Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  15
 Số lượt truy cập :  33459277
Thị trường đường năm 2015 và dự báo năm 2016
Thứ tư, 03-02-2016 | 12:08:50

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

 

1. Diễn biến giá đường năm 2015

 

Giá đường thế giới giảm trong 3 quý đầu năm và tăng trở lại bắt đầu từ tháng 10 sau khi nhiều dự báo đưa ra thâm hụt đường thế giới. Giá đường tiếp tục duy trì ở mức cao bởi lo ngại sản lượng đường sụt giảm ở các nước sản xuất chính.

 

Đường thô kỳ hạn giao tháng 3 trên sàn ICE tại New York ngày 18/12 đóng cửa ở 15,10 Uscent/lb, giá này cao hơn mức thấp 7 năm tại 10,37 cent/lb chạm tới hôm 10/8. Như vậy so với đầu năm 2015 giá đường thô đã tăng từ 14,87 cent/lb. Còn so với mức giá cao nhất trong năm 2014 đạt đỉnh đầu tháng 3 là 18,47 cent/lb thì giá đường thô vẫn giảm 18%.

 

Hợp đồng đường trắng giao tháng 3 tại sàn giao dịch LIFFE (London) ngày 18/12 đóng cửa ở 417,70  tăng 13,3 USD so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm trước ở mức 391,2 USD/tấn thì giá đường trắng đã tăng 26,5 USD/tấn.

 

Hình 1: Giá đường thô tại New York kỳ hạn giao tháng 3

ĐVT: US Cent/lb

Nguồn: ino.com

 

Những nguyên nhân dẫn đến giá đường thế giới tăng trở lại

 

- Các dự báo suy giảm sản lượng đường toàn cầu khiến thị trường đường thế giới điều chỉnh tăng mạnh.

- Tổ chức đường thế giới (ISO) dự đoán sau 5 năm dư thừa đường, nhu cầu tiêu thụ sẽ vượt sản xuất trong vụ 2015/2016 và thâm hụt sẽ tăng mạnh trong vụ tiếp theo.

- Nhu cầu ethanol tại thị trường Brazil cũng gia tăng mạnh mẽ khiến gia tăng lo ngại sản lượng đường nước này suy giảm.

Trên sàn ZCE- Trung Quốc, giá đường trắng hợp đồng giao tháng 1 lên mức 5.489 NDT/tấn, tăng 250 NDT/tấn so với tháng 10. Hợp đồng giao tháng 3 tăng mạnh lên mức 5.620 NDT/tấn.

Giá đường kỳ hạn tiếp tục đi lên do lo ngại suy giảm sản lượng đường trong nước cũng như toàn cầu do ảnh hưởng của El Nino.

Tại thị trường Côn Minh, giá đường ngày 18/12 giao dịch tại 4.950 NDT/tấn, tăng so với mức giá 4.900 NDT/tấn vào tháng trước.

 

2. Dự báo nguồn cung và tiêu thụ trên thế giới

 

Thị trường đường thế giới có thể thiếu hụt tới 5,6 triệu tấn do El Nino

 

Thị trường thế giới sẽ thiếu nhiều đường hơn so với tất cả những dự báo trước đây bởi El Nino mạnh nhất trong vòng gần 2 thập kỷ đang ảnh hưởng tới sản lượng của nhiều quốc gia, từ Ấn Độ đến Trung Quốc.

 

Các chuyên gia hàng hóa của Green Pool – trụ sở ở Brisbane, Australia - nhận định, nguồn cung đường sẽ thiếu hụt 5,6 triệu tấn so với nhu cầu trong niên vụ 2015/16, cao hơn nhiều so với con số 4,61 triệu tấn dự báo hồi tháng 8, và sẽ là năm đầu tiên thiếu hụt trong vòng 6 năm trở lại đây.

 

Green Pool dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2015/16 sẽ ở mức 177,267 triệu tấn. Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng đều cảnh báo về khả năng sẽ thiếu cung trên thị trường đường.

 

El Nino, đã gây ra thời tiết khô hạn ở nhiều nơi thuộc châu Á, và mưa quá lớn ở Nam Mỹ. Thời tiết xấu sẽ làm giảm sản lượng ở Trung Mỹ và Nam Á, đặc biệt ở Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới.

 

Theo Green Pool, sản lượng của Ấn Độ sẽ chỉ đạt khoảng 26,5 triệu tấn, giảm so với 27,3 triệu tấn dự báo trước đây do lượng mưa trong năm nay giảm mạnh so với mọi năm. Giá đường tại Ấn Độ đã tăng từ mức 2.307 rupee/tạ hồi đầu tháng 8 lên 2.856 rupee hiện nay.

 

Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, sẽ thu hoạch 595 triệu tấn mía, tăng 4,2% so với niên vụ trước, nhưng sản lượng đường sẽ giảm gần 4% xuống 30,8 triệu tấn bởi các nhà máy sử dụng nhiều mía hơn để chế biến ethanol. Nhu cầu ethanol hàng ngày ở quốc gia này hiện đạt vượt cả mức cao kỷ lục của năm 2009. Tiêu thụ ethanol đã tăng 45% trong 8 tháng đầu năm nay. Chỉ riêng trong tháng 8, tiêu thụ tăng 56%. Quốc gia này đã phải thay đổi chính sách nhập khẩu nhiên liệu và khuyến khích sản xuất ethanol từ mía để pha trộn với xăng, do đồng nội tệ (real) giảm giá mạnh (giảm trên 30% trong vòng 2 tháng qua).

 

ISO nâng dự báo thiếu hụt đường toàn cầu niên vụ 2015/16

 

Tổ chức đường quốc tế ISO đã năng dự báo thiếu hụt đường toàn cầu niên vụ 2015/16 và cho biết sự thiếu hụt này có thể tăng cường trong vụ tới.

 

Trong báo cáo hàng quý mới nhất, ISO trụ sở tại London đã nâng dự báo thiếu hụt đường niên vụ 2015/16 thành 3,5 triệu tấn so với dự báo trước là 2,5 triệu tấn. Chủ yếu phản ánh sụt giảm đáng kể của các dự án sản xuất ở Ấn Độ, EU và Ukraine. ISO cho biết thiếu hụt có thể giảm lượng đường tồn kho.

 

Dự báo niên vụ 2016/17, mức tăng sản lượng toàn cầu theo năm niên vụ bị hạn chế, trong khi tiêu thụ toàn cầu có thể tăng khoảng 3 triệu tấn. Dẫn tới kết quả, thiếu hụt khoảng 6 triệu tấn là sớm xảy ra, báo trước giai đoạn thiếu hụt đường thế giới tiếp tục ít nhất một mùa nữa.

 

Lượng đường tiêu thụ của Trung Quốc dự báo tăng mạnh hơn sản xuất và nhập khẩu năm 2015/16, Tom McNeill, giám đốc Công ty phân tích thị trường hàng hóa Green Pool Commodity Specialists (Australia) cho biết ngày 17/11.

 

Trung Quốc là nước nhập khẩu đường thô hàng đầu thế giới."Sản xuất đường giảm xuống trong khi tiêu thụ dự báo tăng trưởng," McNeill nói trong hội thảo công nghiệp. Dự báo thâm hụt đường hơn 6 triệu tấn. Lượng đường tiêu thụ của Trung Quốc được dự kiến ​​sẽ tăng lên 15,4 triệu tấn trong năm 2015/16 từ 15,2 triệu 2014/15.

 

Sản lượng đường được dự báo sẽ giảm xuống còn 9,3 triệu tấn trong năm 2015/16 từ 10,6 triệu tấn năm 2014/15.

 

Nhập khẩu vào Trung Quốc được dự kiến ​​sẽ giảm còn 5,3 triệu tấn trong năm 2015/16 từ 5,7 triệu trong 2014/15.

 

Lượng đường nhập lậu vào Trung Quốc dự báo lên đến 1 triệu tấn năm 2015.

 

Tồn cuối năm ước tính đạt 10 triệu tấn trong năm 2015/16, so với 10,9 triệu tấn trong năm 2014/15.

 

Chủ tịch Hiệp hội đường Indônêsia cho biết: Nhập khẩu đường thô của Indonêsia dự báo sẽ tăng 5% trong năm 2016, lên 3,25 triệu tấn tăng từ 3,1 triệu tấn trong năm 2015.

 

Khoảng 70% hàng nhập khẩu của năm nay đã được thực hiện, phần còn lại sẽ thực hiện đến cuối năm nay.

 

Ngành mía đường của Indonesia được chia làm hai và được kiểm soát chặt chẽ. Hộ gia đình, bán lẻ và nhỏ đến trung bình của các doanh nghiệp dựa vào đường trắng trong nước được cung cấp bởi một mạng lưới các nhà máy cũ, trong khi nhà máy tinh luyện đường hiện đại cung cấp cho ngành thực phẩm và nước giải khát có quy mô lớn chủ yếu nhập từ Brazil, Thái Lan và Úc.

 

Bộ Thương mại Indonêsia cho biết sẽ duy trì thuế nhập khẩu ở mức 5% để bảo vệ sản xuất trong nước.

 

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ ra ngày 19/11, sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2015/16 sẽ giảm 3 triệu tấn xuống mức 172,146 triệu tấn, giảm ở Brazil, Ấn Độ, liên minh EU và Ukraine; trong khi sản lượng đường tăng ở Australia, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tiêu thụ được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 172,768 triệu tấn, tồn kho giảm 4 triệu tấn, còn 39,598 triệu tấn. Nhập khẩu đường toàn cầu dự kiến sẽ lên mức kỷ lục 521,161 triệu tấn.

 

Bảng 1: Sản lượng và tiêu thụ đường thế giới

ĐVT: triệu tấn

 

Niên vụ 2013/2014

Niên vụ 2014/2015

Dự báo niên vụ 2015/2016

Sản lượng

175,563

174,308

172,146

Nhập khẩu

51,301

51,551

52,161

Xuất khẩu

57,529

54,155

54,695

Tiêu thụ

167,724

170,600

172,768

Tồn kho

43,620

42,215

39,598

Nguồn:USDA

 

Dự báo sản lượng đường của Brazil sẽ giảm 950.000 tấn, xuống 35 triệu tấn. Dự báo 59% của cây mía để sản xuất ethanol.

 

Lượng đường tiêu thụ thấp do suy thoái kinh tế đã làm giảm doanh số bán hàng của các mặt hàng thực phẩm chế biến. Xuất khẩu dự báo giảm 200.000 tấn xuống 23,8 triệu tấn.

 

Sản lượng đường Ấn Độ dự báo giảm 1,7 triệu tấn xuống 28,5 triệu tấn do năng suất thấp. Tiêu thụ lên mức kỷ lục 28 triệu tấn. Xuất khẩu tăng 75.000 tấn lên 2,5 triệu tấn. Ấn Độ là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới và tiêu thụ đường lớn nhất thế giới.

 

Dự báo sản lượng đường Thái Lan ở mức 10,8 triệu tấn do diện tích tăng thêm được bù đắp do hạn hán đã làm giảm năng suất, với một lượng mía được chuyển sang sản xuất ethanol như năm trước đó. Xuất khẩu dự báo lên mức kỷ lục 8,8 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu cao từ các thị trường như Trung Quốc và Sudan. Tiêu thụ tiếp tục tăng cao từ các ngành công nghiệp thực phẩm và nước giải khát chế biến.

 

Trung Quốc là nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới, dự báo tăng 1,5 triệu tấn lên 5,8 triệu tấn niên vụ 2015/2016. Sản lượng đường Trung Quốc dự báo ở mức 10,6 triệu tấn, giảm 400.000 tấn do diện tích giảm bởi chi phí sản xuất tăng.

 

Hình 2: Sản lượng đường Trung Quốc

ĐVT: triệu tấn

Nguồn: USDA

 

Sản lượng đường của EU dự báo ở mức 16,1 triệu tấn, giảm 650.000 tấn trên diện tích củ cải đường. Tiêu thụ tiếp tục xu hướng cao, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 200.000 tấn lên 2,8 triệu tấn. Xuất khẩu dự kiến 1,5 triệu tấn do giới hạn của WTO.

 

Cơ quan Quản lý Đường Philippines (SRA) cho biết Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu đường vào năm 2016, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong nước do thời tiết khô hạn bởi hiện tượng thời tiết El Nino khiến sản lượng mía sụt giảm. Lượng nhập khẩu đường thô trong năm 2016 của Philippines có thể đạt tới 169.385 tấn.

 

Xu hướng chuyển sang nhập khẩu đường của các nước Đông Nam Á có thể hỗ trợ cho giá đường thế giới, trong bối cảnh thị trường dự báo nguồn cung sẽ thiếu hụt trong niên vụ 2015-2016 này.

 

SRA hạ dự báo sản lượng đường thô trong nước niên vụ 2015-2016 (bắt đầu từ 1/9/2015) xuống 2,22 triệu tấn, so với mức 2,27 triệu tấn, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước ước vào khoảng 2,25 triệu tấn.

 

Philippines là nước sản xuất đường lớn thứ tám thế giới và là nước có hạn ngạch xuất khẩu lớn thứ ba vào Mỹ, với số lượng hàng năm là 135.508 tấn.

 

II. THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC                    

 

1. Diễn biến giá đường năm 2015

 

Giá đường trong năm 2015 trong xu hướng tăng dần, bắt đầu từ cuối tháng 2 sau Tết Ất mùi tăng dần đến tháng 11 và ổn định vào cuối năm. Tính chung trong năm 2015, giá đường bán buôn tại các nhà máy đã tăng từ 2.500- 2.700 đồng/kg.

 

Đến cuối năm giá bán đường ở các nhà máy đường Nước Trong, Bến Tre tăng lên mức 14.400 đồng/kg; nhà máy đường Sóc Trăng bán ra ở mức 14.300 đồng/kg, đường HAGL nhập từ Lào bán tại nhà máy là 13.500 đồng/kg, giá bán tại thị trường miền Nam là 14.400 đồng/kg.

 

Tại miền Bắc, hầu hết các nhà máy đã hết đường vụ cũ, đường của các nhà máy Quảng Ngãi, Kon Tum, Ninh Hòa được chuyển ra tiêu thụ trên thị trường dao động từ 14.700-14.800 đồng/kg.

 

Tại thị trường miền Trung, các nhà máy cũng đã hết đường vụ 2014-2015. Hiện đường RS loại 1 bán ra của nhà máy đường Kon Tum và Gia Lai ở mức lần lượt 13.500 đồng/kg và 13.900 đồng/kg (giá tại nhà máy).

 

Bảng 2: Giá đường năm 2015

ĐVT:đ/kg

Loại đường

Thị trường

Ngày 20/1 (Giá bán buôn)

Ngày 20/12 (Giá bán buôn)

Đường kính trắng (RS)

miền Bắc

12.000-12.400 đồng/kg

14.700-14.800 đồng/kg

Đường kính trắng (RS)

miền Trung

12.000-12.400 đồng/kg

13.500-14.000 đồng/kg

Đường kính trắng (RS)

TP.Hồ Chí Minh

12.300-12.500 đồng/kg

14.400-14.800 đồng/kg

Đường RE

 

14.000-14.500 đồng/kg

16.400-16.800 đồng/kg

Nguồn: Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp    

 

Những nguyên nhân dẫn đến giá đường trong nước tăng

 

-         Do hàng nhập lậu được kiểm soát một thời gian dài, nguồn cung đường giảm.

-         Lượng đường tồn kho tại các nhà máy thấp.

-         Tình hình tiêu thụ đường trong nước tốt giúp hỗ trợ giá đường đi lên

 

Giá thu mua mía nguyên liệu trong năm 2015 cũng tăng. Công ty Mía đường Trà Vinh cuối năm 2015 thu mua trên 1.000 đồng/kg (mía đạt 10 chữ đường). Đây là giá mía cao nhất trong vòng 4 năm qua, giúp nông dân trồng mía thu được lợi nhuận hơn 30 triệu đồng /ha. 

 

Theo công bố giá của Công ty cổ phần đường Biên Hòa (TP.Biên Hòa), Công ty cổ phần mía đường La Ngà (Huyện Đình Quán), giá thu mua mía tại ruộng loại 10 chữ đường từ 940- 950 ngàn đồng/tấn. Nếu tính thêm khoản trợ giá khác, giá mía tại các nhà máy chế biến đạt gần 1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn niên vụ năm ngoái 100 ngàn đồng/tấn. Nhiều vùng trồng mía hứa hẹn năng suất cao hơn niên vụ trước.

 

2.Cung- cầu

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ sản xuất 2014 - 2015, các nhà máy đường trên cả nước ép được 14.410.600 tấn mía, sản xuất được 1.416.980 tấn đường. Vụ 2015-2016 mục tiêu đề ra: Tổng diện tích các nhà máy ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 257.546 ha. Sản lượng các nhà máy ép khoảng 15,7 triệu tấn, dự kiến đạt 1,56 triệu tấn đường, trong đó đường luyện đạt 750.000 tấn.

 

Tồn kho đường đến 4/12/2015 tại các nhà máy đường thuộc Hiệp hội là 30.987 tấn, giảm 7.420 tấn so với tháng trước. Tồn kho tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 3.013 tấn, giảm 4.752 tấn so với tháng trước.

 

Vụ sản xuất 2015 - 2016, các nhà máy ép mía dự kiến đạt 1,56 triệu tấn đường, trong đó đường luyện là 750.000 tấn. Nguồn cung đạt 1,881 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,6 triệu tấn, cung vượt cầu khoảng 281.000 tấn. Đó là chưa kể lượng đường sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập về Việt Nam với thuế suất 2,5%. 

 

Bảng 3: Thống kê và dự báo cung- cầu đường

ĐVT: tấn

Niên vụ

Sản xuất

Nhập khẩu

Tiêu thụ

2012-2013

1.500.000

70.000

1.300.000

2013-2014

1.587.000

73.500

1.450.000

2014-2015

1.417.800

77.200

1.400.000

Dự báo 2015-2016

1.560.000

 

1.600.000

Nguồn: VSSA

 

3. Xuất, nhập khẩu

 

Theo số liệu của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu đường 10 tháng đầu năm 2015 đạt 58,8 triệu USD, giảm 49,2% hay giảm 56,7 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trung quốc cấm biên vào cuối tháng 10 và tồn kho đường trong nước không còn nhiều, giá xuất khẩu thấp hơn giá đường trong nước khiến xuất khẩu ngừng trệ.

 

Từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc tiếp tục trầm lắng, hàng đường tạm nhập tái xuất vẫn đang tồn đọng.

 

Trung quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính. Vì vậy, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nên tích cực tìm biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu đường của Việt Nam để không quá phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

 

Bộ Công Thương cũng đang khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường sang nhiều thị trường khác với điều kiện việc xuất khẩu này đảm bảo đúng với cam kết song phương, tuân thủ các cam kết của quốc tế, cam kết xuất nhập khẩu giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Nhập khẩu đường năm 2015 tăng mạnh so với năm ngoái. Trong đó nhập khẩu cho thấy tăng rõ rệt kể từ tháng 6/2015 do ngoài lượng đường nhập từ Thái Lan còn có đường HAGL nhập từ Lào về.

 

4. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)- tạo cơ hội cho ngành đường Việt Nam

 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không những không quá ảnh hưởng đến ngành đường Việt Nam mà còn mở ra cơ hội thâm nhập và xuất khẩu sang các nước có nền kinh tế phát triển với giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần tại thị trường nội địa.

 

Các quốc gia thành viên TPP sẽ từng bước dỡ bỏ hàng rào thuế quan để sản phẩm đường từng bước được tự do lưu thông và đồng thời mở ra cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu thâm nhập các thị trường cấp cao như Mỹ, Nhật Bản, Canada...

 

Theo cam kết TPP, Chính phủ Mỹ sẽ thiết lập hạn mức (TRQs) 86.300 tấn đối với sản phẩm đường và các sản phẩm chứa đường từ các quốc gia Úc, Canada, Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản. Nhật Bản cũng sẽ giảm mức thuế cao áp dụng cho sản phẩm có độ ngọt cao (high polarity sugar), sẽ ngay lập tức loại bỏ thuế quan 9% đối với một số dòng sản phẩm và thuế quan còn lại sẽ dần được loại bỏ trong vòng 11 năm, đồng thời hầu hết các loại mật rỉ từ mía sẽ được loại bỏ ngay lập tức.

 

Bảng 4: Nhu cầu nhập khẩu đường của các quốc gia thành viên TPP

Đơn vị: triệu tấn

STT

Quốc gia

Sản lượng nội địa

Nhu cầu nội địa

Nhập khẩu

1

Mỹ

7,7

10,873

3,5

2

Canađa

638

1,838

1,2

3

Mexico

6,36

4,505

-

4

Peru

1,24

1,13

-

5

Chile

290

0,81

0,52

6

Úc

4,7

1,2

-

7

Nhật Bản

n/a

2,139

1,39

8

Malaysia

n/a

1,74

2,1

9

Việt Nam

1,5

1,5

0,85

10

Sigapore

n/a

0,28

0,28

 

Tổng

22,428

26,015

8,99

Nguồn: Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp    

 

Nhu cầu đường nhập khẩu từ các quốc gia thành viên TPP lên đến xấp xỉ 9 triệu tấn/năm, cùng với việc hàng rào thuế quan sẽ từng bước được dỡ bỏ (mặc dù sẽ còn một số vướng mắc về tiêu chuẩn kỹ thuật tại các quốc gia) sẽ là cơ hội cho ngành đường Việt Nam thâm nhập thị trường các quốc gia phát triển theo các chế độ ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt là đối với phân khúc sản phẩm đường phục vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, bởi hầu hết giá đường tiêu thụ nội địa tại các quốc gia hiện đang được trợ giá dưới nhiều hình thức và duy trì ở mức bình quân rất cao như: Mỹ 1,5 đô la Mỹ/ki lô gam, Nhật Bản 1,8 đô la Mỹ/ ki lô gam, Canada 1,4 đô la Mỹ/ki lô gam...

 

Cần xúc tiến công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tìm kiếm phân khúc thị trường ngách mà ngành đường Việt Nam có lợi thế riêng để thâm nhập thị trường các nước. Ví dụ, sản phẩm đường hữu cơ sạch (organic sugar) hiện có giá trị gia tăng rất cao so với sản phẩm đường truyền thống (tại Mỹ có giá 5.5 đô la Mỹ/ki lô gam) hay như các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành đường: bio-plastic, hóa chất mỹ phẩm, men vi sinh chiết xuất từ mật rỉ...

 

III. DỰ BÁO GIÁ

 

Tổ chức đường thế giới (ISO) dự đoán sau 5 năm dư thừa đường, nhu cầu tiêu thụ sẽ vượt sản xuất trong vụ 2015/2016 và thâm hụt sẽ còn tăng mạnh lên 6,2 triệu tấn trong vụ tiếp theo. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo sản lượng đường suy giảm tại Ấn Độ và Thái Lan do diện tích mía suy giảm và ảnh hưởng của El Nino. Do vậy, giá đường thế giới được dự báo còn tiếp tục tăng.

 

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 12 hầu hết các nhà máy đường sẽ vào vụ, chỉ còn 1-2 nhà máy đường ở duyên hải Nam trung Bộ sẽ vào vụ đầu tháng 1/2016. Hiệp hội mía đường ước tính sản lượng tháng 12 đạt 150.000 tấn.

 

Mặc dù công tác chuẩn bị cho Tết nguyên đán đã bắt đầu nhưng giá đường không tăng do gần như toàn bộ các nhà máy đường sẽ vào vụ trong tháng 12, cao điểm thu hoạch và xuất khẩu tiểu ngạch ngừng trệ do giá xuất khẩu thấp và đường tạm nhập tái xuất giá rẻ. Thêm vào đó, trong tháng 12 đường nhập khẩu hạn ngạch 2015 về nhiều nên giá đường trong nước khó tăng trong thời gian tới.

 

Theo Nhanhieuviet.

Trở lại      In      Số lần xem: 5746

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD