phá rừng.

 

Đâu là giải pháp hợp lý hơn cho nông hộ để đáp ứng với yêu cầu của EUDR?

 

Một giải pháp hợp lý hơn cho nông hộ nhỏ

 

Việc tổ chức truy xuất nguồn gốc ở từng trang trại với tất cả hơn 640.000 trang trại nhỏ trong thời gian ngắn là không khả thi. Tuy nhiên các tiến bộ công nghệ ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây có thể hữu dụng. Sử dụng công nghệ giải đoán ảnh vệ tinh, dán nhãn các loại cây trồng trên bản đồ sử dụng đất, kết hợp đối chiếu với bản đồ mô tả độ che phủ rừng tính đến ngày 31/12/2020, chúng ta vẫn có thể có giải pháp khoanh vùng trồng chính xác cho từng loại cây. Trong một số trường hợp sau khi khoanh vùng trồng bằng bản đồ vệ tinh, dán nhãn các loại cây trồng vẫn chưa đủ khẳng định chính xác nguồn gốc cây trồng, có thể kết hợp tiến hành khảo sát tại chỗ để xác thực nguồn gốc đất trồng cà phê của nông hộ.

 

Đây chính là đề xuất của chúng tôi để đảm bảo xác minh đất trồng cà phê ở Việt Nam không có nguồn gốc từ đất phá rừng.

Ảnh vệ tinh xác định rừng/cây trồng ở các độ phân giải 30x30m, 10 x 10m và 0,5 x 0,5m, bên phải là rừng, bên trái là cọ dầu. Nguồn: Enveritas

 

Là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận và giám định thông tin về nguồn gốc và chuỗi cung ứng các nông sản, đặc biệt là trong chuỗi sản xuất cà phê, Enveritas đặt mục tiêu hỗ trợ tạo dựng tương lai bền vững cho nông dân trồng cà phê và ca cao. Để hỗ trợ nông dân ở các nước đang phát triển bắt kịp các tiêu chuẩn về sản xuất cà phê bền vững, từ năm năm trước, trước khi EUDR được ban hành, chúng tôi đã tiến hành thu thập các dữ liệu về đặc thù canh tác các nông sản như cà phê và ca cao, cũng như các thông tin liên quan đến vị trí, nguồn gốc mảnh vườn trồng cà phê ở hầu hết các nước sản xuất cà phê trên thế giới.

 

Để đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của chuỗi cà phê bền vững, chúng tôi tin rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu sản xuất sẽ giúp các nông hộ nhỏ tuân thủ yêu cầu về thực hành sản xuất bền vững.

 

Với Việt Nam, trong bối cảnh chuỗi cà phê có đặc trưng chi phối là sản xuất của nông hộ nhỏ, chúng tôi đề xuất một giải pháp công nghệ là sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để khoanh vùng các diện tích trồng cà phê, đồng thời sử dụng thuật toán học máy để phân tích hình ảnh và xác định các hộ trồng cà phê. Sau đó chúng tôi chọn mẫu ngẫu nhiên các hộ trồng cà phê để thu thập thông tin về nhiều khía cạnh khác nhau của việc canh tác cà phê, bao gồm các yếu tố xã hội, môi trường và kinh tế để xác minh về tính bền vững trong canh tác cà phê, và cả nguồn gốc đất trồng cà phê liên quan đến chặt phá rừng từ năm 2005. Chúng tôi thực hiện gần 7.000 cuộc phỏng vấn nông dân trồng cà phê mỗi năm, từ năm 2018 đến nay.

 

Kể từ năm 2023, trước khi quy định EUDR được chính thức ban hành, Enveritas đã tiến hành nghiên cứu các phương pháp phát hiện các lô đất có nguồn gốc phá rừng nhằm đáp ứng yêu cầu EUDR. Sau khi chụp ảnh vệ tinh toàn bộ các khu vực trồng cà phê, đối chiếu với dữ liệu về độ che phủ rừng đến 2020, chúng tôi xây dựng được hệ thống bản đồ hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng phá rừng. Đồng thời, Enveritas sử dụng công nghệ mạng neuron thần kinh nhân tạo tiên tiến để phân loại vùng trồng, kết hợp với đi khảo sát thực địa để theo dõi chi tiết các diện tích phá rừng. Ngoài việc xây dựng bản đồ cho cây cà phê, Enveritas còn lập bản đồ các loại cây trồng khác như ca cao, cao su và cọ dầu – những loại cây tới đây cũng phải đáp ứng yêu cầu của EUDR mới được xuất khẩu vào châu Âu.

 

Để đảm bảo tính chính xác của bản đồ hiện trạng trồng cà phê, chúng tôi sử dụng hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao – trong khi các hệ thống thông thường thường dựa vào độ phân giải 30 mét hoặc 10 mét thì Enveritas sử dụng hình ảnh có độ phân giải tốt tới 0,5 m. Độ phân giải hình ảnh vượt trội này giúp tăng cường độ chính xác (xem hình 2). Sau đó, chúng tôi sử dụng mô hình máy học để phát hiện cây trồng, mô hình học máy này được đào tạo bằng dữ liệu bản đồ, tọa độ GPS và đa giác mà chúng tôi thu thập được trong quá trình xác minh thực tế hằng năm, với sự tư vấn chặt chẽ của các chuyên gia lâm nghiệp và hệ thống thông tin địa lý (GIS). Mô hình máy học được đào tạo với dữ liệu hình ảnh trồng cà phê trên toàn Việt Nam, có tính đến các yếu tố môi trường (nên có độ chính xác cao, có thể phân biệt chính xác ranh giới trồng cà phê. Riêng với những trường hợp hình ảnh cây trồng khó phát hiện, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thực tế mảnh vườn (xem hình 3).

Giải pháp của chúng tôi vừa có hình ảnh độ phân giải cao, vừa kiểm tra và xác minh độ chính xác của dữ liệu thu thập bằng cách so sánh với các nguồn thông tin đáng tin cậy hoặc xác minh thực tế (ground truthing feedback loop). Nếu thiếu quy trình xác minh này, hệ thống nhận diện sẽ kém chính xác hơn. Trong hình một lô đất bị xác minh nhầm là phá rừng từ ảnh vệ tinh, thực ra là một hoạt động canh tác cà phê – tái canh. Nguồn: Enveritas.

 

Nhờ hình ảnh phân giải cao, bản đồ chính xác hơn nên chúng tôi cũng phân lập được diện tích phá rừng chính xác hơn các cách phân loại khác hiện nay. Chẳng hạn, dữ liệu từ Google cho rằng diện tích phá rừng ở Việt Nam vào năm 2021 lên tới 1.000.000 ha, hay dữ liệu của Global Forest Watch báo cáo diện tích phá rừng vào cùng thời điểm vào khoảng 192.000 ha. Tuy nhiên, phát hiện của Enveritas cho thấy diện tích phá rừng thấp hơn đáng kể so với những ước tính đó (khoảng dưới 100.000 ha) và phần lớn diện tích phá rừng đó nằm ngoài các vùng trồng cà phê. Riêng đối với diện tích trồng cà phê hiện nay, bản đồ của chúng tôi cho thấy rằng chưa đến 0,1% trong số 640.000 trang trại cà phê có mùa vụ trong năm nay của Việt Nam có nguồn gốc liên quan tới phá rừng.

 

Bản đồ càng có tính chính xác cao hơn thì càng giúp đo lường diện tích trồng cà phê chính xác hơn và đảm bảo nông hộ trồng cà phê không bị phạt oan. Vì thế trong thời gian tới Enveritas sẽ tiếp tục tinh chỉnh và cải thiện các tiêu chuẩn lập bản đồ để bảo vệ sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ.

 

Xây dựng cơ chế hợp tác giữa các bên

 

Như vậy, thay vì các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các công ty đến từng vườn cà phê để đánh dấu điểm GPS và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng trang trại, thì giải pháp của Enveritas giúp xác định tất cả các diện tích trồng cà phê và phát hiện ra diện tích có liên quan đến nạn phá rừng, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi đất này trở lại đất rừng hoặc cây trồng phù hợp. Cách tiếp cận này cho phép Việt Nam và cũng như các quốc gia xuất khẩu cà phê khác chứng minh rằng toàn bộ diện tích cà phê của mình không xuất phát từ đất phá rừng.

 

Hình ảnh xác minh thực địa (ground truth) cho những vị trí mà ảnh vệ tinh không rõ. Nguồn: Enveritas.

 

Song song với nghiên cứu giải pháp này ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và ký kết các thỏa thuận với một số chính phủ các nước như Papua New Guinea, Uganda, Rwanda, và Tanzania (và một số nước khác đang trong quá trình ký kết) để thực hiện cách tiếp cận này chứng minh nguồn gốc cà phê của từng nước. Các cơ quan quản lý ở Việt Nam cũng có thể sử dụng hệ thống của Enveritas để chứng minh nguồn gốc đất trồng cà phê, khoanh vùng số ít diện tích cà phê có liên quan tới phá rừng và thực hiện các hành động khắc phục cần thiết, chứng minh với các công ty có trách nhiệm pháp lý cho việc thực hiện qui định EUDR và các nhà nhập khẩu cà phê của EU việc cà phê Việt Nam đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu.

 

Để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng cà phê. Về phía chính phủ, cần có sự cam kết của chính phủ trong việc chỉ đạo loại bỏ cà phê trên diện tích có nguồn gốc phá rừng sau tháng 12/2020 và có chỉ thị cho các cấp từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã giám sát các hoạt động tái trồng rừng.

 

Sau hơn một năm xây dựng và đánh giá tính chính xác của giải pháp, hiện nay mô hình và bản đồ của Enveritas đã sẵn sàng đưa vào sử dụng. Nếu chính phủ và các cơ quan quản lý ở Việt Nam tiếp nhận mô hình của chúng tôi thì có thể xác định diện tích cà phê hiện nay, cũng như các tọa độ cụ thể và công cụ nhận dạng các lô cà phê không đáp ứng yêu cầu của EUDR. Sau khi khắc phục hậu quả bằng cách tái trồng rừng ở các diện tích trồng cà phê trên đất phá rừng, Enveritas cũng có thể xác minh việc khắc phục hậu quả thông qua giám sát từ xa và cấp chứng chỉ tuân thủ cho người vận hành. Chúng tôi cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý nên yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức xuất nhập khẩu cà phê (operators) chịu mọi chi phí phát sinh từ việc khắc phục các lô cà phê trồng trên đất phá rừng, hỗ trợ nông dân tuân thủ các chỉ thị về khôi phục đất rừng và hỗ trợ các nỗ lực trồng lại rừng – như một phần của cam kết thu mua cà phê có trách nhiệm/bền vững.

 

Với đặc thù của diện tích trồng cà phê hầu hết là nông trại nhỏ ở Việt Nam, chúng tôi tin rằng cách tiếp cận mới này là giải pháp phù hợp nhất, giúp hỗ trợ chuỗi cà phê Việt Nam tuân thủ EUDR, mà không làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho chính phủ hay nông dân và đảm bảo nông hộ sản xuất nhỏ không bị loại ra khỏi cuộc đua đáp ứng các tiêu chuẩn mới của châu Âu. □

 

Theo Tia Sáng

*Các tác giả là chuyên gia của Enveritas.
Enveritas là một tổ chức phi lợi nhuận vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong ngành cà phê toàn cầu. Hằng năm Enveritas thu thập dữ liệu về tính bền vững trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, đặc biệt là cà phê và ca cao ở hơn 25 nước trên toàn thế giới, từ đó đề xuất các chương trình, dự án cải thiện tính bền vững trong nông nghiệp.
Enveritas được thành lập vào năm 2016 và có trụ sở chính tại Mỹ, văn phòng đại diện khu vực châu Á đặt ở Jakarta.

 

Trở lại      In      Số lần xem: 65

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD